Anh tươi cười bắt tay từng người. Đến lượt tôi anh nắm chặt lắc lắc. - Cái chi mà leng keng rứa cán bộ Hùng ?
- Mình có chai nước mắm và thẩu ruốc ngon đem lên biếu già bản.
Nghe tôi nói, Hồ Phi gật gật đầu, vẻ mặt anh trầm ngâm.
- Dạo này già bản yếu lắm. Tuần trước tưởng già đã đi theo với thần núi rừng rồi đó. à ! Già có hỏi miềng răng chưa chộ cán bộ Hùng lên.
Nghe Hồ Phi báo tin già bản đang ốm nặng, lại có ý trông chờ tôi. Tôi linh cảm có điềm chẳng lành. Trước mắt tôi là hình bóng già. Một ông cụ hết lòng vì dân bản, vì sự đổi thay đi lên của núi rừng Tà Thiêng. Cụ rất hoạt bát, năng động. Việc gì cụ đã hứa là làm bằng được mới thôi. Ở cụ là một con người cởi mở - giàu tình cảm - dễ gần nhưng lại chất chứa một cái gì đó rất ưu tư - sâu kín như có một niềm riêng thăm thẳm của những nỗi niềm.
Nhớ lại cách đây đã hơn sáu năm, hồi ấy khi chương trình 327 mới được Nhà nước đưa vào thực hiện. Lần đầu tiên tôi lên vùng Tà Thiêng này để triển khai công tác. Chúng tôi không biết nói tiếng đồng bào Vân Kiều. Cán bộ thôn, xã thì chưa đủ năng lực, trình độ giảng giải để bà con nhận thức đầy đủ được mục đích - ý nghĩa - tầm quan trọng của chương trình 327. Điều khó khăn nhất ảnh hưởng đến chương trình là tập tục máu thịt từ lâu đời của người dân bản trong việc chặt phá gỗ quý, đốt rừng làm nương rẫy, du canh du cư ...
Mấy cuộc họp liền với dân bản không đem lại kết quả. Cán bộ xã, cán bộ thôn lắc đầu “Khó quá cán bộ ơi! Phải gặp già bản Hồ Núi thôi”.
Thế rồi, trong những ngày khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được ấy, tôi và Hồ Phi đã gặp già bản. Đêm ấy cả núi rừng bàng bạc một màu trăng. Ánh trăng trải ra như những đợt sóng chập chùng, huyền hoặc đến nao lòng. Tiếng khèn, tiếng chiêng vang lên rộn rã, tiếng râm ran cười đùa của trai gái nhảy múa dưới trăng càng làm cho lòng dạ tôi thêm rối bời. Tôi lặng lẽ, nhìn ánh trăng như cứ trôi trôi vào lòng mình những nỗi buồn man mác ...
- Cán bộ Hùng nghĩ gì vậy! Buồn lắm hả? Thôi đi với miềng.
Chúng tôi men theo bìa rừng đến nhà già bản. Ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, nhưng bên trong mọi thứ được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Trên bàn thờ đặt một tấm bằng Tổ quốc ghi công. Tôi đang đứng ngẫn ra thì nghe có tiếng bước chân từ dưới nhà sàn đi lên. Một cụ già tuổi chừng bảy mươi, râu tóc bạc phơ. Hồ Phi nói bằng tiếng Vân Kiều với ông cụ. Ông cụ gật đầu rồi bước lại bắt tay tôi. “Chào cán bộ”, giọng ông lơ lớ đúng cái chất giọng của người Vân Kiều khi nói tiếng Kinh, nhưng phong thái ông rất đĩnh đạc và gần gũi. Ông cụ pha trà rồi lấy gói kẹo trong túi xách ra mời chúng tôi. Cụ bảo : “mới đi dưới xuôi lên”.
Tôi ngồi nghe Hồ Phi và ông cụ nói chuyện với nhau mà cứ như vịt nghe sấm. Chỉ thấy đôi mắt ông cụ lúc thì trầm xuống, lúc thì ánh lên. Già nói tiếp:
- Hiểu cái bụng của người dân bản giống như trèo lên đỉnh núi cao, có cực nhọc, gian khổ mới thương yêu nhau thật cái bụng được cán bộ ạ!
Đêm hôm sau tiếng chiêng lại vang động lên. Nhưng nghe rộn rã, hối thúc hơn. Sau tiếng chiêng là tiếng bước chân rậm rịch, mọi người tề tựu về ngôi nhà sàn của trưởng bản Hồ Phi. Già bản Hồ Núi ngồi ở giữa trịnh trọng, cả ngôi nhà sàn chật ních người, nhưng im phăng phắc. Già nói say sưa, cũng bằng thứ ngôn ngữ mà tôi không sao hiểu được ấy. Chỉ thỉnh thoảng mới nghe được những âm từ quen thuộc như “Thằng Pháp, thằng Mỹ, Đảng, Bok Hồ, chương trình 327, cán bộ...” Và cuối cùng là một câu nói to của già bản, mọi người đồng thanh rung chuyển cả ngôi nhà sàn. “ Nhất trí”, già bản bước lại tươi cười bắt tay tôi rồi cùng dân bản ra về. Hồ Phi reo lên “ Thắng lợi rồi, thắng lợi rồi cán bộ ơi!”
Tối hôm đó niềm vui sướng làm tôi không sao ngủ đươc. Nằm bên Hồ Phi, tôi như nuốt lấy từng lời của anh khi kể về già bản Hồ Núi.
- Khi tôi biết cầm cây rựa, biết đặt cái bẫy bắt con thú rừng thì đã thấy già ở cái bản ni rồi. Hồi đó già trẻ và đẹp lắm. Già làm xã đội trưởng dạy con trai, con gái cách bắn súng, cách đặt chông. Dạy cái chữ cho bọn con nít như bọn miềng. Bọn Mỹ nguỵ khiếp vía mỗi khi liều lĩnh đến núi rừng Tà Thiêng ni. Được nhà nước phong tặng danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ nhưng già không chịu nhận. Già bảo đó là thành tích chung của cả bản Tà Thiêng. Già chỉ có một người con gái duy nhất đã hy sinh năm 1972. Ai ai cũng thương và quý trọng già. Già là linh hồn của bản đó.
- Cán bộ Hùng đó à! Già lên tiếng trước khi tôi và Hồ Phi vừa bước chân lên khỏi cầu thang.
- Dạ vâng , con đây già ạ!
Vẫn mái tóc bộ râu bạc phơ, đôi mắt như không bờ thăm thẳm một miền riêng của những nổi niềm, nhưng đôi má của già thì đã tóp gầy đi nhiều.
- Già thấy trong người có được khoẻ không?
Già không nói gì chỉ khẽ gật. Hồ Phi trịnh trọng nâng hai tay tấm bằng khen đến bên già: - Già ơi! Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Già bằng khen đây.
- Bằng khen chi rứa? - Già hỏi.
- Dạ! bằng khen về thành tích của Già đóng góp cho chương trình 327 trong suốt sáu năm qua đó. - Tôi nhanh nhẹn trả lời.
Già bảo:
- Đó là công lao của dân bản, chứ già.... - Rồi già cười, nụ cười hằn cứng những nếp nhăn đầy ắp trên khuôn mặt.
Buổi tối hôm đó tôi tham dự cuộc họp với dân bản xong về đến nhà thì cũng đã khuya lắm rồi. Già vẫn đang thức. Già bảo tôi:
- Con ngủ đi kẻo cả ngày đi đường vất vả.
Sau một ngày hành trình vất vả tôi đặt lưng xuống là thiếp đi liền. Tôi thiếp đi không biết bao lâu.... từ trong giấc ngủ say tôi mơ màng nghe thấy những tiếng chày nện nhịp đều đều đâu đó. Một thứ âm thanh trầm buồn rười rượi. Già bản hiện ra đôi mắt ưu tư vời vợi...
Tôi bất giác giật mình tỉnh dậy thấy già đang trầm ngâm ngồi bên cửa sổ nhìn ra. Ngoài trời trăng đang trôi lặng lẽ. Trăng sáng vằng vặc, sáng đến nổi tôi nhìn rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt già. Trên bàn thờ mấy nén hương đang nghi ngút cháy. Tàn hương uốn cong lại như những hình người.
Tôi đến bên già:
- Già ơi ! Khuya lắm rồi, già lại đang ốm sao không đi nghỉ ạ!
- Con không ngủ được sao ?
Giọng nói của già làm tôi kinh ngạc. Tôi như từ trên trời rơi xuống. Trời ơi! giọng nói của già, giọng nói đặc sệt chất giọng quê tôi.
- Chắc con cũng không quá ngạc nhiên phải không? Con ở xóm Tây, già ở xóm Thượng chỉ cách nhau một quãng đồng.
Bây giờ tôi mới hiểu, vì sao lần nào lên công tác già cũng hỏi thăm tình hình quê tôi. Và mỗi lần như vậy đôi mắt già như trầm thương về một nổi niềm xa xôi lắm.
* * *
Sau trận đại dịch đậu mùa năm ấy, hai đứa em bị chết. Minh ngậm ngùi gạt lệ, đến làm thuê cho gia đình địa chủ Lê Đản. Ở gia đình địa chủ Lê Đản còn có một bé gái tên là Phương kém Minh hai tuổi và cùng cảnh mồ côi.
Năm tháng cứ dần trôi.... từ một cô bé gầy nhom, Phương trở thành một thiếu nữ xinh đẹp vào loại nhất làng. Khuôn mặt Phương hiền thục, đôi má lúc nào cũng ong ong đỏ làm cho bao gã trai trẻ ngẩn ngơ. Có nhiều đám dạm hỏi nhưng Phương một mực chối từ. Minh cũng vậy từ một cậu bé đen nhẻm, ngày tháng lao động cơ cực đã biến thành một chàng thanh niên vạm vỡ, hai bên ngực nổi gồng lên, bắp chân, bắp tay chắc săn cuồn cuộn. Có điều là hai người ngày càng ít nói chuyện với nhau, họ dần dần khó hiểu nhau, xa lánh nhau. Cho đến một ngày hình như họ không còn chịu đựng được nữa, cô gái đã bật khóc, hai giọt nước mắt chảy ra lung linh tinh khiết như hai giọt thuỷ ngân. Cô gái giận hờn Minh "Anh không hiểu em một chút nào cả... hay anh không thương em..." Minh đã sướng rơn lên, hai chân quýnh lại, miệng lắp bắp không nói nên lời.... và cái gì đến đã đến, họ thành vợ, thành chồng.
Sau lễ cưới hai tháng, Minh lên đường ra nhập Vệ quốc đoàn. Vợ chồng mới cưới xa nhau có bao điều quyến luyến, nhớ nhung nhưng Phương vẫn động viên chồng lên đường lập công. Đơn vị Minh đóng ở chiến khu Thuỷ Ba một vùng căn cứ địa của cách mạng, cứ ngày nghỉ chuẩn bị đêm tràn xuống diệt đồn. Bọn địch nghe tiếng đơn vị Minh là kinh sợ. Chúng tăng cường bố phòng canh gác hết sức cẩn mật nhưng đồn tây cứ thưa dần, tiếng tăm đơn vị Minh ngày một lan xa. Trong những tháng ngày đó thỉnh thoảng Minh vẫn ghé về thăm vợ. Cho đến một ngày cuối năm 1952, trong trận công đồn ở Chấp Lễ, tiểu đội Minh bị rơi vào ổ phục kích của địch. Sáu người hy sinh. Minh và năm người còn lại sa vào tay địch. Trong số năm đồng chí đó có anh Tiểu đội trưởng người làng Tây cùng xã với Minh, bốn anh còn lại đều là người xã Vĩnh Tú. Chúng đánh đập hết sức giã man rồi đưa Minh và anh em về giam tại nhà lao Hồ Xá.
Ở nhà lao Hồ xá có chị Hiền làm lao công người xóm Tây, nên đêm trước ngày chúng đưa đi hành hình, chị đã kịp báo tin cho gia đình các tử tù biết. Sáng sớm hôm sau một chiếc xe nhà binh bịt kín đổ xịch trước cửa nhà giam, hai bên hai hàng lính lê dương ăn mặc chỉnh tề, lưỡi lê tuốt sáng láng. Tên trại trưởng bước vào vẻ mặt vênh váo. Minh thầm nghĩ: "Vậy là cái giờ phút thiêng liêng ấy đã đến" hai tên lính nhà giam dùng một sợi dây dài nhỏ nhưng rất chắc loại dây chỉ có ở nhà giam trói Minh và anh em thành một chuổi. Anh Tiểu đội trường là người chúng trói đầu tiên, còn Minh hình như chúng thấy trẻ nhất nên trói sau cùng. Chúng đẩy Minh và anh em lên xe dồn về phía trước, còn toàn bộ chúng ngồi phía sau. Xe vừa chạy ra khỏi cổng nhà giam, Minh nghe có tiếng huỳnh huỵnh, tiếng la hét của bọn lính. Rồi từ hai bên đường tiếng khóc, tiếng gào gọi tên anh em tử tù. Trong cái âm thanh đau đớn, trộn máu, nước mắt của những người thân ấy Minh nghe tiếng hời hỡi của vợ mình. Tiếng gọi đã khản đặc, khào khào như không còn hơi sức nữa. Minh và anh em không ai nói với ai một lời nào, mặt đanh lại. Nếu trong số tử tù có một ai đó không chịu đựng nổi để nước mắt trào ra, thì người đó chính là Minh. Nhưng Minh không khóc. Nói cho đúng hơn là nước mắt Minh đã chảy trong lòng ngực mình như muốn bóp vỡ nát con tim mình ra. Lúc đó Minh thấy có vật gì đụng đậy vào đôi bàn tay mình đang bị trói chặt phía sau lưng, Minh khẽ quay đầu nhìn lại. Anh Tiểu đội trưởng đang cúi gập đầu xuống dùng răng nới hai đầu dây trói cho Minh. Minh nắm chặt lấy hai múi dây đã được nới ra. Anh Tiểu đội trưởng chỉ kịp nói nhỏ vào tai Minh "Khi nào anh ra hiệu là em phải chạy ngay. Bọn anh sẽ chắn đạn cho em ". Đến gần một bìa rừng chúng đẩy anh em tủ tù xuống, xếp thành một hàng ngang để thi hành án. Đúng lúc ấy anh Tiểu đội trưởng quay người nhìn về phía Minh. Đôi mắt Anh loé lên như một tia chớp. Minh quay người thả bung hai đầu dây trói rồi cắm đầu chạy vào cánh rừng trước mặt. Tiếng la hét, tiếng súng nổ, tiếng đạn bay chiu chíu quanh người, một viên trúng vào cánh tay Minh máu ứa ra. Minh vừa chạy vừa đưa tay bứt lá đắp vào vết thương. Rồi cứ thế băng rừng lội suốt bươn về phía trước, không còn biết mình sẽ tới đâu.... Minh cố trườn lên, trườn lên toàn thân rả rời, nặng trĩu rồi nhẹ tênh…
Trong áng mây trắng bồng bềnh đưa Minh bay lên bay mãi. Minh đã nhìn thấy các anh. Các anh ấy đi ra từ trong muôn ngàn ánh hào quang, đẹp một cách lạ lùng như những tráng sĩ trong câu chuyện cổ tích thần diệu. Các anh ấy mĩm cười đưa tay vẫy chào Minh, rồi lại hoà tan trong những ánh hào quang ấy. Minh gọi tên các anh đến muốn vỡ tung cả lồng ngực, nước mắt tuôn trào chảy chan trên đôi môi mặn chát…
Minh đã mê man như thế không biết bao lâu, chỉ biết rằng khi tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong một căn chòi canh rừng. Một ông cụ, Minh không đoán ra tuổi tác và một cô gái Vân Kiều còn rất trẻ đang ngồi bên. Trên khuôn mặt họ toát lên vẽ lo âu. Quần áo tả tơi, da thịt Minh không còn một chổ lành lặn. Vết thương trên cánh tay sưng lên nhức nhối. Cô gái bón cho Minh từng thìa cháo. Minh phải gắng lắm mới nuốt trôi xuống được. Buổi chiều ông cụ bảo Minh: "Bây giờ mày nằm nghỉ chúng tao đi có việc".
Họ đi rồi chỉ còn lại một mình Minh trong căn chòi vắng lặng bốn bề mịt mù sương khói của núi rừng.
***
Chiều tối hai bố con người dân tộc Vân Kiều mới quay trở lại. Trên A Chói của ông cụ đầy ắp những lá cây. Những lá cây đó dùng để đắp vết thương cho Minh, còn trên A Chói của người con gái là một chuỗi chuột rừng. Loại chuột mà cô gái đã nấu cháo bón cho Minh ăn. Thứ cháo mà ở những lúc bình thường thì Minh đã mửa ra mật xanh, mật vàng rồi, chứ đừng nói là nuốt trôi xuống cổ họng. Vậy mà Minh đã ăn. Và thật kỳ diệu từ hai loại đó như một thứ dược liệu thần tiên làm sức khoẻ Minh hồi phục mau chóng đến không ngờ.
Biết Minh là người của cách mạng, ông cụ căn dặn "Tuyệt đối mày không được bước ra khỏi khu vực của căn chòi ni. Bọn lính Pháp đang lùng sục ráo riết lắm, chỉ cần thấy người Kinh xuất hiện ở vùng núi rừng là bọn chúng bắn chết ngay không cần tra hỏi, còn người nào che giấu cán bộ lập tức bị xử tử cả gia đình”. Nghe ông cụ nói vậy, Minh muốn trốn ngay ra khỏi căn chòi của họ. Ruột gan Minh rối bời. Minh định bụng chờ cho hai bố con ông cụ trong lúc vắng nhà sẽ trốn đi.
Ngày hôm sau hai bố con ông cụ lại vào rừng. Minh chưa kịp thực hiện ý đồ của mình thì họ đã lục tục trở về. Cô gái cùi trên lưng một cái A Chói. Trong A chói không phải là những chiếc lá rừng, cũng không có một chuỗi chuột nào cả, mà ở giữa là một thứ bùn nhão nhoét, xung quanh được lót bằng những chiếc lá chuối tươi. Một mùi hôi hăng hắc bốc lên, mùi hôi của thứ phân trâu được trộn lẫn với đất bùn thật là khó chịu. Minh không hiểu họ đem cái thứ chết tiệt ấy về để làm gì trong căn chòi chật hẹp này. Mãi tới mấy ngày sau Minh mới biết nó chính là lá bùa đã cứu sống Minh.
Hôm ấy bất thình lình bọn Tây ập đến căn chòi. Chúng thấy Minh như một con thú rừng tật nguyền. Toàn thân phủ kín cái thứ chết tiệt hôi thối ấy. Ruồi, muỗi không biết chúng ở đâu mà tụ tập ẩu đả, tranh giành nhau như một cuộc chiến trên thân thể Minh. Bọn lính chẳng đứa nào dám đến gần, chúng hỏi bố con ông lão.
- Chúng mày nuôi giấu Cộng sản phải không ?
- Nó là anh trai tao đó. Nó bị bệnh cùi. Dân bản không cho nó ở, nên nhốt ở ngoài này.
Nghe cô gái nói vậy, cả bọn lính nháy nhau chuồn thẳng.
Minh được bố con ông lão chăm sóc hết lòng. Ngày nào cô gái cũng dạy Minh nói tiếng Vân Kiều, những phong tục, tập quán của người dân bản. Cô gái có cái tên rất dễ thương "Mun Lan" còn ông lão là "Phả Suối", Minh được đặt tên là "Phả Núi". Trong suốt những ngày tháng đó, Minh chỉ quanh quẩn trong khu vực của chòi canh. Trên mình lúc nào cũng đen sì nhưng không còn là thứ đất bùn trộn với phân trâu kia nữa. Rồi Minh bị những cơn sốt rừng hoành hành liên miên, đôi môi thâm thì, nước da vàng khè, sức khoẻ kiệt quệ đi tưởng chừng như không qua khỏi. Mãi sau này khi sức khoẻ bình phục Minh mới xin phép hai bố con ông lão để trở về quê. Ngày Minh trở về ông lão nói trong bùi ngùi "Mày nhớ lên thăm bọn tao nhé". Còn Mun Lan lẳng lặng chẳng nói gì, đôi mắt nàng ngấn nước.
Minh về bên này của sông Bến Hải. Dòng sông mà Minh đã gởi gắm, ký thác biết bao nỗi buồn vui của cuộc đời. Dòng sông vẫn xanh trong ngăn ngắt, lặng lờ trôi như thủa nào nhưng không một con đò sang ngang, không một cánh buồm xuôi ngược...Chỉ bên kia dòng sông thôi, là cả quê hương với bao người thân ruột thịt, cùng với người vợ trẻ đang mòn mỏi trông chờ Minh từng phút từng giờ. Trong ánh mắt nhợt nhoè, trong nỗi đau quặn thắt, dòng sông bỗng hiện hữu lên như một lưỡi gươm chém phập xuống cuộc đời Minh. "Vĩ tuyến 17- Giới tuyến quân sự tạm thời" Minh chới với. Nhưng rồi một ý nghĩ loé lên trong đầu "đêm nay mình sẽ bơi qua con sông này"
Ánh nắng chiều đang trải ra vàng ươm lấp lánh. Trên dòng sông những lớp sóng đang nối nhau dìu dặt vỗ về, vọng vào lòng Minh.
Minh thấy xốn xang trong lòng dạ. Phía bên kia dòng sông từng đoàn người đang nhấp nhô, hối hả trên cánh đồng lúa xanh rờn. Minh dõi mắt kiếm tìm "Ai như vợ mình thế nhỉ, đúng rồi ! cái dáng nét thân quen ấy làm sao mà lẫn được "Minh reo lên. Minh cố nhìn khuôn mặt hao gầy, đôi mắt đen như hạt nhãn mà từ đáy mắt lúc nào cũng như ngân ngấn ướt, mái tóc dài tha thướt của vợ mình, nhưng không được. Có tiếng bước chân thậm thịch. Một tốp dân vệ và cảnh sát nguỵ đang tuần tra dọc bờ sông. Chúng đang đến gần. Minh đành phải lùi lại. Minh đi về phía chợ cầu. Bụng dạ bắt đầu cồn cào, Minh nhớ ra mình đã không ăn bữa trưa, nhìn qua phía bên kia đường có một quán ăn nhưng không thấy người. Minh xăm xăm bước vào.
- Chỉ còn một ít cháo bò thôi, anh dùng tạm nhé!
Chị vừa nói vừa quay về phía Minh. Bỗng dưng khuôn mặt chị tái nhợt đi, đôi mắt đờ đẫn, đôi môi run lập bập, một hồi mới thốt lên được.
- Dượng … Dượng Minh !
- Chị Thảo... Chị vào đây từ khi nào?
- Gần một năm rồi Dượng ạ!
Chị Thảo là con dì ruột của vợ Minh. Nhưng là con dâu của lão địa chủ tay sai thực dân Lê Đản. Chị Thảo rất mực thương yêu vợ chồng Minh, chị Thảo đã vun đắp cho hai đứa nên vợ nên chồng. Chị Thảo kéo Minh ngồi xuống chiếc ghế đối diện với mình.
- Trời ơi ! Tôi không ngờ lại được gặp Dượng trong hoàn cảnh như ri.
- Chị tưởng tôi chết rồi phải không?
- Không ! Chị Thảo trả lời: Tôi còn biết nhiều hơn rứa nữa. Chị Thảo kể:
- Ngày bọn chúng đưa Dượng đi hành hình. Tôi và dì Phương cùng với một số thân nhân của tử tù đến nhà lao Hồ Xá. Biết chiếc xe chở Dượng và các tử tù đi ra, chúng tôi đã liều mạng đứng chặn lại nhưng bọn lính cai ngục hành hung đánh chúng tôi dạt ra hai bên mép đường. Xe đi rồi, chúng tôi cứ chạy miết theo vết xe. Mãi đến chiều mới tới nơi. Ở tận bìa rừng La Ngà ấy là một cảnh tượng đau lòng mà tôi không bao giờ quên được Dượng ạ! Các anh ấy nằm gục bên nhau, máu thấm đẫm tràn ngập nhầy nhụa trên ngực, trên mặt. Mọi người cứ ôm lấy người thân của mình mà van khóc. Có thằng cu khoảng lên ba tuổi con anh ở xóm Tây chưa hề biết mặt ba, nó cứ lấy tay đập đập, lay mẹ mà không biết mẹ nó đang ôm lấy xác ba ngất lịm đi, rồi nó khóc thét lên. Chao ôi! Tiếng khóc của cháu. Tiếng khóc của một đứa trẻ thơ như muôn vạn đứa trẻ thơ khác mỗi lần khóc đòi mẹ, mà sao nghe đớn đau, tái tê, tang thương làm vậy. Chúng tôi ngẹn ngào muốn đứt ra từng khúc ruột. Không thấy xác của Dượng đâu cả. Tôi và Dì Phương hy vọng: Có thể Dượng đã chạy thoát.
Có tiếng trẻ con ọ ẹ trong nôi. Chị Thảo đứng dậy múc một tô cháo bò mời Minh ăn rồi đến ru con. Minh ăn xong, chị bưng đến một bát nước chè xanh đặt trước mặt Minh rồi hỏi:
- Rứa lâu ni dượng ở mô?
Minh kể lại chị nghe. Chị lẳng lặng không nói gì, một hồi lâu mới hỏi Minh.
- Rứa chừ dượng tính răng?
Minh ghé vào tai Thảo nói nhỏ. Thảo nhìn Minh lắc đầu.
- Không được mô!
-Dù có chết tui cũng trở về chị ạ!
Khuôn mặt của chị Thảo trở nên buồn rười rượi. Đôi mắt Thảo ngân ngấn nước.
- Nhưng mà Dượng không còn mặt mũi nào về được nữa mô.
Minh hốt hoảng lên. Không hiểu gì.
Chị Thảo bảo:
- Thôi tôi cũng chẳng giấu Dượng làm chi. Sau hoà bình lập lại người ta đã tìm thấy một tập hồ sơ về dượng ở nhà lao Hồ Xá trong đó có lá thư của bố chồng tôi gởi cho bọn mật vụ Pháp, giới thiệu dượng vào làm việc cho chúng. Người ta bảo tất cả những người bị bắt và hy sinh năm ấy là do dượng mật báo.
Minh nghe chị Thảo nói mà chết lặng người đi không ngờ sự thể lại đến nỗi này.
- Những ngày đó mọi người xa lánh, khinh miệt dì.....Nhiều đêm dì ấy cứ ôm lấy tôi mà khóc, tôi không biết an ủi động viên dì ấy thế nào nữa. Thời gian đó ngoài mình người ta tổ chức đấu tố ghê lắm dượng ạ! Ông bố chồng tôi bị đưa đi xử tử. Chồng tôi đã tìm cách vượt sông đưa mẹ con tôi vào trong này. Vào trong này một thời gian, anh ấy mới kể cho tôi nghe về chuyện của dượng. Dượng chạy thoát, bọn cai ngục nhà lao Hồ Xá sợ và để che đậy sự thật với cấp trên, bọn chúng và bố chồng tôi lập ra tập hồ sơ giả về dượng.
Chị nói tiếp: “Bây giờ còn ai để làm chứng cho Dượng được nữa. Một người đã chết, còn chúng tôi thì ở bên này giới tuyến. Mà có thanh minh cho Dượng đi chăng nữa, hỏi ai người ta tin”.
-Thế vợ tôi ra sao rồi hả chị?
Thảo ấp úng một hồi lâu như muốn lảng tránh câu hỏi của Minh. Giọng chị như bị dồn nén từ thẳm sâu bật ra:
- Dì ấy đã đi lấy chồng rồi!.
Cả trời đất tả tơi, tan tác trước mắt Minh. Minh như con thuyền không bến đậu lạc loài không biết đi đâu về đâu nữa. Trong lòng Minh như từng đợt sóng cồn gào thét.
Minh lầm lũi bước ra khỏi quán, cứ thế mà đi....trở lại với núi rừng Tà Thiêng.
Hai bố con Mun Lan mừng rỡ, họ ngỡ ngàng không ngờ Minh trở lại nhanh như thế.
* * *
Già ngước nhìn lên, mấy nén hương đã lụi tắt tự bao giờ. Già từ từ đứng dậy đi về phía bàn thờ. Bàn tay già run run cắm lên năm nén hương cháy đỏ. Già lẩm nhẩm một hồi. Hình như già cố gắng lắm. Già quỳ xuống, từng giọt nước mắt lăn ra nối nhau chảy dài trên hai gò má. Tôi vội vàng chạy đến đỡ lấy già. Già thều thào: "Hôm nay là ngày giỗ của các Anh ấy. Già muốn về với các Anh...."
Già khẽ mỉm cười rồi lịm dần trong vòng tay tôi.
Ngày hôm sau già đã ra đi. Đám tang của Già được dân bản tổ chức hết sức trang nghiêm. Họ đưa tiễn già về nơi an nghỉ cuối cùng như lễ nghi đối với vị thần linh của núi rừng. Tôi đi sau linh cửu già, một nỗi niềm dâng lên xiết chặt trong lòng. Lời của già như đang âm vang đâu đó trong từng ngọn gió, trong từng phiến đá, cây lá của núi rừng ùa vào tâm tưởng tôi.
Tôi cứ day dứt, ân hận mãi với già. Tôi chưa kịp nói với già rằng: Trong suốt những tháng năm qua người xóm Tây, xóm Thượng quê tôi đã từng mỏi mắt trông chờ già trở về...
Và bạn đọc ơi! Trong câu chuyện của già kể, trong nỗi niềm quặn thắt của lòng già. Có một chi tiết về cuộc đời tôi. Tôi chính là đứa bé lên ba tuổi. Đứa bé đã khóc thét lên khi ôm lấy xác ba mình, người Tiểu đội trưởng thân yêu của già trên cánh rừng quê hương ngày ấy....".