Nguyễn Hoàng Đức

Thứ sáu - 09/08/2013 16:21
- Sinh năm 1957, học đại học An Ninh
- Viết văn từ 1991 với chuyện ngắn đầu tay Những người chăn kiến.
- Anh là một người khác thường mà nhà thơ Đỗ Minh Tuấn gọi là "Anh hề triết học, chàng Đông-ki-sốt văn chương".

Nguyễn Hoàng Đức
Quan điểm sáng tác
 
Viết văn trước hết phải giống làm nghề chuyên môn để đưa ra sản phẩm chuyên nghiệp. Đó là tiêu chí tối thiểu khi tôi cầm bút. Nhưng viết văn là nghề đặc biệt, nghề mở đường hay cứu rỗi, hoặc khiêm tốn hơn là "trợ lực" cho các tâm hồn, đơn giản vì xã hội không có ngành dịch vụ nào thay thế được văn chương để trợ lực tâm hồn.

Người làm chứng trước tòa chẳng hạn, anh ta không chỉ làm chứng mà đã cứu được các nạn nhân ra khỏi sự oan trái. Với tôi, cầm bút là cái phải cao hơn nghề nghiệp, cũng như sự cứu trợ, nó phải là sứ mệnh cầm bút mà mình không làm thì có khi chẳng ai làm. Đó không phải là một kiểu tự cao, mà là một cách nghĩ về bổn phận.

Nguyễn Hoàng Đức và hành trình sáng tác
Lương Tử Đức
 
 
Đó là sự chào đời và sống với đời bằng cả một cuộc tận hiến. Một cuộc tận hiến đàng hoàng lịch lãm cho văn học nghệ thuật, cho sự nghiệp đầy cam go của lịch sử phê bình và sáng tác văn học nghệ thuật. Đó là những cuộc huy động toàn bộ sinh lực, huy động hết thảy sở trường, công tâm, tài năng, trí tuệ. Huy động toàn bộ kiến thức triết văn trên thế giới để nhắm tới chân lý văn học nghệ thuật.
Để tránh sa vào lẽ thường: một là thổi phồng tán dương nhau, hai là hẹp hòi đố kỵ, ba là thờ ơ lãnh đạm, tôi xin phản ánh TỦ SÁCH NGUYỄN HOÀNG ĐỨC là cả một sự kiện “Người thực - Việc thực”.
I- NGƯỜI THỰC
1- Dấn thân
Bỗng một ngày nhìn lại toàn bộ ngôi nhà “tình cảm” khốn khổ chật ních những bề bộn tù túng của thương, nhớ, giận hờn, oán trách, vui đến độ cợt nhả, buồn đến độ cay độc. Ngôi nhà “tình cảm” đã níu giữ dạy khôn, để rồi làm mủn mục bao lý tưởng. Thật chẳng dễ mấy ai thoát khỏi ngôi nhà không cửa khóa này. Vẫn biết con người ở thế gian sẽ sống ra sao. Và đời sống văn chương trông cậy vào đâu khi phải dời xa ngôi nhà tình cảm.
Vậy mà giữa lúc đáng được chằm bặp cưng chiều thì Nguyễn Hoàng Đức lại hăm hở từ giã ngôi nhà tình cảm để băng lên trên con đường lý trí bỏng rát của những định lý và nguyên lý của sáng tạo nghệ thuật. Từ giã cô độc để được đến với cô đơn thật chẳng dễ dàng gì. Bởi lẽ ở đời muốn tất cả cho mình thì mình CÔ ĐỘC, muốn tất cả cho người khác thì CÔ ĐƠN.
2- Cô đơn
Trên con đường lý trí bỏng rát đầy xương trắng của bao lớp người “tử vì đạo”, giữa những chặng vinh quang bất tử của những cái giá đổi cả đời người, Nguyễn Hoàng Đức hăm hở bước lên. Ông hân hoan khổ đau, reo ca nguy hiểm. Chưa cần làm gì khi... vững bước trên đường lý trí thì Nguyễn Hoàng Đức đã là người chiến thắng, (chiến thắng bản thân) đó là cơ sở cho mọi chiến thắng.
Suốt các nẻo đường lý trí, tầng tầng lớp lớp nhứng ngôi nhà “tình cảm” đầy cám dỗ mồi chài ken dầy những đói khát tự do. Và từ những căn nhà tình cảm ấy, những nỗi nhớ nhìn ông mỉa mai, những niềm thương nhìn ông đầy giễu cợt, những giận hờn oán trách nhìn ông đầy dọa nạt. Những vụ lợi nhìn ông đầy thách thức. Những khôn ngoan không ngớt ngầm mong sự gục ngã của kẻ mang thân xác phàm trần Nguyễn Hoàng Đức kia dám bất cẩn trên con đường lý trí. Trên con đường lý trí không có sự nghỉ ngơi. Không chấp nhận lười nhác, không có sự cưng nựng vuốt ve. Thức ăn và hành trang duy nhất mà con đường lý trí dành để nuôi sống kẻ hành hương là đau khổ và cô đơn.
Đó là người thực Nguyễn Hoàng Đức đã dấn thân và cô đơn trên con đường lý trí để thực hiện sứ mệnh của bản thân mình cho chân lý sáng tạo văn học nghệ thuật.
II- VIỆC THỰC
1- Văn xuôi
- Tập truyện ngắn: NHỮNG NGƯỜI CHĂN KIẾN, Nxb Hội Nhà văn 1992.
- Tập truyện ngắn: LEO GÁC NGƯỢC, NXB Văn hóa Dân tộc 2000.
Đó là:
- Một chuyện tình tan vỡ vì trái tim, tâm hồn một người đàn bà đặt trên làn da thân xác.
- Một cuộc tình bại lộ vì chó dại cắn.
- Một cuộc trả thù tuyệt vọng của một chàng trai không được làm người dưới bàn tay một kẻ buôn người.
- Truyện về một cái chết vì không chịu tha thứ lỗi lầm cho người khác...
Hơn bốn mươi truyện ngắn mà ở đó mỗi nhân vật truyện, một chi tiết truyện đều phải mang một tình huống kịch, một xung đột kịch, một hành động kịch, một không gian kịch, một thời gian kịch để thực hiện một ý nghĩa giá trị, một tư tưởng nào đó của chính đời sống của nó.
Đó là một đời sống hình tượng văn học nghệ thuật vận hành nhận thức lý tính và được bộc lộ tư tưởng sống... Và ở đó đọc truyện ngắn Nguyễn Hoàng Đức ta bỗng nhận ra: thế giới vật chất vô vàn của thiên nhiên dù thiết yếu đến đâu cũng chỉ là nhu cầu thể xác của con người. Còn đời sống và trí tuệ của chúng ta chỉ được di dưỡng bằng nguồn sinh lực duy nhất từ văn học nghệ thuật chân chính.
2- Lý luận phê bình
- Ý HƯỚNG TÍNH VĂN CHƯƠNG. Chuyên luận triết – văn (640 trang), NXB Văn Hóa Dân tộc 1999. Bộ sách gồm 6 chương, đi từ bản tính sáng tạo, qua chân lý, đến Thượng Đế, rồi hạ xuống con người, đến siêu hình học, và văn chương cứu rỗi con người, đến phương tiện của tư duy và văn chương – chính là chữ nghĩa. Cuốn sách viết được tham khảo hàng trăm đầu sách triết học, tôn giáo, bách khoa toàn thư, bách khoa thần học, văn chương có giá trị hàng đầu thế giới... Toàn bộ sáu chương sách được triết luận trong không khí tưng bừng của nhận thức. Từ cuốn sách đi ra ta sẽ vững tin vào tâm hồn mình đang ùa theo cây bút văn chương.
- CẨM NANG MĨ HỌC - NGHỆ THUẬT – THI CA – PHÊ BÌNH. Sách tuyển dịch từ những tài liệu dịch và tham khảo của hàng chục cuốn sách và tác giả lý luận lừng danh thế giới như Sách bỏ túi của Aristote, Bách khoa thần học ... Nguyễn Hoàng Đức khẳng định rằng đây là những chiếc đinh vàng của lý luận phê bình văn học nghệ thuật nhân loại.
- CÔ ĐƠN CON NGƯỜI – CÔ ĐƠN THI SĨ. Tập tiểu luận phê bình với hơn năm mươi bài viết bàn về hành trình chiến lược của văn học Việt Nam khởi từ thực tại và trình độ của các cây bút cho đến “đà viết văn Việt Nam lao qua thế kỷ 21”... Cuốn sách đã quyết liệt đề cao giá trị mỹ học và tính tư tưởng của văn học, thẳng thắn chỉ ra sự lúng túng về nhận thức và loay hoay trong cảm xúc. Gạn đục khơi trong để hướng đến một nền văn học đích thực.
3- Thơ
-Trường ca: KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ, NXB Hội văn học nghệ thuật Hà Tây 1998. Theo tác giả giới thiệu:
“Đây là tập trường ca về người hùng mỹ học đầu tiên trên thế giới. Lý do:
Một: Illiad và Odyssey của Homer là hai trường ca về anh hùng chiến sĩ và anh hùng phiêu lưu.
Hai: Faust của Goethe, và Don Juan của Byron là anh hùng văn hóa.
Ba: Về mặt thuần khiết, trường ca KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ, đã tuyên ngôn hành trình của người hùng đi tìm mỹ học. Rất hiếm, rất hiếm hoi hầu như chưa thấy một tác giả nào trên thế giới làm sống lại Homer. Không phải với cây đàn lia và chiếc miệng đang ngâm thơ, mà là một khẩu ngôn hùng tráng tuyên bố về nguyên lý mỹ học dựa trên chính đôi chân kinh nghiệm của ông phiêu lãng trong và cùng với thi ca. (Cho đến nay chưa thấy một học giả, một nhà thơ nào phản bác ý kiến trên. Tác giả vẫn đang vò võ chờ người phản biện).
- Trường ca: ĐỢI... CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ. Với 240 trang thơ, tác giả tự tin đăng quang giới thiệu rằng “Đây là bài thơ tình dài nhất thế giới”. ( Mời bạn hãy giới thiệu một bài thơ tình nào dài hơn).

- Tập thơ: ĐIỆU KÈN CÔ ĐƠN. NXB Thanh Hóa 1998.
Đọc thơ Nguyễn Hoàng Đức ta bỗng thấy nhẹ nhõm khi thanh toán được câu hỏi “thế nào là thơ tự do”. Thơ tự do là gì? – Là thông điệp của tư tưởng trên đôi cánh của tâm hồn.
Đã gọi là Tủ sách, vì thế mà tôi không thể tham vọng trình bày nó trong một bài viết ngắn, tôi vẫn luôn đinh ninh phải viết về Nguyễn Hoàng Đức một cuốn sách may ra mới đủ. Không hiểu tôi có làm được điều đó không? Giờ trước mắt, tôi xin nêu ra phụ lục những cuốn sách của Nguyễn Hoàng Đức .
PHỤ LỤC NHỮNG CUỐN SÁCH CỦA NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
I – SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN
1- Những người chăn kiến (truyện ngắn)
2- Điệu kèn cô đơn (thơ)
3- Kẻ hành hương từ đời đến thơ (trường ca)
4- Đợi ... chuyến đò đã lỡ (trường ca)
5- Cô đơn con người – cô đơn thi sĩ (tiểu luận về văn chương – văn hóa – xã hội)
6- Leo gác ngược (truyện ngắn)
7- Cẩm nang mỹ học - nghệ thuật – thi ca – phê bình (tuyển dịch)
8- Luận về tình yêu – 2 tập (tiểu luận)
9- Tình yêu phong thánh con ngươi (tiểu luận)
10- Ý hướng tính văn chương (chuyên luận triết học, văn chương)
II- SÁCH ĐÃ VIẾT XONG
1- Hành trình nhận thức của nhân loại
(Chuyên luận triết học, một hành trình quan yếu hầu trọn theo cấu trúc chiều dọc từ nhận thức luận của Socrate, Hữu thể luận của Platon, đến tam đoạn luận của Aristote... đến siêu hình học, thực chứng luận, hiện tượng luận, duy vật, chủ nghĩa hiện sinh).
2- Hành trình tâm linh nhân loại (chuyên luận thần học)
3- Hành trình thi ca vào thế kỷ 21 (tuyển dịch)
4- Công lý và dục vọng (chuyên luận)
5- Quan phẩm và nhân phẩm (chuyên luận)
6- Tự do nền móng thiết yếu của con người (chuyên luận)
7- Người Việt tự ngắm mình (chuyên luận)
8- Ngước lên ca (trường ca thần học)
9- Bóng tượng đài ám ảnh (trường ca thần học)
10- Xứ lưu đầy (tiểu thuyết)
11- Ngưỡng cửa làm người - 2 tập (tiểu thuyết)
12- Sống là nguồn mực chảy vào văn học (tiểu luận)
13- Trái tim giữa vòng tay bất khả - 2 tập (tiểu luận tình yêu )
14- Chờ đợi ngân hàng của tình yêu – 2 tập (tiểu luận về tình yêu ).
Nguyễn Hoàng Đức là người thật - việc thật. Một con người đã dấn thân và cô đơn trên con đường lý trí gắt gao để hướng về chân lý vinh quang của loài người... Mời bạn hãy chứng nghiệm con người này qua tác giả và tác phẩm. Còn tôi với bài viết này chỉ là một nhịp cầu bé nhỏ mà thôi.
 

Nguyễn Hoàng Đức trong mắt tôi
(Nhà văn Hoà Vang)
Hầm hố, tự tin quá đáng có dạng tiền bệnh lý. Mà quyết liệt, dám sống, dám trả giá, vô hình chung lại thành một nhân chứng uyên bác cho một ý nghĩ rụt rè và bất khuất của tôi:
“Sao con người lại có niềm tự hào phục vụ cộm nảy, trỗi vượt, lấn lướt... niềm Tự Hào Sống đến vậy nhỉ?”
Vì vậy... thấy nhau là được, là có thể đưa lên đá, cấy trong nước, sống được thành thứ Tình Bạn tôn trọng và day dứt.
Gã - tác gỉa khinh khủng và võ đoán của biết bao Triết luận, thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết chưa được in - Nguyễn Hoàng Đức- là Người lăm lăm không tiễn đưa quá khứ bằng hài kịch. Y vừa cười cợt, vừa tôn kính chân thành, giảng Mác... Phrớt... Bét-tô-uần (theo lối phát âm của Thái Bá Tân) cho nhiều người. Trong đó có tôi. Há mồm nghe. Uyên bác. Quyết liệt. “Mục hạ vô nhân”, với lý sự đủ đầy. Y, Tôi đã một lần nói và mãi mãi găm giữ:
Đức đã vô nghĩa hóa toàn bộ văn học Việt Nam đương đại”. Bằng một nghĩa khác, Ông (tức là Đức đấy, sinh năm 1957 – Đinh Dậu) – Bây giờ không thể tưng tửng gọi là “Anh” theo cung cách Nhà hàng tay vịn – 44, 45 tuổi rồi. “Tứ thập bất hoặc”. Vậy mà cả nội lực Đức, cả mái tóc và gương mặt, cả dáng vẻ và hành xử, cả những giấc mơ cô miên... Hình như tôi không cần hy vọng. Tôi tin chắc: Con người này, nhà tư tưởng quyết liệt, trước một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lý luận này... là một con người Hữu Ích, trước hết cho tôi – sau đó ra cả cộng đồng... Muốn đến đâu thì phải hỏi người ta?
 
Cây kèn Nguyễn Hoàng Đức và quặng thơ
(Nguyễn Đình Chính)
Cái ấn tượng đầu tiên xộc thẳng vào mắt tôi – đó là một vùng đồi đỏ khé, mênh mông, hỗn mang ... Như là cảnh trên mặt trăng trong các phim khoa học viễn tưởng – Và quặng - Quặng nguyên khối thơ, tươi rói, hôi hổi nóng, nhơn nhớt dính dầu và nồng nặc mùi bùn đất, mùi xác hoa rữa nát, và cả thứ mùi ê te cay cay vô nghĩa. Thứ quặng gì vậy? Quặng thơ!
Nhưng chẳng nhẽ thế là hết ư! Không, hãy đọc Nguyễn Hoàng Đức đi. Đọc một lần, đọc hai lần, phải kiên nhẫn, phải độ lượng, đừng hẹp hòi đố kỵ và nhất là đừng có cợt nhả - Những quặng kia bật ra từ đâu, trồi ra từ đâu? Có phải từ một tâm hồn rừng rực khát khao - từ một trái tim hừng hực đòi lên tiếng. Từ một con người nghênh ngang tự tin bước lên với cây kèn Ô-BOA trong tay – cây kèn Ôboa thi ca mà Nguyễn Hoàng Đức chế riêng không phải từ kim loại, từ gỗ mà từ những ống xương của anh, từ máu và hơi thở của anh.
Tôi quả quyết Nguyễn Hoàng Đức có tư chất thi sĩ – Cái tư chất ấy nó phát lộ trong thơ anh vừa kiêu hãnh vừa hoảng hốt, vừa êm ái vừa hỗn loạn. Thơ Đức không hề có sự trau chuốt, thẩm chí còn cẩu thả nữa. Ngôn ngữ xô bồ, ý tứ hỗn loạn, cảm xúc tung tóe và nhịp điệu thì như những cú vô-lê ngoạn mục – Nó như một bãi lổn ngổn – nhưng mà thật quái quỉ - trong đống lổn ngổn mà tác giả cố tình quăng ra đấy – lóe lên những thỏi vàng mà lại rất nhiều vàng cơ chứ. Toàn vàng ròng vậy thì đó là cái gì – Đó là thơ – Đích thực thơ - thật quái quỉ!
Chúng ta lấy chuẩn mực gì để đưa Nguyễn Hoàng Đức lên đoạn đầu đài của thi ca mà bêu đầu anh? Sự tinh tế ư? những niêm luật ư? cấu trúc đóng mở ư? Hay là luật bằng trắc cổ xưa? Hay là nhịp điệu tuyệt vời của tiếng Việt Nam v.v... ? Thơ Đức thiếu tất cả - nhưng bù lại vượt lên trên hết những chuẩn mực đó là - thứ chuẩn mực khác - thứ chuẩn mực của thi sĩ: dào dạt, quẫy mạnh, vật vã và khao khát như phát rồ. Hành trình tạo lên thơ Đức là một hành trình lộn ngược. Người ta đều đi từ gốc đến ngọn - với Đức, thì ngược lại – anh bắt đầu từ những vòm cây xum xuê trên cao, dào dạt, xanh biếc rồi bò dần xuống gốc.
Không hiểu sao, vừa đi cà nhắc, cà nhắc trên cánh đồng thi ca hỗn độn, rộng mênh mông của Nguyễn Hoàng Đức. Tôi cứ khấp khởi mừng thầm – Xin lỗi nhé! Tôi khoái Đức – khoái nhất cái sự văng mạng, không rụt rè do dự của anh. Nó na ná như nhạc Pốp, khó khăn đấy . Khó tiêu đấy nếu đưa nó vào những sa-lông thơ trịnh trọng một cách hời hợt - Hoặc đặt nó vào trong các bảo tàng thơ ca nghiêm trang đến mức cũ kỹ. Vậy thì chỗ đứng của thơ Nguyễn Hoàng Đức ở đâu. Trên vỉa hè ư? Không – nơi đó giành cho những người nhàn tản ưa đi bộ. Chỗ thơ của Đức là những bãi cỏ hoang xanh rì, chưa kịp xây phố cất nhà. Đó là địa chỉ của những đám đông độc giả xô bồ. Rất đông, nhưng mà lại rất trẻ, rất yêu đời, rất khao khát hành động. Tôi đoán như thế và cam đoan như thế.
Nhưng thôi, đoán về thơ Nguyễn Hoàng Đức như vậy là đủ rồi. Ta hãy đọc một khúc hoài niệm mùa thu của anh nhé. Một điệu kèn lọt tai nhất, êm dịu vào loại bậc nhất, trong cái đống quặng thi ca của anh.
 

HOÀI NIỆM THU
 
Vòi vọi trời xanh thẳm nâng lên
mỗi lần dâng mỗi lần quặn thắt
vắt nỗi đau qua những lớp mây mù
nặng ký ức mùa ngâu rả rích
lã chã vấn vương
chưa nguôi lệ sầu lòng đất sũng
Dòng sông gợn sóng đến gai lòng
Níu mây trôi ngập ngừng
Không dám buông lời nói
về những cơn mưa mùa hạ đã qua rồi
Muôn dòng sông
thả những khúc sầu ra biển
xao xuyến xô lớp lớp sóng cồn
dồn dập vỗ buồn mê mùa gió chướng
thủy triều tê lưỡi sóng
nếm vị nắng u hoài
bò loang bờ cát mặn
những sợi sáng se dìu dịu
của mặt trời u uẩn
nuối tiếc tuổi thanh xuân
ngày nào chang chang mùa hạ
ngổ ngáo sao và mãnh liệt sao
Hoàng hôn rải lớp sương lành lạnh
nhuốm con đường đất thịt cô đơn
những mái nhà trắc ẩn nhô lên
đội nón quai thao cho những vòm cây hiền hậu
da diết tâm hồn rách dọc mái nhà
một ý nghĩa cuộc đời vừa nứt
man mác mùa thu
man mác lớp da non cơn đau mùa hạ

Mái tóc đau màu trắng thời gian
những chiếc lá đau mùa vàng năm tháng
Hơi thở đau khí trời se lạnh
Gió heo may đau làn sương tê tái
Ánh mắt đau cái nhìn giã biệt
nhật - nguyệt mùa thu đau trời hoài niệm
Cánh tay đau những vòng tay dứt
những dòng sông đau mùa nước cạn
Bàn tay đau những bắt tay
Cành cây đau mùa lá rụng
Bàn chân đau những chặng đường chưa tới
Và chân lý hằng đau mùa gặt...
Cơ thể đau mùa sống
Tâm hồn đau mùa luân chuyển khoái lạc và đau khổ
Khoái lạc đau khúc hoan ca
Nơi sân khấu mỏi mòn
Và đau khổ đau những thánh ca buồn
Trên thập giá cưu mang

Linh hồn ta đau khúc bi hùng
Ca trên những ngọn đồi Hy Lạp
Theo mây thời gian tỏa
Theo gió đời lan
Theo lịch sử khơi dòng
về đây cuốn lên một vòm trời hoài niệm
khơi thẳm mãi hồn ta
mãi tim ta
mãi thân ta
một khúc ca xanh về cuộc đời hy vọng
dâng tràn mọi ký ức u buồn
như vòm trời thu vọt qua những tầng mây ngâu lã chã
mãi mãi dâng lên !

 

Những người chăn kiến (Truyện ngắn)
 
Công việc kinh doanh kế hoạch ba của rạp chiếu bóng đang chạy đều thì vỡ lở. Tai họa giáng xuống không trừ một ai. Cử chàng sinh viên đỗ loại ưu thất nghiệp, mới lo lót được chân kiểm soát vé hợp đồng cũng bị công an kinh tế “sờ gáy” rồi tống ngục.
Cảm giác ớn lạnh chưa kịp thành hình, thì tức khắc Cử hẫng rơi vào vực thẳm tuyệt vọng bi ai. Chàng thư sinh đầy hãi hùng khi bị dẫn đi ngang qua những hành lang đá lạnh ngắt, đen ngòm, “Giống như con đường xuống địa ngục”. Chàng nghĩ.
Tạch! Chiếc còng số 8 bóng loáng mồ hôi người nơi cổ tay Cử bật ra trơn tuột, nhẹ nhàng.
Kh… ẹ…t! Cánh cửa sắt nặng nề mở ra khẽ khàng như cửa nhà một chủ nhân hiếu khách.
Đội lại chiếc mũ, viên quản giáo sửa lại tư thế, rồi ưỡn ngực phát tiếng rõ lớn vào trong buồng giam.
- Này, chúng mày hãy nhận lấy thêm một đồng bọn, một công dân phế thải của cuộc đời!.
- Của cuộc đời phế phẩm! – Có tiếng nói ở trong đáp lại giọng khàn khàn.
Cánh cửa khép lại, không một tiếng rít. Cử bị đẩy ngã dúi vào giữa đám phạm nhân mặt mày gân guốc, dữ dằn. Giữa bọn chúng, một tên đầu gấu cằm bạnh vẻ mặt đầy trắc ẩn đang ngự trên chiếc ghế đẩu:
- Quỳ xuống! Mày làm gì? – Gã dằn giọng, khoát tay, ra cử chỉ đầy vẻ thống trị.
- Công tác ở Sở văn hoá! Là … Cử định nói “soát vé”.
- Ở sở văn hoá, thế thì mày là ca sĩ, mày hãy hát cho chúng tao nghe!
- Tôi không biết hát! - Cử nói như phân bua.
- Được. Mày định chống lệnh tao thì mày sẽ được biết là không có gì tồi tệ hơn. Gã vẫy tay cho lũ đàn em. Lập tức bọn này rút trong người ra đoản gậy, mảnh sành, có cả đinh thuyền và đá sắc. Chúng lao vào Cử. Mặt chàng tái nhợt.
- Khoan! Để nó đấy, tao muốn nó hát - Tên đầu gấu lại ra một lệnh mới - Tao chưa muốn nó sợ hãi, đừng nạo vét cảm hứng của bọn làm nghệ thuật…
Hắn quay sang Cử, trợn mắt bảo: - Mày thấy đấy, muốn sống thì đàn hát ngay đi.
- Dạ. Không có đàn! – Cử ngước nhìn đầu gấu, đôi mắt vẫn đầy sợ sệt.
- Tao đã sáng tạo ra mệnh này, đến lượt mày hãy biết sáng tạo ra thực hành.
Đầu gấu làm một cử chỉ kiên quyết hơn.
Một thoáng im bặt, bản năng sinh tồn vụt loé một tia sáng. Cử luống cuống cởi hai khuy áo ngực, vân vê đám lông ngực, chàng nói:
- Tâu đại ca, người mà oai hùng hơn cả cha chú của đàn em đây, để người được an hưởng sau những ngày mệt nhọc, tôi xin được tấu trình khúc hát với cây đàn “linh tinh lục huyền cầm”. Chàng vừa làm bộ tấu gảy những chiếc lông ngực, vừa hát: “Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con chèo hái mỗi ngày…”.
“Đầu gấu” mắt lim dim, bàn tay khẽ gõ nhịp xuống đùi: - Thằng này kể cũng hay!- Gã khen- Chợt gã mở mắt trân trối nhìn chiếc áo sọc tù rộng thùng thình như chiếc bao quây trên người Cử, nụ cười tắt lịm, gã quát:
- Dừng lại! – Không để ý đến cái giật mình của chàng thanh niên, đầu gấu tiếp – Mày là nghệ sĩ mà dốt lắm, chẳng hiểu gì đến cái đẹp của hình thể, của tạo hóa. Tấm áo tù của mày làm tao chột cả hứng thú.
Manh áo tù thô giáp, dày đụp, xỉn màu mồ hôi năm tháng, bị lột ra. Cơ thể thư sinh bạch diện của chàng sinh viên phiêu du hoà với những lời ca: “Quê hương là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng …”
Lời ca với cây đàn kỳ khôi của chàng cuốn hút tất cả những khuôn mặt dữ dằn, những bộ đồng phục tù, nhún nhảy theo điệu nhạc:
“… Quê hương nếu ai không nhớ…ớ… sẽ không lớn nổi thành nguời …”
Cử cố sức lấy hơi kết thúc bài ca, nhưng giọng chàng tắc nghẹn, nước mắt ứa ra.
- Thằng này phải trói! “Đầu gấu” bực bội - Đồ bất tài, nghệ sĩ gì mày, đóng trò ới a cũng chẳng nên! Cả bài được mỗi chữ Người lại hát hỏng.
- Đừng, đừng trói! Tôi không làm nổi, tôi không phải là nghệ sĩ, tôi cố sức…
- Mày làm gì?
- Tôi, tôi đã làm soát vé nhà hát.
- Tội càng nặng, mày mắc tội khi quân dối trá!
Đầu gấu trợn mắt quát:
- Mày soát vé mà dám mạo nhận là người của sở văn hoá. Quân bay đâu, hãy cho nó môt bài học để chừa thói hư danh, nhũng nhiễu.
Sau lệnh của “đầu gấu”, bọn đàn em lao vào tay đấm, chân đá “xào tái” Cử. Chàng quằn quại đau đớn.
- Thôi! - “Đầu gấu” lại quát.
Chờ cho bọn đàn em dừng chân tay, gã hạ giọng nói với Cử:
- Món khai vị với chú hôm nay thế là đủ rồi. Đó là bài học quyền lực đầu tiên của cuộc đời đấy. Chú xem có cơn thai nghén nào không đau? Trong đêm tân hôn, trước khi nếm được hạnh phúc, trinh nữ phải biết nếm nỗi đau chảy máu đó thôi.
Ngừng một lát, hắn mỉm cười với Cử :
- Tội thì người đã bị xử, nay đến công, ngươi có khả năng gì để ta xếp sắp cán bộ!
- Dạ, ngoài nghề soát vé, trước đó tôi tốt nghiệp Đại học tổng hợp văn!
- À! Khá lắm! hãy làm cố vấn tham chính tinh thần trong vương quốc của ta.
Sau khi bổ nhiệm chức vụ cho Cử, “đầu gấu” đến sau cái cột cái lấy ra một vỏ hộp thuốc lá. Gã mở hộp nhẹ nhàng bắt ra những con kiến càng đưa cho các tù nhân mỗi người một con. Hắn nói:
- Hãy chăn kiến đi! Gã quay sang Cử - Đây con kiến của người. Hãy chăn cho cẩn thận. Ta không tha tội cho ai nếu chăn cẩu thả.
Mười tù nhân, mười con kiến. Mỗi người vẽ một vòng tròn phấn rộng khoảng một gang tay, thả con kiến trong vòng tròn đó cùng mấy hạt đường.
Cử nhìn mọi người bắt chước, chàng quấn vài sợi tóc vào đầu que tăm, rất khéo, theo chàng như vậy kiến sẽ không bị xước da. Mỗi khi kiến định bò ra khỏi vòng tròn phấn chàng lại khẽ khàng dựng đầu tăm đẩy kiến quay chở lại. Chàng nằm cạnh vòng tròn, tâm trí chàng tập trung cả vào kiến. Con kiến bò được vài vòng thì đến giờ cơm trưa. Chiều đến, con kiến của chàng bò đi bò lại, chẳng biết là mấy mươi vòng. Ánh hoàng hôn lọt qua ô cửa tò vò nhà giam rọi chiếu vào cái vòng tròn của chàng và kiến. Mải mê, chàng quên cả chiều…
- Thu kiến! – Giọng “Đầu gấu” vang lên.
Số kiến được tập trung về. “Đầu gấu” quan sát tỉ mỉ từng con, gã nhẹ nhàng thả chúng vào hộp như người thiếu nữ thả những viên ngọc quý. Gã đếm… một… hai… bảy, tám, chín. Gã dừng lại ở con thứ mười. Gã đã nhìn thấy:
- Thằng phì nộn kia! Mày làm gãy một chân con kiến của tao. Đồ bị thịt. Quân bay, bẻ chân thằng béo cho tao.
- Ôí! ối…- Gã béo kêu thảm thiết trong cơn mưa cẳng chân và cẳng tay của đám tù nhân vào mặt. Gã cố vươn người lên và cất giọng nịnh bợ:
- Tâu đại ca! Xin đại ca thứ lỗi, xin đại ca cho tôi được sống để hầu đại ca, chẳng lẽ tấm thân này không bằng con kiến, bằng cái chân của con bọ đó sao?
Gã “Đầu gấu” cười nhạt. Nhưng rồi gã cũng ra lệnh dừng tay. Gã liếc xéo tên béo có bộ mặt phì nộn hỏi: “Chân tay mày có quý bằng chân tao không?”.
Gã kéo chiếc ống quần lùng thùng lên tới đầu gối rồi chỉ vào hai vết sẹo to tướng bảo “Mày hãy nhìn đây, để có được những con kiến này tao suýt đi tong cả hai cẳng đấy”. Giọng “Đầu gấu” bỗng trở lên u hoài. Thằng phì nộn thấy ớn lạnh…Đời sống tù nhân không thể thiếu kiến, nó là ân nhân đấy… Một lần bị gọi lên thẩm án nhìn thấy giò phong lan của trưởng trại có kiến; tao đã trốn để trèo cột cố bắt được đôi vợ chồng nhà kiến. Bại lộ ngay, chúng hô to, tao ngã từ trên cao xuống, tưởng chết. Bị phạt khẩu phần nửa tháng. Đói, khát… Chúng mày có biết tao đã nâng niu công cuộc truyền sinh của đôi kiến này thế nào không? … - Gã nói như nói một mình – Nhà tù, tù thượng cổ đến nay, cả những ông cách mạng đều hiểu, nhà tù là trường đời. Ở đây, ta không dạy được các người điều gì nhiều, nhưng trước hết chúng ta phải nhân ái!.
Không gian lắng xuống, nghe rõ tiếng xin xá tội của gã phì nộn. Rồi tiếng của “Đầu gấu”cất lên:
- Triệu cho ta cố vấn tinh thần đến đây!
Cử đến bên hắn ơ hờ
“Đầu gấu”cất tiếng hỏi:
-Người thấy việc chăn kiến có ý nghĩa gì?
Chàng sinh viên nuốt nước miếng, vẻ mặt hệ trọng:
-Thưa đại ca! Khi con kiến bò trong cái vòng của tôi thì tôi phát hiện ra rằng chúng ta cầm tù chúng, chứ không phải chúng ta nuôi chúng.
- Cám ơn ngươi.
“Đầu gấu” cúi đầu thừ người ra, trôi vào toà án tự ngã của mình – Lát sau hắn ngẩng lên hỏi Cử :
- Ngươi có nhớ tích Tôn Ngộ Không chứ?
- Có!
“Đầu gấu”gõ lên đầu cử ba cái.
Canh ba.
Cử tỉnh dậy, chàng thấy “Đầu gấu” quì trước mấy nén nhanh đang cháy trong góc xà lim. Chàng vuốt phẳng tà áo tù rồi lần đến cạnh gã.
- Xin lỗi tôi đến muộn!
- Không! Người không có lỗi! - “Đầu gấu” đứng dậy nói - Tại ta không làm sao ngủ được đó thôi. Nói đoạn hắn quỳ xuống, mặt như được nặn bằng sáp. Gã nói mấp máy như người đang chết:
- Lạy Chúa! Tôi chưa bao giờ tin vào sự có mặt của Người, kể cả đêm nay tôi vẫn không muốn tin là có Người. Tôi chỉ cầu đến người như cầu viện đến vị quan toà công chính tối cao của tâm hồn lầm lỗi nơi tôi. Việc tôi cầm tù những con kiến vô tội quả là trái tự nhiên và phi lý…Than ôi! Lạy Chúa! Nếu con người là phương tiện của Chúa để kiến tạo trần gian này, thì những con kiến, chúng phải làm phương tiện cho chúng tôi… Không có kiến chúng tôi sẽ điên mất. Chúng tôi sẽ làm gì khi mỗi ngày dài như thiên thu… Lạy Chúa! Nếu như có tội tổ tông, thì tội tổ tông bắt đầu từ Chúa… Tâm hồn chúng tôi đã đông lạnh, băng hoại giữa cuộc đời… Những con kiến… Vâng, chính những con kiến, chúng là nhịp cầu nối những con tim đã xơ cứng lại với nhau… Vả lại, kiến làm cho chúng tôi vui biết bao, chúng tôi thấy mình đang chăn dắt. Có đúng như vậy không viên tham chính tinh thần?
- Dạ, vâng, đúng thế ạ! – Cử lễ phép đáp.
Số tù nhân tăng mỗi lúc một nhanh, tháng sau thì cứ ba người tù mới có một con kiến. Vì bò quá sức trong vòng luân hồi số kiến cũng giảm dần, trước có mười nay chỉ còn năm. Không khí trở nên u uẩn.
*
* *
Vào lúc đó, sự việc rõ ràng, Cử được trả về cuộc đời… Có cuộc chia tay nào mà chẳng bùi ngùi, cho dù đó là cuộc chia tay với cả địa ngục. Chàng sinh viên ngậm ngùi chia tay với đại ca và đám tù nhân.
- Người có thấy bất hạnh khi phải vào đây không? “Đầu gấu” hỏi.
- Không!
- Đúng! Trước đây Vích-To Huy Gô còn xin ở lại thêm trong tù để viết lại cuốn “Những kẻ khốn nạn”.
Không một tiếng kẹt than thở. Cửa sắt lặng lẽ tiễn biệt Cử. Khi đi ngang qua phòng trưởng trại, chờ cho viên quản giáo vượt lên, Cử vội vàng leo lên một giò phong lan. Lại có hai con kiến. Chàng sinh viên nhẹ nhàng nhón lấy chúng rồi bỏ vào chiếc vỏ diêm.
- Thưa ông! - Cử lễ phép - Tôi cắn cơm cắn cỏ lạy ông, nhờ ông một việc. Phiền ông đem giúp lại cho những con người sống trong khám của tôi - Chàng nói với viên quản giáo và đưa ông ta chiếc hộp diêm đựng kiến.
- Gì đây? – Gã hỏi, vẻ mặt gã như có ánh thép, gã mở hộp diêm - Kiến à! Thật vớ vẩn. – Lão vứt chiếc vỏ diêm xuống đất rồi chà chiếc đế giầy da to sụ lên.
- Trời!
Chàng sinh viên khóc. Nước mắt chàng tuôn chảy, trào vọt. “Lạy Chúa! Người hà ý nghĩa vào tấm gương trần gian này để làm gì? Một ý nghĩa buồn thảm bi đát”.
Chàng vừa đi vừa khóc. Tiếng khóc của tự do./.
 

 

 
 
 
Cõi trầm luân
 
Mặt trời chênh chếch về phía tây, vào phút chót trước buổi hoàng hôn, nắng xiên khoai còn kịp đổ tràn xuống mặt biển những tia nắng chói loà cuối cùng kiến mặt nước mênh mông rực sáng. Đây đó trên mặt sóng nhấp nhô mặc cho đám rêu mờ che phủ, những ngọn núi hình thù duyên dáng được dịp ngời sáng trông như những khối gương mờ ảo.
Nheo mắt lại cho đỡ chói, Hạnh buông một tiếng thở dài, rồi hút tầm mắt về phương đông tít mờ, nơi cõi trời xanh thẳm thả vòm cuốn vĩ đại của mình xuống mặt đại dương. Xa xa những cánh buồm lớn nhỏ đang cuốn theo sóng thuỷ triều vội vàng cập bến. Những con hải âu hối hả chao liệng sát cột buồm như thể giục giã thêm cuộc trở về. Nhìn những chiếc thuyền nhẹ tênh lướt sóng. Hạnh lại mủi lòng. Chắc sau cả chuyến đi xa tít tận chân trời, dân chài cũng chẳng đánh bắt được gì. Những con cá ngày càng xa lánh con người. Cá chạy đua với tốc độ, với những chiếc thuyền gắn máy, ngay cả đến con cua con ốc, cho cả đến đám rong biển cũng biệt sứ tận đâu đâu … Nghề chài lưới ở vùng này ngày càng lụn bại. Lắm nhà đã phải bán sới tầu thuyền lên tỉnh kiếm ăn.
Mặt trời chuyển màu đỏ ối. Hoàng hôn chảy trong không gian những suối nắng dịu hiền. Đằng sau những ngọn núi, những đám mây xám sà xuống vắt lên trên không trung một mầu u uẩn. Không còn thêm cánh buồm nào hướng về bến nữa. Thế là hết hy vọng rồi! Nước mắt Hạnh trào ra. Đã ba mươi nhăm ngày qua, ba mươi nhăm ngày quá kỳ hạn mà anh ấy chưa trở về. Thiện, chồng Hạnh, kỹ sư hàng hải khoá đầu tiên.Vốn xuất thân từ tầng lớp chân chài, vì không có ô dù lại chẳng có tiền, để chạy chọt, thế là Thiện mất chức thuyền trưởng vào đúng lúc con tầu nhổ neo rời bến. Một người với khuôn mặt cậu ấm, non choẹt đã ngồi vào ghế của chàng. Chiếc ghế của con tàu VISCO.
Chàng trở về theo nghề của ông cha, tay chèo tay lưới. Nhưng rủi thay! Số đinh dân chài mỗi ngày một tăng mà luồng cá mỗi ngày một cạn. Mấy cụ già trong làng thường chép miệng cái thời… “Người khôn của khó”, “Trời sinh voi mà cỏ trốn tiệt đi đâu?” Cuộc sống ngày một khốn khổ, vợ chồng Hạnh xoay sở đủ cách mà vẫn bần cùng, túng bấn. Cách đây vài tháng, mấy người Hải Phòng, dăm người Sài Gòn đến đây nhờ Thiện đưa đi Hồng Kông, Thiện tặc lưỡi “ Phải sống đã” rồi chàng nhận lời. Chuyến đầu trót lọt. Hành trình một tuần, khi về Thiện đưa cho Hạnh ít vàng. Anh bảo “Để đấy khi nào có đủ sẽ dọi lại cái mái nhà cho khỏi dột. Ai đời, nước mưa chảy như máng xối vào ngay giường ngủ. Vả lại còn phòng khi sa cơ lỡ vận, đau ốm…”
Công việc chưa khởi đầu thì đã kết cục. Một kết cục chứa đựng dấu hiệu bi thảm. Đã ba mươi nhăm ngày, chiều nào Hạnh cũng thẫn thờ bên bờ biển, gửi tầm mắt khát vọng đến tận chân trời xa lắc, mong mỏi cánh buồm của anh. Tất cả những chấm đen trên biển đều nhận được ánh mắt dõi theo của nàng. Bao lần tim nàng thắt lại, nàng rơi vào tuyệt vọng khi những chấm đen lớn dần rồi hiện rõ thành những hình hài. Có lúc là một con tàu lớn, có lúc chỉ là một ngư thuyền, tất cả không phải chàng…Một tấm mền bọt biển cũ rích, một mái chèo gẫy, những vỏ lon bia dập dình trong mắt nàng, trong cả tâm trí nàng. Mọi vật đều hiện diện ngang tàng trân trối, chúng vừa tàn ác sói lở nỗi khát khao hoang tưởng của nàng vừa vuốt ve niềm hy vọng…Nàng vừa lau nước mắt để gạt đi nỗi thất vọng và nhen lên niềm hy vọng mới khi những chấm đen khác xuất hiện. Dù sao thì nàng cũng muốn nhìn thấy chúng, những chấm đen chứa đựng dấu hiệu của loài người.
Bóng tối dần buông xuống, mặt biển sa sầm, Hạnh đổi thế ngồi cho đỡ mỏi. Bỗng nhiên nàng nghĩ tới chuyện nàng Tô Thi hoá đá chờ chồng, ý tưởng đó khiến nàng khiếp đảm… Nàng sợ hoá đá trước khi người chồng thân yêu trở về. Một cơn gió thổi khiến nàng nổi gai. Nàng cử động các đầu ngón chân. Nắm chặt bàn tay rồi duỗi ra. Không! nàng chưa hoá đá…Nàng được kể rằng “ Ngày xưa, khi những người đàn bà hoá đá đợi chờ, đến khi người chồng trở về, anh ôm lấy mà khóc thì nước mắt sẽ lại biến đá trở nên da thịt…”. Đấy là nước mắt thuần khiết của tình yêu. Nàng hoang mang quá, ngày xưa như vậy, còn bây giờ? Nước mắt của chàng có thể chảy xuống người nàng, nhưng nước mắt chàng sẽ có lẫn đường hoá học, bột ngọt…Chàng không thể trở về mà buồng phổi và dạ dày của chàng không chất đầy khói thải của những con tầu đồ sộ, chất dẻo, mùi xăng dầu, rau khô và thực phẩm ướp từ than đá. Tất cả…tất cả những món nhân tạo đó liệu có làm biến tính hay cơ giới hoá trái tim chàng? Ai dám chắc là không! Nàng bỗng ớn lạnh khi nhớ lại những đám ma ở làng, người ta mở băng cat-xét, tăng chiết áp cho tiếng khóc ai oán não nề vượt màng loa bay đi. Phải chăng đó không phải là nước mắt của cơ giới? Hay là dấu hiệu quá mệt mỏi, suy thoái của trái tim người.
Hạnh vụt đứng dậy, nàng chạy dài trên bãi cát mong thoát khỏi những khối đá trong tâm tưởng. Ngoài xa những con sóng ào ạt vỗ bờ cuốn theo một chiếc vỏ chai. Không kìm được lòng, Hạnh lội sóng lao ra. Nước ngập đến ngực nàng mà chiếc vỏ chai vẫn còn cách một tầm sào. Hạnh kiên nhẫn chờ. Trước buổi hoàng hôn đang tàn tạ, nàng cố mong vớt vát, dù chỉ là một tia nhỏ nhoi hy vọng. Nàng biết những người đi biển khi lâm vào tình trạng tuyệt vọng, họ thường cho thư vào chai rồi thả xuống biển. Họ muốn gửi tiếng nói cuối cùng của mình về cõi loài người…
Con sóng tiếp theo du cái chai lại cho nàng, chẳng có gì cả. Thêm một lần nữa, nó xuất hiện để đẩy nàng xuống hố thẳm tuyệt vọng…
Đêm đổ mực xuống biển. Bóng tối thâm viễn mênh mang nuốt chửng cả đại dương lẫn tầm nhìn của nàng. Hạnh thẫn thờ quay gót. Trước khi bước lên bờ cát, giống như mọi lần, Hạnh chụm hai tay lại vốc nước đưa lên mặt. Nàng hít sâu cái vị mằn mặn của nước biển để tìm hương vị của chồng, nàng tự thưởng cho mình một hơi thở nhẹ nhõm “Không chàng không chết, trong nước biển không có mùi vị của chàng”.
**
*
- Cô Hạnh ơi! Cô Hạnh ơi…ơi!- Tiếng đứa cháu Hạnh gọi.
- Cô ơi…!.
- Cô ơi…! Cô có thư này!- Thằng bé chạy như bay về phía Hạnh.
- Thật ư cháu? Đâu! – Lồng ngực Hạnh như vỡ tung, nàng như cướp lấy lá thư trên tay thằng bé.
Trăng lên, ánh trăng ngời toả trong không gian thứ ánh sáng mơ hồ, bàng bạc…Hạnh nhận ra ngay nét chữ của chồng, những con chữ gân guốc, cứng cỏi. Nàng xé phong bì:
“Hồng Kông- tháng 6…
Em vô vàn yêu thương.
Khao khát quay mũi thuyền dong buồm trở về quê hương nơi có người vợ trẻ đầy thương nhớ của anh, thế là đã không thành. Trời ơi. Anh nuối tiếc biết bao. Anh nhớ em biết nhường nào!
Em yêu! Anh không muốn viết những dòng đớn đau này, song không còn cách nào khác. Hãy tha thứ cho anh.
…Con thuyền của anh tưởng đã khởi hành thuận buồm xuôi gió. Nào ngờ, gió thổi bạt xuống phía Nam. Đêm quá tối, bọn anh đã lạc đường. Lại thêm, trời mưa xối xả, thực phẩm trên thuyền ướt sũng hư thối hết. Một tuần lênh đênh trên biển cả, bọn anh trải qua tất cả mọi nỗi đau mà con người có nổi. Nào bệnh tật, nào đói khát, nào ganh ghét cắn xé lẫn nhau…Số người đuối sức mỗi ngày một tăng, ngày nào bọn anh cũng phải tiễn đưa xác một người bạn đồng hành xuống biển.
Một chiều. Có ba người cùng trút hơi thở cuối cùng. Hai cái xác lần lượt được thả xuống biển. Mọi người đang dồn hết tàn lực của mình để vác cái xác thứ ba, thì từ đầu mũi thuyền giọng người đàn ông khò khè, phều phào nào đó bỗng cất lên “Khoan đã nào! tôi xin các bạn hãy cân nhắc, nếu vứt nốt cái xác này thì rồi tất cả chúng ta cũng sẽ chết. Chết đói! Phải lựa chọn thôi!! Trong những cái xấu, hãy chọn lấy cái ít tồi tệ nhất…!”.
Em! Cuối cùng thì cái việc kinh khủng nhất đã đến. Nó đã xảy ra. Nhưng không một ai dám động đến cái xác đó. Họ đùn đẩy nhau. Cuối cùng mọi người nhờ cậy vào một kẻ chuyên nghề chém mướn;
“Này anh bạn! làm đồ tể quen rồi, hãy giúp chúng tôi xẻ thịt thân xác này ra”. “Đừng mong nhé!” Gã chém mướn đáp. Các người đừng đổ tiếng ác cho ta! Hơn nữa ta chỉ quen chém giết người sống thôi. Ta thích cái vẻ oai hùng, mã thượng. Thú vị chẳng kém cạnh những tay dũng tướng trong thời trận mạc, nhộn nhạo… Còn chém xác chết! Việc ấy lợm giọng lắm. Người chết chẳng còn gì ngoài cái xác, hãy để cho họ yên!”. Hắn nhổ một bãi nước bọt”
.
Hết cách. Mọi người bèn hối lộ gã chém mướn bằng vàng. Có vàng, gã bạo dạn hơn với cái xác “Thôi được! Vì mọi người…Ác thêm một chút cũng chẳng đầy đặn gì”.
Thịt người được nướng lên. Khét lèn lẹt. Mọi người bắt anh cũng phải ăn. Họ đưa mũi dao vào cổ anh bảo “Hãy cộng đồng trách nhiệm chứ! Đừng có tách ra như thế!”.
Ngay lúc đó, một chiếc tầu tuần tiễu chống nhập cư trái phép của cảnh sát Hồng Kông ập đến. Họ áp sát mạn thuyền. Anh không đủ từ để diễn tả sự kinh hoàng của họ khi nhìn thấy cái xác với những dấu vết đã bị lấy ra.
Em ơi! tất cả đã bị bắt và bị biệt giam. Riêng anh với hai lý do: một- anh không có một thứ giấy tờ nào trên người(hộ chiếu, vi za, thẻ tuỳ thân) như vậy không có khả năng chứng minh được nguồn gốc dân tộc của anh, hai- anh không tự chứng minh nổi nguồn gốc loài người của mình, vì con người không biết ăn thịt đồng loại.
Em ạ! Sự giam hãm không phải là cuộc cầm tù thể xác anh, mà là cuộc bao vây anh khỏi nhân loại, khỏi giá trị loài người. Anh và những người cùng thuyền là những con thú.
Em thân yêu! Chỉ có tình yêu mới cứu nổi anh. Tình yêu sẽ trao trả cho anh kiếp người. Chỉ có tình yêu mới chứng tỏ được anh vẫn đang cố công tiếp tục làm người. Em yêu dấu! Hãy nhanh lên! Chỉ em là người duy nhất với tình yêu của mình, cứu thoát anh ra khỏi ngục tù này…
Hãy đem tất cả những gì dành dụm được bấy lâu nay đổi lấy tấm vé. Tấm vé vượt biên, đến với anh…Với anh đó là tấm vé thoát khỏi địa ngục để bước vào “Rạp hát loài người”.
Hãy nhanh chân lên. Anh đợi em từng giờ từng khắc.
Hôn em yêu dấu”
**
*
Đêm hôm đó, Hạnh không ngủ… Nàng lặn lội tìm đến nhà người mối lái vượt biên. Vàng còn thiếu, Hạnh gán nốt căn nhà và chiếc nhẫn cưới, mua một chỗ ngồi trên con thuyền vượt biên trái phép vào sáng hôm sau.
**
*
Thiện được đưa đến một căn phòng khá sang trọng dài hun hút. Tấm thảm trắng trải sàn bung lên một mầu hồng nhạt. Chàng bồn chồn đi đi, lại lại, chờ đợi. Chàng không biết chàng đang bước dưới ống kính camêra được gắn khắp tường. Cách đó một dãy hành lang ngắn, trong căn phòng lớn của viên sếp trại, một nhóm chuyên gia đang theo dõi từng cử động của chàng qua màn ảnh truyền hình.
- Cho vợ anh ta vào được rồi!- Tiếng viên bác sỹ tâm lý học nhân chủng. -Anh ta đưa tay sửa lại gọng kính trên mắt.
- Cho vợ anh ta vào !- Viên xếp trại ra lệnh bằng bộ đàm.
Cửa mở, Hạnh rụt rè bước vào dãy phòng mà chồng nàng đã chờ ở đó. Trông nàng đầy hồi hộp.
- Tôi phản đối việc làm bỉ ổi này- Vị chuyên gia nhân bản học lên tiếng.- Tại sao chúng ta lại đi rình mò một đôi tình nhân. Điều này phỉ báng nền văn minh của chúng ta! Như vậy chỉ có thể là văn minh mật thám.
- Hãy bớt khích động đi ngài nhân bản học.- Vị luật gia đáp lời.- Chúng ta sẽ xấu hổ khi chúng ta rình mò để làm hại họ. Đằng này, chúng ta cần theo dõi để giải đáp vấn đề có liên quan đến công cuộc giải phóng họ. Mặt khác, tiên đề giả định của chúng ta là: Anh ta không có dân tộc, anh ta không phải là NGƯỜI. Ngay giây phút này, anh ta chỉ là đối tượng quan sát thực nghiệm của chúng ta thôi!
* *
*
- Anh!
- Em!
Hai cái bóng gày gò trên màn hình ôm chầm lấy nhau. Thiện âu yếm vuốt mái tóc của vợ:
- Em! Đi xa ngần ấy, em có làm sao không?
* *
*
- Câu nói đầu tiên của anh ta là sự quan tâm đến người khác. – Vị chuyên gia xã hội học lên tiếng.
Nhìn đôi tình nhân hôn nhau say sưa, vị bác sỹ bảo:
- Cơn mê đắm của họ thật thanh khiết. Sau ngần ấy ngày bị cầm giam, sự tiếp cận nhẹ nhàng như thế của giống đực chứng tỏ hắn đang yêu. Hắn là NGƯỜI!

Cuộc thực nghiệm kết thúc, đôi tình nhân được mời lên phòng viên sếp trại.
- Chúng tôi sẽ trả lại tự do cho anh chị.- Vị đại diện chính quyền có khuôn mặt bừ bự tuyên bố. – Với một điều kiện anh hứa từ nay trở đi không bao giờ chở người vượt biên nữa.
Sau phút nghĩ ngợi, Thiện đáp “Tôi sẵn sàng đổi mọi thứ lấy tự do! Tôi sẽ hứa. Nhưng tôi đang hoang mang lắm, tôi không thể đảm bảo tuyệt đối cho lời hứa của mình. Ông xem đấy, mảnh đất quê tôi thì cằn cỗi. Biển có cá thì cá trốn biệt tăm. Tôi sống bằng gì?
- Tôi tưởng quê hương ông rừng vàng biển bạc? Hãy biết yêu quê hương mình. Hãy cải tạo nó.- Vị đại diện chính quyền hạ giọng như tâm tình. – Anh biết đấy, những mảnh đất tận cùng châu Phi, chỉ có nắng gió và bão cát, ấy vậy mà dân chúng có bỏ đi đâu. Họ vẫn yêu tha thiết mảnh đất của mình. Quê hương chỉ nghèo khi ta không biết yêu nó!
- Tôi hiểu! Nhưng…- Tiếng Thiện nghẹn tắc lại, nhưng bỗng chàng quả quyết- Vâng tôi hứa!
- Như mọi người, anh chị sẽ được lĩnh khoản tiền của Liên hợp quốc giành cho những người tình nguyện hồi hương. - Ông sửa lại chiếc cà vạt nơi cổ rồi hỏi thêm- Anh chị về nước bằng đường không hay đường thuỷ?
- Chúng tôi sang bằng đường nào thì về bằng đường đó.- Thiện đáp vẻ cứng cỏi.

- Vậy thì thuyền của anh chị vẫn ở dưới bến. Tôi đã cho thay mấy miếng gỗ mục ở mũi thuyền bên trái và bánh lái rồi đó! Anh chị toàn quyền sử dụng vì nó là của anh chị.
- Cám ơn ông. Chào các ông!- Thiện và Hạnh xuống gác đi về cuối hành lang đến phòng thủ quỹ. Ông thủ quỹ đi vắng cô thư ký bảo họ ngồi chờ khoảng nửa giờ nữa. Ngồi một lát, Hạnh bỗng nghĩ ra một điều thì thầm vào tai chàng giọng phấp phỏng lo lắng:
- Chúng ta đi thôi anh ạ! Em sợ họ thay đổi quyết định lắm. Họ bắt lại chúng ta thì sao! Thời buổi này, mọi thứ xoay như chong chóng.
- Họ là những người đứng đắn- Họ đại diện cho Liên Hiệp quốc cơ mà!.
- Cũng vậy thôi- Liên hiệp quốc cũng chỉ là một tổ chức chính trị. Mà chính trị thì…
Hạnh và Thiện vội vàng bỏ đi. Trước khi nhảy lên thuyền, họ nghe tiếng gọi:
- Mời Thiện và Hạnh vào!
- Nhanh lên anh! Họ gọi chúng ta đấy, đừng để họ bắt lại, hoặc sẽ theo con đường trao trả chính thức…!
Thiện quấn dây neo vứt vội lên thuyền. Chàng dùng hết sức đẩy con thuyền ra xa rồi nhân đà du vào mạn thuyền, bước lên khoang.

- Ai là Thiện và Hạnh, mời vào!- Những tiếng gọi gấp gáp, giục giã vẫn tiếp tục vang lên. Thiện mím môi chèo thật lực.
Bờ xa dần, tiếng gọi cũng xa dần.
-Anh!
-Em!
Họ hôn nhau. Nụ hôn tự do khởi xướng cuộc hành trình trở về quê cũ.
Trở về cõi làm người. Cõi trầm luân yêu dấu./.
 

 

 
 
 

 

 
Nguyễn Hoàng Đức
 
 
 
 
 
 
 
Bản ngã, tâm linh - thể xác, tự do, tha nhân
 
“Con người còn giá trị hơn cả vũ trụ”
Đó là câu nói được triết gia C-harles Werner lột tả từ tinh thần của Phúc âm. Ồ, cái con người, nó là ai mà được tôn vinh lên trên hết vũ trụ như vậy? Hỡi Thượng Đế, Đấng sáng thế của toàn vũ trụ, Ngài tạo ra vũ trụ cho chúng tôi hay tạo ra chúng tôi để cho vũ trụ?
Câu hỏi này dẫn chúng ta ngược nguồn trở lại buổi khai thiên lập địa, Sáng thế kỷ đã ghi chép lại rằng: Chúa tạo dựng trời đất để đặt con người mang hình ảnh cao quí của Ngài vào giữa đất sống trần gian. Spinoza nói: "Con người là một hiện thể tư duy là một phần trong thách đố của con người, song ngược lại con người cũng không tránh khỏi là thách đố của Thượng Đế. Con người ra sao, văn hoá của nó thế nào thì Thượng Đế của nó như thế ấy. Con người không chỉ dựng xong đền thánh là đã làm xong cái việc xây cất nơi cư trú cho linh hồn. Cũng không phải khi nó nguệch ngoạc làm dấu thánh giá là Thiên Chúa sẽ hạ xuống an bài cho nó. Không? Thiên Chúa phải là bầu trời khát vọng luôn luôn biến đổi từ ánh dương sáng láng buổi bình minh đến những tia nắng cuối chiều u hoài hùng vĩ cho tâm linh khát khao sáng tạo của con người. Nghĩa là, Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa cho con người khi mà nó day dứt khôn nguôi trong suy tưởng và sự nghiệp làm người. Thiên Chúa sẽ chết khô héo khi mà linh hồn định ngừng nghỉ bằng cuộc an thân nơi tượng đài Thiên Chúa. Jasper nói "Những người vô thần có khi lại gần lý tưởng hữu thần hơn là những người mang bộ áo hữu thần”.
Thượng Đế có hay không? Không hữu ích bằng việc chúng ta nhân danh Ngài để nhắm tới cứu cánh cao cả siêu việt làm người, và để sống với lý tưởng làm người đang thăng thiên về siêu việt. Maurice Barrès nói: "Tôi không phán đoán chân lý tôn giáo, tôi chỉ nhận định rằng những chân lý ấy liên hệ đến sự phát triển của tâm hồn tôi".
Chúng ta không quên lãng Thượng Đế - cõi con người lý tưởng của chúng ta. Và bây giờ chúng không thể quên lãng con người - kẻ hành hương đi tìm Thượng đế mong tự hoá thân thành lý tưởng của mình. Bởi 'thế, sau Thượng Đế tất yếu lệ con người. Thánh Augustine nói: "Lý thuyết về sáng tạo tự thân sẽ dẫn đến lý thuyết về con người. Bởi lẽ con người chiếm cứ một địa vị ưu tiên trong thế giới được tạo lên: Con người tức thì hiện diện như non cao giữa thế giới khả giác và thế giới tinh thần thuần khiết. Đó là nguyên nhân tại sao sau khi tiếp xử Thượng đế - Đấng sáng tạo, triết học phải hướng về con người, đúng bản tính và cứu cánh của nó".
Đó là ngôi vị của con người trong dãy số sáng tạo của Chúa. Song, nếu không có Chúa thì sao? Nếu không có chúa, không có thoả ước bí nhiệm giữa Chúa và con người, thì con người liệu có tự chấm dứt tra vấn về mình, về cuộc đời mình như một hữu vô trì hay không? Không! Nếu không có Chúa thì con người cũng phải nỗ lực tự cứu rỗi lấy mình, còn nếu như có Chúa cũng vậy thì, con người văn phải tự cứu rỗi lấy mình, bởi lẽ trong ngày tận thế Chúa sẽ chọn ra cỏ lùng và lúa, cỏ lùng sẽ bị đốt, còn lúa sẽ được xếp vào kho nhà trời. Vấn đề con người là tất yếu của Hữu tự cứu rỗi lấy mình, Sartre nói: "Không phải vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa. Trái lại con người phải tự tìm ra mình và tự tin chắc rằng không thể có gì cứu rỗi được mình cả ngoài chính mình, mặc dù có một chứng cớ có giá trị về sự hiện hữu của Thiên Chúa".
Đó là con người, cái con người bị đính mắc vào dòng chảy sáng tao của Thiên Chúa. Trong dòng chảy đó, con người được xem như một phó sản tối cao của Thiên Chúa, hoặc một ốc đảo đứng độc lập khỏi sự soi bóng của quyền trượng Thượng Đế mong tự cứu rỗi lấy mình. Còn đất đứng thực tại của con người thì sao? Con người đứng giữa trần gian - trân trân giữa những biến cố hãi hùng đổ nát của lịch sử, của xã hội thì sao? Con người trước hết là con người sống đã rồi sau mới triết lý. Và cái con người, nó chẳng bao giờ thoát khỏi cái trung tâm cá thể của mình. Henry Milier nói: "Tất cả mọi vấn đề nghiêm trọng trên thế giới chỉ là vấn đề cá nhân, có thể giải quyết từ nơi cá nhân. Tôi không muốn xây dựng lại trần gian, tôi không muốn, cải tạo con người. Tôi biết rằng dù có một ngàn cuộc cách mạng xảy ra, thế giới cũng chỉ vẫn vậy, dù một ngàn cuộc cách mạng xảy ra, thế giới cũng vẫn vậy dù một ngàn Chúa cứu thế cũng vẫn thế, con người, ồ, cái con người! Còn thế giới?" (CĐST, 246).
Thế giới ư? Nó cũng chỉ là xã hội “liên cá thể" mà thôi. Nghĩa là thế giới chẳng bao giờ thoát nổi cái chu vi mà ở đó mọi cá thể tham dự vào như những đơn tử riêng rẽ tụ hội về. Xã hội xét cho cùng cũng chỉ là một hữu siêu hình - nó hiện ra như một mạch vữa tương tác giữa các ca thể với nhau. Không có cá thể không có xã hội. Bởi thế hữu đầu tiên của nhân loại là hữu cá thể hữu con người riêng rẽ hữu cái tôi. G.Marcel nói "Hữu thể mà tôi yêu hơn hết đó là chính tôi".
Tình yêu đầu tiên của con người là yêu lấy mình. Đó là sự thực mãnh liệt đầy sức biện chính nhất cuộc đời. Liệu có kẻ nào bỏ mặc mình trong cô đơn? Liệu có kẻ nào vào hùa với mọi người để tự hắt hủi mình như một kẻ thù cuối cùng sát cánh nhất? Liệu có kẻ nào đủ lãnh cảm để thờ ơ bỏ mặc trái tim cô đơn của nó thổn thức giữa những hàng lệ lạnh băng như những giọt mưa cuối thu? Người Pháp có một câu thật chí lý "Người ta chẳng bao giờ cô độc trong nỗi cô đơn của mình". Như cuộc hôn phối vĩnh cửu của linh hồn và thể xác, của ý thức và vô thức, con người là người bạn song hành tuyệt đối khăng khít đầu tiên cũng như cuối cùng của mình. Xã hội ư? Nền văn minh ư? Gia đình ư? Cộng đồng ư? Không! Trước hết phải có con người, có bản ngã chủ thể trước đã - đó là những cái tôi tham dự vào xã hội. Có phải căn cứ vào cái tôi và nhân danh cái tôi, con người mới nói: lên những lời thống thiết rằng: người yêu của tôi, bạn của tôi, vợ của tôi, gia đình của tôi, hạnh phúc của tôi, xóm giềng của tôi, tổ quốc của tôi, thế giới của tôi, và cuối cùng là vũ trụ của tôi! Bởi thế mọi sự nghiêm trọng xảy ra ở đời đều bắt nguồn từ cái Tôi.
Cuộc chinh phạt thành Tơroa hiển hách của những đội thuyền chiến HyLạp chẳng bắt đầu từ nỗi cạy cú của gia đình Mênêlax là gì! Cuộc chinh phạt dãy Anpơ lừng lững của người Phi Châu chẳng bắt đầu từ thiên tài của Hanibal là gif? Cuộc thăm thú vườn treo Babilông mở ra nền giao kết văn hoá Tây Đông chẳng bắt đầu từ tiếng vó ngựa rầm rập của Alếcxander một Đại hoàng đế trẻ tuổi dũng lược kiêu hùng là gì! Cuộc hạ sơn ào ạt của những vó ngựa phương Đông rong ruổi qua phía Tây bán cầu chẳng bắt nguồn từ chiếc đầu bốc lửa trường chinh của Thành cát tư hãn là gì! Trong biến cố hào hùng của lịch sử cận đại, trận Oatéclô khiến cả Châu Âu rùng mình chuyển động chẳng bắt đầu từ chàng trung uý pháo binh là gì? Bởi chứng nghiệm được biến cố của thực tại lịch sử, G.Tarde nói: "Sự kiện xã hội tiêu biểu chỉ là sự kiện lên cá nhân".
Con người là ai? Vị trí của nó trong lịch sử, trong xã hội, cũng như siêu hình học "Thượng đế" chưa đủ để nói lên vai trò trung tâm vũ trụ của nó. Cách đây hơn hai ngàn năm nhà hiền triết Protagoras nói: "Con người là thước đo vạn vật". Quả vậy, nếu không có con người làm sao chúng ta có thể nói được: Đỉnh núi kia lớn và hòn sỏi kia nhỏ. Giả sử, chúng ta lấy chân đá hòn sỏi văng đến gần một tổ kiến, những chú kiến tán loạn chạy dạt ra hai phía, chúng không hiểu được có một đỉnh núi ở đâu đã thình lình lăn đến. Và chẳng may một chú kiến gặp tai nạn, nó bắn văng vào giữa một đám bọ gậy, đám bọ gậy vừa chạy tản đi vừa la thất thanh "voi ma múi". Cứ như vậy, nếu chúng ta cứ tiếp diễn suy tư của mình, thì một con châu chấu sẽ trở thành một con đại bàng trước mặt con kiến, và đỉnh Hymalaya sẽ chỉ là một hòn sỏi bị lãng quên dưới ánh sáng của thần mặt trời. một ngọn nến thắp giữa nhà sẽ trở thành mặt trời của đám ruồi muỗi. Chúng ta hãy nhìn vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú có phải được dựng lên cho những con kiến và đám sâu bọ nhìn ngắm? Không? Chắc hẳn là không? Chỉ một chiếc lá rụng có thể là cơn động đất huỷ diệt với những con kiến đang bò trên đó. Vũ trụ được tạo dựng nên là nhắm tới tầm vóc sinh sống, ngắm nhìn cũng như chinh phục của con người, bởi chỉ có con người mới thắc mắc, nhận biết và thấu hiểu nổi hệ hành tinh của Chúa. Vì lẽ đó, việc tìm hiểu con người như một thước đo đầu tiên của vũ trụ là thật cần thiết. Trái núi lớn, nó lớn là bởi so với con người chứ không phải so với mặt trời. Hòn sỏi nhỏ, nó nhỏ bởi vì qui chiếu vào tầm vóc của con người, chứ không nhỏ khi lăn qua bầy kiến.
Nhân danh con người, vũ trụ có một thước đo trung dung để đổ vạn vật. Song đó mới chỉ là cái con người của kích thước. Hơn cả thế, con người còn vượt lên để chiếm lĩnh dòng chữ tối cao của bảng giá trị muộn loài bằng một tâm hồn sáng láng siêu việt độc nhất vô nhị của nó: Tâm hồn phản tỉnh chính mình. Heidegger nói: nghiên cứu hữu thể đầu tiên là nghiên cứu con người. Quả vậy nó là kẻ duy nhất có khả năng tự vấn hỏi mình".
Nếu không có con người, vũ trụ có tự giải đáp lấy bài toán bí nhiệm của mình không khi mà chẳng bao giờ nó tự cất lên được lời tra vấn mình? Chính con người đã làm điều đó? Con người đã khoác vào tâm thức khả tri của mình bổn phận của kẻ dò tìm chân lý? Chẳng có ai khác ngoài nó phải làm điều đó. Đến đây toàn vẹn bổn phận của con người đã lộ ra: con người phải gánh lấy trách nhiệm tra hỏi và giải đáp vũ trụ toàn thề-cái vũ trụ là đất sống của nó. Song con người là ai? Tự nó vẫn luôn luôn là một bí nhiệm trước mặt nó. Nó có phải là linh hồn thông thiên với Thượng Đế không khi mà Pascal đã phỉ báng: "Ai muốn làm thiên thần sẽ trở thành con vật". Nó liệu có phải là con vật không khi mà White Head đã lớn tiếng: "Những thế lực vụn vặt của trí tuệ đã cộng tác một cách mù quáng vào việc biến đổi khỉ thành người".
Hay con người là nửa người nửa ngợm như Henry Millier đã nhìn nhận: "Trong bất cứ ý nghĩa đích thực nào, chắc chắn chúng ta cũng chưa sống thực. Chúng ta không còn là thú vật nữa, nhưng hiển nhiên chúng ta cũng chưa làm người".
Vậy câu hỏi con người là ai vần giấu mặt khỏi con người đang sờ sờ ra đấy! Tại sao các vị Hoàng Đế lại cần đến các nhà chiêm bốc - tử vi: Tại sao dân lành lại cần đến những thầy bói toán? Tại sao những sắc tộc trên nữ cao lại cần đến thầy cúng và thầy phù thủy? Tại sao nhiều nhà bác học lại cần một thánh đường để làm dấu thánh giá? Và tại sao khoa học lại chẳng lúc nào ngừng nghỉ cuộc công phá định mệnh huyền bí của mình. Đó có phải là con người chưa hiểu đầy đủ về nó, về hiện sinh của nó, quá khứ của nó, tương lai, tiền định của nó cũng như cứu cánh của nó! Giống như Chúa mặc khải giấu mặt khỏi cuộc đời, đến lượt con người - cái hình ảnh của nó cũng giấu mặt khỏi chính nó. Và bởi sự giấu mặt của nó, nên cuộc đời đã và mãi mãi sẽ là một huyền nhiệm. Con người sống cuộc đời huyền nhiệm chứ không sống cuộc đời của những rôbốt đã được lập chương trình bằng sắt thép và chất dẻo. Chúng ta hãy thử nghe nhà triết học Horne bàn về cái tầm vóc “hữu hạn toàn hảo” của con người: “Nền triết học của chúng ta cam quyết rằng học trò là một con người hữu hạn, nó lớn lên thâu hái nền giáo dục riêng rẽ trong cái hình ảnh vô hạn định về con người đó là con người mà nguồn gốc của nó là thần thánh bản thể của nó là tự do và cứu cánh của nó là bất tử”.
Chúng ta hãy nghiên cứu con người được xem như thể giá trị trung tâm của toàn vũ trụ. Con người là ai? Là thánh thần? Là động vật? Hay là một tiến trình thăng thiên từ động vật lên thánh thần? Đó là con người nói chung? Còn cái con người "đầu tiên", con người của mọi con người "cái tôi" của mọi chúng ta, cái tôi của anh, cái tôi của tôi - một cái tôi riêng rẽ và phổ quát tham dự vào cộng đồng, dân tộc và nhân loại thì sao? Để bắt đầu từ cái tôi bản ngã, bạn buộc phải thừa nhận với tôi một chân lý đầu tiên: Cái Ngã là cái có mặt trước hết của mỗi con người, nó được chăm chút, được yêu trước hết. Ma le Branche nói: "Người ta không thể thôi yêu mình, nhưng người ta chỉ có thể chấm dứt tình yêu sai lầm về mình làm thôi".
Tình yêu mình, đó chính là nguồn mạch đầu tiên xây lên bản ngã của mình. Mỗi con người sau khì đã thiết lập nên bản ngã đầy ắp và riêng rẽ của mình, thì mới có khả năng tham dự vào xã hội như một phần tử đặc thù có cá tính. Tình yêu tự ngã cốt tử đến mức mà nếu ta hiến cho ai đó cái bản ngã của mình thì ta sẽ chẳng còn là ta nữa. Đó anh có là một thiên tài lớn đến đâu, dù anh có một tấm lòng từ bi quảng đại dạt dào đủ để rưới điều thiện hảo khắp mặt đất này, thì tất cả những điều anh làm phải mang tên anh, nếu anh phi bản ngã, nghĩa là anh tự vong thân trong sự hiện diện của mình, thì tất cả tài năng và lòng tốt kìa chẳng còn nơi nào bấu víu, và sẽ giống anh, chúng sẽ chẳng có lấy một tên gọi. Chúng ta hãy nhìn ra lịch sử: bát thuốc độc chân lý chẳng có tên là Socrat là gì! Thập giá đóng đinh chẳng mang tên Jêsu ư! phong trào bất bạo động chẳng cùng tên gọi với Thánh Gandhi sao! Bản ngã là cái cốt tử, cái đầu tiên cũng như cái cuối cùng không hiến cho ai được. Nếu tôi có hiến dâng cho chân lý, cho dân tộc, cho gia đình của tôi cả một đời hay chính sinh mệnh của tôi, thì đó chỉ là sự dâng hiến của đời tôi chứ không phải sự dâng hiến bản ngã. Bởi nếu tôi có cái chết, cái chết đó vẫn là mang tên tôi vì nó là của tôi, không ai có thể sở đắc sự hy sinh của tôi được, nhà văn Montaigne nói: "Hãy giúp người nhưng không tự hiến cho ai cả".
Bản ngã không chỉ là một sắc thái rực rỡ của một con người mong tham dự vào sự đa dạng phong phú của xã hội nó là bổn phận của mỗi con người, bởi một khi con người mang cái "Tôi" của mình tức là nó tuyên bố rằng: tôi đây, ý chí của tôi đây, hành động của tôi đây, đạo đức của tôi đây! Như vậy, tôi sân sàng chịu trách nhiệm về mọi tư tưởng và hành vi của mình trước vinh quang cũng như trừng phạt, tôi không muốn ai đó cướp lấy công lao của tôi và tôi cũng chặng .muốn đổ lỗi lên đầu ai cả. Bởi vậy, kẻ không chịu tạo ra bản ngã của mình là kẻ muốn trốn tránh trách nhiệm của nó trước cuộc đời và nó trốn tránh việc nó mang lấy tên mình. Kẻ đó khởi đầu bằng việc đánh thó chính mình, tiếp đến, nó sẽ đánh thó nhân loại, đó là hiển nhiên vì "kẻ ăn cắp quả trứng sẽ có ngày ăn cắp con trâu". Nó là kẻ thù của những người công chính và trung thực, Nietzsche nói: "Kẻ thù của tôi là những kẻ rắp ranh phá hoại và không chịu tạo ra cái bản ngã của chính mình".
Trong đời sống kẻ chân chính chịu trách nhiệm về mình, và tự tin để sống cùng lương tâm, một cách thanh thản và tốt lành. Còn kẻ xấu, kẻ dốt, kẻ lười biếng thì sao? Chúng ta hãy nhìn vào các triều đình, có phải đám hoạn quan ngu dốt thường tụ lại với nhau để xúc xiểm, bôi lem, hãm hại một vài con người dám nói lên chân lý! Chúng ta hãy nhìn vào rừng sâu, có phải đám đạo tặc vẫn ủ rê quần tụ lại với nhau ẩn nấp trong bụi cây tối tăm rậm rạp thình lình tấn công những con người lương thiện ít ỏi đi qua? Chúng ta hãy nhìn ra phố phường, chẳng phải đám ăn xin ăn mày biếng nhác thường quần tụ lại thành "Khu phố tiếng lóng" để che chở cho nhau. Jasper nói: "Trong sự can đảm tập thể của thời đại, ta dễ nhận ra sự mất can đảm và sự hèn nhát của cá nhân. Cũng hệt như khi vì sợ hãi những kẻ cướp đường hay dã thú, người ta phải đi thành hàng ngũ trong sa mạc".
Đoàn lũ, đám đông không có nhân cách, nhân cách là của từng con người cụ thể. Mỗi người phải mang lấy nhân cách của mình và chịu trách nhiệm về điều đó. Bởi vậy, khi những cá nhân muốn trốn tránh bổn phận cũng như nhân cách của mình, nó gia nhập vào đoàn lũ để trốn đi cái việc phải xây nên nó. Không? Tội ác của đám đông sẽ bị lấp liếm đi bằng sự biện hộ về lòng vô minh cuồng khích. Đạo hạnh của một chủng tộc sẽ cướp đi đạo đức của từng cá nhân bằng cách đổi lấy một cái tên gọi khác là truyền thống. Trong khi đó con người có bổn phận phải sống đức hạnh của mình, phải sáng lạo ra đức hạnh của riêng mình. Trước hết con người chân chính phải xây nên con người của chính mình.
 

 

 
 
 

 

Sáng tạo mỹ học từ cái nhìn đơn giản
 
 
 
Sáng tạo là gì? Mỹ học là gì? Đó là những câu hỏi có thể phải trả lời bằng cả ngàn cuốn sách vẫn chưa rõ nghĩa, nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta là những phạm trù hù doạ ngăn cản chúng ta sáng tạo.
Chẳng hạn, nều người ta đặt câu hỏi không gian là cái chi, thì ngay các triết gia nổi tiếng nhất hành tinh cũng không dám trả lời một cách rõ ràng, tuy vậy, một tài xế bằng mắt ước lượng đã căn xe của minh đi lọt qua khoảng trống nào đó, một cách không cần phải biết định nghĩa anh ta đã thao tác khả năng thực thi không gian của mình. Hoặc một người nấu rượu cũng chẳng biết định nghĩa về thời gian vậy mà anh ta vẫn thao tác toàn bộ qui trình trưng cất từ ủ men đến nấu rượu, đến quá trình làm lạnh. Cũng vậy cho dù chúng ta chưa trả lời được minh bạch ngọn ngành sáng tạo-mỹ học là gì, chúng ta vẫn bắt tay vào sáng tạo; điều đó không phải là vô minh, mà giống tất cả mọi người cho dù chưa hiểu hết không gian và thời gian là gì thì vẫn cứ sống trong không gian và với thời gian (tuy vậy, không nên nhầm lẫn giữa chưa hiểu hết với mặc kệ chẳng cần hiểu theo chủ nghĩa tự nhiên).
Văn hào Lỗ Tấn có nêu ra hình ảnh vô cùng dễ hiểu của sáng tạo là: Một người lấy ngón tay ngoáy lỗ mũi chẳng ai nhin, nhưng nếu có người dùng ngón chân ngoáy lỗ mũi, thì người đó có thể quây rạp để bán vé lấy tiền. Câu chuyện mộc mạc nhưng đấy chất biểu tượng đó có nghĩa gì? Đã sáng tạo thì có nghĩa phải làm ra điều gì đó bất bình thường, một điều không mấy ai làm được. Và trong cuộc chạy đua, ai càng làm ra những gì người khác không làm nổi thì càng độc đáo, thậm chí không ai làm được thì ta sẽ trở thành người bất sánh. Hãy nhìn vào các gánh xiếc thì thấy, người ta không ai mất tiền đi xem cái thứ ai cũng làm được, mà họ mất tiền để xem người đi trên dây, người trồng cây chuối, người đi cà kheo cao lênh khênh, người tung hứng 3 đồ vật, 4 đồ vật, 5 đồ vật, càng tung được nhiều đồ vật càng tài.
Như vua hề C-harles Chaplin đã mở màn sự nghiệp lẫy lừng của mình từ một điễn viên xiếc, ông không chỉ leo dây mà còn trình diễn nhín phi vụ không ai có thể chịu nổi, khi đang leo dây thì có những con khỉ bấu lấy giằng chân ông ra khỏi dây, chưa kịp chống cự có con lại tụt quần ông làm gì đây để vừa khỏi bị ngã vừa giữ lại chiếc quần lót trong kẻo để nó đùa nôt thì quá quê trước mắt khán giả, đã thế lại có cả vài con khỉ trèo lên đầu ông, vừa lấy tay bịt mắt ông, vừa lấy đuôi nhét vào mồn.. như vậy Chaplin đã cố trình diễn một việc leo dây khó nhất với muôn vàn cản trở. Càng làm được việc khó làm Chaplin càng trở thành người độc tôn. Trái lại, gánh xiếc nào càng làm việc dễ làm càng mất khách. Đó không phải là việc của riêng ngành xiếc, tất cả các bộ môn nghệ thuật biểu diễn nều khogn tìm ra được những tiết mục mới, “Tích mới -tuồng mới” thì đều đứng trước nguy cơ sập tiệm.
Đấy từ câu chuyện ngoáy lỗ mũi bằng ngón chân của Lỗ Tấn, chúng ta đã dễ dàng đi bước đầu tiên vào sáng tạo. Sáng tạo là làm cái khó, những không chỉ leo dây, trồng cây chuối mới là cái khó, mà riêng chuyện đi bộ thôi, một người đi bộ một vạn dặm không cần suy nghĩ gì ta cũng biết người đó còn vĩ đại hơn anh chàng kia chạy vài chục mét. Và sáng tạo một công trình, như con đường vạn dặm dù còn thô mộc nhưng bạt núi-san đồi-trèo qua vực thẳm thì cách gì cũng lớn gấp bội con đường dài vài trăm mét dù có được giăng đèn kết hoa rực rỡ.
Người La Mã có một câu rất nổi tiếng rằng; “Thành La Mã không được xây dựng trong một ngày”. Làm một chiếc lều tre thì có thể ai cũng làm được, ngay cả người chẳng hề biết việc anh ta vẫn có thể dựng đại một chiếc lều tre, chẳng may nó đổ, anh ta lại dựng nó lên. Nhưng khi đã làm một toà lâu đài, thì người ta phải san nền, đổ móng, tính toán kỹ lưỡng, kẻo để nó đổ thì sẽ không thể cứu vãn được. Vì thế các nhà bách khoa tuy không đưa ra được thước đo cụ thể nhưng luôn luôn coi trọng tính sinh khí-cũng chính là tính hoành tráng của tác phẩm. Tác phẩm càng lớn càng tràn trề sức sống ở bên trong như một dòng sông đang cuộn chảy từ nguồn đổ về, tác phẩm đó càng có cơ hội đồng hành cùng sự vĩ đại.
Ngoáy lỗ mũi không phải bằng ngón tay lại là bằng ngón chân, đó cũng chính là vượt qua cái bình thường để đi tới bất thường. Đó cũng là cách quan niệm đầu tiên của triết gia Aristote dành cho nghệ thuật. Arstote cho rằng, nếu người ta đi bình thường là đi bộ, nhưng khi người ta nhảy múa nghĩa là đã bước vào nghệ thuật. Và ông coi nhịp điệu là nền tảng phổ quát đầu tiên để phân biệt giữa đời thường và nghệ thuật.
Sinh hoạt đời thường mọi người đi lại theo chức năng trong lao động hoặc nghỉ ngơi, đó cũng là những ngày thường, ăn-ngủ-đi-đứng bình thường; nhưng khi đã quay cuồng trong nhịp điệu là người ta đang cuốn vào giữa dòng xoáy hân hoan cảu bữa tiệc, của tâm cảm, cũng như âm nhạc. Điều đó diễn ra phổ biến trên toàn thế giới, vào ngày lễ, ngày hội, ngày cưới, người da đen nhảy, người da đỏ nhảy, người da trắng nhảy. Và tiêu chí đó được áp dụng đầu tiên cho thơ, cũng là môn nghệ thuật bằng lời sớm nhất của con người. Ngôn ngữ chỉ có thể trở nên thơ khi nó mang tính nhịp điệu. Các thể thơ sớm ở châu Âu từ Iambic, Ballad đến Sonnet nói về thơ như sau: “Ngôn ngữ và trật tự - một cặp nhảy hoàn mỹ không chịu rời nhau nửa bước”.
Nếu Aristote coi nhịp điệu là bước đầu tiên nhấc cuộc sống bình thường lên sân khấu nghệ thuật, thì Hegel nhà mỹ học vĩ đại của thời hiện đại đã xem: mỹ cảm là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật. Để dễ hiểu Hegel ví: giống như đi nghe nhạc, việc đầu tiên người ta muốn được chìm đắm mê man trong sự hưởng thụ những giai điệu và hoà thanh; trái lại nều phải nghe những giai điệu tẻ nhạt, những hoà thanh chói nhĩ, người ta sẽ bỏ về. Vì thế, mỹ cảm là cái đầu tiên phải cuốn hút và chinh phục khán giả. Nhưng cũng chỉ có âm nhạc bình thường mới dừng ở mức chỉ đạt tới mỹ cảm để chinh phục khán giả, vượt lên hơn thế rất nhiều thi ca được coi là khó nhất, cao cả nhất, vì nó dùng ngôn ngữ là phương tiện duy nhất có khả năng triết lý để thể hiện tư tưởng của mình. Vì vậy, những nhà văn viết để bạn đọc bình thường mủi lòng thấy thích là thứ văn học không thể chạy đua kịp với mỹ cảm âm nhạc, vì văn có si mê mấy cũng làm sao sánh được với những giai điệu hân hoan của âm nhạc. Hegel còn nói: bản chất của người lớn khác trẻ con ở chỗ, trẻ con làm những gì chúng thích từ ăn, chơi, chạy nhảy, đến đi tè; nhũng người lớn là người buộc phải làm những gì mình không thích-cũng có nghĩa là bổn phận.
Vì thế văn học dùng ở mức bùi tai, khiến nhiều bạn đọc thích vẫn chỉ là thứ văn học “trẻ con” cấp thấp, chiều lòng thị hiếu rẻ tiền. Người phương Tây có câu “Giá trị của một cuốn sách nằm ở chỗ nó ám ảnh trong lòng bạn đọc càng lâu càng quý”. Như vậy, một cuốn sách nếu nó càng khó hiểu (khó hiểu bởi tính tư tưởng của nó chứ không phải cố tình viết huyền hoặc ú ớ đánh bẫy độc giả), càng gợi lên những điều suy nghĩ-chưa thể một lúc mở toang, càng cậy vất, càng day dứt, càng trăn trở, càng thúc đẩy, càng lôi keo bạn đọc chạy về chân trờ lý tưởng cao thượng thì cuốn sách đó càng có giá trị. Như triết gia Kant quan niệm cuốn sách giá trj khi lúc nào nó cũng đang sống dang dở trong lòng bạn đọc với ngổn ngang những vấn để của nó. Trái lại, một cuốn sách vừa đọc xong đã thấy thú vị, rồi kể vanh vách cho người khác nghe, chàng ấy ra sao, cô ấy thế nào, là một cuốn sách khép lại cũng là khép lại cũng là khép lại đời sống của nó.
Thành La Mã không xây trong một ngày! Một cuốn sách giống như một công trình người ta phải thai nghén, phải kiến thiết và tạo tác trong nhiều ngày tháng. Trái lại, một bài thơ tứ tuyệt, hoặc được đẻ ra trong một đêm không bao giờ coi là công trình. Đó là một chiếc lều tre, mà nếu cố một tí ai ai cũng có thể làm. Muốn trở thành một kiến trúc sư sáng tạo công trình thế kỷ, thiên kỷ, hay vĩnh cửu, bạn luôn luôn cần phân biệt điều đó.
 

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây