Văn Bốn sinh ra bên dòng sông Hiền Lương, con sông hiền lành, mặt nước gương trong, nhưng lại là ranh giới cắt chia hai miền Nam Bắc. Hai mươi năm trời quặn thắt nổi chia ly, biết bao đau thương sông dấu vào tận đáy.....Văn Bốn vừa mang cái vẻ bên ngoài lẫn bên trong của dòng sông ấy. Đọc những tác phẩm của anh chúng ta mới thấu rõ điều này.
Là một người tốt nghiệp cử nhân kinh tế, từng công tác ở Kho bạc Nhà nước và bây giờ ở Văn phòng UBND tỉnh, nhưng anh đến với văn chương như một duyên nợ.
“Hoa gạo đỏ bên sông” là tập truyện ngắn đầu tay của anh. Toàn bộ có 9 truyện. Tất cả đều hướng về đề tài chiến tranh với nỗi buồn thăm thẳm. Có truyện bắt đầu từ cuộc sống hiện tại được đan xen với quá khứ, như: "Một thời kỷ niệm", "Nơi gặp gỡ số phận ", "Đối mặt thời gian". Có truyện được khơi mạch từ hiện tại quay về quá khứ, như: ''Hoa gạo đỏ bên sông'', "Nơi đầu nguồn dòng chảy"...vv..
Đọc "Hoa gạo đỏ bên sông" cảm giác đầu tiên ùa vào chúng ta là nổi ám ảnh về cuộc chiến tranh không thể phai mờ. Đó là hình ảnh quê hương, đất nước bị tàn phá, một làng quê xơ xác, một cánh rừng cháy trụi, một thị xã hoang tàn.... Nhưng nỗi ám ảnh, dày vò mãnh liệt nhất vẫn là con người. Con người ở đây là Bình, là Hải, là Hưng, là 10 cô gái thanh niên xung phong, họ là những chàng trai, cô gái tuổi vừa mười tám, đôi mươi, trai khôi, nữ tú, sức sống đang tràn đầy. Những đôi môi khát cháy nụ hôn, những khuôn ngực căng tròn tỏa hương thơm thịt da trinh nữ. Nhưng họ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Cuộc đời họ đã hòa quyện vào đất vào nước, vào ngọn cỏ, lá cây, và giờ đây họ cứ hiện về trong tâm hồn của anh thôi thúc anh cầm bút.
Văn Bốn viết về chiến tranh, không những chỉ mô tả về chiến tuyến bên này, mà còn phản ánh cả chiến tuyến bên kia. Anh tìm ra giá trị nhân bản của cuộc chiến và đã khai thác được những góc chìm từ trong sâu thẳm của những suy tư, trăn trở, sự chịu đựng nghiệt ngã của mỗi thân phận con người. Có khi còn xót xa cho số phận của những kẻ cầm súng tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Đó là góc nhìn mới về chiến tranh, là sự dũng cảm của người cầm bút. Là cái nhìn bao dung, độ lượng phù hợp với thời đại với đất nước, dân tộc và sự tiến bộ của nhân loại.
Bằng lối kể chuyện dung dị, rõ ràng, mạch lạc, Văn Bốn không gạ gẫm, rũ rê người đọc với những tình tiết éo le, phức tạp. Các truyện của anh mở đầu đều đưa ngay người đọc vào một hoàn cảnh thân phận nhân vật, chẳng hạn: "Đơn vị tôi đang tất bật công việc với một dự án phía Nam của tỉnh thì có lệnh tạm dừng" - Truyện "Huyền thoại một con đường"; "Một chiều sau tết nguyên đán, trên bến xe khách Thành Cổ, người ta thấy xuất hiện một ông già dáng người gầy, cổ quấn chiếc khăn rằn đen" - Truyện "Nơi gặp gỡ số phận".
Mỗi truyện có mỗi cách khởi mạch riêng và những ngôn từ cuộn chảy một cách tự nhiên, có lúc chững lại với tốc độ chậm rãi để suy tư, chiêm nghiệm, có lúc trào dâng, bứt phá vượt lên mọi thác ghềnh tạo thành một vực xoáy trong cảm xúc làm lay động lòng người.
Văn Bốn viết với lời văn giản dị súc tích, những câu văn không son phấn mà có sức hấp dẫn đến lạ kỳ. "Ở đời hạnh phúc và nỗi đau thường song hành với nhau, có khi để có hạnh phúc cho người này thì phải đánh đổi sự mất mát hy sinh của người khác " - Truyện "Di chúc của Cha".
Văn Bốn không cố tình tạo ra văn mà chất văn vẫn thấm đẫm, anh không như một số cây bút khác mà tôi bắt gặp đó đây trên các truyện thường làm xiếc ngôn từ để tỏ ra mình là người diệu nghệ, nhưng thực chất những ngôn từ ấy trống rỗng nằm chết la liệt đằng sau cốt truyện. Tiếc rằng một vài chỗ tác giả còn la cà, chưa tức tốc bước vào lộ trình để "con tàu" cập bến vào ga.
"Hoa gạo đỏ bên sông" là vụ mùa đầu tiên của một người lao động trên cánh đồng văn chương, đã đưa đến cho bạn đọc những hương thơm trái ngọt.
Với sự miệt mài chăm chỉ của một cây bút có trách nhiệm, lương tâm với đời, chắc rằng tương lai sẽ mở rộng cửa để đón anh, và bạn đọc đang chờ anh phía trước./.
Quảng Trị, tháng 01/2006