Ngày thứ tám tôi được đưa về phòng điều trị cách li. Tại đây bệnh nhân quá tải, cứ một giường bệnh phải bố trí hai bệnh nhân nằm ngược chiều nhau. Khốn khổ cho cái thân tôi rơi đúng vào số dôi ra của các bệnh nhân nam và nữ nên phải nằm chung giường với một phụ nữ. Chị ta là giáo viên ở miền núi, cùng chịu căn bệnh sốt rét. Xin miễn kể đến cái sự bất tiện trong sinh hoạt của một thằng đàn ông như tôi với người phụ nữ xa lạ kia trên cùng một chiếc giường. Cũng may là hai ngày sau thì chị ta được xuất viện. Khỏi phải nói là tôi đã mừng như thế nào, vậy mà còn bị vợ véo yêu vào đùi nữa chứ. Ở bệnh viện, suốt ngày trên giường bệnh hết nằm rồi lại ngồi ê ẩm, bứt rứt cả người. Thấy vậy, bà xã đưa lên cho hai cuốn sách và bảo: Cả ngày hôm nay em lùng khắp các hiệu sách của thị xã mới mua được anh ạ! Anh đọc đi, nghe nói hay lắm. Một cuốn là “Mãi mãi tuổi hai mươi” và một cuốn là “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”. Tôi đọc ngấu nghiến chưa đầy hai ngày hết cả hai cuốn sách quên cả bệnh tật, mệt mỏi. Hai cuốn sách của hai tác giả được viết theo dạng nhật ký đã gây xúc động mãnh liệt và sự kính trọng, khâm phục trong tôi. Sau khi đọc xong hai cuốn sách, tôi cẩn thận gói vào một tờ giấy báo cất vào chiếc tủ của bệnh nhân thì tình cờ bắt gặp một quyển vở học sinh loại bốn mươi tám trang, ngoài bìa đã sờn cũ. Tôi tò mò lật dở ra xem và hết sức ngạc nhiên vì đó cũng là một quyển nhật ký viết tay, có nhiều chỗ chữ bị nhoè ố. Nội dung không dài chỉ tám trang giấy học sinh dưới dạng tự sự về nỗi đau của người cha đối với đứa con gái xấu số của mình. Phải nói là tôi đã cảm động đến thắt lòng. Tôi muốn đem trả lại cho chủ nhân của nó, nhưng hiềm một nỗi quyển vở không đề tên người viết kể cả địa chỉ. Vợ tôi bảo: “Có thể là của chị ấy rồi”.
Hai hôm sau tôi ra viện thì chị tìm đến nhà tôi, với vẻ mặt khắc khổ, lo âu. Tôi thành thật xin lỗi chị vì đã mạo muội đọc những trang viết ấy, chị bảo: “Tôi mới là người phải cám ơn anh chứ, may mà anh đã cất hộ, không thì tôi ân hận cả cuộc đời. Quyển vở ấy là tài sản quý giá nhất của cuộc đời tôi anh ạ…Hồi ở Thanh niên Xung phong Trường Sơn trở về và cả gần mười năm sau đó, chồng tôi không hề biết chất độc màu da cam đã ngấm sâu trong cơ thể mình … Trước hôm mất, anh ấy cầm quyển vở, nước mắt ứa ra, nghẹn ngào nói với tôi: Bây giờ anh gần về với con rồi, chỉ thương em… Em hãy cất giữ quyển vở này coi như anh và con đang ở bên em vậy…Tôi khóc nắm lấy tay anh không nói được nên lời…”.
Nghe chị kể, tôi không biết phải động viên, an ủi chị như thế nào. Tôi nhớ đến hai tác giả của hai cuốn nhật ký sau hơn ba mươi năm mới được công bố, nhớ đến những cuộc mít tinh và mấy triệu chữ ký ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tại vụ kiện chất độc da cam ở Brúc lin (Mỹ) mà đài truyền hình đã đưa tin. Một ý tưởng nảy ra trong tôi, tôi đề nghị chị cho phép được đăng những trang viết của anh trên báo. Chị do dự một hồi rồi nói với tôi: “Có cần thiết phải như vậy không?”. Tôi bảo: “Nỗi đau, mất mát của anh chị và gia đình cũng là nỗi đau chung… Chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh với quá nhiều đau thương, tang tóc, nhiều người đã nằm xuống mãi mãi không trở về, nhiều người phải mang thương tích, di chứng của chiến tranh tàn hoại để rồi truyền từ đời này sang đời khác, vậy mà những kẻ gây ra tội ác vẫn cứ mặc nhiên làm ngơ…”
Chị khẽ gật đầu rồi bảo: “Thôi vậy thì tuỳ anh!”. Được sự nhất trí của chị, tôi xin gửi đến bạn đọc nguyên bản những trang viết sau đây của chồng chị:
“Y Thương con ơi!
Đạo làm cha, làm mẹ sinh con ra cốt để toàn cái thân để rồi rèn cái trí, cái nhân. Vậy mà cái điều đầu tiên ấy ba, mẹ đã không làm tròn với con. Ba có tội với con, gọi con mà cháy cả ruột gan con ơi!
Nước mắt của người cha thường chỉ bầm chảy trong gan ruột. Nhưng ruột gan ba giờ này đây, không thể chất chứa nổi khi không còn con nữa! Ba đã gào lên, ôm chặt con trong vòng tay, cố níu kéo lấy con.
Tội nghiệp cho con quá con ơi! Nắm đất đầu tiên trong bàn tay ba buông rơi trên hình hài con, ba ngỡ như cả quả núi ập đổ xuống người ba.
Con gần gũi trước mặt ba trong gang tấc mà sao xa vời đến vậy hở con!
Đành rằng cuộc đời là số phận, nhưng sao số phận của con gái ba lại nghiệt ngã làm vậy.
Hạnh phúc đến với ba có gì hơn nữa đâu, khi con ra đời. Ba mẹ toại nguyện biết nhường nào, bởi bao ngày trông mong đã thành hiện thực.
Từ ngày đầu tiên mười ba tháng tám, mẹ điện báo ba về gấp, ba biết mẹ đã đi sinh. Ba cứ thầm cầu mong cả ngày sao cho mẹ tròn con vuông.
Cho đến khi về gặp con, ba mừng đến khựng cả người. Mẹ bảo con nặng ba cân hai và thấy con khỏe mạnh, ba vui xiết bao.
Ngày mười bốn tháng tám, đến cơ quan phấn chấn trong lòng gặp người nào ba cũng khoe là đã có cô con gái rượu. Ai cũng chúc mừng ba “Số mày may mắn quá: Ao sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng…”. Ba cứ mong cho mau hết giờ làm việc để được về với con trong niềm vui, hạnh phúc khôn xiết ấy. Buổi chiều về đến nhà thấy mẹ buồn buồn, tưởng mẹ làm nũng, nhưng mẹ đã lên tiếng trước: “Anh ạ! Không biết sao hai ngày nay con không đi ngoài. Anh đi mời bác sĩ đến khám cho con xem thế nào?”. Bác sĩ Tuấn đến khám cho con và nói rằng: "Cháu có khả năng bị tắc ruột, ngày mai anh chị đưa cháu về bệnh viện chụp điện. Nếu cháu bị tắc thật thì phải mổ để thông ruột ”.
8h kém 20 ngày mười lăm tháng tám, sau khi chụp điện cho con, bác sĩ Tuấn bảo, phải đưa con đi bệnh viện Trung ương Huế gấp. Linh tính báo cho ba rằng bệnh của con trầm trọng rồi. Trên đường đi ba rất lo nhưng không lường trước được rằng bệnh của con lại nguy kịch đến vậy.
10h, con đến bệnh viện Trung ương Huế. Con được đưa về nằm ở ngoại hai để truyền huyết thanh và thông hậu môn, nếu con đi ngoài được thì sẽ không phải mổ và có nghĩa là bệnh tình của con không có gì đáng ngại.
17h, ba đi mua hai ống thuốc thụt để cho con đi ngoài. Ba xịt ống thuốc vào thuốc trào ra. Không phải là nhà y học nhưng bằng phương pháp lý học và sự linh cảm của người cha, ba biết rằng con đã bị tắc ruột thật rồi, song ba vẫn giấu mẹ.
8h ngày mười sáu tháng tám, bác sĩ đến khám và quyết định mổ cấp cứu. Họ lấy máu thử và truyền huyết thanh cho con. Con mổ phải truyền 100 cc máu. Ba bàn với bác Hòa là lấy máu của ba để truyền cho con. Nhưng bệnh viện đã chuẩn bị máu và miễn phí 100%.
14h30, chiếc xe lăn đưa con vào phòng mổ, người đứng mổ cho con là bác sĩ Thanh, một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm của bệnh viện. Cánh cửa phòng mổ từ từ khép lại, ba không còn nhìn thấy con được nữa. Bốn ca mổ của bệnh viện được tiến hành một lúc trong cái khoảnh khắc buổi chiều hôm ấy, trong đó có con.
17h, ba ca kia được lần lượt đưa ra khỏi phòng mổ. Ba và ông ngoại hết đứng lại ngồi, đi tới đi lui lo lắng, nôn nao đến cháy ruột, cháy gan. Trời ơi! Sao mà lâu vậy, liệu con có chịu đựng nổi không? Mỗi dây phút trôi qua nặng nề lê thê như hàng thế kỷ. 17h15…17h30....18h… 18h10..18h15, cánh cửa phòng bật mở, chiếc gường lăn từ từ tiến ra, ba và ông ngoại nhào tới. Trên bụng con một vết băng trắng dài, một bình truyền nhựa trắng. Thứ bình nhựa hiệu Đức mà ba mua khi 13h để truyền cho con trong khi mổ. Con ve vẩy đôi bàn tay nhỏ nhắn, đôi mắt mở to, cái miệng chóp chép, chao ôi là mừng!. Mọi người chia sẻ niềm vui với ba “Con bé tội nghiệp quá, vậy là tai qua nạn khỏi rồi đó". Bác sĩ đưa con về phòng hậu phẫu, phòng dành riêng cho bệnh nhân sau khi mổ. Con nằm trên giường số một, bên cạnh là một bé gái khoảng hai tuổi toàn thân vàng khè. Hỏi mẹ bé mới biết là bé mổ túi mật. Cả bảy chiếc giường bệnh trong phòng, bệnh nhân rên la do không chịu nổi cơn đau sau khi mổ, chỉ có con là hầu như không có biểu hiện gì của sự đau đớn. Mấy bác sĩ nói với nhau “Cầu mong cho nó qua được”. Rồi một bác sĩ bước lại gần ba nói nhỏ: “Cháu mổ xong khỏe đấy, nhìn vậy nhưng khỏe hơn bé gái kia”. Anh ta chỉ vào bé gái nằm cạnh giường con đang thiếp đi trong giấc ngủ. Ba thấy phấn chấn trong lòng.
Cả đêm ngày mười sáu tháng tám, ba thức trắng bên con, theo dõi từng hơi thở, đếm từng lần oặn mình nhăn nhó của con. Một đôi lần ba nghe thấy tiếng e e nho nhỏ được phát ra trên đôi môi nhỏ nhắn, xinh xắn của con bị chìm lấp trong tiếng rên la quằn qoại của những bệnh nhân trong phòng. Ba hiểu được cái đau đớn thế nào của tấm thân bé bỏng con gái ba.
Người nhà đi nuôi bệnh nhân tụ tập bên cửa sổ, những đôi mắt ngấn lệ nhìn con: “Con bé dễ ghét quá, tội nghiệp! Như con chó con, cho tôi cho rồi ông ngoại”. Nhìn tấm thân bé bỏng của con, ba ước chi thay thế được nỗi đau đó cho con. Thế rồi đêm ngày mười sáu tháng tám trôi qua, tình hình con có khá hơn và triển vọng.
19h30 ngày mười bảy tháng tám, ông ngoại về báo tình hình con xấu đi, ba vội vàng lên với con. Đến nơi thấy con đã trở lại bình thường, nhưng lúc này người ta đã cho con thở bằng bình ô xy. Và cả đêm hôm đó con không có biểu hiện gì xấu đi, ba phần nào yên lòng.
5h sáng ngày mười tám tháng tám, bệnh tình con bắt đầu trầm trọng, con bị tràn dịch màng phổi. Không kìm giữ được mình, ba chạy ào vào phòng con, mặc dù biết đó là việc làm sai với quy định của bệnh viện. Lúc này hơi thở của con đã yếu đi nhiều, có lúc con đã ngừng thở. Con bắt đầu thở bằng nội khí quản, có nghĩa là phổi của con đã hoạt động rất yếu. Cả buổi sáng cho đến 13h30 ngồi bên con cứ hai mươi đến ba mươi phút thay tã cho con một lần. Con đi tiểu nhiều. Hai bình cao su nước sôi luôn đủ nóng để chườm cho con. Con thở thoi thóp, thỉnh thoảng nấc lên, đôi mắt nhắm nghiền, con yếu đi nhiều quá. Khi nhìn thấy một con nhện đen bò sát tấm chăn con đắp, ba rụng rời cả chân tay, đẩy con nhện ra xa con, ba muốn nấc lên. Trời ơi! Bao năm mong chờ, có lẽ nào ba lại mất con thật sao?. Con đang trước mắt ba mà, con đang ở bên ba đây mà… Có đôi lần con mở mắt ra nhìn ba rồi nhắm nghiền lại. Ba đưa đôi bàn tay nhẹ nhàng ấp trên đôi má con, thỉnh thoảng khẽ đẩy đôi mí mắt để nhìn vào mắt con.
Cả buổi tối ngày mười chín tháng tám, người trực không cho ba vào ngồi bên con. Các bác sĩ thay phiên nhau ngồi trực không lúc nào rời và luôn dùng bình bơm hơi cho con. Ba và ông ngoại ở ngoài cửa sổ nhìn con mà lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Ba đi đi lại lại không biết bao nhiêu vòng. Ba không đủ can đảm để nhìn vào khuôn mặt bé bỏng của con nữa. Chỉ qua ánh mắt, đôi môi của người bác sĩ trực để ba biết những gì đang xảy ra với con. Chỉ bên bức tường kia thôi, con đang thoi thóp, con có thể từ giã ba bất cứ lúc nào, giống như ngọn đèn đang lắt lay trước gió.
2h30 ngày hai mươi tháng tám đang nằm trên chiếc giường bạt, ba không chịu nổi bật dậy nhìn vào phòng thấy các bác sĩ đang xúm xít bên con. Ông ngoại ngồi gục đầu trên chiếc ghế. Ba chạy ào vào phòng nhìn thấy con nước da xạm lại, con không còn thở nữa... Các bác sĩ cuống cuồng, người nhồi ngực, người bơm tay. Lúc này phổi của con không còn làm việc. Nhưng rồi lại thấy ngực con thoi thóp thở. Con mở mắt nhìn ba một lần, hai lần rồi nhắm nghiền lại, từ mũi, miệng con ào ra thứ nước đen nâu. Các bác sĩ nháo nhào dùng bơm hút, mắt ba hoa lên, tim ba như ngừng đập. Ba bỏ chạy ra khỏi phòng. Ba đứng như trời trồng chấp tay trước ngực khấn nguyện cho con, mặc dầu trong đời ba chưa một lần làm điều đó và cũng chưa bao giờ tin là có thật.
Nhưng ba biết làm gì được để cứu con lúc này. Ba cầu nguyện sự may mắn như một phép nhiệm màu. Ba bắt đầu hút thuốc, có bao diêm trong tay nhưng ba không thắp, ba xin cái đỏ của từng người xung quanh, cái bút bi ba mua cũng phải màu đỏ để cầu mong sự may mắn, an lành cho con.
7h, tình hình con không có gì tiến triển. Ông ngoại về nhà. Một mình ba ở lại càng thấy nôn nao, bồn chồn lo lắng hơn. Từ phòng hậu sinh mẹ đội nón sang thăm con, bước từng bước nặng nề khổ sở. Con ơi! Nỗi đau của mẹ còn bội phần hơn ba. Mẹ yếu đi nhiều vì nỗi âu lo. Mẹ đã khóc vì quá mừng khi sinh con, sau hơn 10 năm hy vọng đợi chờ... Còn bây giờ đây mẹ sẽ như thế nào? Khi những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc kia trở thành những giọt máu tím bầm trong tim mẹ. Ba phải bấm ruột, bấm gan nói dối mẹ, lừa dối chính tâm can mình rằng con đã đỡ nhiều và rất có khả quan. Mẹ tin là sự thật. Thật như nỗi lòng của người mẹ. Mẹ xin ba được ở bên con hết ngày hôm đó. Ôi! Cái giây phút hiếm hoi, quý giá của cả một đời làm mẹ. Mẹ có ngờ đâu ba đã đang tâm cắt chia, đang tâm cắm phập lưỡi dao lên con tim dại tê của mình. Mẹ lầm lũi bước, những bước đi cuối cùng để giã biệt con mà không hề hay biết. Ba đã nấc lên từng hồi dài sau lưng mẹ. Chín tháng mang nặng đẻ đau để bây giờ là như vậy đó trời ạ!...
Mẹ về rồi ba nóng lòng chờ ông ngoại lên. Biết con không thể nào qua khỏi, ba bàn với ông ngoại đưa mẹ về nhà ông để tránh cho mẹ phải chứng kiến trước giây phút lâm chung của con. Lại một lần nữa ba dối lừa mẹ. Ba tỏ vẻ như không có gì xảy ra, rằng con ở phòng hậu phẫu một đến hai ngày, sau đó đưa sang phòng sơ sinh ấp lồng kính mười đến mười lăm ngày là khỏi hẳn. Trong thời gian đó không cần sự chăm sóc của người nhà. Mẹ không muốn về nhưng cuối cùng phải nghe lời ba. Mọi người xung quanh biết được những gì sẽ xảy ra với con, họ quay mặt vào tường lặng lẽ. Những ánh mắt ấy, những cử chỉ ấy dội vào ba như từng con dao sắc lịm rơi cứa vào tim can ba.
Ba phải giục mẹ chuẩn bị đồ dùng thật mau. Mẹ đòi sang thăm con lần nữa, nhưng ba đã khước từ sự cầu xin của mẹ. Mẹ khóc, ngoái nhìn về căn phòng của con một lần, hai lần… rồi lầm lũi bước đi. Ba phải bước nhanh lên trước mẹ và không dám quay đầu lại nhìn mẹ. Con ơi! Con oán giận ba nhiều lắm phải không con?.
Ra đến cửa bệnh viện mẹ gục xuống ôm lấy mặt khóc tức tưởi, chiếc xích lô tiến lại gần, chiếc túi xách trong đó có áo quần, tả lót của con được đặt lên, mẹ mới chịu bước lên xe.
Ba vội vã quay về phòng con. Bác Hòa đã chờ ba ở đó. Đôi mắt bác buồn, có gì đó rất khó nói. Nhưng rồi bác không còn giấu giếm ba: “Em ạ! chị đã xem bệnh cho cháu, là người trong nghề và là trách nhiệm của người chị, chị bàn với em thế này: Em cần có sự tỉnh táo và can đảm, bệnh của cháu nguy kịch lắm rồi, không thể qua được. Ý định của chị là nên đưa cháu sống ra đến nhà. Chị đã viết giấy xin Giám đốc bệnh viện duyệt cho một chuyến xe có bình ô xy và một số phương tiện cần thiết cùng với một bác sĩ đi theo cháu. Anh chủ nhiệm khoa đang dở ca mổ. Nếu em nhất trí chị sẽ trao đổi với anh ấy”.
Ba không nói gì lặng lẽ quay mặt đi. Bác Hòa đưa cho ba tờ giấy lệnh điều xe, bác nói xe đã chuẩn bị sẵn sàng.
11h30, bác sĩ Chinh chủ nhiệm khoa, bác sĩ Phương trưởng khoa mời ba vào phòng riêng. Bác sĩ Chinh nói: “Vừa rồi bác sĩ Hòa có trao đổi với tôi về bệnh tình của cháu và có đề nghị nguyện vọng của gia đình. Thay mặt khoa tôi cũng xin trao đổi với anh như thế này. Bệnh tình của cháu đúng như ý kiến của bác sĩ Hoà. Khoa chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ca tương tự như thế này. Có cháu mất trên bàn mổ, có cháu qua được vài ngày, vài tuần. Tỉ lệ sống không quá 1%. Riêng đối với cháu đây là một ca đặc biệt vì bị tắc ruột ở phần trên tiếp giáp với ruột non. Chúng tôi đã huy động tất cả những phương tiện y học mà bệnh viện có để cứu cháu. Phổi của cháu bây giờ không còn tự hoạt động được nữa nếu ngừng bơm nội khí quản, còn điện tâm đồ thì rất yếu. Ý kiến của bác sĩ Hòa là bằng mọi cách đưa cháu sống ra tới quê. Nhưng cho đến bây giờ thì không còn thực hiện được nữa vì sức sống của cháu không đủ thời gian để vượt qua đoạn đường xa như vậy. Chẳng giấu giếm gì anh, mấy ngày nay khoa chúng tôi đã tận tâm, tận lực để cứu cháu. Một phần là lương tâm của người thầy thuốc, một phần đây cũng chính là đề tài khoa học mà chúng tôi đang nghiên cứu để chữa trị. Trên phương diện khoa học thì có thể cháu đã bị nhiễm một chất độc nào đó…”.
Bác sĩ Phương trưởng khoa trực tiếp theo dõi bệnh tình của con, nói tiếp: "Tôi nhất trí ý kiến của bác sĩ Chinh là nên để cháu ở lại. Mấy ngày vừa rồi anh chị em chúng tôi có suy nghĩ ngày nào cháu qua được là chúng tôi lập được chiến công ngày đó còn tùy gia đình…".
Ba quyết định để con ở lại, còn nước còn tát. Và không hiểu sao ba cứ hy vọng là con sẽ qua được. Nhưng đến đúng 13h30 ngày hai mươi tháng tám, TRÁI TIM NON NỚT CỦA CON NGỪNG ĐẬP. Một lần nữa thứ nước đen nâu lại ứa ra từ mũi, miệng con. Các hộ lý tháo dỡ các phương tiện trên người con. Con không mở mắt ra nhìn ba như những lần trước nữa. Ba đứng như trời trồng, đôi mắt ba ráo hoảnh như không còn xúc cảm. Trong tay ba chiếc khăn bông từ từ buông xuống rồi phủ kín trên hình hài con. Bế sát con vào lòng ngực, ba như nghe thấy tim con còn đập. Ba cứ lẩm bẩm hoài như người mất trí: Con sống với ba nghe con! Con đừng bỏ ba mẹ mà đi nghe con.
14h, chiếc xe cứu thương đưa con đi. Đường xóc xe chao đảo, ba ghì chặt con vào lòng sợ con đau đớn, sợ con tuột ra khỏi vòng tay ba mà đi mãi. Rồi xe đột ngột dừng lại, trước mắt ba là nghĩa địa của thị xã. Lúc này nước mắt ba mới trào tuôn không sao cầm giữ được, con tim ba thắt nghẹn lại. Ba cứ chần chừ không chịu đưa con xuống xe. Nhưng không còn cách nào khác, xe cứu thương phải quay vào Huế và người con lúc này đã tím bầm. Mưa bắt đầu rơi dày hạt, và gió cũng thổi rát rạt khiến lòng ba thêm nát tan bội phần… Huyệt được đào xong, ông ngoại làm thủ tục đặt tên cho con, xin thổ thần đất đai cho con được mồ yên mả đẹp.
Y Thương con ơi! Tên con có từ đó, ba nghe lần đầu tiên trong đời, trong tiếng nấc nghẹn ngào của ông ngoại. Gần bảy mươi tuổi đời ông khóc cho đứa cháu ngoại bé bỏng xấu số. Đứa cháu mà ngành y đã hết lòng cứu chữa "Y thương”. Gần một tuần qua ông quên ăn, quên ngủ vì con. Ở bệnh viện ông cứ bảo mời thợ nhiếp ảnh chụp cho ông và con mấy phô làm kỷ niệm.
Mưa tiếp tục rơi nặng hạt hơn, gió thổi rát rạt hơn như những mũi tên xiên chéo vào tim ba. Cầm chiếc dù ba phủ phục che lên mộ con, sợ con lạnh, sợ con ngập trong nước… Trời đã nhá nhem tối, ông đưa quần áo, khăn, tả, lót của con ra đốt. Ngọn lửa bập bùng âm ỉ cháy. Chao ôi! Là khủng khiếp. Ngọn lửa cứ như đang cháy trong ruột gan ba, con cô đơn một mình lạnh lẽo biết bao, giữa quả đồi mông quạnh, ai ấp iu con đây!?
Mẹ ở Huế vẫn chưa biết. Ba định giấu mẹ thêm ít ngày nữa nhưng lương tâm cứ cấu xé, cuối cùng ba quyết định đưa mẹ ra trước ngày mở cửa mả cho con.
Ngày hai mươi hai tháng tám, mở cửa mả cho con, cả ngày ba cố lấy hết can đảm để tỏ ra bình thản khi tiếp xúc với mẹ. Mẹ khóc nhiều đôi mắt thâm quầng, sưng vù.
Bàn thờ con được đặt ở phòng trong nơi con nằm hôm mới sinh. Ba ngồi ở đó lặng lẽ, nước mắt ứa ra. Nhìn những làn khói hương bay nghi ngút, hồi tưởng lại những ngày qua mà xót xa, tan nát cả cõi lòng. Chao ôi! Chỉ chưa trọn mười ngày thôi cái khoảnh khắc thời gian quá ư ngắn ngủi. Ba đã được nếm trải niềm hạnh phúc tột cùng, nỗi đau khôn cùng. Ba mới hiểu được nỗi đau của người cha như thế nào khi không còn con nữa.
Và con ơi! Đêm nay khi chong đèn suốt đêm, ngồi viết những dòng này. Ba lại không sao cầm giữ được nước mắt. Nước mắt của người cha, nước mắt được vắt ra từ máu thịt và cả những nỗi dằn vặt, dứt day… Con có tội tình chi, mà sao phải chịu nỗi nghiệt oan này. Tại sao? Tại sao?...
Con ơi! Con là máu của máu tim ba mẹ, là thịt xương của thịt xương ba mẹ. Ba nghe tiếng ai ru hời con trong đêm, lời ru nghe sao mà tái tê, nghẹn ngào, rằng: “ Mẹ thương con có hay chăng ? Thương từ khi thai nghén trong lòng ....”.
Lời ru của bà mẹ nhà bên, hay tâm tưởng ba đang vọng về ru hời nỗi đau khôn cùng, mãi mãi ... Y Thương con ơi !!!”
***
Vâng! Trên đây là những trang di bút của người cha viết cho đứa con gái xấu số của mình. Những trang viết của người bị nhiễm chất độc màu da cam… của những người mang thương tích, di chứng chiến tranh từng ngày, từng giờ phải chịu đựng sự huỷ hoại thân xác và đau đớn trước thân thể tật nguyền của những đứa con mình - hậu quả của chiến tranh; của những người mẹ, người vợ… Những nỗi đau, mất mát ấy đã được viết bằng máu ứa ra để chúng ta mãi mãi không bao giờ quên về một cuộc chiến tranh tàn khốc đẫm máu thủa nào ./.
Quảng Trị, tháng 9/2005
VX