Y Thương con ơi!...

Thứ sáu - 09/08/2013 15:50
Y Thương con ơi !...
Đạo làm cha, làm mẹ sinh con ra cốt để toàn cái thân để rồi rèn cái trí, cái nhân. Vậy mà cái điều đầu tiên ấy ba, mẹ đã không làm tròn với con. Ba mẹ có tội với con, gọi con mà cháy cả ruột gan con ơi!
Y Thương con ơi!...
Nước mắt của người cha thường chỉ bầm chảy trong gan ruột. Nhưng ruột gan ba giờ này đây, không thể chất chứa nổi khi không còn con nữa! Ba đã gào lên, ôm chặt con trong vòng tay, cố níu kéo lấy con.
Tội nghiệp cho con quá con ơi! Nắm đất đầu tiên trong bàn tay ba buông rơi trên hình hài con, ba ngỡ như cả quả núi ập đổ xuống đầu ba.
Con gần gủi trước mặt ba trong gang tấc mà sao xa vời đến vậy con ơi!
Đành rằng cuộc đời là số phận, nhưng sao số phận của con gái ba lại nghiệt ngã làm vậy hở con.
Hạnh phúc chớp nhoáng đến với ba có gì hơn nữa đâu, khi con gái ba ra đời. Ba toại nguyện biết bao, bởi bao ngày trông mong đã thành hiện thực.
Từ ngày đầu tiên 13/8 âm lịch mẹ điện ra báo ba vào gấp, ba biết mẹ đã đi sinh. Bacứ thầm cầu mong cả ngày là mẹ sẽ sinh cho bamột em bé gái.
Cho đến tối vào gặp con, ba mừng đến khựng cả người lại. Thấy con khỏe mạnh mẹ nói con nặng ba cân hai. Ba vui biết bao.
Ngày 14/8 ra cơ quan phấn chấn trong lòng gặp ai ba cũng khoe là ba đã có con gái rượu rồi, ai cũng chúc mừng “Số mày may mắn quá, ước chi được nấy”. Ba vui và chen lẫn cả hãnh diện nữa. Ba cứ mong cho mau hết giờ làm việc để được về với con trong niềm hạnh phúc khôn xiết ấy. Về đến nhà thấy mẹ buồn ba tưởng mẹ làm nũng ba, nhưng mẹ đã lên tiếng trước “Anh ạ! Sao con hai ngày nay không đi ngoài, Anh sang mời bác sỹ đến khám cho con xem thế nào. Bác sỹ Tuấn đến khám cho con và nói rằng: "Cháu có khả năng bị tắc ruột .ngày mai đưa cháu về bệnh viện chụp điện. Nếu cháu bị tắc thật thì phải mổ để thông ruột ”.
8h kém 20 ngày 15/8 ba và anh Thành con xuống bệnh viện. Bác sỹ Tuấn bảo, phải đưa con đi bệnh viện Huế gấp. Linh tính báo cho ba biết rằng bệnh của con là trầm trọng rồi. Ba đạp xe vội về bưu điện, điện ra cơ quan xin xe, điện vào Huế cho o Ba, bác Hòa để làm thủ tục cho con vào viện. Trên đường đi ba rất lo nhưng không lường trước được rằng bệnh của con lại trầm trọng đến vậy.
10h ngày 15/8 con đến bệnh viện. Con nằm ở ngoại hai để truyền huyết thanh và thông hậu môn, nếu con đi ngoài được thì sẽ không phải mổ và có nghĩa là con đã khỏi bệnh. Ba về nhà báo tin cho ông ngoại. Buổi chiều ba lên, con có đi ngoài một ít ba mừng quá. Mừng thì mừng song ba vẫn có điều gì đó phân vân.
17h chiều, ba đi mua hai ống thụt để cho con đi ngoài. Ba xịt ống thuốc vào thuốc trào ra. Không phải là nhà y học nhưng bằng phương pháp lý học và một phần nào linh cảm của người cha, ba biết rằng con đã bị tắc ruột thật rồi, song bavẫn dấu mẹ .
Sáng 16/8, bác sỹ đến khám và quyết định mổ cấp cứu cho con, họ lấy máu thử và truyền huyết thanh cho con. Con mổ phải truyền 100 cc máu. Ba bàn với bác Hòa là lấy máu ba để truyền cho con. Nhưng bệnh viện đã chuẩn bị máu và miễn phí cho 100%.
14h30 ngày 16/8 chiếc xe lăn đưa con vào phòng mổ người đứng mổ cho con là bác sỹ Đội, cánh cửa phòng mổ từ từ khép chặt, không thể nào nhìn thấy con được nữa. Bốn ca mổ của bệnh viện được tiến hành một lúc trong cái khoảnh khắc buổi chiều hôm ấy.
17h, baca mổ kia được lần lượt đưa ra khỏi phòng mổ. Ba và ông ngoại hết đứng lại ngồi, đi tới đi lui lo lắng đến tột độ. Trời ơi! Sao mà lâu vậy, liệu con có chịu nổi không? Mỗi dây phút trôi qua nặng nề lê thê như hàng thế kỷ 17h..17h15..17h30....18h 18h10..18h15. cánh cửa phòng bật mở, chiếc gường lăn từ từ tiến ra, bavà ông ngoại nhào tới. Trên bụng con một vết băng dài, một bình truyền nhựa trắng. Thứ bình nhựa hiệu Đức mà ba mua lúc 13h để truyền cho con khi mổ. Con ve vẩy đôi bàn tay nhỏ nhắn đôi mắt mở to, chiếc miệng chóp chép, chao ôi! là mừng, mọi người mừng cho ba “Con bé tội nghiệp quá, vậy là tai qua nạn khỏi rồi đó ". Bác sỹ đưa con về phòng hậu phẩu, phòng dành riêng cho bệnh nhân sau khi mổ. Con nằm trên giường số một, cùng với một bé gái khoảng hai tuổi toàn thân vàng khè, hỏi mẹ bé mới biết là bé mổ túi mật. Cả bảy chiếc giường bệnh trong phòng, bệnh nhân rên la do không chịu nổi cơn đau sau khi mổ, chỉ có con là hầu như không có biểu hiện gì của sự đớn đau. Mấy bác sỹ nói nhỏ với nhau “Cầu mong cho nó qua được”. Rồi một bác sỹ bước lại gần ba nói: “Cháu mổ xong khỏe đấy, nhìn vậy nhưng khỏe hơn bé gái kia”, anh ta chỉ vào bé gái mổ nằm cạnh giường con đang thiếp đi trong giấc ngủ). Ba thấy phấn chấn trong lòng.
Cả đêm 16/8 ấy ba thức trắng bên con, theo dõi con từng hơi thở đếm từng lần oặn mình nhăn nhó của con, một đôi lần banghe thấy tiếng e e nho nhỏ được phát ra trên đôi môi nhỏ nhắn, xinh xắn của con bị chìm lấp trong những tiếng rên la quằn quoại của những bệnh nhân trong phòng. Ba hiểu được cái đau đớn thế nào của tấm thân bé bỏng con gái ba?
Người nhà đi nuôi bệnh nhân tụ tập bên cửa sổ, những đôi mắt ngấn lệ nhìn con . “ Con bé dể ghét quá, tội nghiệp, như con chó con, cho tôi cho rồi ông ngoại “. Những ánh mắt ấy, những âm thanh ấy dội vào ba, ba có cảm tưởng như từng con dao sắc lịm rơi cứa vào tim can mình. Nhìn tấm thân bé bỏng của con, ba ước chi ba thay thế được nổi đau đó cho con. Thế rồi đêm 16/8 trôi qua, tình hình con có khá hơn và đầy triển vọng.
Ngày 17/8 ông ngoại trực tiếp chăm sóc con. Ba đưa anh Thành con ra nhà, tiện thể báo cơ quan và xin ứng thêm ít tiền.
15h ngày 17/8, ba bị tai nạn lật xe cách Diên Sanh bốn km. Nếu như con không phải cấp cứu thì ba đã vào nằm điều trị tại bệnh viện Hải Lăng, bởi ba bị chấn thương khá đau, tưởng bị gãy xương vai. Nhưng nổi âu lo về con ba bất chấp sự đau đớn để vào con.
Buổi sáng 18/8 nghe tin con đỡ nhiều và có đi ngoài được chao ôi! là mừng bacứ nghĩ (họa vô đơn chí ) Bây giờ đã qua rồi. Buổi chiều ba lên thăm con thấy con vẫn bình thường, tuy nước da có xấu đi.
16h, ba về nhà O Ba nghỉ vì đôi vai quá đau.
19h30 Ông ngoại về báo tình hình con xấu đi, quên cả nổi đau Ba dật lấy chiếc xe đạp, đạp lên thăm con. Đến nơi thấy con đã trở lại bình thường, nhưng lúc này người ta đã cho con thở bằng bình Ôxy. Ba phần nào yên tâm. Trở lại nhà O Ba, cả đêm vết chấn thương nhức nhối, Bakhông thể nào ngồi dậy được một mình. Suốt đêm chỉ một tư thế nằm ngữa, chị Nga xoa bóp cho ba, đỡ ba khi nằm, khi ngồi. Trong cái đau thể xác ba không nguôi được sự lo lắng về con.
5 giờ sáng ngày 18/08, ông ngoại điện về bệnh tình con xấu đi, con bị tràn dịch màng phổi. Ba, O Ba, bác Thủy vội vàng đánh xe lên chạy ào vào phòng, thấy con về lại giường số một phòng hậu phẩu hơi thở của con yếu đi nhiều, ông ngoại nói có lúc con đã ngừng thở. Con bắt đầu thở bằng nội khí quản, có nghĩa là phổi của con đã rất kém hoạt động. Cả buổi sáng cho đến 13 giờ 30 phút ngồi bên con cứ hai mươi đến ba mươi phút thay tả cho con một lần, con đi tiểu nhiều hai bình cao su nước sôi luôn luôn đủ nóng để chườm cho con. Con thở thoi thóp, thỉnh thoảng nức lên đôi mắt nhắm nghiền, con yếu đi nhiều lắm. Khi nhìn thấy một con nhện đen bò sát tấm chăn con đắp, ba rụng rời cả chân tay, đẩy con nhện ra xa con ba muốn nấc lên. Trời ơi! có lẽ nào ba lại mất con thật sao. Con đang trước mắt ba mà, con đang ở bên ba đây mà. Có đôi lần con mở mắt ra nhìn ba rồi lại nhắm nghiền lại. Ba đưa đôi bàn tay sờ soạng trên đôi má con, thỉnh thoảng đẩy đôi mí mắt để nhìn vào mắt con.
Cả buổi tối ngày 19/08 họ không cho ba vào ngồi bên con, các bác sỹ thay phiên nhau ngồi trực bên con không lúc nào rời và luôn dùng bình bơm hơi cho con, ba và ông ngoại ngồi bên ngoài cửa sổ nhìn con mà lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Ba đi đi lại lại không biết bao nhiêu vòng, ba không đủ can đảm để nhìn vào khuôn mặt bé bỏng của con nữa. Chỉ qua ánh mắt, đôi môi của người bác sỹ trực con để ba đọc được những gì diễn ra với con, vết thương tấy đau, nhưng ba không sao nằm nghỉ được. Chỉ bên bức tường kia thôi, con đang thoi thóp, con có thể từ giã ba bất cứ lúc nào, giống như ngọn đèn đang lắt lay trước gió.
2h30 ngày 20/8 đang nằm trên chiếc giường bạt ba không chịu nổi bật dậy nhìn vào thấy các bác sỹ đang xúm xít bên con. Ông ngoại ngồi gục đầu trên chiếc ghế không hay biết. Ba chạy ào vào phòng nhìn thấy con nước da xạm lại con không còn thở nửa. Đôi mắt nhắm nghiền, các bác sỹ cuống quyít người nhồi ngực người bơm tay. Lúc này phổi của con không còn làm việc. Nhưng rồi lại thấy ngực con thoi thóp thở. Con mở mắt ra nhìn thẳng vào ba một lần, hai lần rồi lại nhắm mắt lại, từ mũi miệng con ào ra thứ nước đen nâu, các bác sỹ nháo nhào dùng bơm hút, mắt ba hoa lên không còn nhìn thấy gì nữa. Ba bỏ chạy ra khỏi phòng. Ông ngoại vội vàng vào thay ba. Ba đứng như trời trồng chấp tay trước ngực khấn nguyện cho con, mặc dầu trong đời ba chưa một lần làm điều đó và chưa bao giờ tin là có thật.
Nhưng ba biết làm gì được để cứu con trong lúc này. Ba cầu nguyện sự may mắn như một phép nhiệm màu. Ba bắt đầu hút thuốc, có bao diêm trong tay nhưng ba không thắp, ba xin cái đỏ của từng người xung quanh cái bút bi ba mua cũng phải màu đỏ để cầu mong sự an lành cho con.
Đến 7 h sáng tình hình con không có gì thay đổi đáng kể. Ông ngoại về nhà. Một mình ba ở lại càng thấy nôn nao hơn. Mẹ đội nón sang thăm con bước từng bước nặng nề khổ sở. Con ơi! Nổi đau của Mẹ còn bội phần hơn ba. Mẹ yếu đi nhiều vì nổi âu lo. Mẹ đã khóc vì quá mừng khi sinh, người hộ sinh nói con là con gái. Còn bây giờ đây mẹ sẽ như thế nào? Khi những giọt nước mắt vui mừng kia trở thành những giọt máu tím bầm trong tim mẹ. Ba phải bấm ruột bấm gan nói dối mẹ, lừa dối chính tâm can mình rằng con đỡ đi nhiều lắm và rất có khả quan, Mẹ tin là sự thật. Thật như nổi lòng của người mẹ. Mẹ xin ba cho mẹ ở gần con hết ngày hôm đó. Ôi! cái giây phút hiếm hoi quý giá của cả một đời làm mẹ. Mẹ có ngờ đâu ba đã đang tâm cắt chia, đang tâm cắm phập lưỡi dao lên con tim dại tê của mình. Mẹ lầm lủi bước đi những bước đi cuối cùng để dã biệt con. Ba đã nức lên từng hồi dài sau lưng mẹ. Chín tháng mang nặng đẻ đau để bây giờ kết cục là như vậy đó trời ạ !.
Mẹ về rồi ba nóng lòng chờ ông ngoại lên. Biết con không thể nào qua khỏi ba bàn với ông ngoại đưa mẹ về nhà ông để tránh cho mẹ phải chứng kiến trước dây phút lâm chung của con. Lại một lần nữa ba dối lừa mẹ. Ba tỏ vẻ như không có gì xảy ra, một nửa động viên thuyết phục mẹ, một nửa như ra lệnh mẹ rằng con ở phòng hậu phẫu một đến hai ngày nữa thôi sau đó đưa con sang phòng sơ sinh ấp lồng kính mười đến mười lăm ngày cho khỏi hẳn. Trong thời gian đó không cần sự chăm sóc của người nhà. Mẹ không muốn về nhưng cuối cùng phải nghe lời ba. Mọi người xung quanh biết được những gì sẽ xảy ra với con, họ quay mặt vào tường lặng lẽ, ba phải dục mẹ chuẩn bị thật mau để đi, mẹ đòi sang thăm con lần nữa, nhưng ba đã khước từ sự cầu xin của mẹ. Mẹ khóc lầm lủi bước đi, ba phải đi trước mẹ và không dám quay đầu lại. Con ơi ! Ba đã hành động, hành động như không phải lương tâm của ba, con oán hận ba nhiều lắm phải không con !
Ra đến cửa bệnh viện mẹ gục xuống ôm lấy mặt khóc nức nở cho đến khi chiếc xích lô tiến lại gần, chiếc túi xách trong đó có áo quần tã lót của con được đặt lên, mẹ mới chịu bước lên xe. Ba vội vã quay về phòng con.
Bác Hòa đã chờ ba ở đó. Đôi mắt bác buồn, có gì đó rất khó nói ở bác. Nhưng rồi bác không còn dấu diếm ba nữa: “ Em ạ! Chị đã xem bệnh cho cháu và chị bàn với em thế này. Lúc này em cần có sự tỉnh táo và can đảm. Bệnh của cháu nguy kịch lắm rồi, và không thể qua được. Bây giờ sự sống của cháu được tính bằng giờ bằng phút. Ý định của chị là nên đưa cháu sống ra đến nhà. Chị đã viết giấy xin giám đốc bệnh viện duyệt cho một chuyến xe có bình ô xy và một số phương tiện cần thiết cùng với một bác sỹ đi theo cháu. Anh chủ nhiệm khoa đang dở ca mổ. Nếu em nhất trí chị sẽ trao đổi với anh nữa là xong “.
Ba không nói gì lặng lẽ quay mặt đi. Bác Hòa đưa cho ba tờ giấy lệnh điều xe, bác nói xe đã chuẩn bị sẵn sàng.
11h30, bác sỹ Chiến chủ nhiệm khoa, bác sỹ Hương trưởng khoa mời ba và ông ngoại vào phòng riêng. Bác sỹ Chiến nói :” Vừa rồi bác sỹ Hòa có trao đổi với tôi về bệnh tình của cháu và ý kiến của gia đình. Thay mặt khoa tôi cũng xin trao đổi với ông ngoại và em như thế này. Bệnh tình của cháu cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân. Có thể là do người bố hoặc người mẹ đã bị nhiễm một chất độc nào đó. Khoa chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ca tương tự như thế này. Có cháu mất trên bàn mổ, có cháu qua được vài ngày vài tuần. Tỷ lệ sống không quá 1%. Nhưng riêng cháu đây là một ca đặc biệt vì bị tắc ruột ở phần trên tiếp giáp với ruột non. Tôi đã huy động tất cả những phương tiện y học mà chúng tôi có để cứu cháu. Phổi của cháu bây giờ không còn tự hoạt động được nữa nếu ngừng bơm nội khí quản thì cháu ngừng thở ngay. Còn điện tâm đồ thì rất yếu, ý kiến của chị Hòa là bằng mọi cách đưa cháu sống ra tới quê để khỏi tội cho cháu. Nhưng cho đến giờ thì không thực hiện được vì sức sống của cháu không đủ thời gian để vượt nổi đoạn đường xa như vậy. Ở đây cũng xin chẳng dấu diếm gì ông ngoại và ba cháu. Mấy ngày nay khoa chúng tôi đã tận tâm tận lực để cứu cháu. Một phần là lương tâm của người thầy thuốc, một phần đây cũng chính là một đề tài khoa học. Tổng chi phí cho một ca như thế này đã lên đến sáu, bảy triệu đồng”
Bác sỹ Hương trưởng khoa trực tiếp theo dỏi nói tiếp: "Tôi nhất trí ý kiến của bác sỷ Chiến là nên để cháu ở lại. Mấy ngày vừa rồi anh chị em chúng tôi cũng có suy nghĩ ngày nào cháu qua được là chúng tôi lập được chiến công ngày đó còn tất cả là tùy gia đình ".
Cả ba và ông ngoại đều có một suy nghĩ là hy vọng đến dây phút cuối cùng còn nước còn tát. Và không hiểu sao ba cứ khẳng định là con sẽ qua được. Bác sỹ Dũng người nhỏ nhắn đeo chiếc kín cận ngồi sát bên con lặng lẽ theo dỏi cả đêm qua và sáng nay anh ta không ngủ, những ngày qua hầu như lúc nào anh ta cũng có mặt bên con ở những giây phút nguy kịch nhất vui buồn với con trong thoáng chốc.
12h 30, ba và ông ngoại ăn trưa. Cố gắng lắm mà vẫn không sao nuốt được. Ông ngoại bàn phương án để đưa con về quê nội.
13h 30 ngày 20/8/93 âm lịch, TRÁI TIM NON NỚT CỦA CON NGỪNG ĐẬP, một lần nữa thứ nước đen nâu lại ứa ra từ mũi miệng con. Các hộ lý tháo dỡ các phương tiện trên người con. Con không mở mắt ra nhìn ba như lần trước nữa. Ba đứng như trời trồng không còn hay biết gì, đôi mắt ba ráo hoảnh như không còn xúc cảm. Trong tay ba chiếc khăn bông từ từ buông xuống rồi phủ kín trên hình hài con. Bế sát con vào lòng ngực ba như nghe thấy tim con còn đập. Ba cứ lẩm bẩm hoài như người mất trí: “Con sống với Ba nghe Con! Con đừng bỏ ba mẹ mà đi nghe!”.
14h chiếc xe cứu thương đưa con đi. Người lái xe cứ nằng nặc chỉ ra đến thị xã Quảng Trị thôi chứ nhất định không ra Vĩnh Linh. Lúc này nước mắt ba mới trào tuôn “ Đúng rồi con không muốn xa ba mẹ mà ". Xe dừng lại tại kho lương thực hồi lâu ông ngoại chạy sang nhà bác Hà .
Trong lúc chờ đợi, ông già người Huế liệm cho con. Ba cứ chần chừ mãi không cho ông liệm, muốn ôm con mãi vào lòng ở những giây phút này. Nhưng rồi cũng không còn cách nào khác. Người con lúc này tím bầm. Ôm thành xe ba cứ nấc lên liên hồi. Khi quay lại ông già người Huế đã liệm xong. Bác Hà đi xe hon đa trước để đưa con ra nghĩa địa, đường xóc xe chao đảo ba ôm cả chiếc quan tài ghì chặt sợ con đau đớn. Đưa con ra khỏi xe, định hướng mộ cho con xong ông già người Huế lên xe trở vào. Mưa bắt đầu rơi, cầm chiếc dù che lên hình hài con ba như buốt giá tận tim can. Huyệt được đào xong ông ngoại làm thủ tục đặt tên cho con, xin thổ thần đất đai cho con được mồ yên mả đẹp.
Y THƯONG CON ƠI ! Tên con có từ đó ba nghe tên con lần đầu tiên trong đời, trong tiếng nức của ông ngoại, tiếng khóc của ông ngoại nghe sao mà não nuột. Gần sáu mươi tuổi đời ông khóc cho đứa cháu ngoại bé bỏng xấu số. Đứa cháu mà nghành y đã hết lòng cứu chữa "Y thương”. Gần một tuần qua ông quên ăn, quên ngủ vì con. Ở bệnh viện ông cứ đòi mời thợ nhiếp ảnh chụp cho ông và con mấy phô ảnh kỷ niệm nhưng ba không nhất trí vì sợ điềm xấu.
Mưa tiếp tục rơi nặng nề. Ba phủ phục bên mộ con. Trời đã nhá nhem tối, ba đưa quần áo, khăn, tả, lót của con ra đốt. Bác Hùng dìu ba về. Ngọn lửa bập bùng âm ỉ cháy. Ba vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn nấm mồ con. Chao ôi! Là khủng khiếp. Ngọn lửa cứ cháy trong tim ba, con cô đơn một mình lạnh lẽo biết bao, giữa quả đồi mông quạnh ai ấp iu con đây ?
18h30 về đến nhà toàn thân ba rã rời. Anh Thành con chạy đến ngơ ngác, câu hỏi thơ ngây của anh con như xoáy vào tim Ba: “Ba ơi! con đưa tiền, mẹ mua thuốc cho em bé chưa?”. Hôm mười bảy, ba và anh Thành ra cơ quan tiền tết trung thu của anh con, anh con không mua đồ chơi mà đưa ba, bảo đem vào Huế để mua thuốc cho em .
Mẹ ở Huế vẫn chưa biết gì. Ba định dấu mẹ ít ngày nữa nhưng lương tâm cứ cấu xé mãi, cuối cùng ba, ông ngoại, bác Hà quyết định đưa mẹ ra trưóc ngày mở cửa mả cho con. Nhưng phải dấu mẹ cho ra đến nhà, vì sợ mẹ nguy hiểm trên đường đi.
8h ngày 21/8, ông ngoại và gì Phiện vào Huế đưa mẹ ra.
16h ngày 21/8, ba và ông nội lên thắp hương cho con. Về nhà đã thấy mẹ nằm phủ phục trên giường. Ba không giám vào động viên mẹ, vì sợ mẹ buồn thêm và ngay chính cả ba khi đối diện với mẹ cũng không kìm giữ được.
22/8 mở cửa mả cho con, cả ngày ba cố lấy hết can đảm để tỏ ra bình thản khi ở bên mẹ. Mẹ khóc nhiều đôi mắt sưng vù.
Bàn thờ con được đặt ở trên lầu, ba ngồi ở đó lặng lẽ, nước mắt ứa ra. Ngồi nhìn những làn khói hương bay nghi ngút, hồi tưởng lại những ngày qua mà xót xa, tê tái. Chao ôi! Chỉ chưa trọn mười ngày thôi cái khoảnh khắc thời gian quá ư ngắn ngủi ấy. Ba đã được nếm trải cái hạnh phúc tột cùng, cái nổi đau khôn cùng day dứt đến hết cuộc đời. Ba mới hiểu được rằng nổi đau của người cha như thế nào? khi không còn con nữa.
Và Con ơi! Đêm nay khi chong đèn suốt đêm, hồi tưởng viết lại cho con những dòng này. Ba lại không sao kìm giữ được nước mắt. Nước mắt của người cha, nước mắt được vắt kiệt từ cõi lòng, con tim nhuốm máu, thịt xương ba.
CON ƠI! Con là máu của máu tim ba, là thịt xương của thịt xương ba. Ba nghe tiếng ai ru hời con trong đêm vắng, lời ru nghe sao mà tái tê, nghẹn ngào Rằng: “ ... Mẹ thương con có hay chăng? Thương từ khi thai nghén trong lòng ....”.
Lời ru của bà mẹ nhà bên, hay tâm tưởng ba đang vọng về nổi đau cay nghiệt ru hời mãi mãi ... Y Thương con ơi !!!
 
Đêm 22/8/1993 âm lịch
(07/10/1993 dương lịch)
VX
 
Trích hồi ký “ Những năm tháng không thể nào quên”
Con gái: Nguyễn Thị Y Thương
Sinh lúc 4h10 ngày 28/9/1993 (dương lịch)
13/8/1993 (âm lịch ) tại bệnh viện Triệu Hải
Mất vào lúc 13h30 ngày 5/10/1993 (dương lịch)
20/8/1993 (âm lịch) tại bệnh viện Huế.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây