Vinh bàng hoàng, thốt lên: “Có phải em đó không, có phải em đó không hở Mận? Đúng rồi! Vẫn dáng vẻ ấy, đôi mắt ấy, mái tóc ấy, nụ cười ấy… thánh thiện, dịu dàng, đằm thắm mà mạnh mẽ, sâu sắc làm sao…”. Con tim Vinh muốn vỡ ra từng mảnh, đôi bàn chân lún sâu, chôn chặt, đầu óc quay quầng, chới với theo từng bước chân của người con gái trở về với miền ký ức xa xăm thủa nào … 2.
Lạng Sơn năm ấy, trời cuối đông u ám, mịt mùng. Cánh rừng dọc tuyến biên giới từ Nà Trại tới Nà Trào bao phủ trong tầng tầng, lớp lớp sương mù dày đặc, bồng bềnh màu trắng sữa. Men theo lối mòn nhỏ hẹp, gập ghềnh, trên lưng nặng trĩu ba lô và khẩu súng AK, đôi chân tê cứng, mệt lả, toàn thân ướt sũng mồ hôi và sương, Vinh lần từng bước đi về phía cao điểm 864. Anh đang cố hết sức để đến cao điểm trước khi trời tối. Bất chợt có tiếng huỳnh huỵch nghe rất gần ở phía sườn dốc vọng lên. Tiếng người ầm ừ kêu không thành lời. Linh tính mách bảo Vinh có chuyện chẳng lành, anh vội bỏ ba lô xuống, lăm lăm khẩu súng trong tay, dán mắt nhìn về phía có tiếng động. Dưới tán lá cây đẫm sương, xao xác, một cảnh tượng diễn ra khiến anh không còn tin vào mắt mình nữa. Ba thằng trong quân phục rằn ri đang xúm lại đè một cô gái xuống đất. Ở phía bên kia gốc cây to, một thằng đang lăm lăm khẩu súng đứng cảnh giới. “Bọn khốn kiếp”. Vinh rít lên trong cổ họng. Anh dương súng lên nhằm thằng cảnh giới định bóp cò, nhưng mô đá trước mặt vô tình làm tấm bia đỡ đạn cho hắn. Làm thế nào bây giờ? Câu hỏi thoáng đến nhanh trong đầu Vinh. Nếu vòng sang phía bên kia của mô đá thì sẽ bị lộ, một chọi bốn chắc không ổn. Cô gái cố hết sức quẫy đạp, chống chọi và đang lả dần đi vì kiệt sức. Một phút do dự, không thể chậm trễ, Vinh quờ tay nhặt hai hòn đá vội vàng ném về hai phía, rồi nhằm thằng cảnh giới bóp cò. Đoàng, một tiếng nổ xé tai, viên đạn sượt qua gốc cây, cắm phập xuống sát chân thằng cảnh giới.
- Tất cả giơ tay lên! Chúng mày đã bị bao vây.
Thằng cảnh giới khiếp đảm nhưng rồi kịp trấn tĩnh, hắn chĩa súng về phía có tiếng nổ bóp cò. Ba thằng kia vội vàng bỏ cô gái ra, nằm rạp xuống đất, trườn tới lấy súng chĩa về hai phía có tiếng động nổ súng. Chúng bắn không tiếc đạn rồi cắm đầu, cắm cổ chạy về phía biên giới. Cô gái nằm sấp mặt xuống đất bất động, đầu tóc rũ rượi, toàn thân sây sát, rướm máu, quần áo bị giật tung, nhiều mảnh bị xé rách vất xung quanh cùng với chiếc cặp màu đen và mấy quyển vở học sinh…
Đứng ở phía bên kia gốc cây, Vinh quẳng bộ quân phục của mình về phía cô gái. Bộ quân phục rộng thùng thình, cô gái như biến thành người khác. Khuôn mặt tái xanh, đứng khép nép không nói một lời. Vinh bước lại gần nhặt mấy quyển vở bỏ vào cặp sách, rồi nhỏ nhẹ:
- Em ngồi nghỉ một lúc, anh sẽ đưa về nhà!
Cô gái gục xuống nâng đôi bàn tay che lấy mặt, thổn thức khóc, vừa như chưa hết kinh hoàng, phẫn nộ, vừa như xấu hổ, e thẹn trước một người con trai xa lạ. Vinh vụng về không biết phải an ủi cô gái như thế nào. Anh ngồi lặng đi nhìn đôi bờ vai nhỏ nhắn của cô gái cứ rung lên bần bật.
Trời tối dần, hơi lạnh từ các vách núi bắt đầu ùa ra tê buốt. Không thể ngồi mãi giữa rừng, Vinh nói:
- Đừng khóc nữa em! Mình về nhà thôi, kẻo trời tối rồi.
- Tôi về một mình được mà.
Lời nói của cô gái hoà trong tiếng nấc, tủi hờn. Vinh khẽ lắc đầu, mỉm cười nhìn cô gái:
- Trời tối, đơn vị thì ở xa, em bắt anh phải ngủ một mình ở giữa cánh rừng này sao. Mà để em về một mình anh không yên tâm được. Thôi mình về kẻo muộn!
Cô gái không nói gì nữa lẳng lặng đi cùng Vinh. Họ vượt qua cánh rừng già trước mặt, men dọc theo con suối khoảng chừng ba cây số thì tới nhà cô gái. Căn nhà sàn nhỏ bé nép mình dưới những tán lá sum suê, nhuốm ánh trăng mùa đông bàng bạc, heo lạnh, Vinh cảm thấy có điều gì đó trống trếnh trong lòng. Cô gái thì ngược lại suốt chặng đường đi chẳng hé răng lấy nửa lời, bây giờ như chiếc lò xo bị đè nén bật lên hết cỡ, chạy băng băng lên cầu thang: “Me ơi! Me ơi!...”. Một người phụ nữ độ tuổi trung niên, dáng người thon đẹp trong bộ trang phục màu chàm xanh, hớt hải bước ra. Cô gái ôm chầm lấy khóc nấc nở như một đứa trẻ, nước mắt ướt đẫm trên ngực người mẹ. Người mẹ hốt hoảng nhìn bộ dạng thất thần, hoảng loạn của con, bộ quân phục rộng thùng thình đang mặc và cả cái anh chàng bộ đội đang khoác ba lô đứng ngớ người ra ở dưới chân cầu thang mà chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra với con mình. Người mẹ nói với con, người con nói với mẹ. Vinh chẳng hiểu họ nói gì, chỉ thấy vẻ âu lo hiện lên trên nét mặt người mẹ. Bà khóc, hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má, hai bàn tay vuốt vuốt lên mái tóc người con gái, âu yếm, dỗ dành... Rồi như sực nhớ ra, bà đi lại phía cầu thang, đỡ lấy chiếc ba lô của Vinh:
- Cám ơn bộ đội, me con tôi đội ơn bộ đội nhiều lắm. Nếu không có bộ đội con tôi không về được cái nhà này rồi, thành con ma rừng rồi.
- Me à! Gặp hoàn cảnh của em thì ai cũng như con thôi.
- Bọn biệt kích ở bên kia biên giới thỉnh thoảng chúng mò sang sát hại dân bản mình. Cách đây không lâu ở bản trên có người bị chúng hãm hiếp rồi bóp cổ chết, thật tội nghiệp. Con Mận của me (mẹ) phúc lắm lắm mà gặp được con - Bà đổi cách xưng hô. À, me đi dọn cơm cho các con ăn kẻo đói lắm rồi. Tối thứ bảy tuần nào me cũng chờ nó về ăn cơm. Tối nay me chờ mãi, không ngờ lại xảy ra chuyện tày trời như vậy.
Bà mẹ dọn cơm ra cùng ăn với Vinh. Riêng Mận thì cứ một mực từ chối. Vinh biết cô đang buồn và mắc cỡ với anh, cô bé còn ngây thơ, trong trắng quá, chưa qua khỏi vòng tay của mẹ, lại vừa trải qua cơn hoạn nạn, hỏi làm sao mà không kinh hoàng, e thẹn được.
- Thôi con ăn đi. Em nó nghỉ một lúc cho khoẻ rồi ăn sau cũng được.
Hai người ăn cơm xong, bà mẹ pha một ấm trà rồi cùng trò chuyện với Vinh:
- Tính nó là vậy đó con ạ! Còn nhỏ dại lắm, không biết sau này ra ngoài đời có làm được việc gì không? Chứ bây giờ cứ một tuần nó không về là me phải ra tận ngoài Trường cấp III Thất Khê để thăm nó. Ờ mà sang năm là nó vào đại học rồi, me lo quá.
Bà nói, nét mặt buồn buồn, đôi mắt rơm rớm nước:
- Me chỉ có một mình nó thôi. Tội nghiệp, khi nó mới chập chững biết đi thì pá hy sinh. Nó đã biết mặt pá đâu. Năm ấy có người bạn chiến đấu với pá nó ở dưới huyện Văn Lãng lên thăm và đưa quân tư trang của ông ấy về. Nó ngỡ là pá cứ ôm lấy chân không chịu rời ra làm mọi người không ai cầm được nước mắt. Bạn của pá nó bảo: “Pá của con còn đánh Mỹ chưa về được, pá gửi cho con con búp bê này đây”. Nó thích thú mân mê con búp bê một hồi rồi nói: “Con thích con búp bê này lắm lắm nhưng con muốn có pá nữa cơ. Con biết rồi, pá trốn ở trong chiếc ba lô kia kìa”. Vừa nói nó vừa chạy đến chiếc ba lô đang đặt ở trên bàn thờ dơ tay vỗ vỗ, gọi “Pá ơi, pá ơi!..”. Chao ôi! Lúc đó me chỉ còn biết ôm lấy nó mà khóc, nó thì ngơ ngác chẳng hiểu gì, thấy me khóc cũng oà lên khóc nấc nở. Không có pá, nó lớn lên trong vòng tay chiều chuộng, chăm bẵm của me nên hay đỏng đảnh và làm nũng lắm…
Bà vừa kể vừa buông những tiếng thở dài làm Vinh nao cả lòng. Rồi bà nhìn Vinh hỏi:
- À, mà con là bộ đội đi đây, đi đó nhiều, có biết mặt trận Khe Sanh là ở đâu không? Trong Giấy báo tử họ ghi pá con Mận hy sinh ở đó. Hai mẹ con định kỳ nghỉ hè này vào trong đó để tìm hài cốt của pá nó.
- Khe Sanh thuộc tỉnh Quảng Trị, quê của con đó me ạ!
- Vậy à! Vậy thì khi nào con có điều kiện về thăm quê, me và em sẽ cùng đi thì hay quá?
- Dạ! Hè này con sẽ xin phép thủ trưởng nghỉ ít ngày để đi cùng me và em. Chắc là thủ trưởng con sẽ đồng ý.
- Gia đình và các cụ ở trông ấy vẫn khoẻ chứ con?
Khuôn mặt Vinh thoáng buồn, giọng anh trầm xuống:
- Con chỉ còn một đứa em gái thôi me ạ! Bố con hy sinh ở Thành Cổ năm 1972. Mẹ con ở Vĩnh Linh vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu đánh máy bay Mỹ. Con còn nhớ, một hôm các cô, chú trong đơn vị của mẹ đưa hai anh em con đến thăm mẹ tại một trạm phẩu thuật. Chúng con không còn nhìn ra mẹ nữa, vì toàn thân mẹ được băng kín. Chỉ nhận ra được tiếng mẹ nói trong nước mắt, ngắt quảng, nhỏ dần: “Có lẽ mẹ không qua khỏi rồi các con ạ! Bố đang ở chiến trường xa, anh em thương yêu, che chở, đùm bọc lấy nhau … sau này khi đất nước thống nhất các con nhớ đưa mẹ về quê nội nghe… mẹ làm dâu mà…”. Mẹ nói chưa hết câu thì thở hắt ra rồi im bặt, đôi mắt nhắm nghiền lại, mẹ không còn cử động được nữa, chỉ những giọt nước mắt là vẫn còn lăn trên đôi gò má của mẹ. Con khóc thét lên gọi mẹ, ôm chầm lấy mẹ không chịu rời ra. Con biết là không bao giờ còn có mẹ nữa rồi... Bố con là người ở bờ Nam chỉ cách con sông Bến Hải chưa đầy năm cây số, ông đi tập kết, đóng quân ở bờ Bắc, lấy mẹ sinh được hai anh em chúng con rồi lại vào chiến trường Miền Nam chiến đấu. Hồi ấy, cứ chiều chiều là mẹ lại dẫn chúng con ra bờ sông Bến Hải, đưa tay chỉ sang bờ Nam bảo: “Quê nội chúng con ở bên kia kìa, bố của con cũng đang ở trong ấy đó…”. Mỗi lần như vậy đôi mắt mẹ lại đượm buồn xa xăm, lời nói của mẹ nghe thao thiết, da diết lắm. Khi đó chúng con còn nhỏ dại quá nên không hiểu được nỗi lòng của mẹ. Mẹ lo âu bố đang ở chiến trường, mẹ khao khát, mỏi mong một ngày nào đó được về thăm quê nội, thăm ông bà, bà con bên chồng để làm tròn bổn phận của một người vợ, một người con dâu … mà nào có xa xôi gì cho cam, chỉ cách một dòng sông thôi, vậy mà mẹ đã đi cả cuộc đời không đến.
Chiến tranh có biết bao người phải chịu hy sinh, mất mát. Me và ông ấy cũng được sống với nhau mấy ngày đâu. Cưới nhau chưa đầy một tuần là ông ấy đi biền biệt cho đến khi hy sinh. Con Mận giống pá nó như tạc nên mỗi lần nhìn nó là như thấy ông ấy đang ở bên mình... Ờ! Mà giá như mẹ có một người con trai như con thì hạnh phúc biết nhường nào.
- Me cứ coi con như là con trai của me. Chúng con mất mẹ từ quá sớm, bây giờ có me, con thấy vui lắm me ạ!
- Được vậy, me với cái Mận mừng lắm. Từ nay con cứ coi nhà me đây như là nhà của con, con nhé... Thôi con đi ngủ kẻo khuya rồi, ngày mai còn phải trở về đơn vị.
Vinh nghe lời mẹ, anh đi ngủ nhưng không sao chợp mắt được. Tất cả cứ hiển hiện lên trong anh, bắt đầu từ sự việc xảy ra với Mận, rồi trong những câu chuyện của mẹ, có điều gì đó cứ thôi thúc, trăn trở trong anh, khiến anh buồn, vui lẫn lộn. Rồi tiếng gà gáy, tiếng hú gọi của muông thú, lúc đầu nghe đơn lẻ, vọng về, sau rộn rã, hối hả như một bản hợp âm của nhiều cung bậc, trầm bổng ngân lên từ phía cánh rừng. Ngọn lửa trong bếp bập bùng cháy, mẹ ngồi ở đó tự lúc nào và hình như có cả Mận nữa.
Sáng. Vinh trở về đơn vị. Sương đêm ướt đẫm trên lá cây, từ các vách núi hơi khói tuôn ra mù mịt, dày đặc, đường đi trơn tuột, ba lô lại nặng thêm; Vinh phải cẩn thận từng bước kẻo trượt ngã, trời lạnh mà mô hôi cứ tứa ra. Thế rồi con đường ngắn lại dần, sườn dốc nơi hôm qua bọn biệt kích hành hung Mận trước mặt. Vinh rướn bước lại gần rồi đặt ba lô xuống nghỉ. Bây giờ anh mới có thời gian để quan sát kỹ và nhớ lại những gì đã xảy ra. Bãi cỏ nát nhừ dấu giày, những mảnh vải bị xé rách vẫn còn đó, đẫm ướt sương đêm. Thân cây viên đạn bắn sượt qua, nhựa đã trào ra khép kín miệng. Vinh ngước nhìn lên thì ra đó là cây lộc vừng (Ở quê anh gọi là cây mưng) cành, lá xanh tươi ngăn ngắt, thế cây hình rồng thăng, các nhánh hướng về phía trước... Vinh đang mê mải ngắm nghía thì có tiếng bước chân lại gần, anh giật thột mình quay lại.
- Trời ơi, Mận! Em đến từ lúc nào vậy?
- Dạ!
- Em có công chuyện gì vội lắm à? - Vinh ngớ ngẩn hỏi.
Mận quay mặt đi không nói, bộ điệu nũng nịu, giận dỗi. Vinh à lên một tiếng rồi khẽ cười, nói:
- Anh xin lỗi, sao em không đi cùng anh cho vui. Một mình anh cứ như con thú hoang lạc đường ấy.
Mận quay lại, khuôn mặt cô ửng đỏ, hai hàng lông mi uốn lên chớp chớp trên đôi mắt to đen láy, nhìn thăm thẳm. Vinh bỗng thấy lòng mình rạo rực, bồi hồi, bây giờ anh mới được nhìn kỹ Mận. Trong bộ quần áo chàm xanh dịu dàng, dáng người thon thả, lưng ong thót hẳn lại, nước da trắng hồng, nõn nà, non tơ, mái tóc mướt xanh chảy xuống thắt lưng… Mận đẹp quá, ngây thơ, tinh khôi quá.
- Sáng nay em phải về trường, me bảo em đi nhanh cho kịp anh và đưa bộ quần áo này cho anh. Me đã giặt và hong khô rồi đó.
- Sao em không để lần sau anh về lấy, mà anh muốn tặng em để làm kỷ niệm đó.
Mận ngần ngừ một hồi rồi trả lời:
- Em không nhận đâu! Anh lấy gì mà dùng.
- Em yên tâm, lính bọn anh bây giờ không thiếu thốn như ngày xưa nữa.
- Thật chứ?... Vậy thì em sẽ nhận, để khi nào…
Nói đến đó Mận dừng lại, cô đi đến bên cây lộc vừng ngắt một chiếc lá xanh tơ bỏ vào trong quyển vở đưa cho Vinh.
- Em tặng anh quyển vở cùng chiếc lá cây lộc vừng này để làm kỷ niệm. Anh thích cây lộc vừng này lắm phải không? Giá như em tặng được cho anh cả cây này nhỉ!
Vinh sững sờ nhìn quyển vở học sinh trên tay Mận:
- Không! Em để mà học.
Lời nói của Vinh khiến khuôn mặt Mận tái nhợt đi trong chốc lát rồi lại ửng đỏ lên. Mận nắm chặt lấy bàn tay Vinh. Bàn tay nhỏ nhắn, xinh xắn bỗng như có một sức mạnh dịu kỳ, khiến Vinh bủn rủn cả tay chân, con tim anh rung lên liên hồi và như có cả ánh lửa đang thắp lên ở trong đó. Anh không ngờ đằng sau cái dáng vẻ mảnh dẻ ấy, Mận lại mạnh mẽ đến thế.
- Anh không nhận, em sẽ khóc đây này!
Vừa nói Mận vừa quay mặt đi. Lời nói của cô run run, nhẹ nhàng nhưng rất kiên quyết. Vinh chạy lại đặt tay lên đôi bờ vai mềm mại của Mận, mơ màng, lúng túng khẽ xoay người cô lại:
- Ê, đẹp gái thế này mà khóc nhè thì xấu lắm.
- Ai bảo!
- Vậy thì anh nhận, thôi đừng khóc nữa nhé!
Vinh cầm lấy quyển vở từ tay Mận cất vào trong ba lô.
- Thôi em đi đây!
Không để cho Vinh kịp trả lời, Mận quay người đi ngay. Vinh khẽ mỉm cười rồi đứng ngây ra nhìn theo bóng Mận khuất dần.
3.
Đứng trên ngọn núi cao sát dòng sông Sê Pôn, mọi người chăm chú nhìn vào tấm bản đồ. Hôm trước khi lên đường, Vinh và mẹ Mận đã đến tìm gặp người đồng đội của bố Mận. Ông buồn lắm vì điều kiện sức khoẻ nên không thể đi được. Ông chỉ dẫn rất tỷ mỉ, rằng chính ông và người tổ trưởng quê ở Quảng Trị, sau này hy sinh ở Thành Cổ đã vừa khóc, vừa đào huyệt đặt bố Mận nằm lại tại ngọn núi này. Ngày ấy nơi đây là một cánh rừng già bạt ngàn, cây cối chằng chịt, tổ ba người của ông sau khi từ đất bạn Lào vượt sông Sê Pôn đã tập kết lên cánh rừng này. Chọn một cây gỗ to và cao nhất đặt đài quan sát để đo toạ độ cho pháo binh ta chuẩn bị đánh vào cứ điểm Lao Bảo. Vừa đặt được đài quan sát xong thì bị địch phát hiện. Chúng nã pháo tới tấp rồi dùng trực thăng rà sát từng ngọn cây, thấy chỗ nào nghi ngờ là bắn xối xả vào. Bố của Mận bị trúng hai viên đạn AR15 ở đùi máu chảy ra lênh láng. Người tổ trưởng đã dùng chiếc thắt lưng của mình để thắt ga rô cho bố Mận. Đùi bị dập nát, máu ra quá nhiều nên chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ sau thì bố Mận tắt thở. Ông và người tổ trưởng đã dùng dao găm đào huyệt ngay dưới gốc cây đặt đài quan sát. Nhưng bây giờ rừng cây không còn nữa, chỗ nào cũng chỉ bạt ngàn một màu xanh của những cây cà phê. Vinh đã chọn mấy chỗ để các anh bộ đội ở huyện đội Hướng Hoá đào nhưng đều không phát hiện được dấu hiệu gì.
Tối hôm đó mẹ Mận chuẩn bị một mâm bông ba hoa quả, giấy tiền vàng bạc, mọi người toả ra thắp hương, rồi cùng nghỉ lại tại cánh rừng cà phê. Họ ngủ chưa được bao lâu thì nghe thấy tiếng của mẹ Mận hét lên: “Pá mưng! Pá mưng! Thả mè lục câu đuổi…” (Ông ơi! Ông ơi! chờ mẹ con tôi với…) Mọi người đổ xô tới lay gọi, mẹ Mận chỉ khóc, nét mặt hoảng loạn, ngơ ngác, bà không còn biết là mình đã nói gì. Sáng hôm sau, một anh ở huyện đội Hướng Hoá hỏi:
- Hôm qua chị nằm mơ thấy gì vậy?.
- Đêm qua tôi mơ thấy lạ lắm chú ạ! Tôi nằm thao thức, lặng lẽ khóc, lặng lẽ cầu nguyện anh ấy linh thiêng phù hộ cho mẹ con tôi tìm thấy anh ấy. Rõ ràng lúc ấy tôi chỉ mơ mơ, màng màng thôi. Tôi thấy cánh rừng cà phê mình đang nằm bổng trở thành cánh rừng già, cây cối chằng chịt, âm u, thăm thẳm, rồi từ trong hun hút của cánh rừng, một ngọn gió khác thường thổi ngược từ dưới chân lên đỉnh đầu tôi rờn rợn. Một người máu me đầy mình đến ngồi bên cạnh, mắt cứ nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi khiếp quá định hét lên, nhưng kịp nhận ra là anh ấy. Tôi cứ ôm lấy anh ấy mà khóc, mà van, rồi trách anh ấy sao đi mãi không về với mẹ con tôi. Anh ấy bảo: “Anh thương nhớ mẹ con em lắm! Nhưng xung quanh anh còn nhiều bạn bè, đồng đội, tội nghiệp chúng nó...”, tôi bảo: “Nếu anh không về thì em sẽ ở lại đây với anh không về nữa”. Ngần ngừ một hồi lâu, anh nói với tôi: “Thôi được, em đã vào trong này rồi thì thế này: Trong vòng ba ngày tới vào đúng 12 giờ trưa, em thắp ba que hương tại đỉnh của ngọn núi này rồi đặt một chiếc lá khô vào trong chiếc dĩa để sát dưới chân hương. Gió thổi chiếc lá bay đến chỗ nào dừng lại thì đào rộng ra khoảng hai mét, sâu nửa mét là thấy anh…” Nói rồi anh lẳng lặng bỏ đi, tôi chạy theo gọi nhưng không sao theo kịp.
Đúng mười hai giờ trưa hôm đó, mọi người làm theo như sự chỉ dẫn trên, nhưng lạ thay, chiếc lá vẫn nằm trơ trơ trên chiếc dĩa chẳng có động tĩnh gì. Khi hương gần tàn hết thì có một ngọn gió thổi tới chiếc lá bay đi một quảng rồi dừng lại. Mọi người mừng rỡ xúm tới đào, phạm vi được mở rộng ra gấp hai, gấp ba lần nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra được dấu tích gì. Trời chớm hè, Miền Tây Quảng Trị nắng như thiêu, như đốt, oi bức, ngột ngạt, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, mắt hoa đom đóm nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Họ làm đi làm lại vài lần nữa và cố hết sức đào bới nhưng đều thất vọng. Trời tối họ lại nghỉ tại cánh rừng cà phê, mẹ Mận buồn bã: Rõ ràng là ông ấy đã chỉ dẫn tỷ mỉ cho mình như vậy, tại sao lại không tìm thấy nhỉ, hay là do mình tưởng tượng ra ... Bỗng mẹ Mận lại hét lên làm mọi người thức giấc:
- Chị lại nằm mơ thấy điều gì à! - Một người hỏi.
- Không phải, mà là tôi nhớ ra điều này nên mừng quá mà hét lên đó thôi. Tôi quên khuấy đi mất, hôm qua sau khi chỉ dẫn cho tôi xong, anh ấy còn dặn là nhớ phải lấy chiếc lá từ rừng của quê mình. Bây giờ đường sá xa xôi thế này mà chỉ còn hơn một ngày nữa làm sao cho kịp đây?
Mọi người bán tín, bán nghi nhưng tất cả đều cố nghĩ là làm sao lấy được chiếc lá từ rừng Lạng Sơn vào cho kịp.
Vinh hai ngày nay, anh lặng lẽ quan sát, lặng lẽ đào bới đất, chỉ mong sao tìm thấy được hài cốt của bố Mận. Anh biết rằng Mận và đồng đội đang trông ngóng, hy vọng ở anh nhiều lắm. Bây giờ mọi người đang bàn bạc tìm đủ mọi cách nhưng chưa có một phương án nào khả dĩ thì một tia hy vọng loé lên trong anh. Anh mở ba lô cầm quyển vở của Mận tặng:
- Tôi có chiếc lá đây rồi.
Mọi người ngỡ ngàng không tin vào mắt mình nữa.
Mẹ Mận, mừng rỡ:
- Thật hở con, thật hở con.
- Dạ! Nó đây me ạ!
Và thế rồi đúng 12 giờ trưa hôm sau, khác với những lần trước, ba que hương được thắp lên, mới cháy được một ít bỗng phực thành ngọn lửa đỏ khác thường. Ngọn lửa phụt tắt thì cũng là lúc chiếc lá bay đi, được chừng năm mươi mét thì dừng lại. Mọi người xúm tới đào. Dưới lớp đá, sỏi là một gốc cây trồi lên, rồi hai chiếc thắt lưng lòi ra, sau đó là một bộ xương người. Mẹ Mận thấy vậy, bà gục xuống ngất xỉu bên hài cốt của chồng.
4.
Chiến tranh biên giới bùng nổ, bản làng của Mận bị địch chiếm đóng. Mẹ con Mận cùng dân bản đi sơ tán rồi chuyển về ở hẳn bên quê ngoại. Sau khi chiến tranh kết thúc, Mận lại trở về trường học hết những ngày cuối cùng của cấp III, rồi đi học ở nước ngoài. Trong những ngày này nhiều lần cô đã đến cao điểm 864 để tìm gặp Vinh. Thương cô, không thể dấu cô sự thật mãi được, đồng đội Vinh đã báo tin cho cô: Trong một trận chiến đấu bảo vệ cao điểm, Vinh bị thương nặng được đưa về tuyến sau, nhưng trên đường đi, anh và hai đồng đội cáng anh đã mất tích, đến nay chưa tìm thấy. Cô đau đớn, nghẹn ngào: Anh và đồng đội của anh mất tích hay đã hy sinh, vì sao gần một năm rồi không có tin tức gì? Nghĩ vậy nhưng hàng ngàn lần, hàng vạn lần… cô cầu mong, hy vọng Vinh vẫn còn sống, Vinh không thể chết được. Và mỗi lần như vậy là mỗi lần trái tim cô tưới đẫm nỗi niềm thổn thức, thắt đau. Cô trở về với cánh rừng, trở về với cây lộc vừng nơi hò hẹn, thề nguyện ngày nào. Cánh rừng vẫn đó, cây lộc vừng ngày nào vẫn còn đó, xào xạc rung lên trong gió như đang lay thức, réo xiết nỗi niềm nhớ mong da diết, khôn nguôi trong cô. Cô mơ màng như thấy Vinh đang ở bên mình, đang nhìn cô đăm đắm. Đôi mắt ưu tư, nhưng sao mà suốt trong đến thế, thăm thẳm đến thế. Rồi Mận run rẩy ngả vào lòng anh, hôn vào ngực anh, áp sát tai vào trái tim anh, dỗi hờn, bắt đền anh, thầm thì nói với anh bao điều cô hằng ấp ủ: “... Em sẽ về quê chúng ta, về với dòng Hiền Lương bên thương, bên nhớ, Thành Cổ Quảng Trị, Khe Sanh…nơi mà bố em, bố mẹ của anh và biết bao người đã từng một thời chiến đấu, hy sinh. Chúng mình sẽ làm một ngôi nhà xinh xắn…sẽ trồng một cây lộc vừng thật đẹp anh nhé! Để hoa ngan ngát toả hương, để mỗi chiếc lá là mỗi nỗi niềm nhớ thương, hy vọng, để chiều chiều từng bầy chim bay về đậu, rải tiếng hót véo von, xao động…”. Rồi cô ngước nhìn cây lộc vừng, nhìn những mầm hoa đã bắt đầu nhú ra li ti như hạt phấn trắng hồng. Nước mắt cô ứa ra. Cô nấc lên những tiếng dài: Vinh ơi! Anh đừng chết, anh nhé!…
5.
Sau hội nghị không lâu, nhiều dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện và đi vào sản xuất kinh doanh. Một dịp, lên công tác tại Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tôi tranh thủ ghé vào một nhà máy vừa mới khánh thành cách đó ít lâu để viết một bài phóng sự. Nhìn những ngôi nhà đồ sộ, khang trang và cảnh quan bài trí xung quanh nhà máy, tôi nghĩ chủ nhà máy hẳn phải là một nhà doanh nghiệp tầm cỡ, một người đàn ông sang trọng, quyền quý.
Người gác cổng đưa tay chỉ và bảo với tôi rằng:
- Giờ này bà chủ không có trong phòng làm việc. Chị cứ đi thẳng theo lối này qua hai ngôi nhà kia rồi rẽ phải khoảng chừng một trăm mét thấy có người đang tưới cây là bà ấy đó. Chiều nào cũng vậy, chỉ trừ những khi đi công tác xa, cứ hết giờ làm việc là bà ấy lại ra chăm sóc cây. Kể cũng lạ một người giàu có như vậy, bận bịu công việc như vậy, trong tay có hàng ngàn lao động mà chẳng hề muốn ai chăm sóc thay đâu, cứ như trên đời này không có gì quý hơn chúng và không được làm công việc đó là bà ta không sống được ấy. Mà chị có biết không có cây mưng đẹp lắm, ngoài Bắc người ta gọi là cây lộc mừng hay lộc vừng gì đấy, bà ta đưa tận từ Lạng Sơn vào trồng đó.
Tôi bắt tay, cám ơn người gác cổng rồi vội vã đi vào nhà máy. Vừa đi tôi vừa tự nhủ: “Chủ nhà máy là một người phụ nữ chứ không phải là một người đàn ông như mình nghĩ”. Tôi đi theo chỉ dẫn của người gác cổng và quả nhiên là đúng như vậy. Từ xa, tôi đã thấy một người phụ nữ và một người đàn ông, cả hai cùng trong bộ quân phục của người lính, họ vừa tưới cây vừa thầm thì trò chuyện với nhau. Tôi hơi chột dạ, người phụ nữ hình như tôi đã gặp ở đâu đó rồi, còn người đàn ông kia là Vinh, tại sao anh lại ở đây nhỉ? Thấy tôi cả hai người cùng bước tới bắt tay:
- Chào chị nhà báo. Tôi biết thế nào rồi cũng có ngày chị đến đây “đòi nợ” mà.
Tôi cười:
- Hôm nay, chị phải dành cho tôi thật nhiều thời gian nhé!
Chị tươi cười, nụ cười thật rạng rỡ và mãn nguyện. Chị nắm tay Vinh rồi nói với tôi:
- Bây giờ thì chúng tôi không kể nữa đâu! Chị thấy không, cây lộc vừng đã trổ hoa rồi đó…
Rồi khuôn mặt chị trầm hẳn xuống, chị hỏi tôi:
- Vậy, chị định viết về những điều tôi kể thật à? Nếu vậy, thì có một chi tiết tôi không thể không kể cho chị. Chị biết không: Trên chiếc thắt lưng thắt ga rô cho bố tôi khi bị thương ngày ấy có khắc dòng chữ “Lê Văn Quang” trùng với họ tên của bố anh Vinh.
Chị nói rồi dựa hẳn người vào Vinh và cây lộc vừng. Những chùm hoa vương xuống trên mái tóc của chị và Vinh. Hương thơm êm dịu từ những chùm hoa toả ra phảng phất bay trong gió. Màu xanh của lá, màu đỏ của hoa và mái tóc đã ngã màu của hai người quện hoà vào nhau, dưới ánh hoàng hôn ửng lên sắc hồng./.