Cung bậc tình yêu trong bài thơ "Sân ga" của Văn Xương

Thứ sáu - 09/08/2013 16:39
Hoàng Thanh - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Em lên tàu để lại cả trời thương
Cùng bể nhớ lặn đầy trong mắt
Em vội vã đưa bàn tay cắn chặt
Rưng rưng chiều tím sân ga…
Tiếng còi tàu hú dài diết da
Bao đôi mắt đắm chìm trong đôi mắt
Em ngoảnh mặt hoàng hôn vụt tắt
Xình xịch con tàu nghiền nát bờ anh…
Một cánh chim chơi vơi giữa trời xanh
Lả bóng xuống sân ga - khắc khoải
Anh muốn níu con tàu ở lại
Ngậm ngùi bờ bến khát khao…
Anh nghe tiếng ai thổn thức, nghẹn ngào
Vọng cùng tiếng con tàu chuyển bánh
Bóng hình ai nhoà trong lấp lánh
Bình minh lên con tàu sẽ quay về.
VĂN XƯƠNG
Tình yêu trong thơ của Văn Xương đa dạng và phong phú, giàu cảm xúc, cung bậc trầm bổng khác nhau. Trong tình yêu có sự giận hờn, oán trách vu vơ, có nhớ, có thương, có hạnh phúc lẫn khổ đau, xót xa. Bài thơ “Sân ga” là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về tình yêu của anh, mang đến cho bạn đọc những xúc cảm chân thành về một mối tình trong sáng, tha thiết và đằm sâu…
Nơi sân ga đông đúc, tấp nập, hối hả, có biết bao niềm vui, nỗi buồn lẫn lộn: Chờ đợi, hy vọng và chia ly... Những cặp tình nhân tiễn nhau lên tàu. Họ bịn rịn, luyến tiếc, cố gắng kìm nén cảm xúc bằng những ánh nhìn, lời dặn dò, an ủi và cả những nụ cười...Nhưng tất cả đều vô ích, cảm xúc vỡ oà khi tiếng còi tàu hú dài. Người con gái vội vã đưa bàn tay cắn chặt để ép tiếng khóc vào trong. Người con trai nhìn theo mà tâm hồn ngơ ngẩn. Phải chăng đó là cảm hứng để Văn Xương viết bài thơ “Sân ga”.
Biệt ly trong cuộc đời ai cũng có. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng dù cuộc biệt ly ở hoàn cảnh nào, thì cũng đều khiến kẻ ở người đi lưu luyến, xót xa, ngậm ngùi.
“Em lên tàu để lại cả trời thương
Cùng bể nhớ lặn đầy trong mắt
Em vội vã đưa bàn tay cắn chặt
Rưng rưng chiều tím sân ga…”
“Trời thương”, “bể nhớ” là hai cụm từ Văn Xương lựa chọn để nói về xúc cảm tình yêu. Đó là thứ tình cảm bao la, rộng lớn, mênh mông, mãnh liệt. Và nó như ngọn lửa cháy bùng thiêu đốt trái tim hai người yêu nhau.
Người con gái ra đi nhuộm cả bầu trời hoá màu thương nhớ. Trong phút biệt ly, cả hai cùng nén chặt cảm xúc, cố tỏ ra mạnh mẽ trước mặt người thương. Nước mắt là điều không tránh khỏi. Nhưng người con trai đã cố gắng giữ chặt tận đáy lòng, người con gái vội vã, gấp gáp đưa tay cắn chặt, sợ rằng mình sẽ bật tiếng thổn thức. Có lẽ chính sự kìm nén đó đã đưa cảm xúc của hai người dâng lên đến đỉnh điểm.
Phút chia ly, không gian sân ga đều nhuốm màu thương nhớ. Cả con người lẫn cảnh vật đều dường như bị phá vỡ hoàn toàn bởi tiếng hú của đoàn tàu. Đó là lời giục dã, gấp gáp, là con dao cắt chia hai nửa trái tim, là đỉnh điểm tuôn trào cảm xúc. Người ta ngơ ngẩn nhìn nhau mà không nói nên lời. Ánh mắt đã nói lên tất cả. Có lẽ trong phút giây ấy không có thứ ngôn ngữ nào chan chứa hơn, cảm xúc hơn ngôn ngữ ánh mắt. Bởi đó là ngôn ngữ trái tim, ngôn ngữ tình yêu tha thiết.
“Em ngoảnh mặt hoàng hôn vụt tắt
Xình xịch con tàu nghiền nát bờ anh”
Hoàng hôn - thứ ánh sáng yếu ớt còn sót lại của ban ngày đã ra đi theo người con gái. Chàng trai sụp đổ hoàn toàn, tất cả đã lụi tắt một cách tàn nhẫn, đau đớn, xót xa là thứ duy nhất còn sót lại. “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” (Hàn Mạc Tử)
Cánh chim dường như quá lẻ loi, cô đơn, không còn sức sống. Cánh chim ấy có lẽ cũng đã thấm nỗi đau chia ly, nỗi đau ấy khiến nó “lả” đi một cách đáng thương. Văn Xương miêu tả cánh chim không dùng từ “đổ bóng” hay “in bóng” mà dùng từ “lả bóng”. Cánh chim ấy phải chăng là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi đau của chàng trai. Nhịp hai câu thơ khá cao, ngân vang, kéo dài bỗng hạ xuống một cách đột ngột ở hai câu thơ:
“Anh muốn níu con tàu ở lại
Ngậm ngùi bờ bến khát khao”
Nhịp thơ hạ xuống đột ngột diễn tả nỗi đau trĩu nặng, khôn cùng của chàng trai. Trong lúc đau đớn tột cùng, dường như người ta dễ táo bạo và liều lĩnh hơn lúc bình thường. Chàng trai đem tình yêu, trái tim, khát khao hạnh phúc của mình hun đúc thành sức mạnh nhằm giữ con tàu ở lại. Đây là một ý nghĩ cuồng nhiệt và mạnh mẽ. Chàng dám bất chấp tất cả để giữ người yêu, dù việc ấy nằm ngoài khả năng thực tế.
“Anh nghe tiếng ai thổn thức nghẹn ngào
Vọng cùng tiếng con tàu chuyển bánh”
Tiếng thổn thức, nghẹn ngào ấy là của cô gái hay chính là sự thổn thức đang rung lên từng hồi trong lòng chàng trai. Theo tôi là cả hai, cô gái giờ đây đang thả trôi mình theo dòng nước mắt về bến bờ tình yêu của hai người.
“ Bóng hình ai nhoà trong lấp lánh
Bình minh lên con tàu sẽ quay về”
Đây là lời thề hẹn gắn kết hai trái tim. Lời thề ước ấy như an ủi, sưởi ấm cõi lòng. Nó mở ra một hi vọng mới, một chân trời mới, một tương lai mới. Ấy là chân trời hạnh phúc sum vầy. Tất cả sự chia li, nước mắt ngậm ngùi đã lùi xa trước lời thề nguyện.
Lời thề ước ở cuối bài thơ đem đến cho cuộc tình sự trẻ trung, hi vọng, vui tươi, hạnh phúc. Giọt nước mắt giờ đây chỉ còn là kỷ niệm đẹp, nhắc nhở cho hai người biết giữ gìn và xây dựng hạnh phúc. Câu thơ cuối đã làm thay đổi toàn bộ âm hưởng của cả bài thơ. Thông qua bài thơ ta thấy một tâm hồn Văn Xương trong sáng, mãnh liệt, luôn lạc quan và yêu đời.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây