- Đi thực địa công trình vất vả quá anh Hải nhỉ?
Hải khẽ gật đầu:
- Cũng quen rồi anh ạ! Với lại...
Xe lên dốc tiếng máy đột ngột rú to khiến tôi không nghe rõ tiếng Hải.
Vượt khỏi con dốc, chiếc xe lướt đi nhẹ nhàng trong tiếng gió rì rào của bạt ngàn những thân cây sau sau cao vút, thẳng băng, lá nhuốm màu vàng thẫm. Dòng suối trong xanh rười rượi chảy xuyên qua rừng cây, dưới ráng chiều của hoàng hôn đẹp đến huyền ảo.
Hải lách qua tôi đến sát thành xe nhìn chằm chằm về phía một mô đá to trên dòng suối. Mô đá chỉ cách bờ suối chừng bốn mét, ở đó có một thân cây sau sau to, cành lá sum suê đổ nghiêng xuống làm thành một chiếc cầu nối từ bờ suối ra mô đá. Tôi dõi theo Hải và thầm nghĩ, quả là nên thơ, ở cái nơi non cao, núi thẳm này mà có nhiều vẻ đẹp đến không ngờ.
Tôi đang mải mê suy nghĩ thì bị xô dúi vào Hải. Chiếc xe ô tô đã ra đến gần giữa con suối vấp đá sững lại, không sao tiến lên được. Nó lùi lại, ngoặt qua bên phải, ngoặt qua bên trái, tiếng máy rú đến nhức óc nhưng đành bất lực. Anh chàng phụ xe mở toang cánh cửa ca bin nhảy xuống, nước ngập đến bụng. Anh ta gập người lôi những hòn đá to chèn ở dưới lốp rồi đi về phía trước ra hiệu cho xe tiến lên.
Dân bản Tà Cai thấy vậy cùng ùa ra giúp sức. Xe cố gồng mình bươn lên, nước phụt ra từ ống bô nghe ùng ục, nhỏ dần rồi tắt lịm. Mọi người ngao ngán nhìn nhau.
Pả Tưn, trưởng bản Tà Cai toàn thân ướt sũng, đưa tay vuốt vuốt những giọt nước trên mặt:
- Cái xe nó không muốn qua... Mặt trời sắp lặn rồi, mời cán bộ ở lại với dân bản.
Trưởng đoàn công tác bước đến bắt tay, cám ơn trưởng bản Pả Tưn và bà con dân bản rồi quay lại nói với chúng tôi:
- Kế hoạch công tác có sự thay đổi, tối nay chúng ta sẽ ở lại họp với bà con dân bản.
Pả Tưn hồ hởi:
- Hôm bữa kia miềng ra xã họp, sắp đến Nhà nước sẽ xây dựng ở đây một cái Nhà máy thuỷ lợi - thuỷ điện để phục vụ nhân dân, cả bản vui lắm...
Và tối hôm ấy cuộc họp được diễn ra hết sức thuận lợi. Một trăm phần trăm bà con dân bản nhất trí chuyển về khu tái định cư để giải phóng mặt bằng xây dựng lòng hồ thuỷ lợi - thuỷ điện Quảng Trị. Chúng tôi rất cảm động khi nghe Già làng Pả Hưm nói: “Người Pa Cô, Vân Kiều được vinh dự mang họ Bok Hồ, một lòng, một dạ đi theo Đảng, Bok Hồ không ngại hy sinh, gian khổ cùng cả nước đánh thắng thằng Pháp, thằng Mỹ giành độc lập tự do, thống nhất nước nhà. Bây chừ Đảng, nhà nước muốn đồng bào hết cái nghèo, cái khổ, xây dựng cái nhà máy thuỷ lợi - thuỷ điện để phục vụ cho đồng bào có điện, nước, ruộng lúa nước sản xuất, còn chi sướng hơn nữa, dân bản miềng biết ơn Đảng, nhà nước và Bok Hồ nhiều, nhiều lắm...”
Già làng Pả Hưm vừa dứt lời, đã thấy trưởng bản Pả Tưn khệ nệ bưng ra một hũ rượu cần đặt chính giữa ngôi nhà sàn, mọi người quây quần bên nhau cùng chuyền nhau những chiếc cần hút rượu. Rồi tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khèn vang lên rộn rã. Những cô gái, chàng trai quấn quýt bên nhau trong những điệu nhảy, câu hát. Tôi đưa mắt tìm Hải nhưng không thấy anh. Từ cánh rừng trước mặt, ánh đèn pha lấp loá rọi lên rồi tiếng động cơ ô tô to dần, to dần... mọi người mừng rỡ reo lên. Tôi chạy ra bắt tay anh chàng lái xe:
- Cậu giỏi quá, chúng tôi đang lo ngày mai xe không lên được thì gay to. Thôi vào đây ta uống rượu mừng.
Cậu lái xe trả lời tôi, vẻ mặt tỉnh bơ:
- Anh khen hơi bị nhầm rồi, không phải tôi lái xe lên đâu.
- Cậu chỉ khiêm tốn, không phải cậu thì…
Cậu phụ xe nhanh nhảu trả lời:
- Anh gì ở đoàn Khảo sát thiết kế Hà Nội lái lên. Anh ấy tài thật. Thấy chúng tôi loay hoay mãi không được, anh bảo để anh thử xem. Anh ấy cho xe lùi lại, tiến lên mấy lần rồi vù ga vút một cái cứ như có phép.
- Thế bây giờ anh ấy đâu?
- Anh ấy đang ở ngoài bờ suối.
Nghe nói vậy, tôi vội vã đi ngay. Vừa đi vừa suy nghĩ, phân vân: có lẽ là Hải rồi, anh chàng này có cái gì khác thường lắm, hồi chiều thấy dòng suối anh ta như bị hút hồn. Mải mê với những suy nghĩ, tôi ra đến sát bờ suối mới hay. Ánh trăng rừng sáng trong soi cả khoảng trời vời vợi xuống dòng suối sóng sánh, xôn xao. Tôi đưa mắt nhìn về phía mô đá trên dòng suối như một động tiên. Có một người đang ngồi ở đó. Tôi reo lên, xăm xăm bước đến:
- Có phải anh Hải đó không?
- Dạ. Chào anh.
Tôi ào ra nắm lấy tay Hải.
- Sao anh lại ngồi một mình ở đây? Các cậu lái xe cứ khen anh mãi. Thôi mời anh về, mọi người đang chờ.
Hải siết chặt tay tôi, giọng anh run run:
- Dòng suối Tà Cai đẩy xe lên đó. Tôi chỉ là người cầm lái. Anh có tin không?
Nghe Hải nói, tôi bật cười. Nhưng từ lời nói chân thành và cử chỉ của anh, tôi cảm nhận thấy anh đang chất chứa một điều gì đó sâu kín.
Tôi phân vân chưa biết trả lời thế nào, thì Hải nói tiếp:
- Vâng, tôi đã có một thời ở Trường Sơn này anh ạ. Ở ngay chính cánh rừng này, con suối này...
* * *
... Vào đầu mùa mưa năm 1970, rừng núi Trường Sơn một màu đen đặc, mưa triền miên, mưa suốt ngày đêm với cường độ lớn không ngưng nghỉ. Các con suối, con khe nước đột ngột dâng cao, các tuyến giao thông nhầy nhụa, đi lại hết sức khó khăn và gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Hải vừa dứt cơn sốt được mấy ngày thì nhận được lệnh điều động về công tác tại một đại đội công binh ở phía Nam, trực thuộc trung đoàn để thay thế đồng chí đại đội trưởng mới hy sinh. Lầm lũi dầm mình trong mưa, len lỏi vượt qua những trườn dốc trơn tuột, những cánh rừng rậm rạp, sên, vắt nhâu nhâu, gần một ngày trời Hải mới đến suối Tà Cai. Con suối Tà Cai nước dâng cao, đỏ ngầu, chảy xiết xoáy chỉ nhìn cũng ghê người rồi. Hải đứng tần ngần một hồi lâu, tự nhủ, chẳng lẽ mình ở lại bên này, nước suối không biết khi nào mới rút mà mưa thì cứ xối xả. Hải đưa mắt nhìn sang phía bên kia con suối, không thấy một bóng người nhưng ở phía xa sát vách núi, dưới những tán cây dập dờn, sũng nước có một căn lán. Hải định bụng sang được bên kia nghỉ lại, sáng mai đi tiếp thì sẽ rất thuận tiện. Không do dự Hải cởi quần áo, ba lô gói vào tấm ni lông làm phao. Thắt chặt khẩu súng ngắn vào người rồi đẩy phao ào ra dòng suối. Nước lạnh ngấm vào người khiến Hải rùng mình, da thịt nổi gai ốc, dọc sống lưng lên đến tận đỉnh đầu như có một luồng khí lạnh đang toả ra đông đặc. Hải cố gồng mình lên để át đi cái lạnh buốt, khi nước ngập ngang bụng, anh bỗng nghe thấy tiếng của một người con gái hốt hoảng vang lên:
- Đồng chí bộ đội ơi. Nước chảy xiết, nguy hiểm lắm. Không bơi qua được đâu.
Hải bàng hoàng nhìn sang phía bên kia suối nhưng tuyệt nhiên không thấy ai. Chết thật, Hải nghĩ, từ nãy đến giờ lộ hết “mục tiêu” rồi, lính tráng thế này thì hỏng to. Biết làm sao bây giờ, quần áo thì đã gói hết vào ni lông, chẳng lẽ cứ ngồn ngộn thế này mà bò ngược lên. Không được! Đứng ngâm mình dưới dòng nước lạnh mà người Hải cứ nóng bừng. Hải đứng trân ra chưa biết phải làm thế nào thì lại nghe thấy tiếng cười khúc khích, chế giễu:
- Đừng ngại, tôi sẽ che mặt thế này này, không thấy gì đâu. Chịu khó ở lại bên đó sáng mai nước sẽ rút thôi.
Hải nhìn quanh, thì ra cô ta ở cái mỏm đá kia. Lại còn giả vờ e thẹn đưa hai bàn tay lên che mặt nữa chứ. Che chắn kiểu gì mà hai con mắt cứ thô lố ra thế kia. Hải xấu hổ quá chừng, chỉ muốn lặn ngập xuống mặc kệ cho nước trôi đi đâu thì trôi. Con gái con lứa gì mà... Nhưng rồi kịp trấn tĩnh lại, Hải nghĩ: Chắc cô gái muốn trêu chọc mình, muốn thử thách cái nhuệ khí, bản lĩnh người lính của mình đây, còn lâu nhé. Hải quyết định bơi qua, mặc cho tiếng la hét của cô gái: “Không được bơi qua, tôi nói thật đấy...”. Vừa bơi Hải vừa tự nhủ: sang đến bên kia bờ, mình sẽ mở bao ni lông lấy chiếc quần đùi mặc vào là xong. Còn cô nàng can tội nhìn lén long thể của “trẫm” sẽ tính sau. Và có lẽ từ những suy nghĩ ấy đã làm tăng thêm sức mạnh cho Hải. Hải cố hết sức bình sinh, chân tay quẫy đạp liên hồi, hy vọng mau chóng qua được bên kia suối. Nhưng Hải đã lầm. Hải không ngờ sức nước lại mạnh đến như vậy. Cái phao ni lông của Hải bình thường mỗi khi hành quân vượt sông, vượt suối là cái bùa hộ mệnh còn bây giờ nó lại là một trở ngại tai họa. Chính nó là vật cản để dòng nước kéo Hải trôi tuột đi như một vật vô tri, vô giác không sao cưỡng lại được. Người Hải bị cuốn đi như một cái chong chóng, nổi lên, chìm xuống va đập vào nhiều thứ mà Hải không còn đoán biết được nữa, toàn thân đứ nhừ, tay chân rã rời như đang bị còng lại, đuối dần. Hải cảm thấy nước chảy xiết xoáy hơn và có tiếng nước réo ầm ầm mỗi lúc một gần, linh cảm mách bảo cho Hải có sự nguy kịch đang đến gần. Đúng rồi - Thác! Hải thét lên. Một suy nghĩ loé lên trong đầu, phải nhanh chóng thả bao ni lông ra ngay nếu không sẽ làm mồi cho những mỏm đá nhọn hoắt ở phía hạ lưu kia. Và ý nghĩ đó cùng với sức lực của kẻ tuyệt vọng đã giúp Hải bơi hướng về phía bờ được một đoạn, hy vọng được lóe lên. Nhưng bất ngờ một con xoáy lại nhấn chìm Hải xuống, cuốn anh xoay tròn. Nước ộc vào mồm vào mũi chảy xuống cuống họng rát rạt khiến anh choáng váng, sức lực cạn kiệt... Hải bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng thực sự. Trời ơi! Chẳng lẽ mình lại chết ở dòng suối này ư? Mình không chết vì bom đạn của kẻ thù, không chết vì những cơn sốt rừng mà chết vì sự bất cẩn. Đúng lúc đó có một vật đập mạnh vào người Hải, cùng với tiếng thét: “Nắm chặt lấy”. Theo phản xạ tự nhiên, Hải quơ tay cố hết sức nắm chặt lấy que gỗ. Người con gái đứng trên mô đá dùng chân ngoắc vào thân cây sau sau, hai tay cầm que gỗ kéo Hải về phía mình...
Hải lờ mờ thấy như mình đang trôi trên những lớp mây hồng bồng bềnh, bồng bềnh rồi lại bị lọt thỏm vào một khoảng trời tối sầm cùng với những lằn chớp dữ dằn, tiếng bom đạn gầm rú ghê rợn, tiếng gào thét cuồn cuộn kinh hoàng của dòng thác và cả cái giá lạnh đến buốt xương tuỷ, cái nóng đến ngột thở bóp nghẹt lấy con tim Hải. Cứ như thế cho đến khi Hải nghe loáng thoáng có tiếng người, những bàn tay nhè nhẹ đặt lên người mình. Hải choàng tỉnh, đưa tay sờ soạng và bắt đầu mường tượng lại sự việc đã xảy ra. Hải thấy mình được đắp nhiều tấm chăn màu lính. Hải hốt hoảng, ngỡ ngàng trước ánh mắt của những cô gái vây quanh anh. Họ không nói gì nhưng tất cả đều chúm chím cười. Một cô đưa tay bẹo vào hông cô bên cạnh làm tất cả cùng khúc khích cười.
- May quá anh tỉnh rồi. Hà ơi, em xuống bếp hâm lại cháo để anh ấy ăn cho lại sức.
Cô gái bị bẹo vào hông đứng dậy đi ra phía ngoài lán.
- Cô ấy đã đưa anh từ dưới suối lên đó - Một cô nói với Hải.
Hải đỏ bừng mặt, cố gượng dậy nhưng toàn thân ê ẩm, tê rần, thấy vậy các cô gái xúm lại cùng đỡ Hải. Hải rưng rưng ánh mắt muốn nói một điều gì đó với các cô gái nhưng những ánh mắt âu yếm của các cô khiến anh thấy mình bé nhỏ quá.
Hà bẽn lẽn bưng bát cháo đang nghi ngút hơi đặt trước mặt Hải. Cô đội trưởng nhỏ nhẹ:
- Anh ăn cháo đi cho nóng, rồi ở nhà với Hà, tụi em phải ra mặt đường đây.
Dứt lời, các cô gái người cầm cuốc, người cầm xẻng, xà beng, người vác đầm lục tục kéo nhau đi. Hải ú ớ định nói với cô đội trưởng để anh ở nhà một mình nhưng ánh mắt Hà đang nhìn chằm chằm vào anh. Hải xấu hổ quay mặt đi. Chỉ nghĩ đến cái cảnh Hà lôi anh từ dưới suối lên với thân hình tồng ngồng của một thằng đàn ông, rồi sau đó nữa... cũng đủ để Hải muốn chui xuống đất huống chi bây giờ cứ nhâng nhâng cái mặt để cô ấy bón cho từng thìa cháo. Hà nhẹ nhàng ngồi xuống bên Hải, rồi bảo:
- Đêm qua anh sốt cao lắm, cả đội không ai ngủ, chúng em đã khóc sợ anh... Thôi bây giờ mọi nguy hiểm đã qua rồi, anh cố ăn hết bát cháo để còn uống thuốc thì mới dứt cơn sốt, lại sức được anh ạ!
Lời nói của Hà như tiếng ru của người mẹ, người chị, người em gái, che chở, vỗ về rót vào lòng Hải, khiến anh phải cố kìm nén không để nước mắt trào ra. Hải ngoan ngoãn, mặc dù miệng đắng nghét như ngậm ngãi nhưng anh cố nuốt hết bát cháo rồi uống mấy viên thuốc ký ninh. Hà nhẹ nhàng đỡ Hải nằm xuống. Hải đưa tay kéo tấm chăn trùm kín đầu khiến Hà xuýt bật cười, cô khe khẽ lắc đầu:
- Anh ở nhà nghỉ, em đi có tí việc nhé!
Hà đi rồi, Hải cảm thấy trống vắng vô cùng, bao nhiêu suy nghĩ lại dồn nén anh. Hải tự trách mình không tin vào lời Hà để đến nỗi này, quần áo, quân tư trang, giấy tờ chẳng còn gì, cũng may khẩu súng thắt chặt vào người chứ không thì cũng bị trôi mất. Nếu như không có Hà thì bây giờ... Hải chưa dám nhìn thẳng vào Hà nhưng chỉ một thoáng lướt qua anh thấy Hà rất đẹp. Đặc biệt là giọng nói, cử chỉ của Hà gần gũi, dễ thương làm sao. Vậy mà mình chưa nói một lời biết ơn với Hà, thật là một thằng hèn - Hải tự nhủ. Cùng lúc đó có tiếng bước chân nhè nhẹ, tiếng lạch cạch ở ngoài bếp. Hải nằm giả như ngủ say, lắng nghe từng âm thanh vọng lại từ phía Hà. Một lúc sau Hải nghe tiếng bước chân đi đến giường mình. Hải nín thở, chờ đợi. Mở tấm chăn đắp ra khỏi đầu, Hà nhẹ nhàng đặt bàn tay lên trán Hải, rồi khẽ khàng ấp đôi bờ môi run rẩy, vội vàng, hơi thở gấp gáp vào má anh. Hải nằm bất động, miên man nhưng con tim rạo rực như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực. Hà đắp lên trán Hải một thứ gì đó sền sệt, nhờn nhờn nhưng rất mát. Sau này Hải mới biết đó là mấy thứ lá rừng giã mịn ra dùng đắp để hạ nhiệt. Đắp mấy thứ lá ấy lên trán Hải xong, Hà vội vã đi ra phía bếp. Hải nằm chết trân ra một hồi lâu, chưa kịp thoát ra khỏi cái giây phút xuyến xao, thiên đường của mình thì nghe thấy nhiều tiếng bước chân, tiếng cười nói lao xao ở phía ngoài cửa lán rồi tiếng va chạm leng keng của cuốc, xẻng, xà beng.
- Hà ơi! Nấu cơm xong chưa, đói bụng quá rồi.
Một cô khác lên tiếng:
- Ở nhà chăm sóc bệnh nhân khoẻ lên hay kiệt quệ đi đây?
- Cám ơn các cô, tôi đã đỡ nhiều rồi, nếu không có các cô thì...
- Anh phải cám ơn ông trời, cám ơn người…
Các cô gái cùng khúc khích cười nhìn về phía Hà. Hà chẳng nói gì chỉ dứ dứ nắm tay về phía các bạn mình.
- Anh Hải ơi! Từ nay anh phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của cái Hà nhé. Cuộc đời chỉ gặp may một lần thôi, chứ không có đến lần thứ hai đâu.
- Mày nói thế nào ấy - Một cô xen vào - Anh Hải là người gặp rủi ro còn cái Hà mới là người gặp may mắn chứ.
Lại những tiếng cười như bắp nổ ran lên, làm mặt Hải đỏ bừng.
- Cái Hà này quá đáng thật, để quân tư trang của anh Hải trôi đi hết…
- Ừ. Mà thôi, quần áo, quân tư trang mất kể cũng tiếc thật nhưng “súng đạn” còn đầy đủ là “hạnh phúc” rồi.
Cô gái nhấn mạnh cụm từ “súng đạn” và “hạnh phúc” làm không ai nín được cười.
- Thôi các tướng ơi, vừa vừa thôi để cho người ta sống với…
* * *
Hải dừng kể, anh quay về phía tôi.
- Ở Trường Sơn những năm tháng chiến tranh ấy còn gì khốc liệt và gian khổ, mất mát hơn nữa. Đối với tụi đàn ông chúng mình đã là sự chịu đựng, hy sinh khôn cùng rồi, huống hồ đối với phụ nữ thì còn gấp trăm, gấp ngàn lần. Vậy mà các cô ấy vẫn hồn nhiên, vẫn nói cười. Người này ngã xuống, người kia lại tiếp bước để các tuyến đường vẫn đứng vững, thông suốt cho đến ngày hoà bình. Nhiều người ra đi còn dang dở, khát khao về những bản đồ án, những dự định đẹp đẽ cho một tương lai ngày mai khi đất nước không còn chiến tranh. Họ đẹp quá, họ thiêng liêng biết nhường nào. Vậy mà bây giờ tôi mới về lại nơi này...
Tôi ngồi lặng đi nghe Hải nói, tiếng anh lúc trầm, lúc bổng da diết, dứt day như anh đang thổn thức với chính mình.
* * *
Mấy ngày sau Hải đã đỡ nhiều nên ở nhà một mình, các cô gái đều ra mặt đường, đến khoảng bốn giờ chiều thì Hà trở về, trên vai khoác một chiếc ba lô - Hà bảo:
- May quá có xe đi qua, tụi em chặn lại. Trong ba lô có hai bộ quần áo Tô Châu. Anh thay quần áo rồi cùng đi dạo với em cho đỡ tù túng.
- Cám ơn em! Anh làm phiền các em nhiều quá.
- Thôi đừng khách sáo nữa mà, thực ra được anh làm phiền thì đã là niềm hạnh phúc của tụi em lắm rồi. Vài ngày nữa anh đi chắc tụi em sẽ buồn, nhớ lắm.
- Riêng Hà có nhớ nhiều hơn người khác không? - Hải khẽ mỉm cười hỏi.
- Còn phải tùy thuộc vào người ta nữa chứ.
- Thật không?
Hà không trả lời, chỉ mỉm cười rồi đi về phía gốc cây ở cuối căn lán. Hải biết mấy ngày qua các cô trong đội Thanh niên xung phong đã thương yêu, chăm sóc anh như người anh trai trong gia đình. Các cô ấy hết sức hồn nhiên, cởi mở và đã tạo điều kiện để anh và Hà được gần nhau. Hà là cô gái út của đội thanh niên xung phong, mặc dù ở rừng thiếu thốn trăm bề nhưng nước da trắng hồng, dáng người chắc lẳn, trong bộ quân phục gọn gàng, thon thả. Đặc biệt là ánh mắt duyên dáng, đằm thắm mà mạnh mẽ như có cả nụ cười và ánh lửa ở trong đó. Hà được mệnh danh là hoa hậu của đội và cũng là người có sức khoẻ nhất, vì vậy cô đã giành nhiệm vụ đầm đất, một nhiệm vụ rất nặng nhọc. Mấy ngày qua từ chỗ thẹn thùng không dám nhìn Hà, giờ đây mỗi khi không được ở bên nhau, Hải cảm thấy lòng mình trống vắng, hụt hẫng, xao động đến kỳ lạ.
- Anh Hải, nhớ ai mà sững sờ ra thế?
Hải giật thột mình.
- À, anh xin lỗi.
Hải bước ra khỏi căn lán trong bộ quân phục gọn gàng làm anh trẻ hẳn ra. Hà đứng ngây người nhìn anh, đôi môi mím lại, trên tay cầm một que gỗ nhỏ dài có những vạch ngang đánh dấu độ dài, khẽ chọc chọc xuống đất.
- Thôi ta đi anh nhỉ.
- Em cầm theo que gỗ này làm gì vậy?
Hà nở một nụ cười kín đáo rồi nói.
- Em cầm theo để nếu anh không nghe lời, sẽ đánh vào mông thế này này - Hà khẽ dứ dứ vào mông Hải - Và để lỡ có ai bị đuối nước mà cứu chứ.
Nghe Hà nói, Hải đứng ngây ra rồi bước tới nắm lấy đôi bờ vai của Hà lắc lắc.
- Trời ơi! Anh vô tâm quá, tại sao một điều hệ trọng với anh như vậy mà anh không nghĩ ra. Nếu không có em, không có que gỗ này thì...
Hải lần đến bàn tay Hà nơi có que gỗ, nắm chặt.
- Cám ơn em, cám ơn em nhiều lắm Hà ạ!.
Hà đỏ bừng mặt, đôi môi chúm chím cười nhưng đôi mắt thì cứ như đang cháy lên, rồi ra vẻ giận dỗi:
- Em không nhận lời cám ơn của anh đâu, mấy ngày rồi mà coi thường người ta, chẳng kể gì về mình cả. Mà em nói cho anh biết, em thấy anh quen lắm.
- Anh cũng vậy.
Cứ như thế, hai người vừa đi vừa nói chuyện cho đến khi ra đến sát bờ suối Tà Cai.
- Ta ra mô đá kia anh Hải nhé - Hà chỉ tay về phía mô đá trước mặt.
Hải sững sờ nhìn dòng suối Tà Cai, phút giây xúc động trào dâng lên trong anh, dòng suối đang lững lờ, êm ả trôi, tiếng nước rì rầm như lời người con gái đang thầm thì, vậy mà mới mấy ngày trước đây thôi chỉ chút nữa... “Đồng chí bộ đội ơi! Nước chảy xiết, nguy hiểm lắm, không bơi qua được đâu.” Tiếng gọi, tiếng cười trong trẻo của người con gái xa lạ vừa như khiêu khích, vừa như hết sức chân thành dội lên trên tiếng sóng nước dằn dữ, bây giờ đang ở bên anh, gần gũi quá, đang ngời lên trong ánh chiều, bên dòng suối trong xanh đẹp làm sao.
- Hôm ấy mải đo mực nước, nên đến khi quay lại mới nhìn thấy anh. Thấy anh liều lĩnh định bơi qua, em sợ quá. Con trai gì mà nhút nhát thế không biết.
Hải cố rướn mở to đôi mắt rồi xoè đôi bàn tay bâng lên mặt:
- Ai nhủ.
Hà khúc khích cười:
- Đó là em trêu anh, chứ ai người ta thèm.
- Hà này, em đo mực nước làm gì vậy?
Câu hỏi của Hải đột ngột khiến khuôn mặt Hà đang vui bỗng chùng xuống. Hà không trả lời, cô đi ra sát mép nước của mô đá dùng que gỗ cắm xuống dòng suối rồi lôi quyển sổ trong túi áo ra ghi, xong việc cô quay lại ngồi sát bên Hải.
- Quê em ở Yên Bái cũng có núi rừng, suối khe như ở Trường Sơn này anh ạ. Từ khi đang còn học ở trường phổ thông, được nghe các thầy cô giảng về việc dùng sức nước để xây dựng các nhà máy thuỷ điện em đã có ước mơ trở thành một kỹ sư thuỷ lợi và ước mơ đó của em đã thành hiện thực. Em thi vào Trường đại học Thuỷ lợi và học ở khoa Thuỷ văn. Đang học năm thứ hai thì ở trường em có phong trào lên đường nhập ngũ rất rầm rộ. Đợt ấy đi đông lắm có cả nam và nữ. Em và cái Huyền người Lào Cai học ở khoa Thuỷ công cùng vào thẳng đội thanh niên xung phong này.
- Thế bây giờ Huyền ở đâu?
Hà buồn lặng đi một hồi lâu, đôi mắt rưng rưng nước, đưa tay chỉ về phía mấy ngôi mộ nằm sát bờ suối cách đó không xa.
- Ngôi mộ thứ tư nằm ngoài cùng anh ạ. Tý nữa em đưa anh đến thăm nó. Năm ngoái khi vào trong này, đội chúng em có mười sáu người, bây giờ chỉ còn lại mười hai, một đứa bị sốt rét, ba đứa bị bom. Cái Huyền bị thương rất nặng ở ngực, khi chúng em chạy đến đưa nó ra khỏi đống đất đá vùi lấp thì nó chỉ còn thoi thóp thở. Nó không nói được nữa, máu mồm, máu mũi ộc ra. Tụi em chỉ còn biết ôm lấy nó mà khóc. Em thét lên như điên như dại “Huyền ơi! Mày đừng chết, đừng bỏ tao nhé.” Nó mở mắt ra nhìn em, nhìn về mô đá này rồi nhắm nghiền lại. Que gỗ này là tự tay nó làm để chiều nào nó với em cũng ra mô đá này đo mực nước, cùng dự định sau này khi hết chiến tranh, nơi đây sẽ xây dựng một công trình thuỷ lợi - thuỷ điện và sẽ là công trình, luận án chung của hai đứa, vậy mà...
Tiếng Hà thì thầm, da diết khiến Hải không sao kìm lòng được. Giọng Hải lạc hẳn đi:
- Anh sẽ cùng em làm tiếp phần việc của Hương. Anh học khoá bảy, khoa Thuỷ công trước Hương và em ba khoá.
Hai bàn tay Hải nắm chặt lấy đôi bờ vai Hà lắc mạnh rồi hai người ôm chầm lấy nhau, nước mắt Hà chảy xuống ướt đẫm bờ vai Hải. Tiếng Hà thủ thỉ: “Thật hở anh?”
- Thật mà. Trời ơi! Chúng mình cùng học một trường.
Tiếng Hải và Hà nhỏ dần rồi im bặt, chỉ còn hơi thở nồng nàn gấp gáp, mùi hương thơm ngất ngây từ mái tóc dày đen, da thịt con gái… nhịp tim đập liên hồi của hai người.
Rồi họ như bừng tỉnh nhận ra đã ở quá gần nhau, nhưng không ai muốn buông ra nữa, một phút sững sờ trôi qua, hai vòng tay lại siết chặt nhau hơn xoắn xít, đê mê... Trăng đã lên quá cánh rừng sau sau trước mặt từ lúc nào không hay. Ánh trăng lướt qua những tán lá sau sau trên đầu rơi xuống mái tóc đẫm sương của hai người lấp lánh như ánh hoa đăng. Gió dìu dặt thổi trên những cành lá nghe xào xạc, tiếng dòng suối vỗ về, rì rầm reo chảy dưới chân mô đá như thanh âm ngọt ngào, xao động từ một nơi nào đó xa thẳm vọng về. Tất cả như cùng giao hoà với thiên đường niềm đắm say, hạnh phúc cháy bỏng của hai người.
- Ngày mai anh đi rồi.
Hà đột ngột buông vòng tay ra khỏi Hải, quay mặt đi giận dỗi.
- Nhưng anh chưa khoẻ hẳn mà. Lỡ trên đường đi...
Hải ngập ngừng, bối rối:
- Em yên tâm, anh đã đỡ nhiều rồi. Mấy ngày nay, không thấy anh chắc đơn vị mong lắm. Đường từ đây về dưới đó còn khoảng hai mươi cây số, cứ theo dọc con suối này chắc không có điều gì bất trắc đâu. Giá như anh là chiếc lá sau sau này thì em chỉ cần thả xuống đây chừng hơn hai tiếng đồng hồ là sẽ đến nơi thôi.
Hải chưa kịp dứt lời, Hà đã gục vào lòng anh, cô đưa hai bàn tay ấp chặt lên bàn tay Hải nơi có chiếc lá sau sau.
- Em lo lắm anh ạ! Chiến tranh thế này biết khi nào được gặp lại nhau. Từ nay trở đi chiều nào em cũng ra đây để đo mực nước và thả những chiếc lá sau sau xuống dòng suối này cho anh. Cứ chiều chiều anh ra bờ suối nhìn thấy những chiếc lá sau sau trôi, nó là em, là tất cả nỗi nhớ, niềm thương của em gửi về anh đó, anh nhớ không! Chúng mình là của nhau, mãi mãi thuộc về nhau như những cánh rừng sau sau chẳng bao giờ hết lá trên dãy Trường Sơn này anh nhé.
Hải ôm chặt Hà vào lòng rồi nhẹ nhàng hôn lên mái tóc cô.
- Nhất định anh sẽ trở lại, sẽ cùng em hoàn thành ước mong, dự định
* * *
Thời gian thấm thoát trôi đi, chiến tranh cứ thế dài ra mãi, ước mong được trở lại dòng suối Tà Cai để gặp Hà, gặp lại những cô gái thanh niên xung phong ngày nào của Hải trở nên biền biệt. Chiều nào Hải cũng ra bờ suối nhìn những chiếc lá sau sau lặng lẽ, âm thầm trôi theo dòng nước như thấy Hà đang thẫn thờ nhìn anh trong niềm nhớ thương, đau đáu đợi chờ.
Thế rồi Hải được trở về với dòng suối Tà Cai. Hôm ấy trời cũng mưa triền miên, mưa trắng trời, nước suối Tà Cai dâng cao chảy xiết xoáy như lần đầu Hải gặp Hà, nhưng trắng một màu tang tóc trong nỗi da diết buồn đau, quặn thắt lấy con tim Hải.
Cả đội thanh niên xung phong đứng quây lấy Hải nghẹn ngào, chẳng ai nói được lời nào, cho đến khi cô đội trưởng lấy trong chiếc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ ở trong ép một chiếc lá sau sau đưa cho Hải thì tất cả mới ồ lên khóc nức nở.
- Hơn hai ngày chúng em giăng hàng ngang lội dọc suối, đi tìm khắp cả trên những ngọn cây của cánh rừng sau sau vẫn không thấy Hà, mãi đến ngày thứ ba mới thấy chiếc đầm sắt của Hà đã bị gãy mất cán còn dính máu nằm ngay nơi mô đá giữa suối mà ngày nào nó cũng ra để đo mực nước. Chúng em đã ôm lấy chiếc đầm sắt mà kêu, mà khóc... Hôm trước, khi đo mực nước trở về nó bảo với chúng em là số liệu đã đủ, khi nào hết chiến tranh nhất định nó với anh sẽ trở lại nơi này. Vậy mà... Mộ Hà chúng em đặt bên cạnh mộ của Huyền nằm sát về phía bờ suối anh ạ.
* * *
Tiếng Hải nghẹn ngào, nhỏ dần rồi lịm tắt. Tôi thảng thốt hỏi anh:
- Thế mộ chị Hà chỉ là chiếc đầm bằng sắt thôi ư?
Hải khẽ gật đầu, rồi nói với tôi:
- Mộ các cô ấy đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Xong chuyến công tác này tôi sẽ về tạ lỗi với các cô ấy. Tôi biết các cô ấy chờ đợi cái ngày hôm nay đã quá lâu rồi, đã quá muộn màng rồi phải không anh?.
Nghe Hải kể, niềm xúc cảm trào dâng lên trong tôi. Tôi không biết phải an ủi Hải như thế nào. Chỉ biết nói với Hải rằng các cô ấy sống đẹp quá, lung linh quá.
Ngày hôm sau chia tay nhau, tôi tiếp tục với nhiệm vụ của mình ở các bản phía trong, còn Hải ở lại thêm một thời gian nữa để hoàn thành đề án Đập tràn Tà Cai, một hạng mục của công trình Thuỷ lợi - thuỷ điện Quảng Trị. Đập tràn chạy ngang qua chính nơi mô đá có cây sau sau bắc làm cầu, nơi các cô gái thanh niên xung phong ngày ngày ra đo mực nước. Nơi chất chứa khôn nguôi trong Hải về một thời thề nguyện, cháy bỏng, khát khao...
V.X