Tùng về đến bờ sông Thạch Hãn thì mặt trời đã khuất hẳn phía bên kia của dãy núi Mai Lĩnh. Không gian như ngưng lại êm ả, bóng chiều mờ sương, những tia sáng rụt rè, yếu ớt hắt lên những đám mây lơ lửng cuối trời hồng nhạt rồi nhoà dần. Tùng thẫn thờ nhìn dòng sông, thăm thẳm dõi theo những khóm hoa lục bình tím dập dờn trôi trên sóng nước; gió hiu hiu thổi lất phất mái tóc pha sương xoã xuống vầng trán rộng rồi mơn man lên da thịt, một cảm giác xốn xang, rạo rực, chờ mong ùa dâng lên trong anh. Hương ơi! Anh lại về với sông quê, về với bến cũ. Bao nhiêu lần rồi anh không còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng mỗi lần trở về là mỗi lần anh chất chứa, chở nặng thêm niềm khát khao, hy vọng, đợi chờ... Đất nước thống nhất đã ba mươi lăm năm rồi. Khoảng thời gian ấy có biết bao đổi thay trong cuộc đời mỗi con người, vậy mà anh và em vẫn cứ phải đi tìm nhau trong cách xa biền biệt. Hương à! Anh vẫn nghe thì thào đâu đó trong gió, trong sóng nước xôn xao, lời em thủa nào: “... Em sẽ chờ anh ngày chiến thắng, ngày ấy em đi bộ chưa đầy một cây số là tới đây thôi, chỉ sợ anh chê con gái Quảng Trị đen đúa, xấu xí ...”. Chao ôi! Lời nói của em nghe sao mà dịu nhẹ, ngọt ngào, đằm thắm làm vậy, anh ngỡ như từng hơi thở nồng nàn, dập dồn, mê say rơi đậu vào nơi sâu kín nhất của trái tim mình. Hương ơi! em ở đâu? Anh đã đi qua bao năm tháng để tìm em...
...Đêm ấy mình đã ở bên nhau ngay chính nơi bến sông này, thầm thì, e ấp. Trời tối như mực anh không nhìn rõ được mặt em. Anh thèm qúa chừng một tia chớp cho dù đó là ánh hoả châu, đã mười mấy ngày rồi ở bên nhau, gần kề bên nhau vậy mà mình đã biết mặt nhau đâu. Anh liều quá phải thế không em? Vì lúc ấy mình đang ở trong hoàn cảnh hết sức hiểm nguy. Đúng lúc vừa quàng chiếc bi đông vào người cho em (chiếc bi đông anh trao em làm kỷ niệm), thì nghe tiếng bước chân rào rạo của bọn lính nguỵ đi tuần. Em hoảng hốt “Anh đi đi” rồi vội vàng đẩy anh xuống sông, ngụp dưới những bụi hoa lục bình, em nhanh như một con sóc, lao dọc theo bờ sông về phía hạ nguồn. Bước chạy em bì bõm, tiếng “Bong, bong...” của chiếc bi đông va vào những thân cây bên bờ sông, bọn lính rượt đuổi về phía em. Tiếng hò hét, tiếng súng nổ... náo động cả màn đêm. Qua đến bên kia sông, anh vẫn còn nhìn thấy ánh đèn pin loang loáng lia đi, lia lại dọc bờ sông, trên mặt sông và những loạt đạn AR 15 chát chúa vang lên. Anh thở phào tin chắc là em đã chạy thoát, vì nếu bị trúng đạn, hoặc bị bắt thì bọn chúng không truy đuổi em lâu như vậy. Nhưng anh vẫn khôn nguôi lo lắng về em, cứ lẩm nhẩm, khấn nguyện mãi hoài cho em thoát khỏi vòng vây của địch...
***
- Mạ! Mạ không tin con à. - Hương nũng nịu nói với mẹ.
Bà Thanh dí dí ngón tay lên trán Hương:
- Con nói chi lạ rứa, mạ không hiểu?
- Thôi mạ đừng có giả bộ. Con không còn nhỏ dại như mạ nghĩ nữa mô.
- Tổ cha mi, nhỏ nhỏ cái mồm...
Bà Thanh mắng yêu con gái rồi kéo cô vào lòng. Quả thực, lúc nào bà cũng thấy con gái mình bé bỏng, nhỏ dại. Bà nhớ ngày chồng đi tập kết, bế con ra bờ sông Thạch Hãn tiễn chồng. Bà khóc, bé Hương cũng oà khóc theo mẹ, nhìn bố đưa tay vẫy vẫy trên con đò chồng chềnh xa dần về phía bên kia sông. Lúc ấy bé Hương mới lững chững biết đi, vậy mà đã mười bảy năm rồi. Bé Hương ngày nào bây giờ đã là nữ sinh Trường Nguyễn Hoàng duyên dáng, xinh xắn. Bà lẩm nhẩm: nó giống bố, giống quá chừng, từ vầng trán rộng, mái tóc dày đen, chiếc mũi sọc dừa đến nụ cười, ánh mắt ... chẳng lẫn vào đâu được.
- Mạ biết, mần răng mà dấu con được, chỉ vì không muốn con phải bận tâm, lo nghĩ thôi. Chú ấy là người đằng mình con ạ! Chú bị bọn địa phương quân bắn bị thương rồi truy sát gấp quá, may mà vào được nhà mình chớ không thì cũng chết như hai chú kia đêm bữa tê ở ngoài sông rồi. Thiệt tội cho hai chú đó, bị bắn chết nổi phình trên sông mấy ngày mà bọn chúng nhất quyết không cho đem đi chôn cất. Chúng còn bảo: “Để mần mồi cho hà bá chớ thừa đất mà chôn Việt cộng à... có rứa mới làm gương cho đứa mô muốn đi theo Việt cộng, che dấu Việt cộng”. Sao trời không đánh, thánh không vật cái lũ bán nước, hại dân, tàn ác, dã man vô nhân tính ấy chớ...
Ngồi trong hầm bí mật, nghe hai mẹ con Hương nói với nhau, nước mắt Tùng ứa ra: “Vậy là Thạch và Nam đã hy sinh... Không biết xác hai đứa còn nổi ngoài sông, chìm xuống đáy sông, hay trôi ra ngoài biển mất rồi...Thạch, Nam ơi! Tao biết phải làm thế nào bây giờ đây...”
- Tùng nấc nở, đau thắt ở lồng ngực. Anh không ngờ hai đồng đội của mình đã hy sinh như vậy.
Tổ ba người do Tùng làm tổ trưởng, nhận nhiệm vụ trinh sát khu quân sự Thành Cổ để chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Việc đột nhập vào Thành Cổ hết sức thuận lợi, nhưng khi trở ra bất ngờ gặp một trung đội lính Nguỵ đi càn về, không còn cách nào khác, Tùng đành phải ra lệnh cho Thạch và Nam cùng đồng loạt nổ súng. Mấy tên đi đầu trúng đạn rống lên thảm hại, số còn lại nằm rạp xuống đất, sau khi kịp hoàn hồn đã bắn như vãi đạn về phía Tùng và đồng đội. Ba anh em vừa chiến đấu vừa rút lui theo hướng ra bờ sông để bơi qua sông trở về hậu cứ. Tùng là người ở phía sau cùng cầm chân địch cho Thạch và Nam qua sông trước. Tiếng súng AR 15 và AK nổ điên loạn, đan xen nhau, cả tiếng lựu đạn thỉnh thoảng lại bùm lên chói tai. Bổng mắt Tùng hoa lên, hai chân ríu lại, loạng choạng, phía bên mông trái rần rật nóng rồi tê cứng, rờ tay thấy máu ướt đầm. Tùng khuỵu xuống lăn vào mấy bụi lau rậm bên đường rồi cứ thế trườn đi. Tiếng súng tiếp tục nổ, tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch, tiếng hò hét, thúc dục tiến lên dồn về phía bờ sông...
Tùng trườn dần theo những bụi cỏ lau, cố sức vượt qua một ao bèo lục bình rộng, một bờ rào ken kín cây dứa tàu vào đến một khu vườn thì ngất xỉu... Thời gian trôi đi không biết bao lâu, khi tỉnh dậy Tùng đã thấy mình nằm trong một căn hầm, bên cạnh là một chiếc đèn pin đang được bật sáng và một người phụ nữ không nhìn thấy rõ mặt. Tùng bàng hoàng, sửng sốt, không hiểu mình đang ở đâu, anh cố nghiêng mình để ngồi dậy. Một bàn tay mềm mại đặt lên ngực Tùng:
- Con cứ nằm nghỉ cho khoẻ!
- Tôi ... đang ở đâu? - Tùng ngơ ngác, tiếng hỏi đứt quãng.
- Con đang ở nhà mạ. Con bị thương, máu ra nhiều quá ... Mạ đã đắp thuốc và băng bó vết thương rồi. Cũng may vết thương không sâu lắm, ở phần mềm thôi. Mà nhờ cái bi đông ni đây. - Vừa nói người đàn bà vừa đưa chiếc bi đông bị thủng hai lỗ cho Tùng.
Tùng nhìn rồi đưa tay đón lấy chiếc bi đông của mình, anh đã hiểu và nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra.
- Cám ơn mẹ đã cứu con!
- Thôi con ăn cháo, uống thuốc rồi nằm nghỉ, mạ phải lên chớ ở dưới ni lâu không được, bọn địch tuần tra, lùng sục dữ lắm.
***
Căn hầm Tùng đang trú ẩn ở ngay trong nhà Hương. Cửa hầm nằm dưới bếp nấu ăn được ngăn cách bằng một tấm sắt dày trên để xoong, nồi và phủ đầy tro vì vậy rất bí mật và an toàn. Đây là một trong năm căn hầm bí mật bà Thanh tự tay đào nuôi dấu cán bộ trong những năm tố Cộng đen tối của Mỹ - Nguỵ. Bốn chiếc kia không ở trong khuôn viên nhà và đã bị mưa lũ làm hư hỏng. Bà Thanh là người rất có kinh nghiệm trong việc đào và nguỵ trang hầm bí mật. Bà được mệnh danh là “Đảng viên đậy nắp hầm”, một trong những cơ sở cách mạng tin cậy nhất của khu vực Cổ Thành này. Thật may mắn cho Tùng và như trời định sẵn anh đã ngất xỉu ngay tại vườn của nhà Hương và được bà Thanh đưa ẩn náu tại căn hầm bí mật này. Đêm đó Hương đi thăm một cô bạn cùng lớp bị ốm nằm ở bệnh viện tỉnh nên mãi đến hôm sau, khi mẹ bảo cảnh giới để chăm sóc vết thương cho Tùng thì cô mới biết.
Tùng ở dưới hầm bí mật chật chội, ngột ngạt và ẩm mốc, cả ngày không biết làm gì, hết nằm rồi lại ngồi, hết quay bên này lại quay bên kia, đầu óc căng lên như sợi dây đàn vặn hết cỡ, vết thương thì tấy sưng lên nhức nhối khiến anh hết sức khó chịu. Anh cảm giác như mình đang nằm trong một nấm mồ vậy. Một điều làm Tùng rất xấu hổ và khó xử đó là mọi sinh hoạt của anh đều được gói gọn trong căn hầm bí mật, đặc biệt là việc vệ sinh. Biết được suy nghĩ của Tùng, bà Thanh động viên:
- Con cố gắng chịu đựng, đừng ngại chi hết...
- Mẹ à! Con ở đây nguy hiểm cho mẹ và em quá. Mẹ có cách nào đưa con ra khỏi đây không?
- Mạ đã tính rồi, vết thương của con chưa lành hơn nữa tình hình bên ngoài đang còn rất căng. Mấy ngày nay, bọn dân vệ sục sạo dữ lắm, chúng nghi là vẫn còn bộ đội ta ẩn náu ở trong này. Nhưng thôi, mạ sẽ thu xếp cho con buổi tối lên ngủ ở trên nhà cho đỡ cực và để chữa trị, chứ ở dưới cả ngày không đảm bảo vệ sinh vết thương cứ bưng mủ mãi...
Thế rồi kể từ sau hôm đó, cứ mười giờ đêm đến bốn giờ sáng là Tùng được lên ngủ ở trên nhà. Nhà Hương chỉ có hai giường, một giường ở phòng ngoài và một giường ở trong buồng, để đảm bảo an toàn cho Tùng, bà Thanh sắp xếp Hương cùng ngủ với Tùng ở giường trong buồng. Lúc đầu Hương và Tùng không chịu và chính cả bà Thanh cũng phân vân, đắn đo suy nghĩ mãi, bổn phận một người mẹ, một người vợ, bà hiểu phải làm như thế nào. Nhưng bà tin bởi một niềm tin, lẽ sống lớn lao hơn thế rất nhiều. Bà bảo: “Mạ biết hai đứa bây mắc cỡ chứ gì, ngày trước hồi tố cộng, cán bộ mình ở dưới hầm bí mật với nhau có khi hàng tháng trời chỉ một nam, một nữ mà có răng mô, huống hồ chi ở nhà mình. Thằng Tùng là đồng đội của ba con Hương, mạ coi như con... Mạ nói hai đứa biết để khi bọn chúng đến lùng sục thì ... rứa, rứa nghe”.
Tùng và Hương phải miễn cưỡng ngủ chung với nhau trên một chiếc giường mà ranh giới ngăn cách họ là một chiếc chăn mỏng để ở giữa. Chiếc giường một mét hai trở nên rộng rãi, thừa thải vì cả hai cùng nằm quay về hai phía và chẳng người nào giám đụng vào tấm chăn mỏng kia hoặc cựa mình gây lên một tiếng động dù là rất nhỏ. Đêm cứ thế trôi đi trong nín lặng chỉ có bóng tối và những nhịp thở đều đều của hai người cùng với sự e thẹn, ngại ngùng dâng lên đến đỉnh điểm, đè trĩu lấy họ. Tùng bị thương ở mông phải nằm nghiêng về một phía đã đành, còn Hương thì thật là tội nghiệp, mấy đêm liền nằm một tư thế tê cứng cả mông mà chẳng giám trở mình, nhiều lần định bảo Tùng đổi chỗ mà không sao mở miệng ra được. Cực chẳng đã, rồi cái khó ló cái khôn: Hương phải bẹo vào mông mình để tự chữa trị cái căn bệnh “bất đắc dĩ” đó. Nhưng trời ơi! bẹo nhẹ thì chẳng ăn thua chi mà bẹo mạnh thì khổ cái thân, còn gì là mông nữa chứ...
Tùng cũng chẳng hơn gì, anh như một cây xấu hổ co mình lại hết cỡ. Cả đời đã bao giờ dám nhìn vào mắt con gái đâu, huống hồ bây giờ lại nằm cạnh một thiếu nữ lạ hoắc, lạ hơ. Một bên mông thì ê ẩm, một bên mông thì đau rần... Tưởng ra khỏi hầm bí mật là như đang ở dưới địa ngục bỗng dâng được lên trên thiên đường, nào hay phải gồng mình lên hơn cả “cực hình”... Mà đau với tê thôi thì còn cố chịu được, đằng này cả người Tùng cứ rưng rức, rừng rực lên, cái cảm giác mới mẻ, lạ lùng chưa từng thấy bao giờ của một thằng con trai không sao kìm nén được, thôi thúc, run rẩy, ngất ngây...Chao ôi! Hương thơm từ mái tóc, từ thịt da thiếu nữ đang thoang thoảng toả ra ngọt ngào...
Nằm bên cạnh Tùng, Hương cứ thế âm thầm tự “tra tấn” mình, nhưng chỉ đỡ được một hồi lâu, sau đó thì như một căn bệnh đã quen thuốc chẳng còn ăn thua gì nữa... cô dở cười, dở mếu: “Mạ ơi! Mạ nhủ con làm chi con cũng nghe, còn như ri con chịu hết nổi rồi...”...
Hương đang khổ sở thì giật bắn mình bởi tiếng gõ cửa dồn dập và tiếng quát tháo liên hồi:
- Mở cửa! mở cửa mau ...
- Mấy ông mần chi mà dữ dằn rứa! - Bà Thanh lên tiếng.
- Mụ dấu Việt cộng ở mô khai ra mau, bọn tui biết hết rồi...
- Mấy ông nói chi lạ. Việt cộng mô lại dại dột vô nhà tui - Thành phần liên đới Cộng sản mà ngày mô các ông cũng kiểm tra, sục sạo...
- Không nói lôi thôi với mụ nữa. Kiểm tra! - Thằng chỉ huy sừng sộ.
Một thằng ôm súng xộc thẳng vào buồng, ánh đèn pin xỉa xói vào người Hương trong chiếc váy mỏng tanh cũn cỡn buông xuống đôi chân thon dài trắng muốt, lồ lộ cặp vú tròn lẵn phập phồng, khuất hờ sau chiếc áo ngực màu hồng... Hương vơ vội chiếc chăn rồi hét lên:
- Mấy ông mần chi lạ rứa... Mạ ơi!... Mạ ơi!...
- Này mấy ông, nhà tui mạ goá con côi. Mấy ông doạ nạt, ức hiếp vừa vừa thôi chớ. Tui kêu làng xóm bây chừ...
Tên lính nguỵ hầm hừ quay ra:
- Nè! Mụ cũng vừa vừa cái mồm thôi... liệu cái hồn, coi có ngày đó...
Chờ cho bọn chúng đi khuất, bà Thanh đóng chặt cửa, tắt đèn rồi dò dẫm đi vào buồng. Bà thì thào: “Con chịu khó nằm yên ở đó đã nghe, đề phòng bọn chúng trở lại” rồi quay ra áp tai vào vách nhà nghe ngóng. Nằm ở dưới giường Tùng chưa hết nỗi bàng hoàng và ngỡ ngàng. Anh vừa cảm động vừa khâm phục mẹ và Hương. Tùng tự nhủ: “Quả đúng là mọi việc đã xảy ra như mẹ đoán lường và Hương đã đóng một vai kịch “để đời” bằng cả sinh mệnh của mình. Chao ôi! Nếu bị lộ thì sao nhỉ? Mình chết đã đành nhưng còn mẹ và Hương. Không! Mình không thể để cho mẹ và Hương phải nguy hiểm như thế này được...”.
Tùng đang tự dằn vặt mình thì lại nghe thấy tiếng mẹ, nhỏ nhẹ: “Thôi con lên ngủ đi, bọn chúng đã đi xa rồi”. Tùng nằm yên không nói gì, anh còn lòng dạ nào mà lên giường ngủ được nữa. Không phải Tùng sợ hiểm nguy mà là lòng anh day dứt, dày vò. Anh thương mẹ và Hương quá đỗi...
Một tiếng nói khẽ khàng như hơi thở thoảng xuống:
- Mạ bảo anh lên giường ngủ đó.
- Em ngủ đi! Anh nằm ở đây cũng được.
- Không được mô!
Có tiếng e hèm của bà Thanh ở giường ngoài. Tùng biết là mẹ đang ra lệnh cho anh nên đành phải lên giường còn Hương cũng lại quay về với cái tư thế “bất đắc dĩ” của mình...
Thời gian cứ thế trôi đi, như là một lẽ thường tình ở đời, ví như sự vất vả, cực lòng của con người dù có thế nào rồi cũng được quen dần. Sự e thẹn, ngượng ngùng, khó chịu của Tùng và Hương cũng vậy, từ chỗ tưởng chừng như không chịu nổi và cũng như bà Thanh họ đã vượt qua, đã nhận ra cái lớn lao, cao đẹp hơn thế rất nhiều... họ thầm nguyện, ấp ủ từ trong thẳm sâu của cõi lòng mình một điều gì đó thiêng liêng lắm, không thể diễn tả được bằng lời mà lung linh, trong suốt đến vô ngần...Và rồi đêm cuối trước khi Tùng lên đường trở lại hậu cứ hai người đã thổn thức bên nhau, tấm chăn mỏng vẫn làm ranh giới nhưng họ không còn quay lưng về nhau nữa, đôi bàn tay lần tìm nhau, giữ yên trong nhau, nồng nàn thấm từng mạch máu chảy vào tim nhau....
***
Mặt trời đã tắt hẳn nhưng dòng sông Thạch Hãn lại bừng sáng, xôn xao lóng lánh như rải vàng, những con sóng dìu dặt nối tiếp nhau vỗ bờ, dào dạt lay thức nỗi niềm đau đáu trong Tùng: “Thạch, Nam ơi! Chúng mày ở đâu? ... hết chiến tranh đồng đội, đồng chí đi tìm nhau! Nhưng tao biết tìm ở nơi đâu dưới đáy nước thăm thẳm, lung linh kia bây giờ... Linh thiêng chúng mày hãy mách bảo cho tao....”.
Tùng rờ tay lên túi áo ngực lấy tờ giấy báo tin, mặc dù đã đọc đi, đọc lại nhiều lần đến thuộc lòng từng dấu, từng nét chữ:
“ Kính gửi gia đình liệt sỹ Nguyễn Phan Tùng.....
....địa chỉ liên lạc .... ”.
Niềm hy vọng mỏng manh nhen lên trong Tùng. Anh cố nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra cách đây gần bốn mươi năm về trước, ngày mà Thạch và Nam hy sinh, với một suy nghĩ có thể người ta đã tìm thấy một điều gì đó liên quan giữa anh với Thạch và Nam, nhưng không sao nhớ nổi.
Theo địa chỉ liên lạc, Tùng thẫn thờ đi dọc bờ sông theo tuyến kè đang xây dựng chạy uốn éo cùng dòng sông về phía hạ nguồn. Anh dừng lại trước một căn lán sát bờ kè “ Đội thi công số 2...” - Đây rồi - Tùng thốt lên rồi bước vào.
Một người đàn ông khoảng chừng năm mươi tuổi, chắc khoẻ hồ hởi bắt tay Tùng:
- Chào anh! Tôi là Hùng, người gửi Giấy báo tin này!
- Cám ơn anh Hùng - Tùng ấp úng.
- Thế anh và anh Tùng quan hệ thế nào ạ?
- Dạ! Tôi...tôi chính là Tùng.
Hùng đứng ngây ra một lúc, vẻ mặt ngạc nhiên:
- Anh bảo sao ạ?
- Anh không nghe nhầm đâu, tôi chính là Tùng, người mà anh đã báo tin.
- Trời ơi! Thật thế sao? Vậy thì chúng tôi thành thật xin lỗi anh. Anh thông cảm cho chúng tôi nhé!...
- Tôi mới là người phải cám ơn các anh chứ. Tôi linh cảm có một điều gì đó thiêng liêng, tâm nguyện lắm. Từ hôm nhận được tin đến giờ tôi cứ xốn xang, nôn nao, canh cánh thế nào ấy, cứ như có ngọn lửa đang ngấm cháy, thôi thúc trong lòng vậy. Tôi thấy như có ai đó luôn thấp thoáng ẩn, hiện, lúc xa, lúc gần .... Nhưng thôi sự việc thế nào xin các anh cho tôi biết ạ!
- Là thế này - Hùng chậm rãi kể - Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ xây dựng đoạn kè từ Km 1 + 600 đến Km 2 + 550 để chống xói lở và tạo cảnh quan cho bờ hữu sông Thạch Hãn này. Trong quá trình đào đắp đất ở bờ sông chúng tôi phát hiện được những mảnh hài cốt không nguyên vẹn của các liệt sỹ cùng với những di vật như súng AK, mũ cối, ba lô, dép cao su... trong đó có chiếc bi đông...
- Sao! Chiếc bi đông ư?...
Tùng thảng thốt rồi nắm lấy bàn tay Hùng:
- Anh bảo là chiếc bi đông ư?...
- Đúng vậy! Chiếc bi đông có bốn lỗ đạn thủng và những dòng khắc tên, địa chỉ của anh.
Tùng bật đúng dậy bàng hoàng, chới với như đất dưới chân anh đang sụt lở, chao đảo, quay quầng, anh đưa tay quờ quạng cố tìm một điểm dựa cho mình nhưng hoàn toàn vô ích. Cả dòng sông trước mặt Tùng bổng thẫm đỏ, cuồn cuộn sóng dâng vỗ táp vào lòng, bóp nghẹt lấy con tim anh... “Trời ơi! Đúng là em rồi...Hương ơi! Hương ơi!...chỉ vì vậy nên chưa đầy một cây số em mới đi mãi mà không tới được bến sông này. Không! Anh nói không đúng, không đúng một chút nào! Suốt từ đó đến nay từ cái đêm chia tay nhau ấy em đã mãi mãi chờ anh ở bến sông này mà anh không hay. Nhưng Hương ơi! Mình hẹn hò nhau, khao khát, chờ mong nhau để rồi như thế này ư hở em ?... Chiếc bi đông đã cứu sống anh nhưng sao lại không che chở được cho em. Tại sao vậy, tại sao vậy cơ chứ...
- Chiếc bi đông hiện đang được trưng bày tại Khu Bảo tàng Thành cổ, ngày mai tôi sẽ đưa anh đến đó - Hùng nhỏ nhẹ nói với Tùng...
***
Tùng mơ màng như thấy mình đang trôi nhè nhẹ trên dòng sông xanh trong ngăn ngắt, lăn tăn sóng, với những khóm hoa lục bình nở tím dập dờn...
Một cơn gió lạ xào xạc thoảng qua rờn rợn, nổi gai ốc... giọng ai trầm ấm nghe như từ dưới dòng sông vọng lên, từ trong thinh không rơi xuống, vừa quen, vừa lạ: “Tùng ơi! Mày có nhận ra bọn tao không? Thạch, Nam... đây mà! Hồi chiều mày thả hương, thả hoa bọn tao nhận được rồi. Bọn tao gọi mày khản cả tiếng nhưng nước chảy mạnh quá nên mày chẳng nghe thấy. Cô bé đeo chiếc bi đông của mày cũng gọi mày nhiều lắm. Cô ấy cài hoa lên kín cả mái tóc đẹp ơi, là đẹp. Ai cũng dành phần hoa của mình cho cô bé. Bọn tao gọi cô ấy là nàng tiên cá đó. Cô bé có dáng người thon thả, mềm mại, eo thắt, đôi mắt to sâu và sáng lấp lánh, miệng cười chúm chím thiệt là duyên dáng; làn tóc đen nhánh buông xoã xuống quá vai, phập phồng trên khuôn ngực căng tròn đầy sức sống, còn nước da thì trắng hồng, mịn màng non tơ như cánh hoa hồng mới hé nở long lanh dưới những giọt sương sớm vậy ..Mày còn nhớ không hở Tùng? - Vẫn nguyên vẹn trắng trong như thủa nào gặp mày đó Tùng ạ! Cô ấy bảo: "Đã chờ mày trong suốt những tháng năm qua và sẽ còn mãi mãi tại nơi này'. Mày có nghe thấy tiếng cô ấy nói với chúng tao không? Rằng: “Em cứ ở mãi dưới dòng sông này thì làm sao mà gặp được anh ấy...”. Bọn tao chẳng biết phải trả lời cô ấy như thế nào nữa!...”
Tùng giật mình tỉnh dậy, bàng hoàng, mồ hôi vã ra như tắm...
Tùng ào xuống dòng sông Thạch Hãn, đứng trân ra ngẩn ngơ như kẻ không hồn rồi úp mặt xuống dòng sông. Dòng nước thấm vào da thịt, hoà với nước mắt, đẫm đầy, oà vỡ, réo xiết đến tận mọi ngõ ngách thẳm sâu của cõi lòng Tùng. Tất cả đang tan chảy với dòng sông, lay thức, trỗi dậy trong Tùng hơn bao giờ: “Hương ơi! Em ở đâu? Hãy nói với anh đi em! Anh khát thèm được nghe em nói quá chừng... Nhất định mình phải gặp nhau, phải tìm thấy nhau em nhé dù có phải lấp đầy, nghiêng đổ cả dòng sông này...”. Tùng thầm thì gọi Hương, gọi hoài, gọi mãi...Rồi tự nhủ: 'Phải đưa đồng đội, đồng chí mình, đưa Hương lên khỏi dòng sông..." Ừ đúng rồi có một người nào đó đã nói với mình: “Cần phải có một dự án nạo vét dòng sông Thạch Hãn, xây một Đền tưởng niệm bên bờ sông ...đây là nghĩa cử, tri ân, đạo lý ... sẽ làm vơi bớt nỗi đau, mất mát, hiu quạnh của những người mẹ, người vợ, người thân của các Anh hùng, Liệt sỹ đã chiến đấu hy sinh nằm lại trên dòng sông Thạch Hãn này”...
Một khoảng lặng ân tình sâu nặng, da diết, thắt đau cuộn chảy mênh mang trong lòng Tùng. Tùng đắm nhìn dòng sông ngỡ như đang ôm trọn vào lòng với tất cả những gì thiêng liêng, cao đẹp... nhớ thương đến tận cùng của những tháng năm đã đi qua, những khát khao, cháy bỏng, hy vọng và đợi chờ của ngày mai đang tới. Dòng sông Thạch Hãn vẫn thao thiết, quặn mình chảy, những khóm hoa lục bình tím vẫn dập dờn trên sóng nước Lung linh ./.
Thành Cổ Quảng Trị, tháng 5/2007
(1) Thơ: Lê Bá Dương