Ông đứng nơi cửa ra vào của bến xe hồi lâu, lặng lẽ, bần thần..... Ông bước dọc theo con đường Trần Hưng Đạo, hỏi vài người ở các điểm bùng binh rồi rẽ ngoặt vào một hẻm nhỏ. Ông dừng lại đứng ngây ra trước một ngôi nhà hai tầng. Ngôi nhà rêu phong, phía trước trên tầng hai có treo lủng lẳng rất nhiều dò hoa phong lan màu tím, thứ hoa mà ông từng gặp rất nhiều ở những cánh rừng của Trường Sơn năm xưa... Một người phụ nữ tóc đốm bạc bước ra:
- Thưa ông! Ông hỏi ai?
- Dạ thưa bà! Đây có phải là nhà của bà Nguyễn Thị Liên không ạ?
- Dạ phải. Xin mời ông vào nhà!
Bà Liên nhìn lướt qua tờ báo “Quân đội nhân dân” ông đang cầm trên tay rồi nhỏ nhẹ nói với ông:
- Tôi là em gái của anh Kiên bác ạ! Gia đình chỉ có hai anh em .Ông cụ thân sinh mất từ trong thời kỳ chống pháp, bà cụ thân sinh mất trong nhà tù Quảng Trị còn Anh Kiên hy sinh đã hơn ba mươi năm mà cho đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Phận làm em cứ day dứt tôi khôn nguôi. Vừa rồi tôi mới gửi thư lên đài truyền hình, báo “Quân đội nhân dân”, hy vọng qua mục “Nhắn tìm đồng đội” ... Vậy bác là bạn chiến đấu của anh Kiên ạ ? Phước đức cho gia đình tôi quá !
Niềm vui của bà Liên làm ông buốt nhói con tim. Ông ấp úng:
- Không! ...Tôi không phải là bạn chiến đấu của anh ấy.Tôi là...
***
Ông quỳ xuống trước bàn thờ Kiên; giọng run rẩy, nghẹn ngào: “Anh Kiên ơi! Anh thứ lỗi cho tôi. Hơn ba mươi năm rồi, hôm nay tôi mới về được với anh. Tôi về với anh bằng một con người đích thực, đúng nghĩa “Con người” mà anh đã tìm lại cho tôi từ ngày ấy... Anh Kiên ạ!”
Ông bước ra trước sân nơi có những dò hoa phong lan tím. Bà Liên bảo với ông rằng: “Khi sinh thời anh Kiên yêu thích loài hoa này lắm ; nghe đâu thời sinh viên anh ấy có một cô bạn gái tên là Hoàng Lan. Hai người cùng ở trong tổ chức tranh đấu của sinh viên Huế. Sau đó anh Kiên lên rừng, chị Hoàng Lan ở lại nội thành tiếp tục hoạt động. Một thời gian sau chị bị địch bắt rồi hy sinh anh dũng trong nhà lao Thừa Phủ”...
Ông lặng đi, đăm đắm nhìn những bông hoa tím thoang thoảng hương thơm dịu dàng. Cánh hoa xòe ra như những cánh hạc đang vờn bay, đang vỗ tím ướt cả trời chiều trước mắt ông. Những cánh hạc nối tiếp nhau về phía những dãy núi mờ xa thấp thoáng những làn mây trắng bay, giăng giăng như bước thời gian xa vắng nối kết - hồi âm - thổn thức - hoài gọi trong cỏi lòng ông.
***
Năm ấy, đơn vị tôi được lệnh hành quân khẩn tốc ra vùng I chiến thuật. Một mặt trận khét lẹt mùi đạn bom và sự chết chóc vào loại nhất chiến trường hồi bấy giờ. Là một sỹ quan được Mỹ, Ngụy trang bị đầy đủ sự khát thèm thú tính, được nhồi sọ bằng sự căm thù Cộng sản đến tận xương tủy nên tôi háo hức với trận tiền. Tôi muốn lập được nhiều chiến công, muốn đồng sự tôn vinh về bản lĩnh kiêu hùng và cuồng vọng của mình. Tiểu đoàn Trâu Điên của tôi đã từng đánh những trận lớn. Từng bắn giết, càn quyét , đốt phá .... Tôi nghĩ Việt Cộng chỉ là những kẻ liều lĩnh trước sức mạnh của Việt Nam Cộng Hòa và ông trùm Mỹ. Thế nhưng càng tiến sâu vào cuộc chiến, những trận đánh liên miên trong những cánh rừng Trường Sơn dày đặc, rắn, rết, vắt, muổi... làm tôi nao núng. Việt Cộng không như tôi tưởng, họ xuất quỷ nhập thần, áp sát mọi lúc mọi nơi. Họ đánh bằng mọi thứ vũ khí thô sơ - hiện đại. Họ gan góc đến không thể tưởng tượng nổi. Thần kinh tôi căng lên như sợi dây đàn, lúc nào cũng thấp thỏm lo âu; cứ sau mỗi giấc ngủ mới biết là mình còn sống. Quân số của đơn vị cứ hao dần do tử thương, sốt rừng...Trong tình thế nguy khốn tôi báo cáo về cấp trên xin chi viện khẩn cấp. Nhưng quân số chưa kịp bổ sung thì đơn vị tôi đã bị Việt Cộng bao vây đánh cho tan tác. Công sự của tôi chao đảo bởi pháo kích hạng nặng, đạn cối ; súng máy, AK... cả tiếng AR15 nổ loạn xạ đan chéo xuyên tới tấp vào những hốc đá thân cây.... Quân lính như ong vỡ tổ tháo chạy tán loạn, đứa chết, đứa trọng thương kêu la thảm thiết. Tôi gào lên khản cả cổ họng nhưng hoàn toàn bất lực. Cuối cùng tôi cũng phải rời khỏi công sự. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy. Lao sấp mặt xuống những bụi lau lách, va đập vào những thân cây rồi lại vùng dậy giống như một con thú rừng bị săn đuổi, tôi không còn biết đau đớn nữa. Tôi mất phương hướng...
Cho đến khi hoàng hôn đỏ ối như chảy máu hiện ra trước mắt, tôi mới sực tỉnh. Tôi cảm thấy khủng khiếp và ghê rợn. - “Máu!... Máu của những chiến binh tử trận” - Tôi thầm nhủ - “Có thể một ngày mai đây dòng máu trong ta cũng sẽ vấy lên tím ối trên bầu trời hoàng hôn điên dại này”. Tôi ngồi tựa lưng vào một thân cây, toàn thân rã rời, bụng cồn cào. Tôi rút một điếu Ru bi ra châm lửa. Khói thuốc làm tôi tĩnh trí lại. Băng đạn trên khẩu AR15 vẫn còn nguyên. Nhớ lại đồng đội bị tử thương, đang bị trọng thương tôi ứa nước mắt. Tôi thét lên quên cả sợ hãi “Phải trả thù!”. Nhưng tiếng thét của tôi bị chìm lấp đi trong những tiếng nổ long trời. Cánh rừng trước mắt tôi bị xé toác, rung chuyển. Tôi không còn đoán nhận ra đó là tiếng nổ của loại pháo hạng nặng nào, phía nào nữa? Tôi vùng dậy chạy thục mạng... mệt rã tôi bước loạng choạng...
Một tiếng hô đanh gọn khiến tôi giật thột mình:
- Đứng lại! Bỏ súng xuống, giơ tay lên!
Dưới ánh trăng mờ nhòa, tôi kịp nhận ra một họng súng sáng chóe. Tôi bàng hoàng sững sờ, khẩu AR15 từ từ tuột khỏi bàn tay tôi.
- Bước lên phía trước năm bước!
Tôi thấy một người lính giải phóng là Kiên cúi xuống nhặt khẩu AR15. Một tia sáng lóe lên trong đầu tôi, bằng phản xạ của một con thú, nhanh như chớp tôi lao tới... không kịp một tiếng nổ chát chúa xé toạc cả màn đêm, đất dưới chân tôi bắn tung lên.
- Đồ khốn hãy cầu nguyện đi!
Tôi chững lại, toàn thân lạnh toát. Dọc sống lưng lên đến tận đỉnh đầu tôi như có hàng ngàn vạn con kiến nối đuôi nhau tê rần.
- Không! Ông đừng bắn tôi. Tôi van ông !. Tôi còn có má già...còn có...
- Mày muốn sống. Mày có má. Vậy mỗi lần mày hướng khẩu súng vào chúng tao, mày có nghĩ rằng chúng tao cũng có má, có người thân...không?
- Cầu xin ông!. Tôi bị ép buộc. Tôi...
- Chúng tao sẵn sàng khoan hồng cho những ai biết lầm đường lạc lối trở về với Cách mạng. Nhưng làm sao tao có thể tin được một kẻ như mày...
- Ông hãy tin tôi...
- Tin một kẻ ngoan cố như mày ư! Giây trói đây, mày tự buộc mình lại, tao không thèm trói đâu.
Kiên liệng sợi dây dù vào tôi. Tôi cầm lấy lúng túng ngần ngaị, Kiên quát.
- Trói vào chân, buộc cho thật chặt.
Tôi buộc phải làm theo như cái máy, bụng nghĩ.
- Tên Việt Cộng này đểu thật.
Nhìn thấy tôi đã trói xong, Kiên từ từ đi lại, cây súng vẫn cặp bên nách. Đến gần, Kiên buông súng chụp tay tôi bẻ ngoặt ra sau lưng, rút trong túi ra một sợi dây nữa rịt chặt. Khi mối dây buộc xong, tôi thấy Kiên lùi lại, ôm ngực choáng váng và ngã khịu xuống. Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ thấy ngực áo Kiên máu đần đìa. Tôi sực tỉnh.
À thế ra tên này bị thương nặng, không đủ sức để trói mình, nên hắn ta đã buộc mình tự trói. Mắc mẹo hắn rồi, tức thật. Nếu biết thế, mình liều mạng một phen thì .....Cơn giận đốt lên trong ngực bốc cháy tận đỉnh đầu và cả sự tuyệt vọng khiến tôi cũng đổ vật xuống. Kiên gượng dậy, khó nhọc lê bước chân về chỗ cũ ngồi tựa lưng vào gốc cây.
Rừng đêm, sương muối xuống đầy đẫm ướt trên từng nhành lá, phiến đá. Những bùn đất máu me dính bết trên cơ thể ban ngày khô cứng, bây giờ nhoã ra. Ánh trăng đầu tuần yếu ớt xuyên qua những tán cây xơ xác, đổ ánh sáng rách nát xuống mặt đất. Dưới bãi bom xác chết nằm ngổn ngang. Đàn quạ từ trong hang sâu vỗ cánh rầm rập chui ra, cất lên những tiếng kêu ghê rợn. Chúng xà xuống bên những xác chết tranh nhau xâu xé. Bỗng một tiếng gầm, vang dội từ phía bờ khe, đàn quạ bay tán loạn, lá cây rơi xào xạc, ngọn gió như khựng lại trong rừng, một con hổ chui ra khỏi lùm cây, lẹ làng lách qua các mô đá, mò mẫm kiếm tìm, chao ôi! Lúc ấy hồn tôi như bay ra khỏi xác, tôi gọi lạc cả giọng.
- Ông Việt Cộng...ơ...i.. Ông có nhìn thấy gì không? Chẳng đợi Kiên trả lời, tôi lăng mình ra sau lấy đà lăn đến chỗ Kiên.
Kiên bình thản nhìn theo con hổ, nói với tôi bằng giọng tỉnh bơ.
- Việc gì mà mày sợ ghê thế ?
- Con... c..on hổ kìa...không khéo nó ăn thịt chúng ta mất....Ông bảo vệ cho tôi với... - Tôi lăn sát vào chân Kiên.
Giọng Kiên điềm tĩnh:
- Con hổ thì mặc nó chứ sợ gì.
Kiên cúi xuống cầm hòn đá giáng mạng vào mô đá Con hổ gầm lên một tiếng và chạy thục mạng về phía khe. Lúc ấy tôi mới hoàn hồn. Tôi nói thì thào.
- May có ông, không thì thể nào nó cũng đến vồ tôi rồi.
Kiên không nói, tôi thấy anh cúi xuống mở lấy một vật gì trong ba lô....Mùi lương khô bốc lên....Khiến tôi thèm tứa cả nước bọt, bụng cồn cào tôi dán mắt vào từng động tác của Kiên, thấy anh chậm rãi mở gói bánh, cầm lấy một chiếc cho vào mồm, sộn sạo nhai, nuốt một cách khó nhọc. Tôi không chịu nổi cứ trở mình, nuốt nước bọt ừng ực.... rồi một tiếng nói như không phải từ Kiên mà từ nơi khác vọng ra làm tôi không tin vào chính mình nữa:
- Đói lắm sao, dùng tạm đi.
Kiên cầm miếng bánh đưa vào mồm tôi, tôi há mồm đón lấy miếng bánh nhai ngấu nghiến. Tôi cố nuốt nhưng cứ tắc ở cổ họng, nước mắt tôi trào ra, ngửa cổ ngắc ngư.
- Nước này!
Kiên vừa nói vừa dốc từ từ bi đông nước vào mồm tôi. Tôi hớp một ngụm sệu sạo nuốt. Chờ cho tôi nuốt xuống miếng bánh Kiên mới dốc tiếp nước cho tôi. Tôi nuốt ừng ực, xong ngoáy cổ, chùi mồm vào vai, nói như trong hấp hối.
- Ơn ông: ... thật tôi ơn ông vô cùng. Lâu nay tôi nghe bọn chúng tuyên truyền rằng: Việt Cộng độc ác lắm, thế mà bây giờ tôi thấy hoàn toàn trái ngược.
Giọng Kiên nhỏ nhẹ:
- Quê ở đâu ?
- Quê tôi ở Quảng Ngãi. Làng tôi thuộc vùng đồng bằng, ẩm thấp, năm nào cũng bị lũ lụt nên nghèo lắm. Mới lên năm tuổi tôi đã phải rời quê lên tỉnh đi bán bánh mì ở các bến xe, bãi chợ để kiếm sống. Đến mười lăm tuổi lại làm phu khoanh vác ở bến cảng Đà Nẵng rồi sau đó bị bắt vào lính. Tôi có vợ ba con và mẹ già tàn tật hiện giờ đang ở quê. Tất cả gia đình đều chờ vào đồng lương lính của tôi... mỗi lần về thăm nhà, tôi đều nói dối với mẹ tôi rằng: Tôi chỉ là một thằng lính tiếp phẩm quèn không biết gì đến súng đạn là gì để mẹ yên tâm. Nhưng mẹ tôi vẫn rất buồn ...
- Thế còn ông ?
- Quê tôi ở Quảng Trị cũng là vùng đồng chiêm trũng... Bố tôi hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là một sinh viên lên rừng theo Cách mạng, tôi còn mẹ già và một cô em gái....
Dừng đi một hồi lâu rồi Kiên nói tiếp:
- Nhưng không biết bây giờ số phận ra sao, bọn Mỹ nguỵ đang giam giữ họ ở nhà tù nào nữa ?...
Nghe Kiên kể đến đây, đầu óc tôi muốn vỡ toang ra. “Chao ôi ! Vậy mà từ bấy đến nay... mình đã từng bắn vào Việt Cộng vào những người như thế đó. Mình đã nuôi mẹ, vợ và các con bằng đồng tiền lương như thế đó”... Tôi cứ lan man nghĩ suy, cấu xé tâm can mình như vậy không biết bao lâu.
Kiên vẫn ngồi lặng lẽ thỉnh thoảng co giật người lên, hình như anh đang cố ghìm những cơn đau quằn quại của thể xác. Rồi tôi thấy anh run lên bần bật...
Nhìn vào chiếc ba lô của anh, dưới ánh trăng mờ nhoà, tôi thấy có một tấm dù cuộn tròn ở đáy ba lô. Dùng răng tôi lôi chiếc khăn dù ra khẽ khàng phủ lên người anh.
Có tiếng mưa rơi lộp bộp trên nhành cây rồi ào ào như trút nước, Kiên giật thột mình. Anh kéo tấm dù quấn lên người tôi. Cứ thế hai chúng tôi quấn lấy nhau một kẻ trọng thương bê bết máu me, một kẻ đang bị trói chặt chân tay.
Rồi nước không biết từ đâu ào ào xối xả ùa về, có nguy cơ nhấn chìm chúng tôi xuống lòng khe. Tôi thấy Kiên mò mẩm lên đôi chân tôi, anh nới dây trói ở chân tôi ra. Hai chúng tôi cố trườn mình lên khỏi lòng khe. Lên khỏi lòng khe Kiên ngã vật xuống bất tỉnh còn tôi cũng mệt lả chẳng còn chút hơi sức nào nữa. Chúng tôi gục xuống bên nhau trong tấm dù ướt sũng thiếp đi...
***
Có người lay gọi. Tôi giật mình tỉnh dậy, những luồng ánh sáng trắng xuyên qua những tán lá rừng mơn man dịu dàng. Một phút trấn tỉnh rồi tôi ngỡ ngàng tự hỏi: Không biết mình đang ở đâu ?....Trước mắt tôi là Kiên. Anh đã rất đuối sức, máu chảy đỏ thẩm cả chổ ngồi, từ ngực trở xuống nhơm nhớp một màu tím thẩm: Màu của máu và màu xanh của bộ quân phục nhuộm vào nhau. Tôi biết Kiên bị thương rất nặng và cái gì sẽ đến với Anh trong điều kiện hoàn cảnh như thế này. Nhưng thật là kỳ trên khuôn mặt Anh hầu như không có biểu hiện gì của sự đau đớn mà ngược lại bình thản một cách lạ lùng. Anh gắng gượng nói với tôi:
- Ông có nghe thấy tiếng máy bay đó không? Chỉ ít phút nữa thôi cả khu rừng này sẽ nát tan bởi sức mạnh của không lực Hoa kỳ; cái cách thu dọn chiến trường, xóa bỏ thảm bại của lũ cướp nước, bán nước đó ông ạ! Ông hãy đi khỏi khu rừng này ngay!
- Ông thả tự do cho tôi?
Kiên vừa nới dây trói, vừa nói với tôi:
- Đúng!- Kiên khẽ gật đầu - Ông được tự do. Chúng tôi không bao giờ giết hàng binh của mình. Chiến tranh nhất định sẽ chấm dứt. Thời gian không còn lâu nữa đâu ông ạ!... chúng ta ai cũng có mẹ....những lúc đau buồn nhất bất hạnh nhất là những lúc mẹ ở gần chúng ta nhất....chiến tranh đã làm cho lòng mẹ thắt đau, tan nát biết nhường nào.....và đằng sau cuộc chiến tranh này sẽ còn biết bao nổi đau buồn day dứt khôn nguôi... Những người mẹ, người vợ... mất chồng mất con... hài cốt của những người thân của họ...
Khuôn mặt Kiên nhăn nhúm lại, hơi thở anh gấp gáp, anh xoài người; thả lỏng khẩu AK trên mặt đất. Tôi nhào tới đỡ lấy Kiên. Kiên cố hết sức rút tờ giấy thấm màu từ trong túi áo ngực đưa cho tôi. Rồi thều thào: “ Ông... hãy... đi ... “.
Ầm ầm...tiếng bom nổ rung chuyển cả khu rừng; đất đá bay rào rào, bụi khói mù trời. Tôi cuộn người lăn tròn như tảng đá. Ầm ầm...tai tôi đặc ù, người tôi được nhức bổng lên khỏi mặt đất, chân tay mặt mũi tướp máu. Tôi cố trườn lên rồi nhổm dậy tiến về lại phía Kiên đang nằm. Chẳng còn gì nữa. Một hố bom hoắm sâu khét lẹt. Tôi chới với. Tôi như người vô hồn. Bất chợt có những giọt nước sền sệt rơi trên mặt tôi. Tôi ngước nhìn lên, những nhành hoa phong lan tím. Đôi mắt tôi mờ dại...Những nhành hoa phong lan nhuốm màu tím ối. “ Trời ơi! ... Máu...Máu...”. Hướng khẩu AR15 lên phía có tiếng máy bay đang gầm rít, tôi bóp hết cả băng đạn. Tôi đập khẩu súng vào thân cây gãy nát rồi lao đi, hướng về phía ánh sáng mặt trời đang lan tỏa...
***
- Chị Liên ạ! - Ông quay về phía bà Liên - Sau lần trở về ấy tôi bị chế độ Sài gòn bắt kết án 5 năm tù, với tội danh: đào ngủ - phản bội quốc gia. Tờ giấy anh Kiên trao tôi cất giấu trong suốt những năm tháng ở tù và sau này cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là sơ đồ mộ chí của hai đồng đội anh Kiên hy sinh trong hôm tôi gặp anh ấy. Ngôi mộ chung của hai anh chỉ cách chổ anh Kiên hy sinh chừng hai mươi lăm mét. Anh Kiên đánh dấu mốc rất cụ thể: hướng về phía núi cao, phía bên phải là anh Nguyễn văn Thanh quê thành phố Đà Nẵng; phía bên trái là anh Trần xuân Phương quê tỉnh Thái Bình.
Mộ các anh sau ngày Miền Nam giải phóng đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Còn anh Kiên...
Có cái gì đó ứ tắc nơi cổ họng khiến ông nghẹn ngào không nói nên lời. Ông đưa tay lau những giọt nước mắt nhòe ướt trên vành mi, rồi hun hút nhìn những dò hoa phong lan tím...
Quảng Trị, tháng 10 năm 2000