Đối mặt với thời gian

Thứ sáu - 09/08/2013 15:13

Hình minh họa

Hình minh họa
Đã hơn mười ngày nay Hùng không đến Khu Thành Cổ để tập thể dục nữa, người mệt mỏi, trầm lắng trong nỗi suy tư.
Sự xuất hiện đột ngột của hắn, cùng với tiếng nạng gỗ lộc cộc khua quanh khu Thành Cổ, Hùng tưởng như đó là những tiếng búa chát chúa đóng những chiếc đinh sắc nhọn vào cái chân cụt của mình. Buổi sáng, hôm ấy lần đầu tiên nghe tiếng khua của chiếc nạng gỗ, Hùng đã mừng thầm: "Vậy là mình có thêm một người bạn chung cảnh ngộ, cùng lộc cộc, để chuyện trò với nhau sẽ vui đây". Hùng khấp khởi đón đường: "À! Cụt chân phải. Trắng như con gái. Lẻo khẻo... Người thế chắc không được khoẻ". Hùng cười ý nhị, cảm thông... Nhưng rồi Hùng sững người lại. Trong lớp sương mờ tinh khôi giăng giăng, Hùng bắt gặp ánh nhìn của người ấy - Ánh nhìn ngỡ ngàng, bàng hoàng. " Trời ơi! Hắn. Đúng hắn rồi". - Hùng thốt lên. Toàn thân run rẩy, chao đảo: "Vậy là lại phải đối mặt với hắn rồi đây, cuộc đời sao trớ trêu thế này!?...". Chiếc nạng trong tay Hùng như hụt sâu xuống hun hút... Hùng cố rướn lên, dồn hết sức lực để vượt qua hắn. Cốp... cốp... Tiếng khua liên hồi, Hùng lao đi như chạy trốn chính mình... Nhưng rồi, từ trong tâm thức của Hùng khoảng cách giữa hai người như bị dồn níu lại. Ký ức của những năm tháng xa xăm đã tưởng ngủ yên trong dĩ vãng bỗng trỗi dậy, hằn nhói, réo sôi trong tâm can Hùng...
***
Nhà Hùng và Dũng ở về hai bờ của dòng sông Thạch Hãn. Con sông trong xanh ngăn ngắt, hiền hòa chở tuổi thơ, ắp đầy biết bao kỷ niệm của hai đứa. Ngày còn đi chăn trâu, cùng tắm chung trên một dòng sông, chúng từng là thủ lĩnh của hai đội quân trong những trận chiến giáp lá cà trên sông. Khi thì đội quân bờ Bắc tấn công sang bờ Nam, khi thì đội quân bờ Nam tấn công sang bờ Bắc. Ngồi trên lưng, chân thúc mạnh vào hông trâu, tay khua kiếm chỉ về phía trước, bọn trẻ cùng hô vang tên những anh hùng dân tộc một thời lẫy lừng chống giặc ngoại xâm... Có hôm cả hai đội quân cùng đứng ở hai bên bờ hò reo, thách thức nhau, náo động cả một khúc sông. Chúng thề sẽ không bao giờ cho đội quân ở bên kia sông được bén bảng lên lãnh địa bất khả xâm phạm của chúng...
Thời gian trôi đi, những cuộc chiến bất phân thắng bại ấy cũng được dài theo ngày tháng và sẽ không có hồi kết, nếu không có một lần: Hôm ấy, một con trâu đực của tụi Dũng “Theo tiếng gọi của tình yêu” bơi vượt sông sang phía bên kia bờ. Tụi trẻ chăn trâu bên Hùng bắt được reo hò đắc chí: “Đáng đời cho cái tội máu me...”. Tụi trẻ chăn trâu bên Dũng mất trâu, không biết làm thế nào đành phải lên tiếng nhượng bộ: Trả lại trâu cho chúng, khi nào trâu bên Hùng bơi sang chúng cũng sẽ trả lại. Nhưng mặc cho những lời van nài, tụi bên Hùng vẫn kiên quyết không trả trâu lại. Biết không thể thuyết phục được, hơn nữa trời cũng đã xế chiều, Dũng đành liều mạng, một mình bơi qua sông để đưa trâu về. Hành động liều lĩnh đó của Dũng, khiến Hùng cảm phục. Nhưng khi Dũng bơi được vào gần đến bờ thì chìm nghỉm đi vì kiệt sức. Là thủ lĩnh, với bản lĩnh của kẻ đàn anh, Hùng lao ra, một tay bơi, một tay túm lấy tóc của Dũng kéo vào bờ. Cả bọn xúm lại lôi Dũng lên. Chờ cho Dũng khỏe hẳn, Hùng ra lệnh đem trâu trả lại cho Dũng. Dũng cảm ơn rối rít, rồi cỡi trâu trở về phía bên kia sông. Thế là kể từ cái ngày định mệnh ấy, tụi trẻ trâu của cả hai bên không còn gây hấn, xưng hùng, xưng bá với nhau nữa, chúng trở nên gần gũi, thân thiết. Thỉnh thoảng trâu của bên này được đưa sang bên kia để cùng gặm cỏ, nô đùa với nhau và ngược lại. Có cái gì cải thiện, chúng lại gọi nhau sang cùng vui. Hùng và Dũng đã trở thành đôi bạn tri kỷ, tâm giao trong suốt những năm tháng thiếu thời còn lại trên đôi bờ sông quê yêu dấu ấy. Rồi bẵng đi một thời gian cho đến khi lên trường tỉnh học, không biết trời xui, đất khiến thế nào, năm cuối cùng ở trường Nguyễn Hoàng, hai đứa lại được học chung một lớp, lại cùng thuộc diện học giỏi nhất lớp. Và một điều trớ trêu đã xảy ra là cả hai đứa cùng đem lòng thương thầm, nhớ trộm một cô gái xinh đẹp nhất lớp mà chẳng đứa nào dám thổ lộ ra. Mỹ Hạnh - tên cô gái ấy, không biết phải dành trái tim mình cho ai trong hai anh chàng cùng đáng yêu nên đành im lặng, chờ đợi. Rồi mùa hoa phượng cuối cùng của tuổi học trò đầy mơ mộng cũng đã đến, khép lại tất cả những nỗi niềm bỏng cháy còn dang dở với những kỷ niệm buồn, vui khuôn nguôi của mỗi đứa...
Mỹ Hạnh trở thành nữ sinh Y khoa Huế. Hồng Hoa vào trường luật ở Sài Gòn… Bạn bè mỗi đứa một phương trời. Hầu hết tụi con gái đều được vào học tại các trường đại học hoặc cao đẳng. Riêng tụi con trai, gặp phải thời buổi loạn lạc chiến chinh nên ngoài những đứa may mắn tiếp tục con đường đèn sách, nhiều đứa phải vào quân ngũ. Hùng bị bắt lính trong một buổi trên đường lên tỉnh nhận giấy báo Đại học và sau đó cũng nhờ tờ giấy báo ấy mà được tuyển vào học ở Trường Võ bị Đà Lạt. Riêng Dũng biệt vô âm tín, không để lại một dấu tích gì. Bạn bè, đứa bảo hắn đã đi du học, đứa bảo hắn bị bắt lính, đứa nửa đùa, nửa thật bảo, nghe nói hắn bị người tình đá. Đứa cười bảo chỉ có Mỹ Hạnh mới biết được thôi... và nhiều giai thoại khác về Dũng được thêu dệt lên nhưng chẳng có nguồn tin nào là chính xác cả... Ấy là bạn bè, mỗi khi gặp nhau thường hỏi han về nhau, hoặc đoán già, đoán non con đường tương lai, nghề nghiệp của mỗi đứa thế nào. Đứa nào may mắn, hạnh phúc, đứa nào rủi ro, bất hạnh, rồi sau đó cuộc sống, tình yêu của tuổi trẻ hối thúc đưa chúng vào quên lãng. Hùng cũng vậy, cuộc sống và sự nghiệp đã thực sự bước vào một chặng đường mới. Trên trang giấy trắng tinh của cuộc đời Hùng, người ta bắt đầu khắc tạo lên những hình hài và nó đã trở thành định mệnh của cuộc đời Hùng. Từ ngày Hùng vào trường võ bị, tính tình thay đổi hẳn, không còn e dè, rụt rè như ngày xưa nữa, ngược lại, tự tin và hãnh diện lên nhiều. Duy về tình yêu, Hùng không sao quên được Mỹ Hạnh, người con gái đã trở thành niềm khát khao, cháy bỏng khôn nguôi trong trái tim Hùng. Không có tin tức gì về Dũng, Hùng biết bây giờ là cơ hội thuận lợi nhất để tình yêu của mình đơm hoa, kết trái.
Tranh thủ những kỳ nghỉ hè, nghỉ tết, những dịp bất thường và cả hàng tá thư từ, Hùng quyết tâm làm xiêu lòng người đẹp, nhưng Hùng đã hoàn toàn bị bất ngờ. Mỹ Hạnh đã gieo vào cõi lòng Hùng nỗi buồn vô vọng: "Cám ơn H!... trái tim MH đã thuộc về một người rồi...". Chỉ ít dòng và những dấu chấm lửng như vậy, Hùng đã hiểu ra tất cả. Nhưng Hùng chẳng thể nào lý giải được, rằng: Họ đã yêu nhau từ bao giờ? Tại sao Mỹ Hạnh lại khước từ tình cảm chân thành của mình...
Thế rồi nỗi thất vọng về tình yêu cũng nguôi ngoai, kỷ niệm của thời học trò cũng dần đằm lắng đi. Hùng lao vào con đường binh nghiệp, dành tất cả cho sự nghiệp tiến thân mà Hùngcho là vinh quanh nhất của thời trai, của thế hệ Hùng lúc bấy giờ. Sau bốn năm, rời Trường Võ bị với tấm bằng loại ưu, Hùng rất tự hào, hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp. Và hơn thế nữa Hùng xác định cho mình là phải tuyệt đối trung thành với Quốc gia, lập thật nhiều công trạng để xứng với công sức, những kiến thức mà các bậc thầy của chiến tranh đã dày công đào tạo, trang bị một cách đầy đủ, hoàn hảo nhất. Hùng hào hứng xung phong đến nơi mà lúc bấy giờ được gọi là nóng bỏng nhất, trực diện nhất với "Phía bên kia" - Vĩ tuyến 17. Nơi dành cho những người hùng để chứng tỏ mình, để có điều kiện lập công cho Quốc gia và dĩ nhiên đó là con đường ngắn nhất để tiến thân. Và cái điều mong muốn đó của Hùng đã thành hiện thực. Chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm Hùng chỉ huy một đơn vị đặc biệt tại bờ Nam sông Bến Hải. Đây là một vị trí quân sự hết sức quan trọng của Chính quyền Sài Gòn để vừa đàn áp phong trào nổi dậy của nhân dân, của "Việt cộng" nằm vùng, vừa chuẩn bị cho nhiệm vụ Bắc tiến khi có thời cơ. Với nhiệm vụ được giao, Hùng đã lập được nhiều chiến công và chỉ hơn một năm thực thi nhiệm vụ, Hùng được tặng thưởng "Anh dũng Bội tinh". Hùng hãnh diện lắm, sự hy vọng và niềm tin của quan thầy đã thôi thúc, chắp cánh cho cái tham vọng của Hùng tưởng như không có gì ngăn cản nổi. Hùng thoả sức tung hoành, sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích của mình. Và chính trong những ngày tháng ấy một cuộc đối mặt bất ngờ đã đến với Hùng.
Hôm đó là một ngày mùa thu năm 1963, Hùng cùng một số binh sĩ đi tuần tra trên cầu Hiền Lương, đến cuối vị trí màu sơn phân chia ranh giới thì gặp một tốp Bộ đội Bắc Việt. Hai bên không nói gì, gườm gườm nhìn nhau, Hùng đưa mắt ra lệnh cho thuộc hạ tay lăm lăm súng. Phía bên kia một người dáng thanh mảnh trong bộ quân phục màu xanh, bước lên dõng dạc:
- Chúng tôi yêu cầu các ông chấp hành nghiêm Hiệp định, không được đàn áp, bắn giết đồng bào...
Hùng bước tới vẻ ngang tàng, sẵng giọng:
- Ông là cái thá gì mà ra lệnh cho chúng tôi!
Hùng chưa kịp dứt lời thì bắt gặp ánh mắt rực lên như đang có lửa cháy, Hùng chột dạ trong giây phút khi nhận ra Dũng. "Thì ra hắn mất tích là thế này đây". Hùng bước lại gần:
- Xin chào! Tưởng ai, hoá ra là ông ...
Hùng vẫy tay cho thuộc hạ lùi về phía sau, rồi nói tiếp:
- Lâu rồi không gặp nhau, ông vẫn mạnh giỏi chứ. Nghe bạn bè nói ông đi du học ở hải ngoại, tôi mừng thay. Không ngờ lại gặp ông như thế này, thật tiếc là... Bạn bè vẫn nhớ đến ông nhiều. Ông có muốn nhắn nhủ gì với bằng hữu, người thân không? - Hùng kéo dài tiếng "người thân".
- Cám ơn ông!
- Ông đừng ngại, dù sao chúng ta cũng đã một thời là bạn bè mà...
Dũng nhìn chằm chằm vào chiếc "Anh dũng bội tinh" Hùng đang đeo trên ngực, giọng rắn rỏi:
- Thôi được! Điều mà tôi muốn nói, muốn nhắn nhủ, đó là ông và đồng sự của ông hãy chấm dứt ngay những hành động dã man đối với người dân vô tội và đồng bào ruột thịt của mình. Hãy từ bỏ ngay con đường tội lỗi đó đi ...
Dũng chưa kịp dứt lời, Hùng đã cười vang:
- Ông đi quá xa rồi. Quá xa tình bạn hữu rồi đó. Tôi hỏi ông, con đường nào là tội lỗi? Không phải là con đường từ bỏ gia đình, từ bỏ quê hương đi theo Việt cộng để nhồi da xáo thịt chứ...?
Dũng nhìn thẳng vào Hùng, đanh giọng:
- Ông hãy im đi cái luận điệu của những kẻ bán nước, hại dân, cam tâm làm tay sai cho Đế quốc để che đậy tội lỗi của mình ... Tôi khuyên ông hãy tỉnh ngộ để trở về với nhân dân khi còn chưa muộn.
- Tôi cũng khuyên ông đừng quá mê muội... Quốc gia sẵn lòng dang rộng vòng tay đón nhận những đứa con lầm đường, lạc lối trở về... Nhưng thôi, chúng ta mỗi người có một lý tưởng riêng, lý tưởng đó, đúng hay sai, chắc có lẽ thời gian sẽ minh chứng…
Hùng nói rồi cười một cách chế nhạo:
- Chúng ta ai chiến thắng ai, sức mạnh là ở chỗ này đây.
Vừa nói Hùng vừa đặt tay lên khẩu côn đeo ở bên hông. Thấy vậy hai bên cùng rút súng chĩa thẳng vào nhau. Dũng đứng nghiêm, nói như ra lệnh:
- Tôi yêu cầu tất cả bỏ súng xuống.
Hùng nháy mắt cho bọn đàn em:
- Chúng ta tạm dừng tại đây.
"See you again, but not here!" (Hẹn gặp lại, nhưng không phải là nơi này).
Nói rồi Hùng vẫy tay thuộc hạ quay về. Vẻ hằn học tức tối, Hùng tự nhủ: Tao và mày chỉ có thể gặp nhau ở trên chiến trường, khi đó…
Và lời nói của Hùng đã trở thành sự thật. Sau cuộc đảo chính Diệm, Hùng được điều động vào Huế rồi phiêu bạt đến nhiều vùng chiến thuật. Tưởng đã bỏ xác tại một chiến trường nào đó. Tưởng sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội để gặp nhau nữa. Vậy mà tại cái nơi ác liệt nhất, tàn khốc nhất của cuộc chiến tranh Hùng và Dũng lại gặp nhau, đối mặt nhau.
Đó là những ngày đỏ lửa của Thành Cổ Quảng Trị, năm 1972. Dũng và những người đồng đội của mình quyết tử để bảo vệ Thành Cổ. Hùng trong đội quân bằng mọi giá phải tái chiếm cho được Thành Cổ, phải cắm cho được lá cờ ba sọc lên tòa Thành Cổ theo ý đồ của quan thầy Mỹ để gây sức ép tại Hội nghị Pari. Khi hàng loạt bom đào, bom phạt, pháo chụp, pháo khoan vừa dứt là những cuộc chiến đấu giành dật từng góc phố, từng đoạn bờ thành diễn ra hết sức ác liệt. Trong một lần phản kích bị đánh tơi bời, quân của Hùng co cụm, không đứa nào dám tiến lên. Giật khẩu súng AR 15 của một binh sĩ, Hùng nhảy qua bờ hào vòng sang phía sau ngôi nhà đổ nhằm tiêu diệt ổ hỏa lực của đối phương để cho binh sĩ tiến lên. Nhưng vừa vòng qua được ngôi nhà đổ chưa kịp chọn nơi ẩn nấp thì Hùng gần như phải chạm mặt với một quân giải phóng cũng từ một bờ hào chui ra tay lăm lăm khẩu súng AK. Hai bên quá bất ngờ nên sững đi giây lát, không ai kịp siết cò, trên hai khuôn mặt bám đầy bụi đất và khói súng họ đã kịp nhận ra nhau. Họ gườm gườm nhìn nhau, không ai nói một lời. Thế rồi một ánh chớp lóe lên, một tiếng nổ inh tai, nhức óc ngay chính giữa khoảng cách của hai đứa. Hùng và Dũng không còn biết gì nữa mỗi đứa văng về một phía, trời đất tối sầm.
***
Kinh còng… Kinh còng… Tiếng chuông cổng reo lên, một bà cụ đon đả chạy ra mở cổng:
- Chào các cụ.
- Chúng tôi trong Hội Người Cao tuổi phường đến thăm ông nhà đây.
- Dạ! Làm phiền các cụ quá. Mời các cụ vào nhà ạ!
Trên khoảng sân rộng từ cổng vào nhà là những chậu cây cảnh với đủ các loại cây được tỉa tót, chăm sóc hết sức tỷ mỷ. Chỉ nhìn những chậu cây cảnh những dò phong lan treo lơ lửng trên dàn cũng biết chủ nhân là người biết chơi cây cảnh và đã dày công chăm sóc chúng thế nào.
- Ông ơi! Các cụ đến thăm ông đây này.
- Ấy chết! Tôi chỉ mệt chút ít, có sao đâu.
- Hơn một tuần nay, không thấy ông trên sân tập, chúng tôi biết chắc là ông bị ốm đau gì rồi. Chứ từ trước đến giờ có khi nào ông nghỉ tập như thế đâu.
- Tôi cũng khỏe rồi, mời các cụ uống nước.
Ông Hùng rót nước mời từng người, bỗng ông sững lại, tay run run khi đặt li nước trước mặt một ông cụ, giọng líu ríu, mời cụ.
Thấy vậy, ông Hội trưởng Hội Người Cao tuổi lên tiếng:
- Giới thiệu với ông, đây là ông Dũng, thành viên mới của Hội ta đó. Bao năm đi làm cách mạng, bây giờ lá rụng về cội, mới về quê được gần nửa tháng nay, vậy mà chẳng chịu nghỉ ngơi. Ý của ông Dũng hay lắm, mình có điều kiện, có thế mạnh mà bấy lâu nay không nghĩ ra. Kiểu này tôi phải bàn giao chức vụ Hội trưởng cho ông Dũng thôi. - Ông Hội trưởng vừa nói, vừa cười.
Ông Hùng ngồi nghe, mà chẳng hiểu ông Hội trưởng đang nói gì. Hai tai ông ù đặc, lòng dạ ông như đang có lửa đốt.
- Chúng tôi đã bàn kỹ rồi ông Hùng ạ. - Ông Hội trưởng nói tiếp. - Tuổi già chúng mình quỹ thời gian còn lại ngắn lắm, tuy được nghỉ ngơi rồi nhưng phải làm một cái gì đó cho đời, cho tụi trẻ nó noi gương theo. Chẳng là chúng tôi định thành lập Hội hoa cây cảnh đó ông ạ. Dự án ông Dũng đã viết xong rồi, có tính khả thi lắm. Sơ lược với ông thế này: Mặt bằng đã được bố trí ngay trong khu Thành Cổ. Vốn liếng thì dùng sổ hưu, sổ thương binh thế chấp vay ngân hàng. Kỹ thuật có ông. Công lao động có chúng tôi. Thị trường tiêu thụ thì đã có mấy hợp đồng đề nghị ký rồi, chỉ sợ mình không đủ sức thôi. Hạch toán tất tần tật các chi phí, kể cả lãi vay ngân hàng, vị chi mỗi năm có được khoản lợi nhuận kha khá. Có đến hàng trăm triệu chứ chẳng ít đâu ông ạ! Chúng tôi bàn trích lại khoảng năm mươi phần trăm để tái sản xuất còn lại là đóng góp để xây dựng khu Thành Cổ. Ông thấy thế nào?
Ông Hùng khẽ gật đầu, rồi buông một tiếng thở dài, chần chừ một hồi lâu mới lên tiếng.
- Các cụ bàn phải lắm, nhưng chỉ hiềm một nỗi: Tôi người ngợm tật nguyền, sức vóc già yếu, chỉ chăm sóc vườn cây của gia đình cũng vất vả lắm rồi, chắc có lẽ không thể tham gia cùng các cụ được. Mong các cụ thông cảm…
Không khí bỗng như chùng xuống, nặng nề. Không ai bảo ai, nhưng tất cả mọi người đều chung một suy nghĩ hết sức hẫng hụt và bất ngờ. Mọi khi ông Hùng là người rất cởi mở và năng nổ. Chưa một công việc nào của Hội mà ông từ chối, thậm chí ông còn là người tích cực, hăng hái nữa, như đóng góp giúp đỡ người nghèo, các cháu mồ côi, người có công với cách mạng, quỹ của Hội… Vậy mà bây giờ ông như một người khác hẳn, vẻ mặt thờ ơ, lãnh đạm.
Ông Hội trưởng, chậm rãi:
- Thôi cụ cứ nghỉ cho khoẻ hẳn đã rồi chúng ta sẽ bàn lại sau, cũng chưa phải vội lắm đâu.
Mọi người cùng nói chen vào:
- Ông Hội trưởng nói phải lắm, sức khoẻ là vàng mà “Có sức khoẻ thì có hàng trăm điều ước, không có sức khoẻ thì chỉ có một điều ước thôi…”. Riêng ông Dũng lặng lẽ không nói gì, đăm chiêu nhìn ra khu vườn cây cảnh trước sân, xa hơn nữa, hun hút về phía khu Thành Cổ. Trong đôi mắt ông hình như đang chập chờn, hiện hữu một điều gì đó sâu kín, mãnh liệt lắm. Lồng ngực ông phập phồng. Cổ họng ông đắng nghét. Bàn tay ông nắm chặt. Chiếc chân cụt của ông dần dật liên hồi…
- Thôi chúng tôi xin phép về ông bà nhé! Dịp khác chúng tôi lại đến.
Bà Hùng tiễn mọi người ra khỏi cổng rồi vội vàng trở vào ngồi cạnh ông Hùng, vẻ mặt buồn bực:
- Sao ông lại đối xử với các cụ ấy như vậy, cùng chung sức làm việc tốt, việc nghĩa mà ông lại từ chối.
Rồi bà hạ giọng:
- Công việc ở trong cái nhà này ông cứ để cho tôi lo liệu, xem thu xếp mà tham gia với các cụ ấy ông ạ! Có cái ông gì đó cũng cụt chân và còn ốm yếu hơn ông nhiều nữa, vậy mà người ta còn hăng hái tham gia…
Nghe bà Hùng nói, khuôn mặt ông Hùng biến sắc, hơi thở ông dồn dập, ông gắt lên:
- Bà đừng nói nữa! Tôi như đang có lửa đốt trong gan, trong ruột đây.
- Ơ hay. Cái ông này, sao hôm nay bỗng trở chứng, trở nết gắt gỏng với tôi làm vậy?
- Bà không hiểu được đâu!
Bà Hùng giận dỗi:
- Vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, chưa khi nào tôi thấy ông như thế này cả. Có việc gì không vừa lòng, bức bối, ông cũng phải nói cho tôi biết, chứ cứ để trong lòng thì ích lợi gì.
- Lúc nãy bà nhắc đến cái lão cụt chân. Cơ sự là từ cái thằng cha ấy đấy…
Nói rồi, ông Hùng khập khiễng bỏ vào nhà trong. Bà Hùng ngớ người ra, không hiểu vì sao.
Trên đường từ nhà ông Hùng trở về mọi người bàn tán xôn xao: Không có lão ta, công việc kể cũng thật kẹt đó, cái cây cũng như con người ấy, phải rèn rũa, uốn nắn từ khi lọt lòng thì lớn lên mới có ích, có giá trị, chỉ sơ sẩy, buông lỏng một chút là coi như đi tong…
Ông Hội trưởng đi cạnh ông Dũng, dò hỏi:
- Ông Hùng nói vậy, ông nghĩ thế nào?
- Còn thế nào nữa. Mà cũng may cho tôi, chứ cứ ngày nào cũng thấy cái bản mặt của hắn thì chắc tôi không thể chịu nổi. Hắn vẫn vậy. Vẫn là hắn đó mà…
Ông Hội trưởng ngạc nhiên:
- Sao ông lại nói vậy? hai người biết nhau trước rồi phải không?
- Vâng! Chuyện dài lắm ông ạ! Khi nào rảnh rỗi tôi sẽ kể cho ông nghe.
 
* * *
Câu chuyện ông Dũng hứa kể cho ông Hội trưởng nghe, ông Dũng chưa kịp kể. Nói cho đúng ra là ông Dũng chưa muốn kể, hoặc là không muốn kể ra làm gì. Chỉ có một điều là kể từ cái hôm ở nhà ông Hùng bàn bạc về dự án trồng hoa, cây cảnh, hoạ hoằn lắm mới thấy ông Hùng bước ra khỏi nhà. Và trong khu Thành Cổ người ta không còn thấy ông Hùng xuất hiện nữa, thay vào đó là tiếng nạng lộc cộc thường kỳ của ông Dũng vào những buổi sáng tinh mơ. Sự thay thế đó rất đỗi bình thường đối với những ai không chú tâm để ý. Nhưng đối với Dũng và Hùng thì thật sự không bình thường một chút nào, nó không phải là một sự ngẫu nhiên mà là cả một định mệnh, ví như ở trên đời này “Nếu có Lượng thì đừng bao giờ có Du”. Và điều ấy chắc chắn sẽ diễn ra lặn sâu, nặng nề, nhức nhối mãi hoài trong hai con người ấy, nếu như không có một lần họ lại gặp nhau.
Hôm ấy, là một ngày của tháng bảy, trên đôi bờ của dòng sông Thạch Hãn, người ta tổ chức thả hoa. Từ buổi chiều ông Hùng đã nhận được giấy báo của Hội Người cao tuổi phường, mời bảy giờ tối tham gia thả hoa. Nhưng ông không muốn đi. Ông không xứng đáng để gặp mặt mọi người, gặp mặt Dũng và hơn thế hàng ngàn, vạn lần nữa là với hương hồn của những người đã ngã xuống vào cái thời khắc thiêng liêng ấy. Trái tim ông nhói đau, se thắt một nỗi niềm, không sao nguôi ngoai được.
Ông choáng váng, mặt mày tối sầm lại, lần dò từng bước vào căn phòng của mình. Ông nằm xuống, hai hàng nước mắt ứa ra lặng lẽ…
Bà Hùng đi dưới bếp lên:
- Ông nó ơi! Gần bảy giờ rồi mà ông chưa đi à.
- Tôi thấy mệt trong người quá, chắc không đi được đâu bà nó ạ.
Bà Hùng bước vào phòng ngồi cạnh ông.
- Ông mệt thì tôi dìu ông đi. Chứ ông không đi là không được đâu. Mọi người ai cũng đối xử tốt với ông mà sao ông cứ xa lánh, mặc cảm hoài vậy. Thôi ông nghe tôi, thời nào theo thời đó ông ạ. Con người cũng như dòng sông ấy mà có khúc bồi, khúc lở, có lúc đục, lúc trong… chẳng lẽ mình chỉ mãi là ngọn sóng dữ thôi sao? Ông nghe tôi…
Nghe bà Hùng nói, tâm trạng ông rối bời. Ông gắng gượng ngồi dậy, đưa tay với chiếc nạng:
- Bà ở nhà tưới cho tôi mấy chậu cây cảnh ở sau vườn. Tôi đi một mình cũng được.
Ông Hùng khập khễnh đi về phía bờ sông. Đoạn đường từ nhà ông ra đến nơi tổ chức thả hoa chỉ vài trăm mét mà ông cứ ngỡ như dài đến vô cùng. Cũng may là vừa đến nơi thì đúng lúc người ta cử hành lễ. Ông lặng lẽ hoà vào dòng người cùng thả những bông hoa tươi thắm xuống dòng sông. Ông nghe thấy những lời nguyện cầu da diết đến não ruột, những giọt nước mắt nghẹn ngào rơi xuống hoà vào dòng nước trôi theo những cánh hoa...
Mọi người đã rời khỏi dòng sông từ lúc nào ông không hay biết. Ông ngồi tựa mình vào bờ sông đôi mắt đăm đắm nhìn xuống dòng sông lấp lánh ánh trăng, gió nhè nhẹ thổi gợn những cơn sóng lăn tăn chở những cánh hoa từ từ xuôi về phía hạ lưu. Đã lâu lắm rồi ông mới lại có dịp để ngồi với dòng sông quê như thế này. Ừ, chỗ này đây ngày xưa… như một cuốn phim từ từ hiển hiện lên trong ông tất thảy. Ông ao ước biết bao cái thời còn đi chăn trâu ấy, dòng sông đẹp đẽ biết nhường nào…ông căm thù chính ông, phỉ nhổ hàng vạn lần lương tâm ông, tại sao có một thời ông đã nhằm bắn xuống dòng sông, nhằm bắn vào những gì thiêng liêng nhất của cuộc đời ông... Dòng sông có tội tình gì cơ chứ…
Hình như có ai đó đang gọi ông. Tiếng thì thầm như là tiếng của dòng sông. Ông sực tỉnh, đưa tay vuốt vuốt lên mái tóc. Sương ướt nhoè, thấm vào bàn tay ông, da thịt ông. Ông quờ tay tìm chiếc nạng rồi chống dậy. Ông hoảng hốt. Một bóng đen chỉ cách ông mấy mét.
- Ai đó?
Bóng đen vẫn bất động.
- Ai đó? Sao tôi hỏi mà không nói gì.
Ông khập khểnh bước lại gần. Ông bàng hoàng khi thấy người ấy cũng có một cái nạng ở bên mình…
- Tôi đây!
