Truyện của Văn Xương chắt chiu nhiều chi tiết có trong hiện thực, những éo le, gai góc, những đứt gãy trong đời sống con người. Anh không phức tạp, uốn lượn, lựa chiều theo cách gây mưa mà cố gắng bảo toàn sự tự nhiên, bảo toàn trật tự vốn có các sự kiện để đạt đến logich tự nó phát lộ. Truyện LỔ THỦNG là một ví dụ, việc Tâm - Chỉ huy đội biệt động thành giao cho Nga đội viên phải trừ khử một trung úy ác ôn lại chính là ba dượng mình. Dù không phải ruột thịt nhưng ba dượng trong gia đình là một người chăm sóc, quý mến coi Nga như con đẻ, người mà mẹ Nga hết mực yêu thương, chiều chuộng. Đây là một nghịch lý, một đối diện nghiệt ngã mà xét về góc độ nào đó thật tàn nhẫn và không hợp với lẽ đời. Hình như nó không phải là cách mà người cách mạng hành xử ... Nhưng thực tế đã xảy ra và trong chiến tranh không điều gì là không có thể xảy ra.
Thường thì để giải quyết “éo le” này không ít truyện chọn cách an toàn, chuẩn hoá chi tiết, và thế là có một cái kết mà ai cũng đoán được, nó như hòn đá vô tâm ném xuống nước tạo nên một lỗ thủng sâu hoẳm rồi trong chốc lát lại nhanh chóng khỏa đầy để không ai còn thấy được những vụn vỡ, buốt nhói của “lòng nước” theo “viên đá cuội” chìm dần xuống đáy sâu. Văn Xương không theo mô típ ấy, anh không tìm cách tránh né, anh muốn đối diện với những bất hạnh, những nghịch lý mang yếu tố con người để xác lập lại các giá trị nhân văn mà có lúc, ở một nơi nào đó, vô tình bị xô lệch, làm méo mó.
Bao trùm lên tập truyện ngắn LỔ THỦNG là ký ức chiến tranh, là những dấu tích, hậu quả dẫu đã gần nửa thế kỷ hòa bình vẫn còn đó, hằn rõ trên từng thân phận, làm nhức nhối bao tâm hồn con người hôm nay: TIẾNG RAO, HOÀI VỌNG, LỜI THỀ TÀ CAI, KẺ CHẠY TRỐN…, truyện BÀN GIAO SỐ PHẬN không phải chỉ kể về số phận của một con người trong chiến tranh mà còn liên đới tới bao nhiêu thân phận của nhiều thế hệ tiếp nối, một con người như bà Thanh sinh ra trong một gia đình nghèo, giàu truyền thống yêu nước, từng nuôi giấu cán bộ. Cha bà tham gia phong trào Việt Nam Quang phục hội bị thực dân Pháp bắt giam tại ngục Lao Bảo. Chồng bà là cán bộ Nông hội xã bị thực dân Pháp bắt treo cổ tại trụ sở. Bà có 4 người con. Con trai đầu của bà tham gia cách mạng trước năm 1945 là thương binh hạng 2/4, sau Hiệp định Geneve tập kết ra miền Bắc cho đến khi qua đời. Người con trai thứ hai và người con trai út tiếp bước cha anh lên đường chiến đấu rồi lần lượt hy sinh vào năm 1965 và năm 1966. Riêng người con trai thứ ba, trong một lần được mẹ sai đi mua thuốc chữa bệnh để gửi cho cán bộ ở trên rừng bị địch theo dõi, bắt giam rồi bắt đi quân dịch làm lính thông tin. Sau chiến dịch Mậu Thân, “một đêm có cán bộ cách mạng đến nhà đưa bà đi, sau đó không thấy bà trở về nữa”. Và cũng chính sự ra đi “nửa công khai, nửa bí mật” ấy, mà có nguồn tin cho rằng trên đường về bà bị trúng pháo địch chết, có tin lại nói rằng, bà bị cách mạng đưa đi xử lý vì bà thường lên thăm con trai đi lính ngụy, để gặp gỡ một số người nghi vấn hoạt động cho địch. Ngắc ngứ, chuyện đời bà Thanh là ở đó. Đến đây một câu hỏi được đặt ra là: Có lẽ nào, với một bề dày truyền thống của một gia đình cách mạng kiên trung như vậy, bà Thanh đã phản bội tất cả hay là nỗi oan mà đã hơn bốn mươi lăm năm nay vẫn còn nguyên đó. Nghịch cảnh dẫn đến số phận của một con người giữa ranh giới mong manh, một bên là ác nhân, một bên là lương thiện. Có thể bà là tội đồ, là giặc; cũng có thể bà xứng đáng là một bà mẹ Việt Nam anh hùng được tôn vinh, được Tổ quốc ghi công, đặt ra như những nhức nhối còn tồn tại dai dẳng sau chiến tranh mà những người đang sống còn nợ với quá khứ.
Chiến tranh để lại bao nhiêu cảnh đời mà cho dù ở phía bên nào cũng không bớt đi phần đau đớn. Những mất mát về thể xác hiển hiện khắp nơi, những dằn vặt, buốt nhói về tâm hồn như vết thương âm ỉ chưa một ngày liền sẹo, luôn vẫn ám ảnh những người đã từng tham gia cuộc chiến và cả những người đang sống. Trên trận tuyến khốc liệt Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972, “ Trên trời tiếng máy bay gầm rít, dưới đất tiếng nổ ghê rợn, khủng khiếp của bom tấn, đạn chụp, đạn phá, đạn khoan, đạn hóa học…cả không gian như vỡ toác, ầm ầm, náo động âm thanh hỗn độn, triền miên bất tận, dội buốt vào óc, tai rỉ máu, đặc ù. Những luồng lửa, quầng lửa sáng lóa, đan xuyên nhau dày đặc như một cơn bão táp bằng lửa với đủ màu: đỏ lừ, đỏ bừng, đỏ xanh, da cam…đốt cháy cả bầu trời…” (HOÀI VỌNG). Những tháng ngày đó, đất với người ngào đi trộn lại, không chỉ với thân xác người đã chết mà cả với những người còn sống sót; không chỉ xảy ra với phía bên này mà bỏ sót phía bên kia. Tất cả cuốn vào chiếc “cối xay” rợn người. Văn Xương sinh ra trong những năm khốc liệt của chiến tranh, là người Quảng Trị, nhà anh cách Thành Cổ chẳng bao xa, anh trở thành như là một phần chứng nhân của lịch sử Thành Cổ, ở anh chứa đựng một kho sử liệu khổng lồ, những thân phận bi hùng, những mất còn, những eo le, hạnh phúc,… đó là nguồn cho những cảm hứng dồi dào, là chất liệu hiện thực vô cùng quý giá mà một nhà văn như anh may mắn được sở hữu.
Trong chiến tranh quả thật chẳng có gì là không thể, câu chuyện trong truyện HOÀI VỌNG làm tôi thật sự xúc động. Đây là truyện ngắn hay, có khả năng lôi cuốn, kích thích trí tưởng tượng, làm tăng sự hấp dẫn đối với người đọc bằng những tình tiết cô đọng, độc, hiếm có… Một cuộc chiến mà ranh giới thực tế chiến trường mong manh đến mức người lính của hai chiến tuyến giữa tứ bề bom đạn và xác chết, họ gặp nhau trong một căn hầm, một cuộc gặp không hẹn trước, một cuộc gặp do bom đạn mang đến, không mong muốn, đầy éo le và định mệnh. Lòng thù hận sôi sục, nhưng đành bất lực khi thân thể cả hai đều đầy thương tích, rồi một kịch tính khác bất ngờ lại đến, khi căn hầm bị bom vùi kín chỉ còn hai lỗ nhỏ như lỗ thông hơi trong khi mưa ngoài trời tấp xuống, cả hai đều có thể không chết vì bom đạn cũng chết ngạt vì ngập nước. Một lằn ranh sinh tử khốc liệt không kém phần súng đạn lại xuất hiện đánh thức bản năng sinh tồn của cả hai để rồi họ lại gặp nhau sau mấy chục năm hòa bình trong một khung cảnh mà ở đó họ có chung một ký ức chiến tranh. Cái gì giúp họ tồn tại, vượt qua hết lằn ranh sinh tử này đến lằn ranh sinh tử mong manh khác? Câu chuyện không đưa ta đến sự sắp đặt của nhân định mà có gì đó mang ám ảnh của màu sắc thiên định. Văn Xương biết vượt qua rối rắm những chi tiết vụn, đưa thẳng người đọc đến những sâu lắng, những rung lắc xúc cảm của đời sống con người.
Phải nói toàn bộ tập truyện ngắn của Văn Xương đã tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn đáng nể, dù rằng hầu hết các truyện đa phần liên quan đến những hồi ức chiến tranh nếu không khéo léo dễ làm người đọc nản lòng vì sự lặp đi lặp lại, những chi tiết vụn vặt không đáng có. Truyện của Văn Xương cuốn hút người đọc ở cốt truyện, ở những tình tiết của một người trong cuộc, các tiểu tiết trong mỗi truyện ngắn mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, cao hơn là cái duyên, là tấm lòng, là bề dầy của những chiêm nghiệm đủ để lắng kết, hợp vỉa, làm nên long mạch truyện. Ở mảng truyện có tính chất đương đại VẾT SẸO, DI BÚT VIẾT BẰNG MÁU, CON MẬP… Những chi tiết của truyện mang tính tạo hình rõ nét làm đối tượng được phản ánh hiện lên một cách chính xác, chân thực. Chi tiết về con chó yêu quý, gần gũi của một con người về già trong truyện CON MẬP, ba lần thoát chết để có một chân dung về một kẻ trộm chó hoàn lương, đó là chi tiết mà khả năng nói nhiều hơn bản thân nó, có tính khái quát cao, nó gửi gắm tư tưởng của tác giả về số phận, về tính “văn” của lớp người bần cùng mỗi khi được thức tỉnh.
Cái hay chung của truyện ngắn Văn Xương là sự vừa vặn, nghĩa là biết bắt đầu truyện vào chỗ nào, kịp thời chấm hết chỗ nào, không có những chi tiết vô bổ. Anh biết cách chọn lựa, sắp xếp để chi tiết xuất hiện trong hoàn cảnh, tình huống, thời điểm một cách hợp lý, làm cho các chi tiết trở nên có tính “thực cảm”, góp phần đan dệt nên những cảnh sinh động làm người đọc quên đi việc đọc tác phẩm mà như đang tan chảy vào chính cảnh đời thực.
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Đặc điểm của truyện ngắn phải ngắn gọn, cô đúc, kiệm lời, dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: Lõi phải dầy, vỏ phải mỏng. Muốn vậy, mỗi yếu tố cấu thành truyện ngắn phải có sự gắn kết chặt chẽ và có ý nghĩa sâu xa. Giá trị của truyện ngắn phụ thuộc vào các chi tiết nghệ thuật, nó phải có dung lượng lớn để tạo được chiều sâu chưa nói hết. Truyện ngắn hay không thể có những chi tiết vô bổ, vỏ dầy hơn lõi. Đọc truyện của Văn Xương, bạn đọc thấm thía những cố gắng hết mình của anh theo hướng đó...
Hà Nội, Thu vãn 2021