Quá trình sáng tác :
- Mười hai tuổi đã có thơ in báo Thống Nhất (Vĩnh Linh) và báo Nghệ An
- Hai mươi bốn tuổi tốt nghiệp đạo diễn sân khấu trong nước. … rồi viết kịch, đạo diễn, phát hành Tạp chí Văn hóa, Tạp chí Cửa Việt...
Những tác phẩm đã công bố :
1. Kịch bản :
- Đất cằn (kịch ngắn) - Sở VHTT Bình Trị Thiên xuất bản 1980
- Tình rừng - Giải nhất viết về ngày quân khí toàn quốc năm 1990
- Bí ẩn rừng trường sơn - Giải nhất viết về quốc phòng tòan dân năm 1990
- Tiếng hát rừng Coóc Tăng - 1991
- Mảnh trăng màu cát - 1992
- Chuyện người làng Hạ - 1993
- Đứa con nối dõi (kịch dài - viết chung với nhà văn Xuân Đức năm 2005) - Đòan nghệ thuật Tổng cục Chính trị dàn dựng.
- Bức thư người giúp việc (kịch ngắn) - giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi kịch bản tòan quốc năm 2005.
2. Truyện ngắn :
- Chiều khăn che mặt (in chung trong tuyển tập truyện ngắn chọn lọc nhà xuất bản Hội nhà văn VN năm 2000
- Quê hương (in chung trong tuyển tập truyện ngắn thời đổi mới - nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2002
- Người nhặt mảnh chai - Tuyển tập truyện ngắn hay VN năm 2003.
- Người đàn bà lội sương (in chung trong tập truyện ngắn hay Việt Nam năm 2007 - Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam.
- Bài ca điệu lý (in chung tuyển tập truyện ngắn chọn lọc 10 năm của Tạp chí Sông Hương).
- Bồ câu xám - nhà xuất bản Thanh Niên - 1999
- Huyền thoại tình yêu - Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2004
- Vú cát - Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2007
3. Thơ :
- Người đàn bà tìm tuổi xuân trên cát (2000)
- Thảo nguyên (2001)
- Rừng (2006)
Tác phẩm sắp xuất bản :
1. Tập kịch ngắn “lời di chúc của cát” – 450 trang
2. Tập thơ “Giấc mơ màu cỏ” gồm 50 bài
3. Tập tạp bút gồm 300 trang
Cội nguồn sáng tạo và chuyện bên lề “Vú cát”
Giáo sư - Tiến sĩ : Hồ Sĩ Vịnh
Có bao nhiêu nhà văn là có bấy nhiêu thi pháp. Thi pháp bắt đầu từ cội nguồn sáng tạo. Cảm hứng sáng tạo càng thăng hoa thì thi pháp biểu hiện càng rực rỡ, độc đáo. Cuộc sống là vô cùng, còn nhà văn là hữu hạn. Muốn viết gì thì viết đó là quyền của nhà văn, nhưng cần làm chủ tư liệu, vốn sống, trải nghiệm và quyền biết đưa cái vặt vãnh, cái mọi người không nhìn thấy thành cái lấp lánh, cái điển hình của xã hội. Phản ánh là sáng tạo để tìm ra cái đẹp của đối tượng miêu tả. Phản ánh mà như soi gương, như chụp hình nghe ra không ổn. Một hoạ sĩ người Đức có nói dí dỏm rằng: "Vẽ một con chó giống con chó thật ngoài đời thì anh ta có hai con chó, chứ không có nghệ thuật". Nghệ thuật có trăm nghìn cách nói, có thể phóng to và thu nhỏ, lấy cái bình thường để nói cái phi thường; đi vào trực giác bản năng, tiềm thức để đào bới cái chìm nổi của số phận con người, đưa cái ước mơ thầm kín của những nhân vật ra ánh sáng, nghĩ tới tương lai để đổi lấy cái hiện thực nghiệt ngã đang trói buộc họ....
Với cảm thức như vậy, tôi tìm đọc tập truyện "Vú Cát" của Cao Hạnh, và tìm thấy ở những trang viết của ông những đồng cảm tương ứng. Mười sáu truyện trong "Vú Cát" là hàng chục số phận ngang trái khác nhau, có con người và ác quỷ, cao thượng và thấp hèn, lương thiện và bất nhân, ánh sáng và bóng tối...., nhưng lạ thay, phần lớn nhân vật trung tâm lại là những phụ nữ bất hạnh. Bà Chính với tấn bi kịch của người mẹ khi hai đứa con ở hai chiến tuyến (Vú Cát); Dì Hai mà tình yêu ngang trái, bị đánh lừa, vẫn chung thuỷ với mối tình đầu (Chiếc khăn che mặt); Năm cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh, nhưng bất tử bởi họ đã hoá vào đá, lăn vào cây, biến thành khí thiêng sông núi (Năm cây hoa gạo). Chuyện người mẹ miền Trung mang cánh diều - một báu vật hoài niệm tuổi thơ của đứa con trai lúc 12 tuổi, đã hy sinh oanh liệt ở thành cổ Quảng Trị lúc tuổi 16.
Cánh diều ấy hôm nay bay lên giữa đài tưởng niệm trong thành cổ kiêu hãnh, và người mẹ không cô đơn trong vòng tay ấm áp của đồng đội con....(Người thắp hương trên cánh diều).....
Truyện ngắn của Cao Hạnh là bộ sưu tập gồm những chân dung cõi người vừa thiêng liêng, thánh thiện, vừa long đong trắc ẩn, vừa hư vừa thực. Ở đó chất muối mặn của đời đã lắng cặn, có cả lòng vị tha và sự trả thù hẹn hạ ngay cả người thân; ở đó có những tình cảm thiêng liêng vừa khó hiểu của con người, nhưng cũng có những biểu tượng, những ý tưởng....như một bài thơ. Vậy cái gì làm nên hiệu quả sáng tạo ấy?
Nếu sức tưởng tượng, quy luật liên tưởng là cội nguồn của sáng tạo văn chương, thì trong truyện ngắn "Vú Cát", Cao Hạnh đã sử dụng chúng như những biện pháp nghệ thuật "đắc địa" và ông đã thành công nhờ thế giới nội tâm phong phú của nhà văn. Vú Cát là hình tượng ẩn dụ, nói lên sức sống của con người, sự sinh sôi của người mẹ, chủ nhân chính đời sống tự nhiên của con người vừa khắc nghiệt, chứa đầy nghịch lý vừa khoan dung và "có hậu", có hậu cả trong giấc mơ. Mượn truyền thuyết về mối tình siêu nhiên giữa trinh nữ tự do và hình nhân một vì sao sinh ra một trăm đứa con có cánh vv....người đọc liên tưởng ngay đến bà mẹ Âu Cơ; nhưng không chỉ dụng ý nói lên truyền thống dựng nước cha Rồng, mẹ Tiên của dân tộc Việt, mà còn muốn nói đến những mặt trái, xấu xa, thấp hèn ngay trong từng dòng họ mình, bi kịch trong gia đình bà Chính, nơi có hai người con ở hai chiến tuyến. Giả sử không có cái biểu tượng Vú Cát, không có truyền thuyết về nghĩa địa họ Hoàng, tôi tin chắc rằng, chuyện kể về bi kịch gia đình bà Chính sẽ rơi vào cấp độ truyện ngắn trung bình, nhàn nhạt của hàng trăm truyện khác viết về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Nếu sức tưởng tượng là phẩm chất của nhà văn, thì ít ra ở tập truyện này Cao Hạnh đã đuổi kịp những bước chạy kỳ diệu của sức tưởng tượng. Đọc Truyền thuyết một làng hoa, người đọc chắc chắn sẽ đồng cảm với những câu văn có vẻ đẹp trong suốt về một làng hoa: "Vào những đêm trở trời, người ta thấy có một vầng sáng mang hình con rồng bay lơ lửng giữa không gian. Vầng trăng bay đến đâu nghe mùi hương thơm nức ở đó. Người ta còn nghe tiếng nói sang sảng từ vầng sáng vọng ra: "Hoa lá là hồn đất, hồn quê góp phần làm nên sinh khí....".
Một trong những đặc điểm của truyện ngắn là ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp, cốt truyện thường xảy ra trong một không gian hẹp, thời gian không dài, nhưng bù lại là nó được nhà văn săn tìm những chi tiết đắt (Chi tiết đắt chứ không nhồi nhét nhiều chi tiết) tức là đi tìm cái bản chất của chi tiết, biến cái tưởng như vặt vãnh thành cái có ý nghĩa, lấp lánh trước người đọc. Chi tiết đắt thường dẫn đến kịch tính của cốt truyện. Trong Sự tích chùa Trinh nữ, một câu chuyện bà kể vừa thiêng vừa tục, vừa đạo vừa đời, vừa phảng phất chuyện xưa vừa có không khí hiện đại. Chuyện cô gái xinh đẹp đi bán trinh để lấy tiền nuôi cha đau ốm là mô típ không mới cả trong văn chương và trong cuộc đời. Sức hấp dẫn của truyện là sự đan kết các chi tiết "đắt" tình huống bất ngờ. Cái bất ngờ ban đầu là chuyện cô gái không ra thành phố xa hoa, sợ lây bệnh, mà đến một làng quê, lại là miền đất thiêng, kiêng cử chuyện phàm tục; chuyện cô gái "mặc cả" với những tên hương lý về chuyện "bán phấn buôn hương" bằng bất cứ giá nào, miễn là có tiền nuôi cha. Nhưng không thành; tự sát là "phép mầu" của số phận bi thảm. Tiếng dữ đồn xa, cô gái bị hiếp! Nhưng ai là thủ phạm? Ba vị hương lý đổ cho nhau, và để hợp với lôgic quyền lực, họ đổ tội lên đầu thằng Cò, một cố nông, kẻ ngụ cư khốn khó lĩnh án tù. Nhiều năm sau mãn hạn tù, con người bị oan khuất ấy trở thành ông già Cò, một người đàn ông không may thiếu hụt cái vật thiêng Trời cho, thì làm sao có chuyện bịa đặt oan uổng? Chi tiết làm cho người đọc bàng hoàng, giật mình, xót xa thay số phận người trong truyện chính là chi tiết giải oan và được dân lập đền thờ. Thờ nàng Trinh nữ và cả người đàn ông xấu số. Đây là truyện ngắn hay nhất, đượm tính nhân văn nhất của tập truyện.
Một nhà văn nổi tiếng nước ngoài có lần nói rằng, viết về những người nổi tiếng không khó; nhưng viết về những con người không tên tuổi, những số phận bình thường thật không hề dễ dàng. Có thể tranh luận ở vế thứ nhất, nhưng lập luận thứ hai thì nhà văn nào cũng có thể chiêm nghiệm được. Bởi viết về những người không nổi tiếng, ngoài tư liệu, sự kiện, kỷ vật, nhân chứng vv.....nhà văn phải lao động cật lực, biết chọn lọc, khám phá, khái quát hoá. Năm Cây Hoa Gạo là một bài thơ bởi ở đó những trang viết là những dòng hoài niệm khăc khoải về miền đất máu lửa một thời. "Tại sai giữa đại ngàn lại có năm cây hoa gạo mọc thẳng tắp một hàng. Có điều gì bí ẩn của thiên nhiên đất trời đây chăng? Năm cây hoa gạo lẳng lặng đội một màu lửa râm ran dâng trời....Tôi đứng lặng thả hồn trong cơn gió thổi, ngắm nhìn những cánh hoa rơi rơi như một cơn mưa hồng thoáng nhẹ trước mắt". Tôi không bình luận gì thêm nữa, chỉ biết rằng, Cao Hạnh đã có những giây phút xuất thần mượn biểu tượng cây hoa gạo có màu đỏ rực rỡ để tôn vinh công trạng to lớn của năm cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh không hề biết tên tuổi nhưng lại trở thành những người con bất tử trong lòng sông núi quê hương.
Nguyệt trong Người Đàn Bà Lội Sương là một phụ nữ bình thường, là thanh niên mở đường Trường Sơn trong những ngày chiến tranh ác liệt, nhưng số phận lại hẩm hiu; đã đánh rơi hạnh phúc trong tầm tay, để rồi ân hận suốt đời khi được tin người yêu, chiến sĩ lái xe đã anh dũng hy sinh; để rồi khi ở tuổi xế chiều, khát khao mong được chức năng làm mẹ, thì Trời cũng chỉ cho chị đi tìm kiếm đứa con rơi của người lạ.....Cái nhan đề truyện mang tính ẩn dụ, gây tính hiếu kỳ của người đọc, Người ta nói: lội nước, lội suối, "Có phúc đẻ con biết lội." Chứ mấy ai nói lội sương!? Lội sương chỉ ra một hành trình mờ mịt, con đường vô vọng giữa biển sương mờ đục trong đêm lạnh muộn màng của đời Nguyệt. Triết lý của truyện là hãy trân trọng giữ lấy những gì được coi là hạnh phúc mà mình đã đạt được, nhất là trong tình yêu thiêng liêng, trong lao động chân chính.
Còn có thể nói thêm những cái được và cái chưa được của tập truyện, nhưng để khỏi phiền hà người đọc, hơn nữa để tôn trọng sự thẩm định của họ, bởi sự thẩm định văn chương thường dựa vào sự cảm thụ thẩm mỹ mà thị hiếu là cơ sở. Xin nói đôi chỗ về sự thiếu hụt. Những tìm tòi từ ngữ mới trong truyện ngắn là cần thiết, nhưng cần thận trọng. Tiếng cười sắc lạnh như thuỷ tinh đập vỡ.........thả một nụ cười; đôi mắt như nắng vv.......còn có thể chấp nhận được; nhưng khi tác giả viết những hình dung từ kèm theo danh từ hay động từ quá "lạ" thì chưa chắc đã được số đông đồng tình: ngáy rường rược; giọng vóng vót, tiếng thở hào hển, dòng sông thao thiết, mắt làng ngàng nhìn vv....
Trong tiến trình phát triển văn học nước ta mấy thập niên qua, truyện ngắn là thể loại có nhiều thành công và được nhiều người đón đọc, nhưng truyện ngắn hay mang đậm chủ nghĩa nhân văn không nhiều. Trong tình hình đó, sự xuất hiện Vú Cát là một đóng góp đáng khích lệ vào phương hướng sáng tạo nền văn chương Dân Tộc - Hiện Đại nước ta thời hội nhập.
H.S.V
VÚ CÁT
Bà Chính nằm vật vả trên giường. Nỗi buồn đau dày vò tâm trí, không chịu nổi bà quyết định phải đi. Bà ngồi dậy, thả chân xuống giường lần đôi dép, với tay lấy chiếc gậy chống đứng lên, lẩm chẩm bước.
Con đường từ nhà đến nghĩa địa chưa đầy hai cây số, thủa nhỏ bà chạy ù một tí đến ngay, bây giờ phải lần từng bước vất vả, mệt nhọc. Ánh nắng chiều nghiêng xuống, bóng bà đổ dài thành một vệt trên con đường sỏi đỏ. Đi dọc bờ tre đến hết làng bà dừng lại bên bờ mương đứng dưới gốc mưng già. Nơi đây ngày xưa có bắc một chiếc cầu tre bây giờ đã được thay bằng một chiếc cầu bê tông vững chải. Ồ.. cảnh vật, đổi thay nhiều quá. Ba năm qua không ra đến đây, bây giờ bà trong khác lạ . Duy chỉ có cây mưng già giữ nguyên dáng vẻ. Cây mưng cao lớn, xù xì, có hai cành choãi ra hai bên. Thủa nhỏ thằng Cả và thằng Hai con bà thường chia nhau mỗi đứa mỗi cành vắt vẻo suốt ngày. Bây giờ cây mưng già còn đó, con kênh nhỏ vẫn nguyên đây, nhưng hai đứa con bà ra đi vĩnh viễn không về. Bà Chính thở dài, lặng im trong giây lát và tiếp tục bước đi.
Nghĩa địa họ Hoàng nằm dưới chân hai quả đồi bát úp. Hai đồi cát trắng tinh hướng ra biển biếc. Người ta gọi đó là vú cát. Truyền thuyết của làng rằng: Xưa có một người con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như son, dáng mềm như liễu, bước đi nhẹ nhàng như áng mây trôi. Nàng là một vị quan nhất phẩm triều đình, bản tánh thích sống tự do phóng khoáng, rất ghét chốn quan trường và chán cảnh binh đao. Nàng bỏ nhà trốn đi biệt xứ, với ý nguyện gặp đựơc một chàng nho giả, nhưng không tham vọng chốn quan trường. Nhưng đi đâu nàng cũng gặp những kẻ tiểu nhân đắm say, dục vọng ích kỷ, người anh hùng chí khí thì mãi chuyện trận mạc binh đao. Nàng chán nản tìm về nơi bản xứ chốn quê cha đất tổ sống một mình, thề rằng suốt đời ở vậy để giữ tròn chữ trinh.
Vào một đêm gió mát trăng thanh nàng ra biển tắm một mình, tắm xong trinh nữ không chịu về nhà, cứ nằm khoả thân trên cát, buông trước biển một nét ngọc ngà. Ang trăng thanh gió mát vờn trên da thịt. Trong phút miên man nằm ngữa mặt lên trời, nàng thấy những vì sao nhấp nháy như muốn sà xuống, hôn lên da thịt của mình. Mắt nàng nhắm hờ để tận hưởng những phút giây khoái lạc. Vì sao bay xuống bên nàng biến thành một hình nhân . Hình nhân bằng ánh sáng, nhưng đều thấy rõ các chi tiết bộ phận của một cơ thể đàn ông khoả thân. Nàng ở trong tư thế đón đợi. Nhưng hình nhân kia thu mình lại thành một giọt sáng đậu lên má lên môi nàng và lăn dần xuống cỏi thiên nhiên... Nàng nhìn xuống thấy một vầng ánh sáng mang hình con rồng, có lúc thì hiện rõ nét người quần đảo khắp cơ thể nàng. Khi cơn ái dục đạt đến mức độ đỉnh điểm vầng sáng bừng lên và chuyển sang nhạt nhoà nàng biết đó là sự kết thúc, thoả mản, mỏi mệt. Thoắt một cái vì sao chói loà phá tan cả hình hài, chỉ thấy một quầng sáng vút bay lên nổ tung giữa bầu trời rồi mất hút. Nàng định bay đi nhưng cất mình không nổi. Cơn cuồng hứng đã làm nàng dốc hết sinh lực. Đêm ấy nàng mang thai. Cái bụng lớn dần lên trong từng giây từng phút. Gần sáng nàng trở dạ và sinh ra một trăm đứa con. Những đứa trẻ đều bụ bẩm, khôi ngô, tuấn tú, trong như những búp sen hồng. Chúng đều có cánh. Đôi cánh trắng mỏng tang nhẹ như làn sương. Vừa mới sinh ra đã bay liệng khắp bầu trời, rồi sà xuống, thi nhau vục mặt vào vú mẹ nút chùn chụt. Người mẹ đưa tay xoa lên đầu từng đứa con trong niềm hạnh phúc ngất ngây. Đến lúc đôi bầu vú hết sửa cũng là lúc người mẹ nhắm mắt. Những đứa trẻ khóc gào quanh xác mẹ. Và cuối cùng tất cả vút bay lên trời biến thành những ngôi sao. Những ngôi sao thương mẹ mà nhấp nháy đời đời. Còn người mẹ thân xác lặn dần vào đất, chỉ còn hai bầu vú y nguyên, hướng lên trời theo nỗi niềm hoài vọng của hồn mẹ khôn nguôi. Đó chính là hai đồi cát mà dòng họ Hoàng đời nay chọn làm chổ dựa cho nghĩa địa tộc mình.
Bà Chính dừng chân lại trước cửa nghĩa địa đưa mắt nhìn bao quát một lượt rồi hướng đến hai trụ đèn lẫm nhẫm đọc hai câu đối:
" Địa linh chung khí truyền thiên cổ
Thế xuất anh tài diễn đức tiên"
Đọc thế chứ bà đâu biết chữ, chẳng qua đã thuộc từ lâu. Về làm dâu họ Hoàng này đã ngót năm mươi năm có chuyện gì trong dòng tộc mà bà không biết, những điều thâm cung bí sử bà còn hiểu được huống hồ chuyện mồ mã ở đây. Khu mộ này có tám hàng. Hàng nhất: lăng cụ tổ. Cụ tổ ngày xưa từng thi đậu phó bảng được bổ nhiệm làm quan đến chức Tổng đốc. Cụ là vị quan thanh liêm, suốt đời lo cho dân cho nước được vua tin dùng, lúc chết được vua ban cho mấy chữ vàng " Trung quân báo quốc".
Hang mộ thứ hai thuộc các bậc nhị đợi . Trong bậc nhị đợi có cụ Hoàng Đăng con trưởng của cụ tổ , học rộng tài cao làm qưuan đến chức quận công. Bên cạnh mộ cụ, có cụ Hoàng Điền con thứ cụ tổ nghe nói cũng làm quan to lắm, nhưng lại là một tay nịnh thần, hoang dâm vô đô, cuối đời mưu toan nghịch loạn, nhà vua định xử chém đầu, nễ tình thân phụ có công với triều đình nhà vua dáng chức làm thứ dân về quê được mấy năm rồi chết.
Hàng thứ ba thuộc bậc tam đợi. Có hai ngôi mộ đáng chú y: Mộ cụ Hoàng Bản và mộ cụ Hoàng Kiết. Cụ Hoàng Bản học một biết mười thông đến nỗi độc qua cuốn kinh thư một lượt thuộc làu không bỏ sót một chữ. Còn cụ Hoàng Kiết dốt đến nỗi mười ngày không học thuộc một chữ, chỉ giỏi đằng rượu chè cờ bạc. Nhưng trớ trêu thay cụ Hoàng Bản chết sớm, còn cụ Hoàng Kiết lại sống rất lâu.
Tiếp theo là các bậc tứ đợi, ngũ đợi và cuối cùng đến hàng con cháu. Chỉ gần 200 ngôi mộ thôi mà có đủ hạng người. Đức trung quân tên phản nghịch, người thông minh, kẻ dốt nát , số giàu sang, phận nghèo hèn. Sống trên đời mỗi người một kiếp, đến lúc chết lại quy tụ về đây để lấy chung một cái tên" Khu mộ họ Hoàng" . Ôi ...họ Hoàng! Một dòng họ vinh quang và nhục nhã!...ấy thế mà khi về làm dâu ở đây bà chỉ được phép nghe những điều tốt lành đẹp như kim cương, quý như ngọc bội , còn bao điều thối nát xấu xa người ta đều bịch kín. Nhưng cuối cùng bà đều hiểu hết qua miệng tiếng người đời. Cho đến một ngày kia bà cũng nhận thấy rằng: Chẳng đâu xa lạ, ngay trong gia đình bà đây thôi cũng có hai đứa con, một thằng theo quân giải phóng nối bước ông cha, còn một thằng lại làm tay sai cho bọn Mỹ. Mỗi đứa sống mỗi nẻo, chết mỗi đằng và bây giờ cũng được nằm kề bên nhau trong khu nghĩa địa này...
Mộ chúng kia rồi... Bà hấp hoảng bước đến. Chưa vội thắp hương, bà lặng lẽ đứng nhìn hai nấm mộ. Bên phải mộ thằng Cả được xây bằng gạch thẻ, ốp đá cẩm thạch láng cóng. Trên bia mộ có quốc huy và khắc chữ: " Liệt sĩ Hoàng Cả sinh năm 1956, nhập ngủ năm 1972, hy sinh ngày 25/7/1974. Chiếc lư hương đầy cát. Khói hương còn vương. Và những nắm hoa tươi, đĩa trái cây toả mùi thơm nức. Bên trái, mộ thằng Hai trông như cái ụ mối, đất đá sệ suống, lác đác có một vài cọng cỏ khô rạc rời, nham nhở vết sừng trâu.
Trước đây, thằng Hai chết ở chiến trường Tây Ninh, người ta vùi nó sau lưng cái chuồng trâu. Mỗi lần vào thăm, thấy mộ con bị chân trâu dẫm đạp, cứt đái vãi lên đầy, bà xót xa gan ruột. Bà năn nỉ với ông chú họ, cải táng, đưa nó về đặt đây để nó được gần anh em họ mạc, thuận bề chăm sóc. Ông chú họ nhiệt tình, vất vả lắm mới đưa cháu ra được. Từ ngày đưa mộ nó ra đây, bà khỏi phải đi xa cực nhọc, có điều bà vẫn thấy chưa yên tâm, bởi mộ thằng Hai chưa xây được, trâu bò thường xuyên đến quấy phá.
Bà ngồi xuống đốt hương cắm lên hai ngôi mộ . Bà đến bên mộ người con cả trước chấp tay khấn vái lâm râm.
- Hôm nay ngày 27/7- Ngày thương binh liệt sĩ- mẹ đến thắp hương cho con đây. Vì hoàn cảnh đau ốm mẹ đến có chậm, con thông cảm cho mẹ. Mẹ cũng không có một nải chuối , bông hoa để đặt lên thắp hương cho con, mẹ hối hận biết nhường nào. Nhưng điều mẹ rất vui mừng khi thấy mọi người chăm sóc con chu đáo. Những nén hương, bó hoa kia thể hiện tình đồng chí đồng đội đối với con. Dù sống hay chết con vẫn luôn luôn ở trong tình thương yêu, kính trọng của người đời. Con là niềm tự hào của mẹ. Cuộc đời mẹ trải qua bao nhiêu đau khổ nhọc nhằn. Nếu như không có con, mẹ sống làm sao nổi. May nhờ có con mẹ mới sống được đến ngày hôm nay. Sống khôn thác thiêng con hãy hiểu cho lòng mẹ và phù hộ cho mẹ được khoẻ mạnh để sống tiếp những ngày cuối đời. Bà bước đến bên mộ thằng Hai, cũng chấp tay khấn vái:
Đã lâu lắm rồi hôm nay mẹ mới đến thăm con. Nhìn thấy mộ con như chiếc nấm tàn mẹ thương con lắm. Mẹ không có tiền để xây cất cho con, chứ không phải mẹ vứt bỏ con đâu Hai ạ. Con nào cũng là con của mẹ. Giọt máu nào cũng do mẹ sinh ra. Mẹ nào có bên trọng bên mhinh. Nhưng sở dĩ một bên ấm áp, một bên lạnh lùng là vì các con cả đấy. Thằng Cả anh con luôn được mọi người thương yêu kín trọng.
Còn con, con lạnh lẽo, con cô đơn... chỉ vì con không nghe lời mẹ lời anh nên mới đến nông nổi này...
Bà lại đế bên mộ Cả: Có
- Cả ơi.... Con cho mẹ xin con một bó hoa để đặt lên mô cho em con, kẻo nó laûnh luìng tội nghiệp.
Mẹ biết những bäng hoa này là tình cảm người đời giành cho con, mẹ không thể bớt xén một cánh tự tiện. Nhưng con ơi.... trong lòng mẹ thì các con khäng bao giờ có sự phân chia, tách biệt. Mẹ không thể nào ngồi nhìn 2 đứa con, một đứa đủ đầy, một thằng thiếu thốn. Con hãy hiểu cho lòng mẹ nghe con.
Bà dæït lời nén hương trên mộ người con cả bỏng cháy. Mắt bà rực sáng. Một dòng nước mắt chảy xuống chan lên nụ cười.
- Con linh thiêng lắm cả ạ! mẹ biết. Bao giờ con cũng nhường em phải không con.
Bà cúi xuống nhón một bó hoa đặt lên mộ thằng Hai
- Con ơi... Anh con cho con đây. Con hãy nhận lấy. Giận hơn mà chi? tủi hổ mà chi. Mây khói đã qua rồi. Tình huynh đệ máu nào thâm thịt đấy, mãi mãi muôn đời.
Bà nhìn thấy nén hương trên mộ thằng Hai cũng cháy bừng lên. Bà mừng lắm. Như thế là hai anh em đã hoà hợp với nhau rồi. Bà lấy làm thoả mãn len vào ngồi giữa 2 ngôi mộ, sải 2 cánh tay về 2 phía. Một cánh tay nhỗ cỏ, một cánh tay mân mê lên từng viên đá. Bà nhớ hồi nào khi chúng còn nhỏ, có buổi đi làm về, nhìn thấy mẹ hai đưa con chập chững chạy ra. Bà không biết đón đứa nào trước đứa nào sau, đành giang 2 cánh tay ra hai bên cho hai đưa bíu lấy, nhào vào loìng me,û bà vội mở cúc áo ngực. Đôi bầu vú căng tròn bật ra. Hai đứa trẻ chúi đầu vào ngực mẹ háo hức bú. Bà nghe 2 đầu vú nóng ấm, đến lúc rát buốt, nhưng bà vẫn để yên cho con bú. Bà lặng ngắm môi hồng, đôi mắt trong và đội bàn tay của chúng như hai chồi con, vụng về vỗ lên má mẹ. Bà giả vờ cắn lấy ngón tay con, lắc lư cái đầu, lắng nghe niềm sung sướng, hạnh phúc dâng tràn.
Hai đứa trẻ sinh âäi giống nhau như 2 giọt nước mắt. Đứa ra trước bà đặt tên Hai, đứa ra sau bà đặt tên Cả. Theo quan niệm các cụ xưa đứa nào ra trước là em, đứa nào ra sau là anh "Anh luôn nhường cho em đi trước". Chẳng biết các cụ nói có đúng không, nhưng xưa baìy, nay làm, bà phải tuân theo tục lệ. Có điều trong thẳng Cả khôn hơn thẳng Hai thật. Cái gì nó cũng nhường em từ đồng quà miếng bánh cho đến bát cơm, manh áo, cuốn vỡ , ngòi bút, nó thường giành cho em phần hơn. Bà còn nhớ vào một buổi chiều 2 đứa chơi ngoài bãi cỏ, thằng Cả bắt được con cào cào, nó vẫy tay gọi em:
- Hai ơi! lại đây anh cho con cào cào
Thằng Hai chạy đến chộp lấy.
- Ô! Thích quá!
- Giữ lấy mà chơi nhá!
- Em bẻ chân nó
- Ấy không được
Thằng cả chạy đến ôm chặt lấy em, lần mở từng ngón tay. Con caìo cào rơi xuống. Tếch! Tếch! Tếch con cào cào mở tung đôi cánh tím bay vút lên trời xanh. Thẳng cả vỗ tay hoan hô, thằng Hai ngồi bệt xuống đất khóc nhè, chờ anh dỗ mãi mới nín. Chúng nó lại kéo nhau chạy ùa ra kênh mương. Một cuộc lặn ngụp đuổi bắt, té nước xảy ra hàng tiếng đồng hồ vẫn chưa đã.
Hai đưa trẻ lớn nhanh như thổi. Đến tuổi mười tám đôi mươi chúng nó to cao bằng nhau và có khuôn mặt chữ điền như nhau. Đứa nào đứa nấy tay chân nhắc nịch và bäü ngực nở nang như ngực chim ưng. Đã thế, chúng lại học rất giỏi, năm nào cũng được nhà trường tuyên dương khen thưởng. Đến năm thi tú tài cả hai đều đạt điểm nhất nhì. Các trường đại học đang mở cửa chờ đón chúng nó. Nay mai chúng không thành bác sỹ thì cũng thành kỷ sư hoặc làm một nghề gì có cũng không đến nổi nghèo đói. Chúng nó sẽ là chỗ dựa vững chắc cho đời bà, lúc già cả ốm đau. Ấy thế mà bây giờ bà phải ngồi khóc con giữa hai nấm mộ. Chao ôi! cuộc đời bà sao mà cay nghiệt, trớ trêu...
Tất cả bắt đầu từ trưa hôm ấy. Cái buổi trưa hai đưa đang ngồi ọc bài, thấy mẹ bị đau bụng, hai thằng bỏ bút phân nhau mỗi đưa chạy mỗi đàng. Thẳng Cả lên rừng tçm lá thuốc cho mẹ còn thằng Hai về thị trấn để kiếm thầy lang. Chúng nó đi mãi đến tối chưa về, đến khuya cũng chẳng thấy về. Cây đèn dầu hoả trên bàn lặng lẻ toả ánh sáng vàng vọt khắp căn nhà. Tiếng gà eo oc gáy sang canh, làm cho lòng bà thêm chộn rộn. Bao nhiêu câu hỏi cứ quấn lấy trong đầu. Thằng cả lền rừng bị rắn cắn? Hay bị cọp vồ? Thằng Hai xuống chợ bị xe tông hay bị bọn bụi đời đánh đập? Bà dằn vặt suốt đêm, sáng dậy đứng bắt mặt nhìn ra vẫn không thấy bóng con đâu cả. Bà chạy tìm con khắp nơi: Một ngày, hai ngày rồi ba ngày... hai đưa con biệt vô âm tính. Bà phải chạy nhờ xóm làng anh em họ mạc đi tìm giúp. Năm ngày sau có tin báo rằng: Thằng Hai đã bị chính quyền nguỵ bắt lính còn thằng Cả đi theo cộng sản. Hai nguồn tin ấy đến cùng một lúc..., bà đau đơn vô cùng.
* * *
Tặc tặc đùng! Tặc tặc đùng!...
Tiếng súng của hai bên nổ giòn.Trận đánh xẩy ra từ năm giờ sáng đến bốn giờ chiều vẫn chưa dứt. Bọn nguỵ dùng máy và pháo binh yểm trợ cho lục quân tấn công. Bây giờ tiếng suïng của quân giải phóng rãn dần. Bà lo lắng vô cùng. Bà chấp hai tay vào ngực "lạy trời lạy đất phù hộ cho quân giải phóng chiến thắng". Bọn địch ào ào tiến công. Bà hồi hộp đếm từng tiếng súng của quân giải phóng.
- Đồng chí Cả rút lui! Không được liều lĩnh! Tiếng của một chiến sĩ nào đó hét vang khiến bà giật mình. Cả? Cả nào? Có phải Cả con nhà này không? Rất có thể nó tham gia trận đánh này. Bà hồi hộp chờ đợi một tiếng trả lời. Và ruột gan bà thắt lại khi nghe rõ tiếng Cả hét to:
- Đồng chí rút lui! Để tôi bắn yểm hộ.
Bà vụt chui ra khỏi hầm, định chạy về phía Cả. Nhưng bước chân bà chững lại khi nghe phía nguỵ quân có tiếng gầm lên như con mãnh thú.
- Chúng chỉ còn một tên. Bắt lấy nó. Đ. mẹ xé xác nó ra cho tao!
Trời ơi!... tiếng thằng Hai - Bà gào thầm trong lòng. Chạy. Bà vừa chạy vừa hét.
- Dừng lại! Không được bắn nhau! Các con ơi! dừng lại.
Tiếng súng hai bên xối xả vào nhau. Bà chạy ào ra giữa hai làn đạm.
- Đừng bắn nhau! Các con có nhận ra nhau không? Cả ơi! Hai ơi! Trời ơi...
Bà nghe bên này tiếng súng của Cả ngừng lại. Bên kia bọn lính cứ lúc nhúc bò lên. Bà chạy băng qua mấy hàng dừa, nhào đến ôm chặt lấy thằng Hai.
- Đằng kia là anh con! Con có biết không? hả!
Thằng Hai nhíu đôi lông mày, mồm bặm lại, nó "hừ" một tiếng rồi ra lệnh cho boün lính rút lui. Thằng Cả hùng hục ôm súng chạy đến, định xốc lưỡi lê vào bụng thằng Hai.
- Cả! - Bà hét lên.
Hai đôi mắt đỏ ngầu. Hai đôi môi khô cháy. Máu! Máu chảy từng dòng trên hai khuôn mặt. Máu đổ xuống ngực. Máu đầm đìa ở hai đôi bàn tay máu dính bùn đất thuốc súng bê bết trên hai con người.
- Trời ơi.... Con tôi.... Con tôi đâu rồi.
Bà nhìn hai âæïa con, kinh hãi, rú lên một tiếng rồi nhất xỉu...
Bây giờ chúng nó đã về nằm yên trong 2 nấm mộ! Hai nấm mộ không nói được với bà một lời nào, mặc cho bà đau xót khóc than.
Bà ngồi thế cho đến lúc màn đêm buông xuống, sương đêm phủ dày. Khu mô họ Hoàng chìm trong bóng tối. Thỉnh thoảng ghe tiếng gió hú đi qua, một vài con đom đóm lập loè bay lên, soi rọi vào các lăng mộ. Mặc kệ, bà không còn biết sợ. Bà quyết định đêm nay ở lại với con.
Đặt mình xuống đất, bà nằm ngữa mặt, hay tay giang ra đặt lên hai ngôi mộ. Đầu óc cứ vân vi suy nghĩ về con. Cho đến lúc thiếp đi trong cơn mộng mị, hình ảnh hai đứa con thời thơ bé hiện về. Thằng Cả nằm một bên, thằng Hai nằm một bên. Hai đứa con gối đầu lên hai cánh tay của bà. Hai đôi mắt tròn. Hai đôi môi xinh và hai đôi bàn tay nở hoa lên ngực mẹ. Chúng bú say sưa, ngon lành. Bú no, cả hai chồm dậy, vươn sang người mẹ chơi đùa với nhau. Và bà thấy chúng cũng mọc cánh. Hai đứa con hai đôi cánh mỏng tanh. Vút bay lên hoà nhập vào lủ con của người đàn bà trong câu chuyện truyền thuyết để biến thành hai ngôi sao nhấp nhoáng hòa điệu với ngàn sao chi chít giữa trời...
Năm cây hoa gạo
Sau khi hoàn tất xông việc xây dựng công trình nghĩa trang liệt sĩ, đơn vị chúng tôi lại tiếp tục thực hiện một hợp đồng mới. Đó là việc thi công một con đường cho lâm trường BH. Con đường dài đến 20km, chạy dọc theo hướn bắc nam, đến đoạn suối nghè rẽ theo chân núi, quật ngược lên phía Tây tiến thẳng vào lâm sàng. Công trình này quả thật là phức tạp vì địa hình ở đây rất hiểm trở, hơn nữa đã sắp đến mùa mưa, nếu không triển khai kịp thời thì những cơn lũ sẽ phá vỡ toàn bộ kế hoạch.Trước khi triển khai công trình Ban giám đốc của chúng tôi đã họp suốt một ngày đưa ra mọi phương án tác chiến. Công việc được cân nhắc thận trọng giống như mở một trận đồ đánh giặc. Muốn thực hiện được kế hoạch, việc đầu tiên phải tìm cho ra một vị trí dựng trại, thuận tiện cho việc sinh hoạt đời sống và vận chuyển nguyên vật liệu dễ dàng. Tổ chúng tôi được Ban giám đốc giao cho nhiệm vụ ấy. Tôi biết cấp trên đã " chọn mặt gửi vàng" không cố là không được .
Đã gần một ngày trời trèo đèo lội suối, khảo sát địa hình , chúng tôi vẫn chưa tìm được một nơi vừa ý. Chân tay đứa nào đưa ấy mỏi rã. Đầu óc như có một hòn sỏi lăn lốc bên trong, nhức buốt. Đói. Mệt. Tất cả chẳng ai bảo ai đều dừng lại trên ngọn đồi.
Tôi nằm gối đầu trên một phiến đá ngắm nhìn ánh tà buông xuống một màu tím nhạt. Xa xa những ngọn núi ẩn trong làn sương mỏng, một ngọn thác trắng xóa phóng xuống ghềnh đá, từ đấy vọng lên những âm thanh trầm buồn. Tiếng đàn chim chíu chít rộ lên phía đại ngàn kết thành một vạt âm thanh trải dài. Tôi nhìn thấy dưới thung xanh có một hàng cây hoa đỏ mọc lên giữa thiên nhiên thanh khiết. Dáng cây cao, tán rộng, điểm thắm một màu hoa tạo thành những nén hương khổng lồ thắp lên giữa núi rừng.
-Kia rồi các đồng chí ơi!
Tôi buột mồm kêu lên, chỉ tay về phía hàng cây.
Tất cả mọi người nhìn theo và đều thốt lên:
- Đẹp quá!
Cậu Tân nói với giọng hào hứng :
-Có một hàng cây cao tỏa bóng mát, lại ở trên vị trí bằng phẳng , nằm kề con suối rất thuận tiện cho việc lấy cát sạn. Chỗ ấy dựng lán tuyệt vời.
Tôi khoát tay:
-Nào! xuống xem đi.
Chúng tôi khoác vội ba lô, bươn xuống, mắt không rời màu hoa đỏ. Có thằng ham ngắm nhìn trượt ngã, cả bon được một trận cười. Khi chúng tôi đến gần, cậu Hạ chép miệng nói theo giọng của con nhà nghiên cứu:
- Lạ thật giữa rừng mà có năm cây hoa mọc thẳng một hàng, tạo hóa thật khéo xắp xếp.
Bỗng cậu Tân reo lên:
Không phải cây rừng mà cây hoa gạo các đồng chí ơi!
Bốc phét, ở rừng làm gì có cây hoa gạo - cậu Tân càu nhàu.
Chúng tôi bước lại gần. Đúng là hoa gạo thật. Tại sao giữa đại ngàn lại có năm cây hoa gạo mọc thẳng tắp một hàng. Có điều gì bí ẩn của thiên nhiên đất trời đây chăng? Năm cây hoa gạo lẳng lặng đội một màu lửa râm ran dâng trời. Chúng tôi cởi vội ba lô, ôm từng gốc cây ngắm nghía. Cậu Tân nhanh như con sóc leo lên cây với tay đu từ cành nọ sang cành kia. Thỉnh thoảng cậu ta ngắt một bông hoa đưa lên mồm nút chùn chụt " ngọt quá chúng mày ơi" và bẻ một vài cành hoa ném xuống "đấy cho chúng mày bồi dưỡng". Ba thằng tụm lại giành nhau chẳng khác nào trẻ con. Chúng tôi, chẳng hiểu sao thấy không vui. Có điều gì đó làm tôi bồi hồi.Tôi đứng lặng thả hồn trong cơn gió thổi, ngắm nhìn những cánh hoa rơi rơi như một cơn mưa hồng thoáng nhẹ trước mắt.
Đêm đã về khuya, thời gian đang đi đén tận chiều sâu của nó. Mảnh trăng cuối tuần tỏa ánh sáng mát lạnh hòa với màu sương, rải một màu huyền ảo suốn núi rừng. Tân và Hạ đã ngủ từ lâu, còn tôi thao thức mãi không sao chợp được mắt. Nghĩ đến công việc ngày mai phải làm sao đây để trong vòng một tuần phải dựng xong lán trại và rồi nhiệm vụ thi công con đường sắp tới sẽ gặp bao khó khăn. Mọi việc diễn ra trước mắt tôi, khiến lòng tôi lo lắng cồn cào.
Ngoài kia trăng vẫn sáng, những vạt sương mờ trôi. Ngọn gió từ núi cao lùa xuống như vẻ hào phóng của đất trời, khiến tôi nghe lành lạnh. Tôi kéo tấm chăn phủ kín đầu, lắng nghe những giọt sương rơi tí tách trên vòm lá, gõ những nhịp đều đều khiến hồn tôi vào cõi mơ hồ. Tôi nhìn thấy có một bàn tay ai hiện ra. Bàn tay hồng năm ngón nõn nà đặt lên cánh võng, khẽ đưa,. Tôi cố nhìn cho ra nét mặt người con gái nhưng không thấy rõ chỉ thấp thoáng một nét hồng mờ ảo trong sương. Một tiếng cười lanh lảnh từ dưới khe vang lên, tiếng cười như vầng trăng vỡ ra thành tiếng. Năm cô gái hiện ra trên dòng suối. Họ đều khỏa thân. Nước suối trong veo quấn lấy thịt da trinh nữ. Họ đang đùa nghịch vẫy nước lên nhau. Những hạt nước tung lên trắng xóa, rơi xuống những bộ ngực thây lẩy. Lát sau thấy họ chạy vào. Họ đi nhẹ như sương bay. Tất cả xếp thành một hàng. Năm cô gái mặt hoa da phấn. Năm đôi mắt sáng như sao trời. Tất cả lặn dần vào không gian, từ đó hiện ra năm cây hoa gạo. Năm cây hoa tung cánh nở râm ran.
Sáng hôm sau, Tân hỏi tôi:
- Đêm qua mày có mơ thấy cái gì không ?
Câu hỏi của Tân làm tôi chột dạ, tôi định kể cho Tân nghe toàn bộ câu chuyện nhưng sợ Tân hoang mang tôi bảo không.
Tân ghé vào tôi nói nhỏ:
- Tao mơ thấy một điều kỳ lắm mày ạ.
- Mơ thấy gì ?
- Mơ thấy năm cô gái đẹp như tiên ôm năm cành hoa gạo múa hát, đôi chân họ lượn đẹp như chim công. Đang hát vui bỗng nhiên họ cùng quỳ xuống ấp nhành hoa gạo vào lòng mà hát ru, mà âu yếm vuốt ve. Rồi tất cả cùng gào khóc, những tiếng khóc đau đến xé lòng. Phút chóc thấy họ đứng dậy, mái tóc người nào người nấy đều buông xõa, tất cả đi về phía núi, họ đứng trang nghiêm trên đỉnh Trường Sơn, năm cành hoa gạo dâng lên đỏ rực cả chân trời
Thế ra, giấc mơ của Tân na ná giấc mơ của tôi, cũng năm cô gái, cũng năm cây hoa gạo...Đúng là ở đây có ma thật rồi.Tôi nghe có một cái gì đấy lạnh toát dọc sống lưng, lăn măn bò khắp cơ thể, cuồn cuộn dâng miết lên đầu như muốn nhấc bổng cả người mình lên. Trưa hôm sau đi làm về giữa lúc anh em đang rửa mặt ở ngoài suối, cậu Hạ lên lán trước một mình. Bỗng nghe cậu ta rú lên:
á giời ôi!
Cậu ta vừa hét vừa chạy bạt mạng về phía chúng tôi, đầu ngoái nhìn phía sau suýt nữa đâm nhào suống suối. Tôi kéo tay Hạ giữ lại hỏi :
- Có việc gì thế?
Hạ nhìn chúng tôi bằng đôi mắt xanh lét, chỉ tay về phía cây gạo, mồm rú rớ nói không thành tiếng:
-Nó ! Nó đấy!
- Nó? Nó là ai? ở đâu?
- Ma! C...o...n ma ở đầu gốc cây gạo.
- Bậy! Làm gì có chuyện.
- Thật tôi thấy nó rõ ràng. Lúc tôi vừa dưới suối đi lên thấy một cô gái đứng chải tóc dưới gốc gạo kia, tôi chưa kịp chào thì cô gái ngoảnh lại thấy tôi, bỗng nghe đánh boong một tiếng, ánh hào quang tỏa sáng làm chói lòa cả mắt tôi, cô gái vụt biến đâu mất. Hình như biến vào cây gạo kia.
- Hãy chỉ cho bọn tớ xem đi.
Cậu Hạ cầm tay chúng tôi, rụt rè từng bước, đến đoạn Hạ dừng lại:
- Đây, chính cô ta lặn vào cây này. Cái nhánh cong cong kia chính là khuỷu tay của cô ấy đấy. Chỗ vỏ cây có mấy đám hồng hồng chính là da thịt của con gái lặn vào chưa hết đấy.
- Vớ vẩn. Con trai gì mà yếu bóng vía thế - Tôi quát lên! Và chạy đến ôm lấy gốc cây.
- Đây này! có ma quỷ gì đâu?
Nói vậy, chứ tôi cũng nghe rờn rợn, cảm giác lạnh toát từ thân cây như dính vào mười đầu ngón tay, xoắn vào tận xương thịt. Bởi thế mỗi lần vì công việc gì đấy, phải đến gần gốc cây là tôi rất dè chừng. Không khéo từ thân cây sẽ bật ra một cái đầu hoặc một bàn tay cũng nên. Tối đến, anh em trong tổ không dám đi ra xa, cứ túm tụm lại cùng nhau, đến khuya giấc ngủ cứ chập chờn.
Thấy tình hình căng thẳng tôi đành hội ý anh em để trấn an tư tưởng. Cậu Hạ đưa ra ý kiến đề nghị chuyển trại. Tôi quyết định phải ở lại. ý kiến của tôi được anh em toàn tổ đồng tình, nhất là cậu Khánh - người được mệnh danh là "chàng lì" vì cậu ta rất bạo chẳng biết hùm beo ma quỷ là gì . Tối đến cứ mắc võng vào cành cây, chỗ có " con ma" mà ngủ. Tiếng mngáy cứ kho kho nghe thật khỏe khoắn.
Vào những ngày tháng năm đơn vị của chúng tôi đã tập trung đông đủ. Công trình bắt đầu mở đợt thi công đầu tiên. Anh em trong đơnvị người nào việc ấy cứ hì hà hì hục suốt ngày.Tối đến quây quần trong lán trại, chơi cờ đấu vật hoặc đàn hát rộn cả núi rừng. Chẳng hề thấy con ma đâu nữa. Có người nói thấy bộ đội đông quá con ma không dám đùa, hàng ngày tiếng xe, tiếng máy, mìn nổ rung chuyển cả núi rừng, ma quỷ rồi cũng biến. Chẳng hiểu có phải thế không? Vào một ngày kia khi công trình đã hoàn thành, đơn vị chúng tôi tổ chức ăn mừng, sau bữa tiệc anh em lại đàn hát, đến khuya lăn ra ngủ. Tôi không ngờ đêm ấy giấc mơ lại tái hiện. Không phải một người mơ mà nhiều người mơ. Năm cô gái ấy lại hiện ra múa hát, vẫn những tà áo bay bay như sương mỏng, vẫn những bước chân nhẹ như chim công. Những bông hoa gạo được tung lên đỏ cả bầu trời. Có điều lần này rất khác lạ, năm cô gái kia sau khi múa xong, tất cả lại biến thành năm người mẹ. Những người mẹ cúi xuống bên những chiến sĩ, tay mân mê cài cúc áo cổ cho con, âu yếm vuốt ve lên từng mái đầu mà đôi mắt rân rấn lệ. Chỉ vài phút sau họ rời tay khỏi đàn con rồi tan vào hoa vào lá.
* * *
Lão Hồ Xeng - một già làng trong bản ra chơi nghe chúng tôi kể chuyện, lão nói: Đó không phải con ma rừng mà là con ma nhà, không chỉ bộ đội thấy mà dân bản cũng từng thấy.
Hồ Xeng còn kể rằng: Những con ma này thiêng lắm, ai có cái bụng tốt thì nó xui cho gặp những điều may mắn còn ai có cái bụng xấu thì nó xui cho gặp những chuyện rủi ro. Nhớ năm ngoái, có hai thằng chặt trộm gỗ, tối về nằm ngủ dưới gốc gạo bị năm con ma bóp cổ, nghẹt thở, kêu la gần chết.
Chúng tôi hỏi: Già làng có biết những con ma này xuất hiện từ bao giờ.
- Biết nhưng nói sợ mất quan điểm.
- Không sợ gì cả. Già làng cứ nói đi.
Hồ Xeng gật đầu, mắt đăm đăm nhìn về phía núi, cất giọng trầm trầm: Chuyện là ri, cách đây hơn hai mươi lăm năm về trước, có một tiểu đội thanh niên xung phong ở đây, năm cô gái đẹp như năm búp măng rừng. Họ làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đọan đường này. Một hôm máy bay giặc Mỹ đến ném bom, năm cô gái cầm súng bắn đạn vào lũ giặc trời. Lúc ấy cả núi rừng rung lên. Đất đá rơi ào ào, cây rừng cháy ràn rạt. Dòng thác núi Voi đổ ầm ầm như dốc hết nước xuống vực ghềnh. Con chim Cơ-rưng vút lên giữa trời như một mũi tên trắng. Lát sau bọn giặc trời rút lui, cả bản làng ùa ra con suối đi tìm. Tìm mãi mà không thấy các cô đâu, chỉ thấy ngôi lán đã cháy trụi chỉ còn lại một đống tro, xung quanh dày đặc những hố bom, lửa còn im ỉm cháy.
Bà con dân bản chia nhau mỗi người chạy mỗi đường. Những tiếng gọi cán bộ ơi! Các cô ơi! Rung ầm khe ầm suối, ngân vào núi vào hang, dội ngược lại làm tức cả ngực. Tìm mãi, tìm mãi mới phát hiện thấy bên cạnh con khe một vạt máu hồng tưới tràn lên ngọn cỏ. Máu chảy dọc bờ khe, máu hòa trong con nước, máu lâm li trên những lá cây. Bà con dân bản gọi nhau tụ lại, quỳ xuống trước núi rừng...Mấy ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục tìm, cầu may gặp được xác các cô. Nhưng không hề tìm được một xác nào. Tất cả các cô đã hòa vào đất, vào đá, vào suối, vào sông, vào ngọn cỏ lá cây và trở thành những con ma lành của núi rừng này.
Thế còn năm cây gạo thì sao? - Tôi hỏi .
Ông Hồ Xeng đưa tay quệt nước mắt rồi trả lời:
Năm cây hoa gạo đó chính là kỷ vật của năm cô để lại cho rừng. Vào một dịp tết của năm đó, năm cô được phép về nhà, họ lấy năm cây hoa gạo lên trồng trước cửa trại. Năm cây hoa gạo lớn rất nhanh. Ngày các cô hy sinh là ngày cây gạo đơm hoa mùa đầu. Đến bây giờ đã hai mươi lăm năm rồi, các cô không còn nữa, nhưng vẫn hai mươi lăm mùa cây gạo dâng hoa. Bà con dân bản bảo nhau hãy bảo vệ lấy chúng, vì đó là nhà của năm cô gái.
Nghe lời già làng kể, anh em chúng tôi không kìm được nước mắt. Nước mắt chảy tràn trên má, trên môi, mặn chát.
Sáng hôm sau khi đơn vị rút quân, anh em chúng tôi tập hợp lại bên nhau, thắp lên năm nén hương, đứng nghiêng mình trước hàng cây hoa gạo.
Lòng tôi lúc ấy gọi thầm: Các cô, các dì ơi... cho chúng con xin được gọi các cô, các dì là mẹ. Mẹ ơi mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Chúng con là những người lính trẻ, những người kế tục sự nghiệp của mẹ để tiếp nối con đường. Xin cám ơn mẹ đã che chở cho chúng con, mẹ đã trở thành hồn thiêng đất nước. Mẹ là muôn thuở mai sau...
C.H
Người thắp hương trên cánh diều
Đó là một buổi chiều mùa thu trong vắt, tôi bâng khuâng nhìn theo bóng bà đứng trên Đài tưởng niệm. Mái tóc bà bạc trắng phất phơ dưới trời chiều. Bà đứng chơi vơi nhìn bốn phía, rồi hướng theo dòng sông Thạch Hãn thao thiết đổ về biển khơi. Tôi biết lòng người mẹ đang xao xát thương đau với vong hồn đứa con lẩn khuất đâu đây giữa đất trời, cỏ cây, sông nước. Không gian thành cổ in một nét hao gầy....
Lúc sáng, tôi gặp bà ở cổng thành, thấy bà ôm một bó hương lớn và xách một con diều. Con diều làm bằng vải mỏng, mang hình chim phượng, trông rất đẹp. Chắc phải có bàn tay nghệ nhân nào đó khéo léo lắm mới tạo được một con diều như thế. Mới nhìn qua tôi biết đó là con diều Huế vì nó mang cốt cách thanh tú của xứ Cố Đô. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao bà cụ lại mang diều vào Đài tưởng niệm. Tôi chưa kịp hỏi, bà đã vỗ vào vai tôi bảo:
- Anh mần ơn chỉ giùm tôi đồng chí phụ trách.
- Mẹ đi viếng người nhà à?
- Dạ tui đi thắp hương cho thằng Út con tui. Hắn hy sinh ở đây.
- Vậy mẹ cứ vào thắp, cần gì phải gặp người phụ trách?
- Không được mô anh ơi....Mỗi người đến đây thắp hương đều thắp theo mỗi kiểu. Người thắp trên Đài tưởng niệm, kẻ thắp dưới sông, gốc dừa, luỹ tre, bãi cỏ. Ai mà quản lý được.
- Thành cổ là nấm mồ chung mà mẹ. Hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây, thân xác họ không những bị chôn vùi nơi gốc cây, bãi cỏ mà có khi còn bị lấp vào tận đấy dòng sông hay tan biến giữa đất trời.
- Anh nói sao? Tan vào trời đất ư?
Bà cụ thốt lên. Hình như câu nói của tôi chạm vào miền tâm tư sâu kín nhất của cụ bật thành lời thảng thốt. Tôi thấy hối hận, nhưng chẳng hiểu sao lại nói tiếp:
- Dạ....rất có thể mẹ ạ. Vì lúc đó hàng trăm quả bom Mỹ cùng dội xuống một lúc, đất đá, cây cối bắn tung lên trời. Tất cả bị vày vò xé nát, hỏi thân xác con người đâu còn?
Bà cụ trở lên quay quắt:
- Anh mần ơn chỉ giùm tôi đồng chí phụ trách đi. Mắt tôi không thấy. Mau đi anh.
Tôi chẳng hiểu nguyên cớ thế nào, chỉ biết vâng theo lời bà, chạy tìm quanh một lượt, không thấy đồng chí phụ trách đâu cả, quay lại nói với bà:
- Hôm nay đồng chí phụ trách đi vắng mẹ ạ.
Bà thất vọng đứng châng lâng. Mặt mày tái nhợt, trông rất khắc khổ. Thấy vậy, tôi bước đến an ủi bà:
- Mẹ cứ yên tâm lên thắp hương, có gì con chịu trách nhiệm cho.
Bà lắc đầu đứng bần thần. Lấy trong túi ra gói thuốc, quấn một điếu, châm lửa hút. Đầu óc bà vân vi nghĩ ngợi. Bất chợt nhìn thấy những vòng hoa, bà hỏi:
- Các anh kết hoa thả xuống dòng sông cúng liệt sĩ à?
- Dạ, lát nữa thôi, mẹ sẽ thấy cả dòng sông hoa rực rỡ.
Nỗi buồn lắng xuống dần, niềm vui chợt hiện lên trong mắt bà:
- Ừ....tui cũng đã nghe người ta kể, nhưng không tin, bây chừ mới thấy tận mắt. Đã hơn bảy mươi tuổi đời, tui chưa hề thấy một cuộc cúng bái mô lạ như ri. Chắc chỉ có bộ đội mới nghĩ ra được cách cúng bái hay rứa đó.
Bà ngồi xuống cạnh chúng tôi, tay bà tỉ mẩn nhặt từng bông hoa đưa lên ngắm nghía và buộc lại thành chùm giúp chúng tôi. Công việc xong xuôi, chúng tôi đưa hoa ra bờ sông. Bà cùng đi theo. Lúc ấy tôi không nghe bà nhắc đến đồng chí phụ trách nữa. Bà cứ bám riết lấy chúng tôi thúc giục:
- Đến giờ chưa các anh? Thả được chưa? Thả đi!
Bó hoa trên tay tôi bắt đầu tung xuống. Những bó hoa đồng đội cùng tung theo, dòng sông phút chốc trở thành một dòng sông hoa rực rỡ trôi giữa hai bờ cỏ biếc, thơm nức thời gian thơm nức không gian. Bà mẹ thấy choáng ngợp trước những bông hoa đang xoay trôi, buột miệng kêu lên như trẻ nhỏ:
- Đẹp quá các con ơi.
Một đồng đội của tôi bấm vào vai tôi nói nhỏ:
- Tội nghiệp, bà cụ này không khéo bị chứng tâm thần ông ạ.
Nhưng đồng đội của tôi vừa dứt lời đã thấy bà cụ đứng khựng lại, hai tay chấp vào ngực, ngửa mặt lên trời khấn vái lâm râm, nét mặt đang vui trở nên trang trọng. Rồi bà lẩn thẩn bước đi trên bờ như một kẻ mộng du, theo hoa về phía cuối nguồn. Ở đấy vọng lại những câu Nam bình nghe da diết: “Nước non ngàn dặm ra đi....”
Tôi biết người mẹ ấy mượn lời người xưa để khóc cho đứa con mình đã ngã xuống hôm nay. Đó là tiếng lòng cồn cào, một tâm hồn thác loạn, nghe sao mà xao xát cả ruột gan. Chúng tôi đứng nhìn theo bà cụ cho đến lúc bóng bà nhoà vào trong cát....
Buổi chiều, mẹ hớt hải chạy lên, vừa thấy chúng tôi bà đã gào khóc:
- Mất! Mất hết cả rồi các anh ơi!
- Cái gì mất hở mẹ!
- Hoa mất.
- Sao lại mất?
- Tui không thấy con tui nhận, đồng đội hắn nhận mà biển nhận. Tất cả đã tan vào trong sóng bạc cả rồi!....
Mẹ nói như người bị hôn mê. Nét mặt bà tối sầm, trán lạnh toát. Chúng tôi đỡ mẹ ngồi xuống cố nói một câu thật gẫy gọn khúc chiết cho bà định thần.
- Các anh liệt sĩ hy sinh bất cứ ở đâu, rồi hồn họ cũng quy về biển cả thôi mẹ ạ.
Bà ngước nhìn lên, một vẻ lý trí sáng dần trong mắt bà. Bà gật đầu có vẻ thấm thía với câu nói của tôi. Anh bạn của tôi lấy trong túi ra một gói bánh mời bà ăn, bà lắc đầu, chỉ tay đòi xin bát nước. Tôi rót một bát nước đưa cho bà.
- Con mời mẹ.
Bà gật đầu, bưng bát nước uống luôn một hơi. Nước tràn qua khoé miệng chảy lòng ròng xuống cổ. Đặt chiếc bát xuống đất, bà nói ngay:
- Á....năm ni các anh có thả đèn không?
Câu hỏi của bà làm tôi nhớ lại, năm ngoái cũng vào dịp này, anh em đơn vị chúng tôi, những người còn sống sót về tổ chức lễ hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn. Chúng tôi huy động bà con dân chài và một số cư dân ở dọc bờ sông cùng tham gia. Những cây đèn được kết thành hình những lá cờ, ngôi nhà, chùm hoa, cây trái thả xuống dòng sông. Dòng sông lấp lánh tràn ngập ánh sáng rực rỡ. Dòng nước cuốn xoáy những cây đèn rối rít quẩn vào bờ rồi dạt trở ra êm ái xuôi về biển chấp chới phía chân trời như những ánh sao rơi.
Một thoáng hiện lên trong óc để tôi hứng thú trả lời với bà:
- Thưa mẹ, có. Tối hôm nay mời mẹ ra bờ sông chứng kiến.
- Ờ các anh cho tui đi với.
Tôi gật đầu với bà. Bà ngẫm ngợi một lúc rồi lại hỏi:
- Tui nghe nói các anh còn cúng bài hát cho đồng đội. Rứa cúng cách răng?
- Dạ sau khi thắp hương cho đồng đội xong, chúng con ngồi quây quần lại với nhau dưới gốc cây, ôn lại những kỷ niệm ở Trưởng Sơn. Những lời trò chuyện bỗng chốc vỡ oà thành tiếng hát. Một người cất lên và tất cả cùng theo. Những bài ca ấy như có từ trong máu vang lên nồng nàn khích động. Chúng con hát không phải để mình nghe mà để vong hồn đồng đội cùng nghe. Tiếng hát gọi hồn mẹ ạ.
Bà cụ khẽ thở dài:
- À, té ra rứa....
Bà đứng lặng phắc nhìn ra sông, giọng buồn bã:
- Thằng con tui cũng thích văn nghệ lắm. Hồi trước cứ chiều đến hắn thường ôm đàn ra bờ Hương Giang đàn hát cho đến tối mới về.
- Anh ấy hy sinh năm nào hở mẹ?
- Năm 1972, lúc ấy hắn mới mười sáu tuổi.
- Ồ, còn trẻ quá.
- Hắn theo Quân giải phóng từ lúc mười hai tuổi tê. Tui còn nhớ ngày đó hắn đang chơi thả diều bên bờ sông, có một người đến rủ hắn đi. Hắn chạy về nhà xếp vội áo quần. Tui nói để mạ xới cho con bát cơm ăn đã rồi đi. Hắn nói để bữa khác về ăn mạ ạ. Mạ cất con diều cho con, giải phóng xong con về chơi tiếp. Hắn nói rồi đi, y như đi học rứa. Nào ngờ năm năm trời biền biệt không thấy con về, tui lo đến mòn gan tím ruột. Rứa rồi một hôm có một người trên xanh về báo rằng “Em nó đã hy sinh rồi.....”. Cầm tờ giấy báo tử trên tay, tui thấy trời đất quay cuồng, những cú chao như rút ruột. Chao ôi....Thằng con út của tui. Hắn đã hy sinh ở chính nơi này. Chẳng biết thân xác con tui bị chôn vùi ở dưới đáy sông hay trong bãi cỏ. Con ơi....Con ở đâu cho mạ biết để mạ khỏi đi tìm. mạ đem con diều ra cho con đây....con diều mạ cất hai mươi lăm năm rồi....
Bà hấp hoảng cúi xuống xáh con diều bươn bả chậy đi. Bàn tay bà chới với lần tìm trong khoảng không. Chúng tôi chạy theo giữ bà lại, nhưng bà đã bứt ra nhập vào trong cảnh người xe huyên náo.
* * *
Lát sau bỗng nghe tiếng trẻ con gọi nhau ầm ĩ. Từ trong các ngõ phố chúng túa ra đường cái, đổ về cổng thành, háo hức reo hò. Theo tay chúng chỉ, chúng tôi thấy một cánh diều trắng muốt đang dâng lên giữa trời. Cánh diều được nối bởi một sợi dây căng nhức vút lên giữa Đài tưởng niệm, vọng lại những âm thanh côi cút trong chiều. Cả thị xã bất ngờ khi phát hiện thấy người thả diều kia là một bà cụ mặc áo dài thao, mái tóc bạc trắng đứng chơi vơi trên đỉnh Đài. Người mẹ ấy như thể đã hoá thân vào trời. Thị xã đang ồn ào phút chốc ngưng lặng, tất cả cùng ngửa mặt nhìn lên. Cánh diều măng một đốm lửa nhỏ xíu, vẽ vào trời một ánh sao băng..
Tự vấn
Tôi là ai ?
Mỗi lần tự vấn
Nỗi dày vò xoáy riết tâm tư
Tôi là ai?
Một nửa thực, nửa hư
Cứ dính vào nhau như hình với bóng
Có những lúc hình cao lồng lộng
Bóng nhập nhoà chỉ mấy tấc gang
Có đôi khi hình xơ xác héo tàn
Bóng lại toả nét hào hoa lộng lẫy
Tôi là ai ?
Một kiếp toe tua, một đời gấm lụa
Nửa cằm nhẵn nhụi, nửa cằm râu ria
Một phần ma quỷ, một phần từ bi
Tôi là ai ?
Một nửa tôi bay ở phía chân trời
Một nửa tôi neo vào trong cát bụi
Hai nửa cuộc đời nhập lại
Để thành tôi trong một kiếp CON NGƯỜI.
CUỘC ĐỜI PHIÊU DU
Cuộc đời thi nhân
Phiêu du một kiếp
Nuôi giữa đời thường
Con gà con vịt
Nuôi trong trời đất
Một giấc mơ buồn
Lang thang bốn phương
Râu tóc bạc xác
Còn hai hốc mắt (*)
để khóc cho đời
Cái mồm sếu sáo
Để nói để cười
Để chiêu cạn chén
Cho hồn lên ngôi
Mai về với đất
thắp lên tiếng buồn
Ta làm giọt nước
Trôi theo mạch nguồn
Câu thơ để lại
Ai người nhặt lên ?
CT : * theo ý thơ Trịnh công Sơn
VẼ
Vẽ trăng một nét gương soi
Có hình chú cuội ngồi cười trên mây
Vẽ non nghe tiếng sương bay
Cánh chim hồng nhạn trong mây mơ màng
Vẽ em một đoá hoa hồng
Gửi vào ở chốn hư không cho đời
Bây giờ tôi vẽ chính tôi
Rượu say, lạc bút
thôi rồi
mặt ai ?...