Không còn lòng dạ nào để nghe người ấy trả lời nữa, ông cố hết sức rướn mình lên. Nhưng bờ sông khập khiễng, chiếc nạng bị hụt, ông ngã lăn xuống bờ sông. Người đàn ông kia vội vàng trườn đến cố hết sức nâng ông dậy, nhưng vì không có nạng nên cả hai cùng ngã lăn ra. Hai bàn tay của họ vẫn nắm lấy nhau. Họ không ngồi dậy, cứ thế nằm sõng soài bên nhau nhìn xuống dòng sông, rồi cùng nhìn lên bầu trời ngời ngợi ánh trăng... Họ đã nghĩ gì, đã nói với nhau những gì… có lẽ chỉ có dòng sông mới biết. Nhưng có một điều là sau cái đêm hôm ấy, Dự án trồng hoa, cây cảnh được hình thành và đi vào thực hiện đúng như những lời ông Hội trưởng trình bày ở nhà ông Hùng. Trong khu Thành Cổ, nơi thấm đẫm máu của bao anh hùng, liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, màu xanh cây lá đang từng ngày hồi sinh đâm chồi nảy lộc, đem lại sinh khí, sự sống cho đời. Bên những gốc cây, nhành hoa tươi thắm, người ta thấy thấp thoáng bóng những cụ già đang mải mê với công việc vun xới chăm bón của mình. Trên dòng sông Thạch Hãn mỗi dịp thả hương hoa cho người nằm xuống, trong muôn màu sắc tâm linh ấy, người ta vẫn nhận ra được những vòng hoa đơm kết từ vườn hoa, cây cảnh của Hội Người Cao tuổi trong khu Thành Cổ.
Chuyện chiếc chân trái bị cụt của ông Hùng, được ông đem kể lại với các thành viên trong Hội. Rằng đó không phải là tai nạn giao thông như ông đã từng nói, mà là kết cục của những năm tháng tội lỗi, lầm đường lạc lối của mình. Rằng chính mảnh pháo 175 ly của Mỹ - Ngụy đã cắm phập vào chiếc chân trái ông ngay chính trong Khu Thành Cổ. Rằng không biết vì sao mà ông Dũng còn sống để bây giờ ông lại được "đối mặt", được sống tiếp những ngày tháng có ích cho đời, được thảnh thơi phần nào cho quãng đời còn lại của mình.
Duy chỉ có một điều, ông Hùng không hay biết và ông Dũng cũng không hề kể lại, vì bây giờ đó là một sự hàm ơn, còn ngày đó là phẩm chất là bản lĩnh của người lính. Ngày ấy, trước khi chạm trán rồi cùng bị thương với Hùng, trên bờ Thành ở góc Đông - Nam Thành Cổ, ông đã nhằm bắn vào lá cờ ba sọc mà không bắn vào người cầm cờ. Kỷ niệm về những năm tháng tuổi thơ trên dòng sông quê, những ngày cùng chung trường, chung lớp đã trì néo ông, đã một giây làm cho ông xao lòng để băng đạn chỉ làm nát tan lá cờ. Cũng may cho Hùng và đồng bọn là sau đó không một ai dám liều mạng trèo lên cắm cờ nữa.
Nhiều lúc nhìn Hùng chống nạng đứng bên những vòm hoa, chậu cây cảnh, Dũng chỉ khẽ thở dài rồi mỉm cười. Không biết trong mắt Dũng, đang hiển hiện bóng hình một cậu bé trên lưng trâu trong những trận giáp lá cà trên sông quê, có lần cứu Dũng thoát khỏi thần chết, hay một sĩ quan ngụy hung hãn, bất cần đời ngày nào trên cầu Hiền Lương, rồi những lần sinh tử ngay chính trong khu Thành Cổ này. Khó ai có thể biết được, chỉ có một điều rằng, họ đã đi qua chiến tranh, đi qua khoảng thời gian đau thương, mất mát, nghiệt ngã nhất của cuộc đời mình...
Và như thành thường lệ, buổi chiều nào cũng vậy, người ta đều thấy họ cùng ôm những bông hoa đẹp nhất, đỏ thắm nhất trong vườn cây cảnh của mình đặt lên Đài tưởng niệm Thành Cổ. Hai chiếc nạng gỗ được bỏ về hai phía, họ đứng sát nhau, kề vai nhau, cùng chắp tay thành kính trong khói hương nghi ngút bay. Bóng họ như hoà làm một dưới ráng chiều của hoàng hôn đỏ thẫm./.

Tác giả bài viết: VX

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây