Lá thư người lính

Thứ sáu - 09/08/2013 15:18

HMH

HMH
          Năm ấy, sau khi nghỉ hưu được hai năm thì bố tôi lâm bệnh nặng. Là một người công tác trong nghành y, tôi biết bệnh tình của bố đã vào giai đoạn cuối. Tôi thương bố đến thắt ruột và cảm nhận nỗi đau, mất mát lớn lao đang ngày một cận kề. Mồ côi mẹ khi mới lên năm tuổi, bố đi kháng chiến biền biệt, tuổi thơ tôi sống với ông bà nội, chỉ đến khi ông về hưu, bố con mới được gần gũi, bù đắp những mất mát cho nhau, nào ngờ quá ngắn ngủi. Tôi không muốn ông buồn nên cố giấu sự thật về bệnh tình của ông. Còn ông cũng vậy, giả bộ sức khoẻ của mình không có gì trầm trọng. Cho đến một hôm ông gọi tôi vào phòng và bảo:

          - Thịnh này! Con thu xếp nghỉ ít ngày đi vào miền Trung với bố một chuyến.
          - Có việc gì mà gấp vậy bố? - Tôi hỏi.
          - Ừ....
          - Nhưng bố đang bệnh. Mà trong ấy mùa này thời tiết nóng nực lắm.
          - Con yên tâm, sức khoẻ bố còn tốt, hàng năm bố tự đi một mình...lần này bố muốn con cùng đi.
          Tôi biết tính ông đã nói là làm và đặc biệt không muốn làm phiền ai bao giờ, kể cả với tôi. Vì vậy, mà khiến tôi phân vân khó xử. Tôi lo sức khoẻ của ông không đảm bảo cho một chuyến đi xa như thế, nhưng cũng đành thu xếp theo ông một chuyến. Gần hai ngày hành trình với cái nắng, cái gió hầm hập, cháy da, cháy thịt, mệt nhoài, tôi theo ông về một vùng biển. Sau giải đất đỏ bazan, những hàng dương xanh ngát là trời nước bao la, dưới ánh hoàng hôn minh mang, xôn xao, lấp lánh như rải vàng, tít tắp chân trời. Bờ biển dài, làn cát trắng mịn uốn lượn chạy về phía Nam. Gió nhè nhẹ, lao xao từ biển thổi vào, cảm nhận một vẻ đẹp bình yên và hoang sơ. Không kịp nghỉ ngơi, ông đưa tôi đi dọc bờ biển đến một đường hầm ngầm trong lòng đất. Ông bảo: " Đây là Địa đạo Vịnh Mốc", rồi len lỏi hết các ngõ ngách, giới thiệu cho tôi từng vị trí của địa đạo. Ông nói rành rẽ thuộc như lòng bàn tay. Không hiểu sao với bệnh tình như thế mà ông khoẻ hẳn ra.
          - Con thấy địa đạo thế nào?
          - Thật tuyệt vời! Một lâu đài kỳ lạ trong lòng đất - Tôi trả lời.
          - Là ý chí và sức mạnh của những con người một thời oanh liệt ở mảnh đất luỹ thép này. Nó cũng chỉ  là một trong một trăm mười bốn địa đạo con ạ! Đơn vị của bố có vinh dự đã tham gia cùng với nhân dân địa phương đào địa đạo này - Rồi ông hỏi tôi:
          - Chắc bây giờ con không còn ngạc nhiên vì sao bố lại đưa con vào đây nữa chứ? - Ông trầm ngâm với vẻ tư lự - Thời buổi bây giờ điều kiện thuận lợi có khi chỉ trong một tuần người ta đi nước ngoài đến năm, bảy nước. Nhưng thật đáng tiếc, có người đi hết nước này, nước nọ, hôm nay ở Hồng Kông, mai ở Úc, ngày kia ở Pari.... Tây Tàu rành rẽ, vậy mà ngay trên mảnh đất quê hương mình nhiều địa danh lịch sử, máu thịt lại thờ ơ, hờ hững mà nào có xa xôi gì cho cam. Bố muốn đưa con đến nơi này, nếu không e chẳng còn dịp nào nữa. Những năm qua con bận bịu với việc học hành, nghiên cứu, bố cũng bận công tác, hơn nữa sức khoẻ còn tốt, bây giờ...
          Nói đến đây ông dừng lại đưa tay hướng ra phía biển. Một khối xanh mờ đang dần thẫm lên trên những con sóng triền miên, tít tắp. "Đảo Cồn Cỏ" - Giọng ông trầm xuống, đôi mắt ưu tư như đang chờ đợi ai. Ông kể:
          - Năm một chín sáu lăm, bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, Mỹ - Nguỵ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc. Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu hứng chịu bom đạn hết sức dã man của quân thù. Đơn vị bố trực tiếp chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến địch ở vùng biển này và có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đầy nguy hiểm đó là cùng với đồng bào, dân quân du kích tiếp tế đạn dược, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ở đảo Cồn Cỏ. Một trong những mục tiêu chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng của ta. Bây giờ ra đảo chỉ hết hai, ba giờ đồng hồ, còn hồi ấy là cả sứ mệnh, dưới biển, trên trời tàu chiến, máy bay địch vây hãm, tuần tiểu, đánh phá suốt ngày đêm. Phải nói rằng đảo và đất liền đã được nối với nhau bằng máu, nước mắt..... nhiều đồng chí, đồng đội, đồng bào ở vùng biển này đã ra đi không trở về.
          Ông dừng lại, đôi mắt như trũng xuống ngấn nặng:
          - Trong những người ấy có chú Hưng, con ạ! Chú quê ở vùng biển Đà Nẵng, tập kết ra Bắc năm một chín năm tư. Sau khi tốt nghiệp đại học được Đảng và Nhà nước cho đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô nhưng chú tình nguyện vào Nam chiến đấu. Chú được bổ sung vào đơn vị của bố đúng vào những ngày đơn vị đang ở Xuân Mai chuẩn bị hành quân vào trong này. Cũng trong những ngày ấy bố được đơn vị cho về nghỉ phép. Gọi là nghỉ phép nhưng chỉ đủ cho bố mẹ tổ chức xong đám cưới là lên đường. Cũng thật oái oăm những ngày ấy mẹ "bị bệnh phụ nữ" thành ra.... nên ngày chia tay, mẹ buồn lắm, mẹ ân hận chưa làm tròn bổn phận của một người vợ - Ông quay về phía tôi - Đàn ông đã đành, phụ nữ thời chiến tranh cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh lắm con ạ! - Tôi chưa biết phải nói gì, ông kể tiếp:
          - Vào trong này bố và chú Hưng cùng một tiểu đội, hai đứa được phân công ở trong một ngăn hầm địa đạo. Như hồi nãy con đã đi xem, địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong lòng đất, có ba tầng với độ sâu từ mười lăm đến hai mươi ba mét, dài gần hai cây số. Vừa là nơi nhân dân trú, tránh bom đạn, sinh hoạt như trên mặt đất vừa là nơi cất giữ vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho đảo Cồn Cỏ, đồng thời cũng là trận địa chiến đấu. Những chuyến cảm tử đưa hàng ra đảo Cồn Cỏ, những trận đánh trả máy bay, tàu chiến địch, những đêm gối đầu nhau tâm tình bố và chú ấy đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Chú ấy dáng người mập chắc, nụ cười rất có duyên, đặc biệt là đàn giỏi, hát hay nên mỗi khi sinh hoạt quân dân bao giờ cũng được các cô gái chú ý nhiều nhất. Hồi ấy ở Vĩnh Linh đồng bào các huyện bờ Nam sơ tán ra nhiều lắm. Họ sống yêu thương đùm bọc nhau như trong một gia đình nên chẳng phân biệt được ai là người miền Bắc, ai là người miền Nam. Một đêm sau khi sinh hoạt về, chú Hưng cứ thao thức, trằn trọc nhưng có vẻ vui lắm, thấy vậy bố trêu:
          - Chắc là tương tư o nào rồi phải không?
          Chú cười đấm thùm thụp vào lưng bố.
          - Thôi đừng đoán mò nữa ông tướng.
          - Vải màn không che được mắt thánh đâu. Đằng này đã từng trải qua rồi đấy nhé. Có khai báo không thì bảo!
          - Ờ...ờ nhưng mà cậu không được kể với ai nhé!
          - Được rồi!
          - Cô ấy người miền Nam, tên là N.A
          - Lại còn bí mật nữa, Ngọc Anh, Ngọc Ánh.... chứ gì?
          - Chú cười hì hì rồi bảo:
          - Chỉ giỏi đoán mò. Biết ngang từng đó thôi, tớ chẳng dại gì để lộ tên người mình..... cho những thằng đã có vợ như mày.
          - Được rồi không khai báo thật, sau đừng có trách tao không nể mặt!.
          Nghe bố nói vậy chú lại đấm thùm thụp vào lưng bố. "Tớ đùa vậy thôi, nhưng mà.... hồi sau sẽ rõ". Biết chú dùng chiêu thức kể chuyện "Tam Quốc diễn nghĩa" hàng đêm cho bố nghe để lảng tránh nên bố không ép chú nữa.
          Thế rồi đêm hôm sau vừa mới giao ban trên đại đội về thì thấy mẹ con, đột ngột như từ trên trời rơi xuống. Chú Hưng cười bảo: “Tớ mới bắt cóc cho cậu một o đây nè, bây giờ bàn giao cho cậu”, rồi đi ngay. Mẹ đi trong đoàn văn công xung kích của thành phố phục vụ giới tuyến. Bố mẹ gặp nhau mừng vui khôn xiết. Nhưng niềm vui lại khiến bố day dứt, rối bời vì đêm ấy bố được đơn vị giao nhiệm vụ cùng chín đồng chí trong tiểu đội vận chuyển hàng ra đảo. Chú Hưng lần nào cũng đi cùng bố nhưng đêm đó được giao nhiệm vụ tổ chức văn nghệ. Bố nghĩ, vậy là lại một lần nữa.... Bố không biết phải động viên mẹ như thế nào, còn mẹ sau khi biết tin cố giấu đi dòng nước mắt. Thế nhưng gần đến tám giờ tối bố chuẩn bị đến địa điểm tập trung thì chú Hưng xuất hiện, với bộ mặt vui vẻ.
          - Có mệnh lệnh mới của Ban chỉ huy!
          Bố hồi hộp chờ đợi.      
          - Tớ được cử đi thay cậu chuyến này. Cậu rõ chưa? Nhưng cậu cũng có một mệnh lệnh đặc biệt quan trọng đây.
          Chú lôi một lá thư trong túi áo ra, rồi ghé sát vào tai bố:
          - Đúng chín giờ ba mươi tối nay cậu ra Mũi Si đưa lá thư này cho NA giúp tớ. Tớ đã hứa với cậu là "Hồi sau sẽ rõ" đó. Tớ đi đây, à.... nhớ chăm sóc bà xã chu đáo nhé!.
Chú nháy nháy mắt tinh nghịch rồi vội vã nhoà đi trong màn đêm. Còn bố thì ngớ người ra không kịp nói với chú điều gì. Bố biết chú ấy đã xung phong đi thay bố. Đêm ấy tổ chức văn nghệ xong, bố chuẩn bị đi Mũi Si (Mũi Si là địa danh của mũi đất ở bãi biển Cửa Tùng nhô ra phía biển xa nhất) để chuyển lá thư cho chú, thì một trận oanh tạc dữ dội của máy bay và tàu chiến địch. Trận bom kéo dài, đến khi ngớt thì đã hơn mười giờ ba mươi phút rồi. Bố vội vã ra Mũi Si và chờ đợi một hồi lâu nhưng chẳng thấy cô NA đâu, đành phải quay về. Thấy bố nét mặt thẩn thờ, mẹ lo âu:
          - Không biết chú Hưng đi thế nào?
          - Không sao đâu, tuyến lửa là vậy em!
          Bố trả lời thế cốt để mẹ yên lòng, chứ lênh đênh ngoài biển khơi thì thật khôn lường, phần nữa chưa trao được lá thư của chú Hưng khiến bố rất băn khoăn....
          Ông dừng lại một hồi lâu trầm lặng dõi nhìn những đụn mây trắng xoá như cẩm thạch trên nền trời xa. Những đụn mây trắng đang từ từ hồng rực lên nhìn giống như những con thuyền dập dìu chao sóng. Đảo Cồn Cỏ cũng loang dần ra trong màn sương biển bao la.
          - Đêm ấy trong căn hầm của địa đạo Vịnh Mốc, dưới làn bom đạn rền rã của kẻ thù, đêm tân hôm đích thực của bố mẹ và kết quả của những giờ phút hạnh phúc đó chính là con. Còn chú Hưng.... sau chuyến đi ấy đã mãi mãi không về. Ở đời hạnh phúc và nỗi đau thường song hành với nhau, có khi để có hạnh phúc cho người này thì phải đánh đổi bằng sự mất mát, hy sinh của người khác. Có điều trong chiến tranh tình đồng chí, đồng đội, cao cả, thiêng liêng lắm, người ta không so đo tính toán thiệt hơn… sẵn sàng nhận về mình sự mất mát, hy sinh.
          - Thế còn lá thư của chú ấy? - Tôi sốt sắng hỏi ông.
          - Nhiều đêm sau đó bố vẫn ra Mũi Si để chờ đợi người con gái ấy nhưng vô vọng. Sau này bố mới biết đó là cô Nguyệt An cùng ở trong địa đạo Vịnh Mốc. Cô ở tầng hầm dành cho đồng bào miền Nam sơ tán chỉ cách ngăn hầm của bố và chú Hưng chưa đầy một trăm mét. Và đêm chú Hưng nhờ bố chuyển lá thư cũng là đêm cuối cùng trước khi cô được ra miền Bắc học. Rồi chiến tranh ngày một ác liệt hơn, đơn vị bố vào Nam.... đi hết chiến trường này đến chiến trường khác hơn ba mươi năm, lá thư theo bố...
          Nói đến đây ông phủ phục xuống bãi biển, hai bàn tay nâng lá thư lên trước mặt thổn thức, nghẹn ngào:
          - Hưng ơi!.... Đây là lần cuối tao về với mày. Tao không còn dịp nào nữa rồi. Mày thứ lỗi cho tao đã không làm tròn bổn phận của người lính. Trời ơi! Tao đành gửi lại mày đây Hưng ơi!
          Nói rồi ông định thả lá thư xuống mặt biển, nhưng như có một điều gì đó níu kéo, se thắt trong lòng khiến ông không sao buông lá thư ra được. Nước mắt ông dàn dụa, ông nức lên:
          - Hưng ơi!...Hưng ơi!
          Tiếng gọi của ông như vỡ hoà trong tiếng sóng ào ạt, dội ngược lên trời cao vòi vọi để rồi rót buốt vào tận thẳm sâu tâm can ông. Tôi thương bố quá. Tôi chạy lại dìu bố. Trong đôi mắt mờ nhoà của bố, tôi bồi hồi, run run nâng lá thư áp vào lồng ngực mình.
          Một tháng sau bố tôi qua đời. Trước khi nhắm mắt ông vẫy tôi lại gần, cố hết sức, ông nói trong hơi thở trút ra cuối cùng: Chú Hưng... đảo Cồn Cỏ.
         
***
          Lời trăn trối của bố cứ canh cánh trong lòng tôi. Sau ngày bố mất, tôi đã nhiều lần về thăm lại Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc. Mảnh đất đã trở thành máu thịt trong tôi, nơi bố mẹ tôi đã có những giờ phút đẹp đẽ, hạnh phúc nhất của cuộc đời mình, nơi có chú Hưng và bao người đồng chí, đồng đội, đồng bào thân yêu. Họ sâu sắc, bao dung, thuỷ chung và ngời sáng biết bao. Niềm hy vọng được gặp cô Nguyệt An cứ thôi thúc tôi không nguôi, nhưng mong manh và xa vời quá. Tôi tâm niệm nhất định mình phải ra đảo Cồn Cỏ. Nếu không gặp được cô Nguyệt An, tôi sẽ tặng lá thư của chú Hưng cho những người lính Đảo. Nó sẽ là tài sản vô giá của người lính. Và thế là niềm mong mỏi của tôi đã thành hiện thực, mặc dù tôi đã phải chờ đợi khá lâu. Thằng bạn nối khố của tôi thời học trò, báo tin cho tôi biết có đoàn cán bộ Trung ương đi khảo sát xây dựng đảo Cồn Cỏ. Và trên chuyến tàu ra đảo ấy, nó đã thu xếp cho tôi như một thành viên thực thụ của Đoàn. Nó còn bảo: “Hôm nay ông đi tạm con tàu dã chiến này, lần sau ông về sẽ có tàu cao tốc, lúc đó đi đảo Cồn Cỏ như đi chợ huyện, chợ xã thôi”. Nó còn vẽ ra cho tôi một viễn cảnh rất đẹp về một tương lai gần của đảo Cồn Cỏ đã được Trung ương phê duyệt. Tôi thấy vui lây và thầm nghĩ rồi đây Cồn Cỏ "Hòn Đảo lửa" thủa nào sẽ trở thành "Đảo Tiên". Tôi mơ màng nhìn những con sóng lao xao, ì oặp vỗ vào thân tàu đang băng băng rẽ sóng lướt đi. Một âm hưởng hùng hồn, tha thiết, từ sâu thẳm vọng về, dâng trào lên trong tôi "Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ"(1). Tôi nhẩm đọc, lòng lâng lâng xốn xang một niềm vui khôn tả.
          Người phụ nữ ngồi cạnh tôi, suốt chặng đường chẳng nói gì, bỗng quay lại hỏi tôi:
          - Cháu quê ở vùng này à?
          - Dạ cháu sinh ra ở đây! - Tôi ấp úng, vừa nói vừa chỉ về phía Cửa Tùng.
          Người phụ nữ nhìn hút theo hướng tôi chỉ, đôi mắt bà đăm đăm, rưng rưng... Đúng lúc đó Hùng (thằng bạn nối khố của tôi) đến gần tươi cười:
          - Xin giới thiệu với bạn đây là cô An, thành viên quan trọng của Đoàn công tác.
          Cô An cười bảo:
          - Thôi ông tướng, chúng tớ đã làm quen với nhau rồi.
          Cô kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc, Mũi Si, tôi linh cảm trong từng lời của cô có điều gì đó buồn lắng, ưu tư lắm...
          Bỗng từ phía mũi tàu có tiếng reo "Đảo.... đảo Cồn Cỏ.....". Mọi người lao nhao đứng dậy. Một khối núi xanh mờ sừng sững như một con rùa thần khổng lồ chờn vờn bơi trên sóng nước, dần hiện lên mồn một trước mắt chúng tôi. Cô An cũng như mọi người lần bám vào thành lan can tàu đứng dậy. Đôi mắt cô đăm đăm nhìn về phía trước. Nhưng lạ thay cô từ từ khụy xuống, hai tay ôm lấy mặt… Tưởng cô bị say sóng, tôi vội vàng cúi xuống dìu cô. Bất ngờ nhìn thấy hai khoé mắt của cô ướt nhòe. Tôi bối rối: Cô An...Cô An... Dường như không kìm giữ được nỗi xúc động, dồn nén mãnh liệt, cô nghẹn ngào: "Hưng ơi....Hưng ơi". Nghe tiếng gọi của cô mọi người quay lại ngỡ ngàng. Riêng tôi như có một luồng điện chạy dọc thân mình đến ngây lặng. Tôi bàng hoàng, hai tay ôm chặt lấy đôi bờ vai cô, tôi bật thốt lên: “Cô......Cô Nguyệt An........Cô Nguyệt An…”. Cô An sững sờ nhìn tôi trong tiếng còi hú liên hồi báo hiệu tàu đã cập bến đảo Cồn Cỏ./.                                         

                                                                                                                                                                      VX
          (1) Thơ Bác Hồ tặng cán bộ, chiến sỹ Đảo Cồn cỏ
 

Tác giả bài viết: VX

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây