GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC
· Giải B báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 - 2000
· Giải nhất cuộc thi thơ xuyên thế kỷ của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 1998 - 1999
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
· Mùa Hạ và cỏ xanh (Thơ 1994)
· Thơ chọn lọc (Thơ in chung 1995)
· Phía sau làn nước (Thơ 1997)
· Vầng trăng trong mắt (Thơ 1999)
· Người họa mặt thời gian (Thơ 2000)
· Xin làng trồng lại cây đa (Trường ca)
· 72 bài thơ tự chọn (Thơ in chung 2001)
· Khất nắng một dòng sông (Thơ 2002)
· Bên kia giá lạnh (Thơ 2007)
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết về Thơ Lê Quang Sinh:
…Thơ Lê Quang Sinh mở trang nào cũng đẫm một chất quê rưng rưng thương nhớ, cay cay ân huệ, và, khát khát tình xưa.
Tôi chợt nhớ 20 năm trước, Sinh đang học những năm cuối Đại học Bách khoa Hà nội. Ở đấy có một nhóm sinh viên yêu thơ, tụ họp nhau lại làm một câu lạc bộ thơ mang tên là “ Vòm cửa xanh”. Có lẽ đấy là hình ảnh của cái cổng trường đại học - Cổng trường hình parabôn. Có mấy người trong nhóm thơ ấy, sau này đã thành danh: Nguyễn Quang Lập có thơ được giải thưởng, có tiểu thuyết được dịch ở Pháp; Nguyễn Thành Phong trở thành nhà thơ và hiện trong ban thư ký của tuần báo Văn nghệ. Cũng có những cái tên đẹp thời ấy như Thủy Tiên, Hồ Kim Nga... giờ tôi không rõ đang làm gì, ở đâu, nhưng nhớ về họ tôi lại nhớ một câu thơ của Hàn Mạc Tử: “ Trong đám xuân xanh ấy - Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Lê Quang Sinh phiêu bạt vào tận Sài Gòn, phiêu bạt sang nghề xây dựng, nhưng thơ thì không bỏ được. Thỉnh thoảng thấy tên anh trên những bài thơ in báo, in sách; rồi tên anh xuất hiện trong danh sách những người được giải thưởng thơ ở trung ương, ở địa phương. Lê Quang Sinh không có cái may mắn nổi bật như một vài bè bạn của anh, nhưng anh vẫn hành trình bền bỉ trên con đường thơ và không phải không tạo ra những điểm sáng của riêng mình:
Gặp nhau mừng ly rượu
bấy nhiêu năm chiết đầy
uống nửa vầng trăng lạc
ngất ngư chìm sau mây
Không nhớ quê đến “ngất ngư”, không nặng nợ với quá khứ, và không lưu lạc “bấy nhiêu năm” thì chắc gì Lê Quang Sinh đã “chiết đầy” tình quê như rượu như men trong những câu thơ khắc khoải đến nao lòng.
Những con bướm bay trắng lèn đá cổ
Những chiều tà gặp ổi chín bâng khuâng
Thơ không cốt tả mà cốt gợi, thơ không cốt kể mà cốt cảm. Khi những hình ảnh được nhìn bằng mắt biến thành những thi ảnh trong tâm thức nhà thơ thì lúc ấy thơ mới có thể bắt đầu. Con đưòng đi từ thi hứng đến một câu thơ, đoạn thơ và trở thành một bài thơ luôn tinh vi và lạ lùng, và mỗi người thơ đều tạo ra con đường tới thơ hay của riêng mình. Có người thơ đi trên con đường cheo leo hiểm trở. Có người thơ đi trong bóng tối u minh, và có người thơ lại đi trên con đường bằng phẳng, êm ru. Lê Quang Sinh dường như đã chọn được cho mình một con đường trở lại quê nhà thật chân thành và mộc mạc. Thơ anh len về tận các ngõ nhỏ của ký ức làng quê. Và dù đôi lúc còn vụng về, thừa thải ngôn từ, nhưng cái tình quê, cái cảnh quê, cái nỗi khắc khoải thương quê của Sinh là vô cùng sáng rõ:
Xin làng trồng lại cây đa
thẳm xa gương mặt làng ta tụ về
Chắp tay, trước núi sông kề
trăm năm nhân kiệt lại về địa linh
Trong một xã hội đầy biến động mà bước chân công nghiệp đang ồ ạt tiến về làng quê làm thay đổi cả cảnh sắc, con người nơi thôn dã, thơ Lê Quang Sinh vẫn không chịu nhuốm màu “công nghiệp hóa”. Khao khát bảo tồn vẻ đẹp xưa không hẳn là bảo thủ hay lạc hậu, mà đấy lại chính là bản tính nhân văn truyền thống của người Việt. Đọc thơ Lê Quang Sinh, tôi như gặp lại cây cau, giàn trầu, giếng thơi nơi thành phố ngất ngưởng nhà lầu. Con người của thời đại lấn chiếm bầu trời hầu như càng thắc thỏm nỗi nhớ về mặt đất. Cũng như càng đi xa về phía thị thành đô hội, người ta càng khắc khoải một niềm thương nhớ đồng quê vất vả mà thanh bình.
Đọc thơ Lê Quang Sinh cũng có nghĩa là cùng anh hành hương về ký ức làng quê.
CẢM NHẬN
Tôi trở về những bến đợi những câu thơ
nuôi hy vọng cái mình cầm chẳng được
chiều thánh thiện màu hoa hoàng điệp
mặc trời xanh xoay xở những vầng mây.
Không ai xui tôi thao thức đêm ngày
chút thoáng qua mơ hồ như cỏ bạc
đem thương nhớ gieo vào lạnh nhạt
tôi tìm về bóng dáng một mình tôi.
Chiếc lá rơi còn mang gió bầu trời
nhưng tôi biết cây nặng tình với đất
sông lắng lòng phù sa hóa mật
giữa nồng nàn tôi là kẻ bơ vơ.
Tôi trở về bến đợi những câu thơ
lặng lẽ vốc lên tay mình nắm cát
chút phiêu lưu tưởng chừng cầm chắc
lại dễ dàng tuột khỏi kẽ tay.
HÀ NỘI ĐÊM CUỐI
Nào ngồi cả xuống đây chậu than còn ém lửa
ngọn lửa hiện lên khuôn mặt những chân trời
hạt ngô sữa ủ mùi trong tro nóng
mười mấy năm cời lại rối bời.
Chúng tôi ngồi hơ tay lên kỷ niệm
ấm mặt này lại giá mặt bên kia
lá me bay - Sợ đêm nhiều lá rụng
một đời than vun lửa để tàn.
Chén nước trà vùi khuya khoắt vào trong
đêm yên tĩnh dâng đầy lên mặt phố
khói thuốc lào vẩn vơ đi ở
chúng tôi ngồi chia sương cho nhau.
Chúng tôi ngồi nướng vợi bớt đêm sâu
gốc me cũ, ngọn sấu già rỏ nước
mùi hương ấy, bầu trời hoe mắt ướt
hoa sữa mang đi, ký ức chở về.
Những người lao công từ phía bờ đê
tiếng chổi dồn đêm vào từng ngõ nhỏ
khuya Hà Nội chênh vênh những gió
đính hờ lên nếp ngói mỗi kiếp nhà.
Đêm vẫn dành cho những kẻ đi xa
bữa tiệc bày ra với nhiều quá khứ
người nướng ngô phủi bụi than ý tứ
cứ sợ mình quá lửa với ngô non.
PHÊN LỎNG GIÓ LÙA
Gió trời mấy cuộc buồn vui
lặng nghe lá vỡ bên chồi tơ non!
Đêm hao, biết vọng ngày tròn
tìm đôi câu hát để còn ru nhau…
Sinh ra bông giấy tím nhàu
người đem sông suối bắc cầu liêu trai!
Gom về trời đất Thiên Thai
vào trong râu trắng, vận ngoài tóc đen
mới thì lạ, cũ đã quen?
Đa mê vợi chút muộn phiền… mà vui!
Đục trong ký thác với đời
câu thơ vời vợi, trò chơi trốn tìm…
Bờ chiều, lau trắng, nắng im
chớ đem bóng nước đi tìm hồn mưa!
Đã khi phên lỏng gió lùa,
lạt măng buộc những được thua nỗi gì!
Cây chùa tựa bóng từ bi
lá xanh thắm lại đã vì sắc thu?
Chở theo bao tiếng chim gù
mùa xa ngăn ngắt, gió ru rì rào…
Người ơi, trong cõi thấp cao
cái rơi, cái rụng cũng vào suối sông!.
NGHĨA KỲ
Thuở nhỏ,
cha theo ông lên Phúc Tường làm thợ
gặp mẹ - Chân quê!
Ngày cưới, đồng làng mùa lũ
cá rô rạch bờ lên đê.
Xuôi ngược mẹ cha bươn bả
sáng bán cỏ gianh, chiều nấu cao bét bò*
dốc đò Sét mưa rào trơn tuột,
thất thểu ngày xuân bữa đói bữa no!
Mái gianh úp xuống những đời lam lũ
hạt lúa không kịp chín để thành mùa,
cái chảo gang rang một đồng ngập nước
củ chuối ngào cùng con ốc, con cua…
Cái rét tháng ba, một manh áo vá
mẹ tôi mang đòn gánh lên rừng…
Gánh bổi quá vai, sương trời mờ mịt
vạc kêu đồng cóng vách phên thưng.
Ai nào biết núi Cao, núi Mọn…
Củ sắn đào non cứu đói bao nhà,
đồng Mực, đồng Đằn, cỏ năn, cỏ lắc
đỉa bám đầy quanh thắt lưng cha.
Năm bốn lăm khởi nghĩa,
từ làng tôi cờ đỏ sao vàng
lan sang làng khác…
Nước sông Mã phù sa ùng ục
Nghĩa Kỳ thành tên gọi mới làng tôi!
Làng vẫn nghèo,
được tiếng là hiếu học,
chúng tôi lớn lên cùng với dân làng
bằng lá sắn nộm vừng, hạt bo bo…
Con chữ lặn vào người xiêu vẹo!
Cha tôi đi dân công hỏa tuyến chiến dịch thượng Lào
lại gánh, lại gồng, lại đèo, lại suối
bàn chân cha tứa bao lần đá núi
Tiếng điếu cày òng ọc rít lên…
Chín năm, rồi hai mươi năm
hết chống Pháp lại đi đánh Mỹ
như cây tre dẻo dai, bền bỉ
làng đi qua hai cuộc chiến trường kỳ
đời cha, đời con nối nhau đi đánh giặc
trọn lời thề nghềnh Sét đứt làm đôi!
Mái gianh thưa dần,
nhấp nhô mái ngói…
Tôi trở về làng qua chiếc cầu phao
gió thổi bờ xa, dòng sông chừng nhỏ lại
bãi cát xưa lổn ngổn trái bù lào*.
Anh vẫn nhớ ngọn đèn dầu mở tỏ
ngày nào hai đứa bên nhau
đôi mắt em hút sâu vào đêm tối
gióng mía Kim Tân ngọt hộ lòng người…
Anh vẫn nhớ tên những Bổng Phồn, đồng Phốc…
Xóm Bái, xóm Đình bè bạn thương nhau
tiếng chim lanh chanh trên chùa chiền rêu mốc
câu hò ghẹo còn vợi vợi bến sông sâu.
Ngoài bảy mươi,
cha tôi ngồi nhấm ly rượu gạo
mẹ vẫn loay hoay với bếp rơm nồng
lửa cháy, tàn tro lả tả
dáng Người in trên vách bập bùng…
VỀ QUÊ
Đường quê đầy vết sống trâu
thương đôi guốc phố lần đầu về thăm
xóm làng bề bộn cuối năm
lá tre rải đến tận sân em vào.
Mẹ gầy bỏm bẻm miếng trầu
cha ra đứng đón con dâu tận đò
một vùng đầy ắp tiếng hò
tuổi thơ anh bỗng gió lùa đầy vơi...
VÔ ĐỀ TẶNG VỢ
Có thể suốt cuộc đời
không có được câu thơ đích thực nào về vợ
bao gương mặt đàn bà đi qua mờ, tỏ
giọt mực giữa đời rớt xuống thi nhân...
Triết lý của nhà thơ,
lòng vị tha em tin và dễ dàng tha thứ?
Thi nhân ơi,
nước mắt
nụ cười!...
Gió phiêu bạt thổi trên đầu trắng tóc
dòng sông xanh,con đò nhỏ bồng bềnh...
Bông hồng nở còn gai,
cây ban già mười mấy năm thời gian sẫm mốc
em và vợ giữa hai bờ hư thực
thơ nhập nhòa như sóng hợp rồi tan.
Một mai, một mai
thơ anh gục lung linh giữa muôn hình bóng
trái tim về riêng với em thôi.
CHIA CHỒNG
Tặng H.
Cũng là vợ vợ chồng chồng
một năm mất sáu tháng ròng lẻ loi…
Sân nhà ngăn dậu trầu hôi
khi bên trầu thắm, thì tôi trầu vàng.
Lỡ làng một chuyến đò ngang
kẻ chờ sốt ruột kẻ sang chùng chình.
Tiếng chim rớt tự mái đình
thân mình đỡ lấy phận mình mà thôi.
Thà như ấy quách cho rồi
khi phòng người rạng, phòng tôi tối đèn.
Kẻ làm chị, đứa làm em
kẻ no đứa đói, kẻ thèm đứa dư!
Chia làm sao được tâm tư
sướng vui gói lại khi thu đầy phòng.
Đêm về chăn đắp ngang thân
gió chi lạnh đến hai lần gió ơi!
Đã mang tiếng có chồng rồi
dám đâu ngẩng mặt nhìn trời thở than…
Chợ tàn, quang gánh dở dang
đò đông chậm bước lỡ sang chuyến chiều…
Kể từ khi được người yêu
tôi đâu có dám bước liều qua sông.
Ngày xuân kẻ bế người bồng
đi bên cạnh chồng mà vẫn nhón chân.
Tính chi hết chuyện xa gần
chia chi hết được mọi phần đục trong.
Những đêm được ở bên chồng
giật mình nghe nấc nơi không có gì.
XIN LÀNG TRỒNG LẠI CÂY ĐA
(Trích)
Những gương mặt thời gian
1.
Tôi tìm lại những năm tháng cũ
đom đóm bay lấp lóe tuổi học trò
đền Phủ Mẫu suốt ngày chim chích hót
trái đa rơi đầy những lời ru.
Mẹ tôi ru giọt buồn của ngoại
con cá, con tôm, cánh vạc, thân cò…
Gió đông thổi ngập đồng Đằn năn lác
đong đầy con mắt tháng ba.
Ngồi nghỉ dưới gốc đa
ngả nón quạt một cánh đồng khô khốc
những thợ cày, thợ cấy
lội qua con gió lào.
Mẹ ủ mốc tương
trên chiếc nia cha đan mùa trước
bữa cơm rau muống dầm sương
cha mẹ làm nên ngon ngọt đời thường.
Thế mà con đã nghịch vỡ vại tương
buổi trưa ấy
trốn lên cành đa cùng lũ bạn
gặp nắng òa,
bóng mẹ nỏ trên sân.
Mẹ lặng lẽ nhặt lên từng mảnh vỡ
lòng chắt chiu lại chắp, lại hàn
ủ ấm niềm tin vô tình con đánh mất
đem hết lòng nhân hậu vá cho con.
Đốt đèn lên mẹ tìm khắp xóm
đường sống trâu. Đêm lập lòe đom đóm
tiếng tắc kè vấp lên, vấp xuống
vin ngọn đèn làm gậy chống qua đêm.
Như dòng sông cần mẫn phù sa
mùa ngô như trổ từ màu tóc mẹ
đàn sáo ào lên từ vạt cỏ
lắng xuống vòm đa xanh.
2.
Các anh xa làng từ đầu cuộc chiến tranh
có người đi không bao giờ trở lại
Trịnh Huy Lượng
liệt sĩ đầu tiên thời chống Mỹ
Trần Văn Phú
nằm lại rừng miền Đông trong trận mở màn
Vũ Văn Cần
Lê Văn Tươi
những đứa bạn tôi
gửi lại làng một thời tới lớp
bạn nằm lại như cây cột mốc
“Nam quốc sơn hà…”.
Trận Điện Biên cuối cùng
chú tôi không về nữa...
Một đêm làm vợ
một đời làm dâu
thím ngồi góc sân nhặt hoa dừa rụng
cá đớp mặt ao quanh bụi súng nhàu.
Em thành trẻ mồ côi
khi mới là giọt máu.
Đêm tân hôn hóa trận bão đời
mấy mươi năm ôm ngực mình trong tối
thím tôi sợ hương cau vườn rạo rực
khuya vô tình núp bóng ngọn đèn côi.
dưới tán đa
là hương khói,
là làng
lặng lẽ tiễn đưa
những vong hồn
đền Phủ Mẫu tiếng chim thảng thốt
nước mắt người vàng vọt lá đa xanh.
Những rễ đa như những ngón tay người
bấu vào đất mà tìm sự sống
những trận bão tung cây
những mùa lũ mặt người, mặt nước
không yêu đất làm sao trồi ngụp được
đa với người làm một chứng nhân.
Đi qua những mùa nám bã chè
in nửa mặt chị tôi
chồng chết sớm
làm mẹ,
làm người đàn ông trong nhà
lũ con nhỏ như tổ chim gặp bão
chạy chợ qua sông
gặp mặt mình trong nước…
Trưa ấy, chị vào đền Phủ mẫu
dưới tán đa lẩm nhẩm khấn thầm
làm sao tôi biết được
chỉ trách sông trong văn vắt nước
vô tình làm gương soi.
3.
Chúng tôi lớn lên
những trai tráng của làng
bằng tất cả những gì làng có
củ sắn non
hoa bí hoa bù
biết đặt trúm, đặt lừ
đào bùn bắt trạch
biết đan cái nia
biết làm cái vách
biết hái hoa mơ mộng ngất trời
ăn bữa trưa phải nhìn bữa tối
hạt ngô non bấm bụng để già
bát nước chè xanh sớm tối
gọi nhau qua hàng rào…
Ai cất câu hò mà sông mà nước
để chẳng thể cầm lòng quên nhau được.
Thăm thẳm nghìn năm
lời ru lắng lọc sông trong vắt
chúng tôi bơi trên dòng sông ấy
chúng tôi uống bằng nguồn nước ấy
bằng những câu ca người mẹ nào cũng thuộc
bãi Phốc Chùa xưa miên man hoa Cúc
các anh từng đến đây
leo lên gác chuông mắt đổ xuống sông này
“Bao giờ ghềnh Sét đứt đôi…”*
Ghềnh Sét đứt đôi
sông con lấp cửa
lời niệm vào sông núi đất đai
Phù sa bồi phù sa – Gương mặt những hiền tài.
Anh lặng im
đối mặt với ngọn đèn
đối mặt với ước mơ
đã đôi lần thất bại
sông chẳng là sông nếu không còn bờ bãi
mỗi cánh buồm chẳng có khát khao riêng!
Tôi nhận ra anh vóc dáng cánh buồm
nơi bến đỗ xuân về hoa trổ trắng*
có một người con gái đứng chờ anh
có một làng già trẻ đứng chờ anh
dưới gốc đa ngày ấy
thơ tìm ra hạt giống để gieo trồng.
4.
Chót vót cành đa một tổ chim non
chúng ríu rít giữa vòm trời thăm thẳm
trưa nắng đọng nghe tiếng chim mảnh mỏng
cứ dát vàng mặt đất đợi người xa.
Cảm ơn em dưới gốc đa ngày ấy đã trao quà
một cuốn sổ tay, đôi câu thơ đề tặng
lời thì xa xôi, ánh mắt đầy hoang vắng
đã bao lần cố gỡ lại bầm thêm.
Sông Mã ơi, tạc giữa trời xanh
em xuống tắm thế mà lau trổ trắng!
VỀ XỨ LẠNG
Theo câu hát tôi tìm về xứ Lạng
gió vẫn đầy một ải Chi Lăng
mưa thương nhớ cứ khuất mờ dáng núi
ngàn lau khua, tiếng ngựa hí vang rừng.
Hẹn rằng thương về với Kỳ Cùng
tôi lạc theo em gặp nàng Tô Thị
hoa mận trắng, núi rừng xanh ngọt thế
khèn ai mời ngược dốc chênh vênh.
Cho tôi cùng mơ mộng với Tam Thanh
khói biếc vờn bay, xôn xao ngàn lá
nén hương trầm lâng lâng hồn đá
xin được cùng với trời đất tri ân.
Sao em không xuống núi một lần
quê anh cũng có dòng sông, có rượu…
Có câu hát thả trôi líu ríu
rằng thương nhau là bến, là thuyền…
Mà bây giờ măng đắng, nắm nem
anh mải quá hương rừng thơm lạc mắt
đò ai cắm giữa bến bờ hư thực
bỏ bồng bềnh như thế núi rừng ơi!
TẠM BIỆT SÀI GÒN
Gửi tặng bạn bè thân yêu
Tạm biệt Sài Gòn
mưa nắng đuổi nhau trên màu tóc bạc
hoa cúc muộn chở buồn sang khóm trúc
chiều cố tình lỡ nhịp với trăng non.
Chớp mà chi – Hồi hộp thượng nguồn
cầm tay bạn lại gặp trời, gặp biển
đêm áp ngực một đồng bằng dâng hiến
mắt cay sè vệt khói ngẩn ngơ!
Đôi bờ sông đợi bến bóng đò
cát cứ trắng để mềm, nước cứ trong để vỡ
người ra đi mặt hướng vào giông gió
tôi nào hay thương nhớ phía phù sa.
Tôi nào hay...
Hoa giấy vỡ đỏ trời xa cách bạn
gió có cuốn xác hoa về phía thắm
chút vô cùng gửi lại phía xa xanh...
Chút vô cùng,
với bạn, với anh....
Nào dốc cạn,
cho lòng yên tĩnh lại
mai rồi xa, bè bạn với sông Hồng!
*
Sông Hồng ơi, còn nhớ tôi không?
Mùa nước cạn, sắc thu vào đáy biếc
môi còn ấm, mắt người còn thao thiết
cố nhân ơi, có bạc áo Hoàng Thành!
Tôi muốn mang theo chút nắng Sài Gòn
làm bè bạn khi trái trời trở gió
tôi muốn giữ một Thăng Long ngàn thuở
gươm hiền nhân vẫn ánh mặt nước đầy.
Получите бесплатную консультацию и узнайте подробности на [url=https://suzdal.bokno.ru/]сайте[/url]. Доверьте уют и комфорт вашего дома профессионалам!