Sáng tạo nghệ thuật là giây phút thăng hoa của vô thức, tiềm thức. Với cái nhìn hiện thực hỗn mang, của bề sâu, và những dòng chảy kỷ niệm, ám ảnh, ham muốn... Truyện ngắn Văn Xương mang cảm quan của thơ ca. Cảm quan thơ hiện diện bàng bạc từ cấu trúc đến ngôn từ, từ tiêu đề đến kết thúc, từ huyền thoại đến những bài thơ, câu thơ. Đặc biệt, truyện ngắn của anh in đậm ấn cách tân trong việc sử dụng ngôn ngữ giàu chất thơ. Có thể nhận thấy chất thơ hiện diện rõ ngay trong cách đặt tên truyện, trong giọng điệu, ngôn ngữ, cách miêu tả, kết cấu, hình tượng nghệ thuật. Những cái tên như Hoài Vọng, Lung linh sóng nước, Dòng sông miền cỏ may, Thiên nga trắng, Hồn trầm... đọc lên nghe như đầu đề của những bài thơ tình duyên dáng, lãng mạn, chất chứa bao nỗi niềm, xúc cảm. Và kì thực, đó là những câu chuyện về chiến tranh, về tình yêu, số phận và tình người của người lính trong và sau chiến tranh bằng sự trải nghiệm nghẹn ngào, bằng trái tim đa cảm, giàu yêu thương và trân trọng con người của chính nhà văn. Đặc biệt, trong truyện ngắn của Văn Xương, độc giả thường bắt gặp những hình tượng nghệ thuật mang đậm chất thơ. Đó là hình tượng dòng sông Thạch Hãn vẫn thiết tha, quặn mình, ùa dâng và êm đềm, hờn dỗi, mênh mang; là hình tượng đồi Không tên, cánh rừng trầm mênh mang xanh ngát đang vươn nhành, đan lá, lao xao trong gió thoảng hương thơm (Hồn trầm); là hình tượng đám mây lơ lửng cuối chân trời hồng nhạt rồi nhoà dần (Lung linh sóng nước), là hình tượng ánh trăng, làn gió, hạt sương chênh chếch, dịu dàng, vi vu và nhoà dần (Đàn ông)... Tất cả vốn là những hình tượng biểu trưng cho tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, thứ tình cảm thiêng liêng của con người. Hơn nữa, đấy cũng là thánh đường trái tim của người nghệ sĩ. Với những hình tượng nghệ thuật này, Văn Xương như một nhà thơ, một nghệ sĩ tài hoa dẫn dắt độc giả bước vào hiện thực chiến tranh đầy “bỏng rát”, tạo tâm thế để bạn đọc lắng dịu lại, để chiêm nghiệm hiện thực. Bên cạnh đó, Văn Xương còn sáng tạo nên những hình tượng chở khát vọng hạnh phúc, khát vọng được tung mình bay bổng, chơi vơi trong “vườn yêu”. Những hình tượng ấy đã được anh lồng gửi vào trong Đàn ông, Dòng sông miền cỏ may...
Văn Xương không dành nhiều trang văn về thiên nhiên, nhưng anh đã dành cho nó một sự ưu ái, trân trọng. Trong những trang văn của anh, thiên nhiên hiện lên với một vẻ đẹp dịu dàng như một bài thơ trữ tình. Những trường đoạn miêu tả thiên nhiên trong Lung linh sóng nước, Dòng sông miền cỏ may, Hồn trầm... như ai đã từng đọc văn anh đều phải lâng lâng trước những bức tranh thiên nhiên được anh dệt nên bằng những sợi tơ ngôn từ chau chuốt, óng ả, nhiều chỗ chất trữ tình không thua kém văn Nguyễn Huy Thiệp: “Mặt trời đã tắt hẳn nhưng dòng sông Thạch Hãn lại bừng sáng, xôn xao lóng lánh như trải vàng, những con sóng dìu dặt nối tiếp nhau vỗ bờ, dào dạt... Dòng sông Thạch Hãn vẫn tha thiết, quặn mình chảy, những khóm hoa lục bình tím vẫn dập dờn trên sóng nước lung linh” (Lung linh sóng nước). “Đồi Không tên. Mênh mang xanh ngát cánh rừng trầm đang vương nhành, đan lá, lao xao trong gió thoảng hương thơm”(Hồn trầm). Nhiều người cho rằng, Văn Xương sắc lạnh, bỏng rát khi có những đoạn văn đặc tả về chiến tranh nên đã triệt tiêu mọi cảm xúc. Nhưng may thay, những dòng văn ấy không bị rơi xuống cái âm vực lạnh lùng của sỏi đá khi bên cạnh nó có những đoạn vút cao, chảy tràn chất thơ. Đó chỉ có thể là chất thơ ấm nóng thốt lên từ hiện thực cuộc chiến và thế giới tâm hồn của người lính.
Vốn là một nhà thơ, Văn Xương không chỉ nhuộm chất thơ vào mỗi trang văn bằng thứ ngôn ngữ được chắt lọc, trau chuốt, bằng cách đặt tên truyện, sáng tạo các hình tượng nghệ thuật, qua những đoạn đặc tả thiên nhiên... mà trong văn anh còn được tạo ra bởi một đặc trưng rất độc đáo: thơ trong văn. Việc sử dụng thơ trong văn không phải là một hiện tượng lạ, đặc biệt đối với văn học Việt Nam. Thế nhưng, vấn đề là ở phẩm chất sử dụng. Những bài thơ, câu thơ trong những trang văn của anh đóng vai trò trong việc cấu thành cốt truyện, được kết hợp một cách logic và hết sức nhuần nhuyễn, tự nhiên với cấu tứ của truyện. Nó không một chút khập khiểng, ráp nối. Đó là những tiếng lòng xuất phát từ nội tâm nhân vật nên ẩn chứa trong đó những tình cảm thiết tha, những cảm xúc trinh nguyên, những suy tư lắng sâu, những ý nghĩ đằm thắm về tình người, đời: “Sau chiến tranh em là ni cô/Thiếu nữ đội viên biệt động thành/Cô gái Thanh niên xung phong Trường Sơn/ Lao tù, cực hình không khuất phục/ Bom vùi, đạn rít… chẳng nao lòng” (Bóng lặng trước thềm ngày). Có thể nói, việc sử dụng thơ trong truyện ngắn Văn Xương là một kỹ thuật viết rất riêng của anh, mà anh không “nhại” những bậc đàn anh đi trước như Thạch Lam, Nguyễn Huy Thiệp... Bên cạnh đó, anh còn khéo “mượn” luôn cả những đoạn thơ, bài thơ của các nhà thơ khác để đưa vào trang văn của mình. Hẳn nhiên, đó là những đoạn thơ chở đầy tâm trạng và ám ảnh, làm nền cho nội dung tư tưởng của tác phẩm. Chẳng hạn, anh lấy đoạn thơ của Lê Bá Dương mở đầu cho truyện Lung linh sóng nước: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Những câu thơ nghe như lời than trách, đầy xót xa, hờn tủi của những người lính chết trận nằm lại dưới lòng sông của cuộc đời. Và như thế, qua những vần điệu ngân rung ấy là lời tâm sự day dứt không nguôi của anh về hiện thực chiến tranh, về số phận của người lính. Vậy nên, khi đọc truyện của Văn Xương, ta thường có cảm giác buồn, một nỗi buồn mang dư vị ngọt ngào lẫn niềm xót xa, đắng cay.
Trong những truyện ngắn giàu chất thơ ấy, người viết có ấn tượng với Lung linh sóng nước, Dòng sông miền cỏ may, đặc biệt Dòng sông miền cỏ may. Tác phẩm ngắn, chỉ vẻn vẹn mười chín trang, nhưng nó có sức nén và độ dư ba lớn. Chất thơ đã làm nên sự cô đặc, hàm súc. Và đến lượt nó, sự ngắn gọn làm toả ra chất thơ. Ngay nhan đề tác phẩm cũng đầy chất thơ và nhạc. Quả thực, có một dòng sông của thi ca chảy vắt qua tác phẩm. Đó là một dòng sông có thể xác, linh hồn: “Con sông thơ mộng, mềm như một dải lụa, vời vợi, chất chứa biết bao kỷ niệm buồn vui cuộc đời”. Con sông ấy chứa đầy thi vị khi ôm ấp trong lòng những huyền thoại thẳm sâu trong kí ức tuổi thơ chở đầy tâm trạng: “Nhà nàng ở bên sông Năng... dòng sông với tất cả tình yêu thương cuộc đời mình, dẫu dòng sông có lúc vơi, lúc đầy, lúc êm đềm, hờn dỗi, mênh mang”. Những dòng văn xuôi tuôn chảy như tiếng thơ. Để rồi truyện ngắn kết thúc trong tâm trạng người thiếu phụ ngẩn ngơ, trắc ẩn khôn nguôi; vang vọng chất thơ, gieo vào lòng độc giả bao khắc khoải suy tư, vời vợi: “Hoàng hôn buông tím ngát phía chân trời, gió heo may se sắt thổi những đám mây tím buồn cuối thu bồng bềnh trôi, bên kia sông ngẩn ngơ tím một con đò... Tất cả như một bức tranh màu tím lặng đến nao lòng, một miền trắc ẩn khôn nguôi... Lung linh bóng một người thiếu phụ in hình xuống dòng sông màu mậm tím, mênh mang, vời vợi, tha thiết chảy, mang theo những bông hoa cỏ may ngóng mong, đợi chờ” (Dòng sông miền cỏ may).
Ngôn ngữ và trang sách là thơ nhưng cuộc đời là thực. Với Văn xương, chất thơ đưa vào truyện không chỉ để câu chữ thêm đẹp, lời lẽ và hình ảnh thêm thú vị, lung linh, mà còn để khơi thêm nỗi đau, nỗi xót xa, sự ám ảnh trong lòng độc giả, để bạn đọc cùng thổn thức, xốn xang, biết sẻ chia, trang trải nỗi lòng trước hiện thực chiến tranh, và những kiếp đời đau thương, đen bạc.
Và như thế, một khi chất thơ được kết hợp với những tố chất của thể loại truyện ngắn, sẽ làm cho trang văn Văn Xương thêm rậm rạp trên bề mặt và chiều sâu trong việc thăm dò vào hiện thực đời sống xã hội và thế giới nội tâm của con người. Trên nẻo đường đó, Văn Xương đã đi được rất xa, đã làm một cuộc vượt gộp trong nỗ lực sáng tạo, cách tân truyện ngắn.
Tôi thiết nghĩ, dù bí ẩn đến đâu thì chất thơ trong truyện ngắn Văn Xương cũng được xuất phát nâng đỡ và chắp cánh từ trong nguồn mạch thi ca dân tộc. Bằng sự tương tác đó, truyện ngắn Văn Xương đạt được tính “lợi hại” của sự kết hợp mà Kuranốp - nhà nghiên cứu người Nga từng khẳng định: “Trong nền văn học hôm nay, chúng ta chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa thơ và văn xuôi... Sự xích lại này làm cho văn xuôi chúng ta thêm nồng ấm, run rẩy, nhiều chất hội hoạ, cô đọng hơn trong những ẩn dụ thấm vào từng câu, từng đoạn. Việc xích lại gần với thơ làm cho văn xuôi vừa trở nên sâu sắc hơn, vừa dễ hiểu hơn. Thứ dòng chảy ngầm này cần cho mọi truyện ngắn. Nó giúp cho truyện ngắn gọn mà vẫn súc tích”.