Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và người lính

Thứ tư - 31/08/2022 15:58
1. Chiến tranh và người lính là một “nguồn sữa” ngọt ngào không bao giờ vơi cạn trong dòng chảy văn học nói riêng và truyện ngắn Việt Nam nói chung - là đối tượng có sức hút đặt biệt đối với văn nghệ sĩ. Đề tài này trong văn xuôi trước 1975  thường đề cập đến những chiến công vang dội, những phẩm chất cao đẹp của người lính.
Tiến sĩ văn học Bùi Như Hải
          Mỗi người lính luôn tự thức nhận được rằng, sự “hi sinh lớn cũng là hạnh phúc” nên nếu có hi sinh mất mát thì cũng chỉ là điệp khúc cho bản tráng ca thêm chất oai linh mà thôi. Hiện thực chiến tranh và người lính vì thế chỉ là “bức tranh một mặt” dụng công nhưng thiếu sự trọn vẹn. Sau 1975, đặc biệt từ đổi mới đến nay với khuynh hướng dân chủ hóa trong đời sống nghệ thuật và sự “phản tỉnh” thị hiếu thẩm mĩ truyền thống, những yêu cầu khắt khe về nguyên tắc tạo dựng tính chân thực nên đề tài này được các cây bút truyện ngắn như Trần Thanh Hà (Miền cỏ hoang), Y Ban (Bản lí lịch tự thuật), Võ Thị Hảo (Bóng ma đói quê hương), Nguyễn Minh Châu (Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu), Lê Minh Khuê (Nhiệt đới gió mùa), Vũ Tú Nam (Sống với thời gian hai chiều)… nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau không kém phần hấp dẫn và sinh động. Người lính không còn được “tắm rử sạch sẽ và bao bọc trong không khí vô trùng”(A.Niculin) mà trong muôn vàn mối quan hệ với gia đình, với dòng tộc, với người khác trong cộng đồng, thậm chí phải ứng xử với chính mình nên bản chất người trở nên phức tạp hơn. Đúng như nhà văn Nguyễn Minh Châu tâm sự: “Phản ánh hiện thực không có nghĩa là xâu chuỗi các sự kiện như lâu nay văn xuôi viết về chiến tranh đã làm, tất cả các thể loại văn học đều lấy con người làm đối tượng phản ánh”[3;tr.54]. Nằm trong quỹ đạo chung, truyện ngắn Văn Xương viết về đề tài này đã phản ánh hiện thực chiến tranh và số phận người lính một cách chân thực, sâu sắc, góp một phần nhỏ trong bước ngoặt chuyển mình, bứt phá cùng với truyện ngắn Việt Nam về đề tài chiến tranh và người lính hôm nay.
             2. Trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc, Văn Xương làm cán bộ dân sự, vì thế anh rất có lợi thế là được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều ngành, nhiều tầng lớp nên anh hiểu rất sâu sắc đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đặc biệt là những người lính trở về sau chiến tranh. Những kí ức, di họa của chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh biên giới 1979 luôn ám ảnh không nguôi, lèn chặt trong kí ức của anh. Sống trên mảnh đất một thời máu lửa, khốc liệt nhất của đất nước, những gì được nếm trải đã thôi thúc, buộc Văn Xương cầm bút để sáng tác. Những truyện ngắn đầu tay của Văn Xương như Một thời kỷ niệm, Hoa gạo đỏ bên sông, Huyền thoại một con đường, Nơi gặp gỡ số phận… rất gần gũi, chân thật và đầy ám ảnh, được bạn đọc ghi nhận, yêu mến. Năm 2006 Văn Xương tập hợp những tác phẩm tiêu biểu đã đăng trên các tạp chí, báo in thành tập truyện ngắn Hoa gạo đỏ bên sông. Tập truyện ngắn vừa mới “trình làng” có tiếng vang lớn, thu hút bạn đọc gần xa. Tập truyện gây sự chú ý đối với công chúng bởi nó mới lạ trong cách nhìn mới mẻ về chiến tranh và thời hậu chiến, tiêu biểu cho số ít tác phẩm viết về đề tài này khi đề cập đến những xung đột, những mặt khuất lấp… mà không ít nhà văn ngại đề cập đến. Với sự giàu có về vốn sống, sự từng trải và những hiểu biết cặn kẽ, am tường về con người, vùng đất, chiến trường cũng như người lính nơi mảnh đất sinh thành, nơi đã từng sống và chiến đấu chính là nguồn tư liệu phong phú để Văn Xương tiếp tục sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính. Để chứng tỏ trường lực thẩm mĩ dồi dào, năm 2008 Văn Xương tiếp tục ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Hồn trầm. Độc giả đọc tập truyện này sẽ thấy được vốn sống phong phú, một bút lực mạnh mẽ, thể hiện được phẩm chất, “nội lực” của Văn Xương khi viết về đề tài này. Một điều đáng mến quí đối với cây bút Văn Xương là biết tự làm chủ vốn liếng của mình và khai thác, chọn lọc, đầu tư một cách đúng mức trong việc thể hiện cảm quan về đời sống hiện thực chiến tranh và người lính. Lối viết khác lạ đó được nhà văn Văn Xương diễn ngôn thông qua lời kể chuyện của nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Hoài vọng: “Đi tìm một ý tưởng mới lạ, sáng tạo để tránh những lối mòn cũ; dám vượt qua những vùng nhạy cảm, cố hữu để nhìn nhận một cách tường tận, toàn diện, chân thực về chiến tranh?!” [2;tr.8].

            Thức nhận được điều này, suốt hơn ba mươi năm cầm bút, ở địa hạt thơ cũng như truyện ngắn Văn Xương đã tự xây dựng cho mình một phong cách nghệ thuật với những nét độc đáo riêng khác khi tiếp cận, phản ánh hiện thực chiến tranh và người lính, làm hiện lên bức tranh toàn diện, đa chiều về cuộc chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc cũng như về chân dung người chiến sĩ được đầy đặn hơn, giúp cho người đọc hiểu rộng và sâu những khúc tráng ca, những bi thương cũng như cái giá phải trả cho cuộc sống hòa bình hôm nay của dân tộc ta lớn lao như thế nào.  

            Đọc truyện ngắn như Hoài vọng, Đối mặt với thời gian, Cây lộc vừng, Lung linh sóng nước, Chuyện già bản Tà Thiêng… đọc giả sẻ thấy nhà văn Văn Xương tái hiện cuộc chiến tranh và người lính ở nhiều góc độ khác nhau “bình lặng” mà không hề “bình yên”. Những gì khốc liệt nhất, đau thương, tối tăm nhất về chiến tranh và số phận người lính đều được anh phơi bày một cách trần trụi, thẳng thắn và gai góc. Chiến tranh là tàn khốc. Những người lính trẻ như Long (Hoài vọng) Minh (Chuyện già bản Tà Thiêng), Vinh (Cây Lộc Vừng), Tùng (Lung linh sóng nước), Dũng (Đối mặt với thời gian)... lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hoàn cảnh có chiến tranh, thật tự nhiên và không suy tính, những chàng trai, cô gái thanh xuân này đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhưng chiến tranh có sự nghiệt ngã riêng của nó, ra đi không hẹn ngày về. Những người lính ấy trực tiếp đối diện với cuộc chiến đã trở thành nạn nhân đầu tiên. Nó cuốn theo hàng vạn sinh linh. Những cảnh tượng đó, hình ảnh đó người đọc vẫn thấy hiện lên không khí ác liệt của cuộc chiến tranh, tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mĩ; đồng thời gợi cho bạn đọc một niềm tự hào, niềm tin vào con người, vào tình đồng đội, tình đồng chí trong chiến tranh. Ở chiến trường cũng có biết bao chiến sĩ anh dũng đã hy sinh lúc bước vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, trong số họ có người còn rất trẻ như Thạch, Nam (Lung linh sóng nước), con gái Hồ Phi (Chuyện già bản Tà Thiêng)... Nhưng trong hàng trăm, hàng vạn người lính quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh thì vẫn có những người lính đớn hèn, nhút nhát, run sợ trước kẻ thù, trước cái chết, không chịu nổi những khó khăn, gian khổ. Chiến trường chính là nơi cái lò để tôi luyện con người, nơi thử thách lòng dũng cảm, đồng thời là nơi để người ta sống thật với chính mình vì thế Ninh (Dòng sông miền cỏ may) đã lộ rõ bản chất đớn hèn của một người lính. Thấu thị thông điệp “Nói dối về chiến tranh là hai lần vô đạo đức” (Konstantin Mikhailovich Simonov) vì thế viết về chiến tranh và thân phận của người lính, Văn Xương không một chút thi vị hoá, không sa vào tô vẽ, nhấn mạnh một chiều ở mặt tích cực hay tiêu cực mà đã lật tìm sự thật, đi tìm giọt máu đọng lại trong quá khứ để trút bỏ ở đó tận cùng những giấc mơ, những khát vọng nhân bản và cả những đớn hèn khuất tối trong con người trước lằn đạn lửa. Người lính trong truyện ngắn Văn Xương như Long, Dũng, Mẫn, bà Thuỷ... đều bộc lộ phẩm chất anh hùng một cách hồn nhiên, chân mộc, không lên gân trước những hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh. Trong hoàn cảnh, tình thế ấy, người lính hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc chính là lẽ sống, là bổn phận, là ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, quê hương, cách mạng và cuộc đời.

          Đất nước thống nhất, cuộc sống cuộn xoáy theo nhịp hối hả, tất bật, những gì của hôm qua đều đi vào dĩ vãng. Nhà văn hôm nay có độ lùi thời gian để xét lại mọi vấn đề nên phần vĩ thanh trong quan niệm địch - ta không còn rạch ròi như trước mà đã được thức nhận lại nên phần nào bớt đi sự thành kiến. Có những hoàn cảnh, lòng thương trỗi dậy như một thứ bản năng trong mỗi người lính, khiến giữa những người cầm súng hai bên đầu chiến tuyến không còn sự phân biệt ta - địch, ở đó chỉ còn có niềm xót thương, cảm thông và sẻ chia sâu sắc về số kiếp làm người. Dũng (Đối mặt thời gian) là người lính cũng có tấm lòng nhân ái như Long. Lời thổ lộ rất chân thành và thái độ của Dũng đối với tên lính ngụy là một minh chứng cho sự bao dung, yêu thương: “Mọi người ai cũng đối xử tốt với ông mà sao ông cứ xa lánh, mặc cảm hoài vậy”[2;tr.155]. Sự xuyên tạc của bọn phản động trước đây và hiện tại luôn hô hào rằng người cách mạng là người khát máu, có trái tim sắt đá, nhưng sự thật lại không như vậy. Qua nhân vật Long, Dũng… những gì thuộc về phẩm chất con người qua người chiến sĩ cách mạng được thể hiện rất rõ nét, đó là độ lượng, vị tha. Long và Dũng thể hiện đức tính nhân ái của con người Việt Nam. Với cái nhìn đa chiều, đa diện, sắc nét và bén nhạy của nhà văn Văn Xương khi viết về chiến tranh và người lính nên phần nào đã tránh được cái nhìn hời hợt, giản đơn, hễ ta là tốt, còn địch thì y như rằng từ tâm hồn, tính cách đến hành động đều xấu xa, nhơ bẩn. 
            Cuộc sống hòa bình nhưng lại quá ư phức tạp, xô bồ, “cõi sống tanh tưởi” không thể hòa nhập được. Khúc ngân ấy đã được nhà văn Văn Xương diễn ngôn qua cảm hứng bi kịch về thân phận của người lính trở về sau cuộc chiến. Những tưởng kết thúc chiến tranh, những người lính như như Long (Hoài vọng), Vinh, mẹ Mận (Cây lộc vừng), bà Thanh, Tùng (Lung linh sóng nước), Dũng (Đối mặt với thời gian)… trở về với quê hương, gia đình, tìm lại cuộc sống bình yên và những điều thân thuộc của một thời đã qua. Nhưng một lần nữa, bão giông lại nổi lên trong cuộc đời, phải đối mặt với một thử thách mới. Những người lính ấy không chỉ chịu nhiều nỗi đau, mất mát trong thời chiến tranh mà còn gặp phải những éo le của thời hậu chiến. Chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh không nguôi, là cơn ác mộng đối với những người lính đã trải qua những năm tháng kinh hoàng của cuộc chiến tranh nơi rừng sâu, núi thẳm, chứng kiến nhiều nỗi đau, chết chóc thê thảm, tàn khốc của đồng đội mình, nay trở về quê hương những tưởng cuộc sống thời bình sẽ được hạnh phúc và bình yên, nhưng trong đời thường lại không biết bao nhiêu cơn sóng gió, bão táp. Và những hình ảnh về những thương đau, mất mát của đồng đội đã mất, của chính mình đã từng trải qua lại luôn hiện hữu không thể nào quên được. Chính trong lớp trầm tích của tâm hồn, người lính trong truyện ngắn về đề tài chiến tranh của Văn Xương hiện lên một cách đa chiều, phức tạp hơn và trở nên “người” hơn.
          3. Với sự thể hiện về bức tranh của hiện thực chiến tranh và thời hậu chiến phong phú, đa dạng như vậy, nhà văn Văn Xương đã linh hoạt trong việc sử dụng phương thức nghệ thuật. Nhiều phương pháp nghệ thuật truyền thống được cách tân, vận dụng và nhiều phương tiện nghệ thuật mới được tiếp biến. Nét nổi bật trong diễn ngôn nghệ thuật về đề tài chiến tranh và người lính trong truyện ngắn Văn Xương trước hết ở việc xây dựng một mô hình cấu trúc mới: lịch sử - tâm hồn. Hình thức “vĩ mô” của cấu trúc lịch sử - sự kiện trong tầm rộng in đậm trong văn xuôi và truyện ngắn nói riêng trước đó, thì nay hình thức “vi mô” của cấu trúc lịch sử - tâm hồn được các nhà văn đương đại vận dụng triệt để, linh hoạt. Với lăng kính của nhà văn Văn Xương, lịch sử chiến tranh được nhìn nhận qua tâm hồn người lính và từ tâm hồn người lính dòng chảy lịch sử được tái hiện rõ nét, sinh động và sâu sắc. Kí ức được quan niệm như một hình thức, một con đường nhận thức và biểu hiện thực tại vì thế nó được xem như một thành tố quan trọng để tổ chức nên kết cấu tác phẩm. Kí ức cũng chính là con đường đi tìm kiếm “thời gian đã mất” của những người đại diện cho một thế hệ đã và đang đi khỏi cuộc chiến như Long (Hoài vọng), mẹ Mận (Cây lộc vừng), Dũng (Đối mặt với thời gian)… Họ bước ra khỏi cuộc chiến nhưng lại không ngừng bị ám ảnh bởi những khốc liệt của chiến tranh. Sự đan cài giữa hiện tại và quá khứ làm cho cuộc chiến hôm qua và hôm nay không thể tách rời. Đọc những truyện ngắn này chúng ta sẽ bắt gặp ngồn ngộn những kỷ niệm, kí ức của một thời chưa xa, những chất vấn lương tâm, những vấn đề thuộc về cuộc sống thực tại của người lính đã được tái hiện rất chân thực. Độc giả đọc những truyện ngắn của Văn Xương về đề tài này sẽ thấu thị đến tận cùng những vùng mờ trong đời sống nội tâm của người lính, thông hiểu cặn kẽ những đổi thay về tâm lý, về tình cảm và những nỗi niềm vô cùng thầm kín bên trong người lính. Chính cách nhìn của Văn Xương về chiến tranh và người lính đa chiều, toàn diện và sâu sắc như vậy nên đã góp phần làm cho truyện ngắn của anh có chiều sâu hiện thực, phản ánh được những vất vả, gian lao, khó khăn, phức tạp của chiến tranh của dân tộc ta. Văn Xương cũng rất tài tình, khéo léo trong việc vận dụng kỹ thuật điện ảnh để tạo nên một cấu trúc trọn vẹn, có tính khả thi cao như thủ pháp lắp ghép, cắt dán, đồng hiện, phối cảnh… Những thủ pháp này được Văn Xương vận dụng khá thành công trong một số truyện ngắn như Hoài Vọng, Hồn trầm, Cây lộc vừng... Một phương diện khác ghi nhận sự đổi mới về phương thức biểu hiện trong truyện ngắn Văn Xương của đề tài này nữa, đó là ngôn ngữ. Do nhu cầu phản ánh hiện thực chiến tranh và số phận người lính trong và sau chiến tranh đa chiều, đa diện nên ngôn ngữ trong truyện ngắn Văn Xương về đề tài này không còn mực thước, trang trọng, thay vào đó là thứ ngôn ngữ giản dị, thô nhám, xù xì, đậm chất đời thường, triết luận và đối thoại, đặt biệt là lớp ngôn ngữ giàu chất thơ. Ngôn ngữ giàu chất thơ hiện diện ngay trong cách đặt tên truyện, trong giọng điệu, trong cách miêu tả, trong kết cấu, trong các hình tượng nghệ thuật… Ngay tên truyện của tác phẩm như Lung linh sóng nước, Dòng sông miền cỏ may, Thiên nga trắng, Hồn trầm... giống như đầu đề của một bài bài thơ tình đầy duyên dáng, lãng mạn, chất chứa bao nỗi niềm tâm sự của người lính; đồng thời đây cũng chính là những câu chuyện về chiến tranh, về tình yêu, về số phận và tình người của người lính giải bày bằng sự chiêm nghiệm nghẹn ngào, bằng trái tim đa cảm, giàu yêu thương và trân trọng con người của chính nhà văn: “Mặt trời đã tắt hẳn nhưng dòng sông Thạch Hãn lại bừng sáng, xôn xao lóng lánh như trải vàng, những con sóng dìu dặt nối tiếp nhau vỗ bờ, dào dạt... Dòng sông Thạch Hãn vẫn tha thiết, quặn mình chảy, những khóm hoa lục bình tím vẫn dập dờn trên sóng nước lung linh” [2;tr.95-100]. Ngôn ngữ giàu chất thơ đã tạo nên sự quyến rũ riêng, với hiện thực đầy rát bỏng đó đã làm lắng dịu lại để chúng ta cảm nghiệm bức tranh đồng hiện thực chiến tranh một cách sâu sắc hơn: “Đồi Không tên. Mênh mang xanh ngát cánh rừng trầm đang vươn nhành, đan lá, lao xao trong gió thoảng hương thơm” [2;tr.161]. Có những tác phẩm nhà văn Văn Xương đưa vào một đoạn thơ, bài thơ của các nhà thơ khác. Những câu thơ, đoạn thơ hay bài thơ này anh đặt ở trang văn đầu tiên của truyện. Khi đưa vào tác phẩm tác giả đều có dụng ý nghệ thuật, nhằm để làm nền cho nội dung tư tưởng của tác phẩm. Trong truyện ngắn Lung linh sóng nước tác giả đã đưa đoạn thơ của nhà thơ Lê Bá Dương vào, đặt ở trang đầu tiên để nhằm mở đầu truyện: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Đọc đoạn thơ này, người đọc nhận ra được tâm trạng, lời than trách đầy xót xa, hờn tủi của những người lính chết trận nằm lại dưới lòng sông của cuộc đời; đồng thời thấy được tâm sự đầy day dứt không nguôi của tác giả về cuộc chiến tranh, về số phận người lính. Chất thơ trong truyện ngắn Văn Xương không chỉ để câu chữ thêm đẹp, lời lẽ và hình ảnh thêm thú vị, lung linh mà còn để khơi thêm nỗi đau, nỗi xót xa, sự ám ảnh trong lòng độc giả, để bạn đọc cùng thổn thức, xốn xang, biết sẻ chia, trang trải nỗi lòng trước hiện thực chiến tranh và những kiếp đời đau thương, đen bạc. Khi đọc truyện của anh độc giả thường có một cảm giác buồn - một nỗi buồn mang dư vị ngọt ngào lẫn niềm xa xót, đắng cay. Thành công về phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn Văn Xương viết về đề tài chiến tranh không chỉ thể hiện ở tính chân thực của đề tài, chi tiết, sự việc, xây dựng nhân vật mà còn ở kết cấu, ngôn ngữ, bối cảnh lịch sử xã hội, khung cảnh thiên nhiên và quê hương… được nhà văn Văn Xương làm nền cho câu chuyện, tạo nên nét riêng trong phong cách sáng tạo nghệ thuật.

          Đứng từ góc độ số phận của cộng đồng dân tộc, nhà văn Văn Xương nhìn cuộc chiến tranh từ số phận cá nhân con người nên qua một số truyện ngắn viết về đề tài này người đọc thấy được “một cuộc chiến tranh khác, không ngược nghĩa, không “phủ định”, không chống lại”. Một cuộc chiến tranh được mô tả trong dòng chảy của truyện ngắn cách mạng nhưng lại là một cuộc chiến tranh khác: số phận con người. Chính cách nhìn này Văn Xương đã trở về đúng với tư duy nghệ thuật truyện ngắn. Những trang viết của Văn Xương không phải là sản phẩm của một trí tưởng tượng, bịa đặt, tuỳ tiện mà được chắt lọc từ sự trải nghiệm trực tiếp khi tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thường xuyên lăn lộn, bám sát cuộc sống của anh. Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và hậu chiến vì thế đã tạo được ấn tượng trong lòng bạn đọc, góp thêm vào đời sống văn xuôi nói chung và truyện ngắn đương đại về đề tài này một luồng sinh khí mới, một thanh âm vang vọng trong giàn hợp xướng đa âm sắc của nhiều thế hệ nhà văn hôm nay.
                                                                                                                                                                          BNH
Tài liệu tham khảo chính
1. Văn Xương (2006), Hoa gạo đỏ bên sông, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội,
2. Văn Xương ( 2008), Hồn trầm, Nxb. Lao động, Hà Nội.
3. Nguyễn Minh Châu (1999), Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây