Lúc nào và làm việc gì Văn Bốn cũng say mê. Ngồi với Văn Bốn là đầy ắp chuyện trên trời dưới biển, đặc biệt là chuyện đời, chuyện văn và tính hài hước, ý nhị rất có duyên của anh.
Trong những cây bút mới trổi lên, Văn Bốn là người viết khá khoẻ và chắc tay. Bước đầu có những gặt hái đáng kể:
- Giải Ba Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2006.
- Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt năm 2004 - 2005.
- Có nhiều chuyện in trên các tuyển tập chọn lọc, truyện ngắn hay Việt Nam (2006 - 2007).
- Đã in nhiều thơ và tập truyện ngắn: "Hoa gạo đỏ bên sông" và đe chúng tôi: "sẽ cho ra một tập truyện ngắn nữa trong những ngày gần đây.
Trong những tác phẩm đã viết, đã in, "Thạch Hãn ngày trở về" là một trong những tác phẩm thành công của anh. Tác phẩm đã được in ở " Tạp chí Cửa Việt số 154 - 7/2007, Văn nghệ Ninh Bình số 47- 5/2007, Tạp chí Nhật Lệ tháng 4/2008 và Văn nghệ Quân đội số 677 tháng 9/2007. Trong Văn nghệ Ninh Bình và Tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Nhật Lệ truyện được mang tên "Lung linh sóng nước". Trong Văn nghệ Quân đội truyện được đổi lại " Thạch Hãn ngày trở về".
Truyện kể bằng hoài niệm về mối tình của Hương và Tùng, ở gần bên nhau mười ngày, yêu nhau và chia tay nhưng không hề biết mặt. Đấy là một mối tình và một hoàn cảnh đặc biệt. Tùng, Thạch và Nam vào trinh sát Cổ Thành chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Trên đường rút ra Nam và Thạch bị địch bắn chết trên dòng Thạch Hãn, Tùng bị thương, được mạ Hương cứu, dấu xuống hầm bí mật. Từ đó Tùng ăn, ngủ, vệ sinh dưới căn hầm ẩm ướt của mạ. Để vết thương khỏi mưng mủ, chóng lành, đêm đêm Tùng được mạ đưa lên ngủ trong buồng. Hương bị mạ bắt phải ngủ chung giường với Tùng để đối phó nếu bất ngờ địch ập tới. Một đàn ông, một cô gái trên một chiếc giường rộng 1,2m, ranh giới là cái chăn mỏng…
Những tác phẩm gần đây Văn Bốn tả cảnh, tả hình khá vững tay, "Thạch Hãn ngày trở về" là một bằng chứng. Hai người nằm chung một chiếc giường, Tùng bị thương nghiêng lại đã đành, Hương không dám cựa, không dám gây tiếng động mạnh, tự véo vào mông để chống lại cái tê ê ẩm đến mức "dở cười, dở mếu", "Tùng cũng chẳng hơn gì, anh như một cây xấu hổ co mình lại hết cỡ… gồng mình lên hơn cả cực hình… Mà đau với tê thôi thì còn chịu được, đằng này cả người Tùng cứ rưng rức, rừng rực lên, cái cảm giác mới mẻ, lạ lùng chưa từng thấy bao giờ của một thằng đàn ông không sao kìm nén được, thôi thúc, run rẩy, ngất ngây… Chao ôi! Hương thơm từ mái tóc, từ thịt da thiếu nữ đang thoang thoảng toả ra ngọt ngào…".
Bọn giặc ập vào "một thằng ôm súng xộc thẳng vào buồng, Hương trong chiếc váy mỏng tang củn cỡn buông xuống đôi chân thon dài trắng muốt, lồ lộ cặp vú tròn lẳn, phập phồng, khuất hờ sau chiếc áo ngực màu hồng…". Hương thét lên bảo vệ trinh tiết. Mạ hét lên bảo vệ con gái. Thằng giặc lui ra. Tùng dưới gầm giường thoát nạn. Thực ra đó là tiếng hét của Hương, của mạ bảo vệ Tùng người chiến sĩ giải phóng quân. Tình tiết ấy diễn ra nhanh, kể ngắn nhưng không đơn giản chút nào. Nếu tên địch lia ánh đèn pin xuống gầm giường, liền đó sẽ là ba cái chết. Nghĩa là mạ và Hương đã lấy tính mạng của mình để che chở cho người chiến sĩ mà chính Hương chưa nhìn rõ mặt. Đó là đỉnh điểm cảm xúc để đêm cuối cùng trước khi chia tay, Hương - Tùng đã yêu nhau thắm thiết như đã từng yêu nhau lâu lắm. "Hai người thổn thức bên nhau, tấm chăn mỏng vẫn làm ranh giới nhưng họ không còn quay lưng về nhau nữa, đôi bàn tay tìm nhau, giữ yên trong nhau, nồng nàn thấm từng mạch máu chảy vào tim nhau…". Mặc dầu lửa ở gần rơm, quá gần rơm nhưng "bén" không vì lý do đó. Tình yêu đôi lứa ở đây đã hoà nhập vào tình yêu đồng chí, đồng đội, là tình yêu cách mạng cao cả, nói một cách khác tình cảm cách mạng là nhịp cầu dẫn đến tình yêu. Khi Hương đẩy Tùng xuống sông ẩn dưới đám lục bình, gây tiếng động chạy dọc sông đánh lạc hướng địch và hy sinh thì bài ca tình yêu chói ngời đến đỉnh điểm quyện trong giai điệu của cách mạng ca. Đến đây Văn Bốn đã góp phần tôn vinh phẩm chất tình yêu cao thượng của những người con gái Quảng Trị, người con gái Việt Nam trong riêng tư và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng tổ quốc, giải phóng Quảng Trị thân yêu.
Nhân vật bà mẹ không phải là chính nhưng trong veo và sáng ngời phẩm chất cách mạng. Vì mục đích bảo vệ lực lượng mình để thắng giặc, mẹ làm một việc vô lý mà hoá thành có lý: Đẩy con gái non tơ của mình lên giường với một người đàn ông không rõ quê quán, chưa biết tên, trong đêm tối, trong hầm tối không nhìn rõ mặt. Nhân vật bà mẹ làm nền vững chắc cho tư tưởng và tình cảm của những đứa con bay cao thành khúc tráng ca. Các nhân vật trong truyện đều có tên, riêng bà mẹ thì không. Có phải thâm ý Văn Bốn chỉ muốn gợi nhớ về một thế hệ bà mẹ Việt Nam anh hùng của một thời bom đạn.
Sau chiến thắng nhiều năm và hơn 30 năm Tùng vẫn về tìm Hương và cuối cùng đã tìm được di vật: chiếc bi đông kỷ niệm với nhiều vết đạn giặc bắn Tùng và giết Hương, trên đấy khắc tên và địa chỉ của Tùng. Vậy là đêm chia tay ấy, Hương vĩnh viễn nằm lại ở lòng Thạch Hãn, cùng Thạch, cùng Nam và biết bao chiến sĩ khác.
Văn Bốn nói với tôi: "Trong một lần đến sông Thạch Hãn đoạn bờ Nam qua Cổ Thành Quảng Trị tôi thấy công nhân xây dựng kè tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ, súng AK, bi đông, dép lốp… vào bảo tàng tôi thấy nhiều di vật quá cảm động của quân ta, trong đó có một chiếc bi đông méo mó nhiều lỗ đạn. Ý tưởng viết "Thạch Hãn ngày trở về" ra đời từ đó. Tôi muốn góp với dự án nạo vét sông Thạch Hãn để tìm đồng đội ta, xây một tượng đài hoành tráng bên bờ sông để muôn đời tưởng nhớ, một bức tượng nhỏ bằng ngôn từ…".
Đó là lý do vào truyện Văn Bốn dẫn 4 câu thơ của Nhà thơ Lê Bá Dương:
"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm"
Văn Bốn đã linh thiêng hoá tất cả những cái chết trong truyện quy tụ về trên sông: Thạch, Nam sau đó là Hương. Văn Bốn có dụng ý rõ ràng: muốn tưởng niệm những người hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn góp phần dựng khúc tráng ca về dòng Thạch Hãn.
Từ ý tưởng Văn Bốn khá công phu xây dựng cấu tứ, nhiều chi tiết đắt để bộc lộ tư tưởng, song quá chú tâm về dàn dựng đôi khi sơ sẩy trong tình tiết. Tuy nhiên, đó là chuyện làm một cái nhà, buộc lỏng vài nuộc lạt, chuyện văn cũng như chuyện đời mấy ai toàn bích.
"Thạch Hãn ngày trở về" đã đạt được đẳng cấp "Lung linh sóng nước".
L.V.T