Vốn dĩ là một người rất yêu thích, đam mê văn chương, được đào tạo chính quy, bài bản nên trên con đường nghiên cứu, phê bình văn học TS Bùi Như Hải đã gặt hái được những thành công nhất định, được bạn đọc, giới nghiên cứu văn học và đồng nghiệp ghi nhận, yêu mến. Nhìn một cách tổng thể, những vấn đề đặt ra, luận bàn trong 23 tiểu luận của tác giả Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam là chuyên sâu, phong phú và đa dạng. Với khuôn khổ của một bài viết có giới hạn, nên tôi chỉ điểm qua một số tiểu luận nổi bật, có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn trong việc tạo nên tiền đề, làm nên một “cú huých” ngoạn mục để văn xuôi Việt Nam sau 1975, đặc biệt sau Đổi mới đi vào nẻo đường bứt phá, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
Tập tiểu luận - phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của TS Bùi Như Hải không chia thành các chương, phần, mục hay từng nhóm nội dung, nhưng tựu chung có thể chia thành ba mảng chính, đó là: Những vấn đề nghiên cứu về tiểu thuyết đương đại Việt Nam; Những vấn đề về đạo đức, thế sự - nhân sinh; Những nghiên cứu về một số tác giả truyện ngắn tiêu biểu mang màu sắc vùng miền. Các tiểu luận đề cập, luận bàn đến sự khởi sắc, đổi mới, cách tân của văn xuôi đương đại Việt Nam như Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 - từ chuyển mình đến thành tựu; Sự chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới; Sự vận động của đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam; Tiến trình vận động của đề tài gia đình trong văn xuôi Việt Nam; Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn tiền Đổi mới (1975 - 1985), Truyện cực ngắn - hướng đi mới cho văn học hôm nay,... Các tiểu luận này chủ yếu tác giả tập trung làm sáng rõ sự đổi mới một cách mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật, trong việc phản ánh, chiếm lĩnh hiện thực và số phận con người, trong việc mở rộng phạm vi đề tài, chủ đề cũng như cảm hứng sáng tạo, phong cách và bút pháp,... của văn xuôi Việt Nam đương đại, đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn. Ở bài viết Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 - từ chuyển mình đến thành tựu, TS Bùi Như Hải đã có những kiến giải khá thú vị, thuyết phục bạn đọc về bước ngoặt chuyển mình cho đến thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Sau khi nêu bật những tiền đề lịch sử, xã hội Việt Nam sau 1975 đã góp phần đem lại không khí, tạo nên sắc thái mới cho văn xuôi, thì tiểu thuyết cũng đã “nhanh chóng hòa nhập vào sự biến chuyển sôi động của đất nước, tạo nên bước ngoặt quan trọng, làm nên diện mạo mới với những quy luật và đặc điểm chung cho nền văn học nước nhà để theo kịp cuộc canh tân văn học”(tr.224). Và từ bước chuyển mình đó, tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 đã thực sự khai sinh những nội dung và phương thức nghệ thuật mới. Theo tác giả, nêu bật những thành tựu, dấu ấn để lại của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 thì phải kể đến là: Đội ngủ sáng tác hùng hậu đến từ ba thế hệ đã “mang đến nhiều tác phẩm có giá trị, để lại ấn tượng sâu đậm với công chúng, tạo nên những giá trị tinh thần bền vững cho thế hệ hôm nay và mai sau”(tr.232). Đổi mới trong quan niệm về con người và ý thức nghệ thuật. Con người giờ đây không còn là “mẫu số chung của cộng đồng, là con người quần chúng, tập thể, lịch sử đã che khuất con người đời thường. Ở đó mọi nhận thức, đánh giá được “bao bọc trong một không khí vô trùng”(Niculin), mà đã “trở thành một nhịp cầu để con người đi đến nhìn nhận thực tại xã hội cụ thể với muôn mặt xấu - tốt, thiện - ác,...”. Đặt biệt là “cá nhân đã thực sự thiết lập mối quan hệ của mình trong những ràng buộc nên có những biểu hiện tâm lý rất tinh tế và vi diệu trong cuộc sống đời thường, ở số phận của mỗi một gia đình, mỗi một dòng họ, nơi làng quê, thành thị,...”(tr.232-233). Hiện thực cũng không còn được phản ánh, miêu tả một chiều, mà là đa chiều, từ nhiều điểm nhìn khác nhau, từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, vì thế hiện thực được miêu tả ở chiều sâu ý thức. Chính sự chuyển dịch từ cảm hứng anh hùng ca sang cảm hứng phản tư, tiểu thuyết thời kỳ này đã hướng tới, quan tâm con người cá thể, đào sâu vào thế giới mơ hồ, mong manh của tâm hồn, vào con người bản thể của những nỗi đau phận người, nhằm kiếm tìm, tái dựng căn cước bản thân,... Chính sự thay đổi tư duy, quan niệm xuất phát từ ý thức của chủ thể sáng tạo trước bước ngoặt chuyển mình của đời sống xã hội và nhu cầu tự thân của văn học. Tính chất này đã bộc lộ nhiều mặt, trong đó có sự đổi mới, mở rộng biên độ về đề tài, vì thế đề tài trong tiểu thuyết sau 1975 đã có sự dung nạp một lượng lớn các đề tài, chủ đề rất phong phú và đa dạng, “hàm chứa các hiện thực trước và sau chiến tranh, cả góc độ thế sự - đời tư, từ thành thị đầy phồn tạp đến nông thôn thanh bình,...”. Những cách thức biểu hiện nghệ thuật mới, độc đáo cũng “dần được khai sinh, vận dụng như bút pháp huyền thoại, kỳ ảo, vô thức, kĩ thuật dòng ý thức, lắp ghép điện ảnh,...”(tr.236). Ở tiểu luận Sự chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới, TS Bùi Như Hải lại đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu về sự đổi mới, chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn thời Đổi mới. Tác giả cho rằng, hiện thực trong tiểu thuyết về đề tài nông thôn thời Đổi mới có sự mở rộng biên độ, phản ảnh một cách đa chiều, phong phú chính là nhờ “không khí dân chủ hóa trong đời sống sáng tác mà hiện thực được phản ánh trong tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn thời kỳ Đổi mới được nhìn từ nhiều chiều, phản ánh toàn diện hơn, không chỉ bằng kinh nghiệm của cả cộng đồng mà còn kinh nghiệm của cả cá nhân”(tr.116). Hơi thở của hiện thực nông thôn vì thế đã được các cây bút tiểu thuyết “trở về không chỉ là hành trình tìm lại kỷ niệm mà còn lật tìm cả mảng màu đa diện trong bộ mặt văn hóa làng quê vốn dĩ yên ả” (tr.118). Để làm sáng rõ luận điểm này, tác giả đã có sự so sánh, phân tích, chứng minh hiện thực nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam ở cả hai giai đoạn trước và sau thời Đổi mới, từ đó đi đến khẳng định: “Các nhà văn đã khai thác triệt để những vỉa tầng hiện thực đa dạng, phong phú, tiếp tục khơi sâu, bám sát và bao quát những sự kiện, những vấn đề của đời sống nông thôn và nông dân Việt Nam đương đại. Việc phản ánh chân thực hiện thực đời sống nông thôn đã mang lại sinh khí mới cho tiểu thuyết, thể hiện sâu sắc xu hướng dân chủ hóa trong văn học. Thành tựu bước đầu này, đã khắc phục được những hạn chế của tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn trước, làm mới cách nhìn về hiện thực và con người, giúp người đọc hiểu được diện mạo, tâm hồn người nông dân Việt Nam trong những thời kỳ lịch sử đầy biến động”(tr.122). Tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn giai đoạn 1932 - 1985 và Diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại,... là hai bài viết tiêu biểu, nghiên cứu về những bước chuyển mình đến thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam viết về đề tài nông thôn từ 1932 cho đến nay. Ở bài viết Tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn giai đoạn 1932 - 1985, tác giả đã đưa đến cho bạn đọc một bức tranh chung về các chặng đường phát triển của đề tài nông thôn từ 1932 - 1985. Đề tài nông thôn 1932 - 1945 đã thu hút và hấp dẫn các nhà văn ở nhiều khuynh hướng khác nhau, thể hiện được năng lực khám phá hiện thực và con người với những chiều kích và phẩm chất nghệ thuật mới, nhất là hai khuynh hướng sáng tác: Tự lực văn đoàn và hiện thực phê phán. Tác giả khẳng định rằng: những thành tựu và cả sự đóng góp của các nhà văn ở hai khuynh hướng này là rất đáng ghi nhận nên không thể phủ nhận. Nhưng đạt đến đỉnh cao của đề tài nông thôn ở chặng đường này lại thuộc về các nhà văn hiện thực. Bởi một mặt, các nhà văn hiện thực “đã khám phá và thể hiện bức tranh đời sống nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám một cách chân thực, sinh động mà sâu sắc”(tr.36). Nhưng mặt khác, các nhà văn hiện thực “lại biến đổi, sáng tạo những phương thức nghệ thuật truyền thống như kết cấu, ngôn ngữ, bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật, hình tượng người nông dân, phong cách nghệ thuật,..”(tr.39). Từ đó, đã góp phần đem lại cho đề tài nông thôn một sức sống riêng, có sức cuốn hút đối với bạn đọc. Đề tài nông thôn 1945 - 1954 do tính chất đặc thù, nên ranh giới giữa văn học kháng chiến nói chung và tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn nói riêng đã quyện chặt vào nhau, không xác định rõ ràng. Hay nói cách khác là, đề tài nông thôn nằm trong đề tài kháng chiến. Đề tài nông thôn trong văn xuôi và tiểu thuyết 1954 - 1975 cùng nhịp đi của thời đại, của dân tộc qua việc hướng ngòi bút vào những vấn đề có tính thời sự, trong những vấn đề đó là cải cách ruộng đất, hợp tác hóa; khắc họa, ngợi ca ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm của người nông dân,... Đề tài nông thôn tiền Đổi mới (1975 - 1985) đã có bước chuyển mình, đổi mới và những “tìm tòi gian khổ của buổi đầu đã mở ra cho tiểu thuyết nông thôn những năm tiền Đổi mới hướng tiếp cận mới về hiện thực ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, làm nên bệ phóng tích cực cho việc chuẩn bị sẵn sàng bước vào thời kỳ Đổi mới”. Tuy nhiên, do độ lùi của thời gian, tính chất giao thời nên “vẫn chưa làm một cuộc bứt phá toàn diện ở cả đề tài, cảm hứng, các phương thức nghệ thuật và quy luật vận động” (tr.50-51). Diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại là bài viết đề cập đến diện mạo, đặc điểm về đề tài nông thôn sau Đổi mới. Ở bài viết này, tác giả đã làm sáng rõ sự vận động và phát triển của đề tài nông thôn đương đại qua các chặng đường chính và qua đó tác giả đã có những nhận định, đánh giá rất đúng, sâu sắc về thành quả cũng như sự đóng góp của đề tài nông thôn trong tiến trình đổi mới, hội nhập của văn xuôi Việt Nam. Như ở chặng đường Từ khởi động tạo đà (1986 - 1990), tác giả đã khẳng định rằng: Đề tài nông thôn ở chặng này “đã thể hiện được sự mẫn cảm, tinh nhạy trước công cuộc đổi mới ở nông thôn, bước đầu đánh dấu một mốc son trong hành trình tìm về nông thôn và nông dân, góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ ở chặng sau”(tr.56). Tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn ở chặng Đến thu hoạch bước đầu (1990 - 2000), tuy “không có sự xuất hiện ồ ạt nhưng lại gặt hái được nhiều thành tựu nhất định”(tr.56). Và đi vào bứt phá, hội nhập (2000 - 2012) là chặng đường bứt phá và đi vào hội nhập đã đạt được những thành tựu trên nhiều bình diện nội dung và nghệ thuật như: quy tụ được nhiều thế hệ sáng tác, số lượng tác phẩm ra đời ào ạt, dồi dào, đạt giải thưởng cao, gây tiếng vang lớn đối với bạn đọc và giới nghiên cứu văn học; chủ đề được mở rộng nên đã tái hiện được bộ mặt nông thôn và người nông dân cả chiều rộng lẫn bề sâu, đặc biệt là chủ đề về “số phận của những người phụ nữ yếu đuối, bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân gia đình đã đưa tiểu thuyết viết về nông thôn ở chặng đường này đăng quang ở chiều sâu và chiều cao trong phản ánh hiện thực”(tr.67); có nhiều thể nghiệm, tìm tòi và cách tân trong phương thức nghệ thuật, đó là “hàng loạt kỹ thuật viết mới của chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại được khai sinh như bút pháp nhại, huyền thoại, kỳ ảo, nghịch dị, vô thức, những kỹ thuật phân tâm học, kỹ thuật độc thoại nội tâm, dòng ý thức, lắp ghép điện ảnh, nghệ thuật gián cách, đa giọng điệu, liên văn bản; hình tượng được kiến tạo theo nguyên tắc lạ hóa, sự xáo trộn giữa thực và hư, giữa siêu nhiên huyền bí và đời thường,...”(tr.68). Kết thúc tiểu luận, tác giả đã nhận định toàn triệt khi cho rằng: “Trước bước ngoặt chuyển mình của dân tộc, tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn đã mang lại một sức sống mới, chiều sâu mới cho nền tiểu thuyết nước nhà bằng những trang văn rất riêng. Nó khẳng định tiếng nói, tâm hồn, bản lĩnh của dân tộc mà các nhà văn chân tài đã miệt mài sáng tạo”(tr.70). Cùng mạch nguồn ấy, bài viết Sự vận động của đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam, tác giả đã đi sâu nghiên cứu sự hình thành và phát triển của đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam rất công phu, bài bản, đào xới, luận bàn vấn đề một cách rốt ráo, đầy thuyết phục. Trong khi, các nhà nghiên cứu văn học hiện nay đang đặt ra vấn đề, trao đổi, tranh luận: Có hay không có một dòng văn học đô thị trong văn học Việt Nam? Và có một số nhà nghiên cứu đang còn băn khoăn, thậm chí cho rằng, nền văn học Việt Nam khó hoặc không tồn tại một dòng văn học viết về đề tài đô thị, thì Bùi Như Hải đã có sự kiến giải vấn đề này khá thuyết phục, khi cho rằng: “Văn học viết về đô thị và con người thị dân đã và đang hiện diện cùng dòng chảy của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, tùy vào mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường, mỗi tác giả mà sự hiện diện của đề tài này để lại dấu ấn đậm/nhạt khác nhau”(tr.9). Để làm sáng rõ cho luận điểm đó, tác giả đã làm một cuộc ngược dòng để tìm hiểu thấu đáo vấn đề, từ đó đi đến khẳng định rằng: Văn học đô thị đã/đang tồn tại cùng với dòng chảy của văn học. Dòng văn học này hiện diện từ cuối thế kỷ XVI và phát triển cho đến hôm nay. Nhưng văn học đô thị trở thành một nguồn cảm hứng trong sáng tác, thì phải đến giai đoạn 1930 – 1945, nhất là từ sau thời kỳ Đổi mới, với “sự vận động hợp quy luật của văn xuôi đã mở ra một chân trời mới để các nhà văn viết về đề tài này đi sâu vào mọi ngõ ngách nhằm ngợi ca, phản ánh những gam màu sáng - tối của đời sống xã hội đô thị một cách đa chiều, chân thực, góp phần mang lại một sức sống mới, một chiều sâu mới cho đề tài này nói riêng và văn xuôi nói chung”(tr.33).
Điểm nhấn của Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam nữa, đó là các bài viết luận bàn một cách trực diện, thẳng thắn về vấn đề đạo đức xã hội, thế sự - nhân sinh như Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 với nhu cầu đạo đức tối đa, Tư duy truyện ngắn Việt Nam thời kỳ Đổi mới về đề tài đạo đức xã hội, Cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn tiền Đổi mới (1975-1985), Hiện thực đời thường và con người đời tư, thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam về nông thôn đương đại,... Ở bài Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 với nhu cầu đạo đức tối đa, TS Bùi Như Hải đã đi sâu tìm hiểu về thực trạng đạo đức xã hội được các cây bút tiểu thuyết sau 1975 quan tâm, phản ánh. Vấn đề này, được đặt ra không phải là mới mẻ, nó đã tồn tại hàng chục năm, trăm năm và thậm chí còn dài hơn nữa. Nhưng hiện tượng này, đã trở thành một vấn đề lớn, được toàn xã hội quan tâm, rốt ráo là bởi vì giờ đây nó đã trở thành một “loại bệnh” di căn sâu rộng trong đời sống hiện nay khi chuyển sang thời cơ chế thị trường: “Từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới toàn diện, đời sống xã hội Việt Nam biến đổi một cách nhanh chóng theo vòng quay hối hả của cơ chế thị trường, thì tiếng gọi khẩn thiết về đạo đức của con người cất lên khẩn thiết hơn bao giờ hết! Chính những điều tốt đẹp đó đã đưa con người ngự trên những vinh quang nhưng cũng sẵn sàng tước đi phần “nhân tính” thiêng liêng nhất của mình. Những cơ hội thách thức đã hòa trong mỗi cá nhân để mở ra cả một xã hội bộn bề trong một con người bé nhỏ. Họ đã tách ra khỏi tập thể để chạy theo những lợi ích riêng của cá nhân, gia đình, dòng tộc,... Chính lối sống thực dụng đã làm đảo lộn, lung lay và có nguy cơ sụp đổ những giá trị đạo đức truyền thống vốn bám sâu trước cơn sóng gió của thời cuộc”(tr.181-182). Chính từ đây, các nhà văn đương đại có lương tri đã cất lên tiếng nói của mình qua hàng loạt các tác phẩm như Chuyện làng Cuội (Lê Lựu), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Luật đời cha và con (Nguyễn Bắc Sơn), Ma làng (Trịnh Thanh Phong), Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Hậu thiên đường (Nguyễn Thị Thu Huệ),... Qua các tác phẩm này, bạn đọc sẽ “thấy đời sống xã hội Việt Nam đương đại không còn là một chiều, giản đơn, dễ hiểu nữa, mà luôn biến chuyển phức tạp, sinh động và đa thanh”(tr.183). Sau khi nêu bật những thực trạng đạo đức xã hội được các nhà văn đương đại phản ánh, tác giả cũng đã chỉ ra rằng, các cây bút văn xuôi đương đại không chỉ thể hiện được sự nhạy bén trong việc nhận thức tối đa những mặt tiêu cực, về thực trạng suy thoái, băng hoại đạo đức, mà còn gieo một niềm hi vọng trong trái tim người đọc vào cuộc đời, vào sự hướng thiện của con người, vì vẫn còn đó những con người - nhân vật sáng ngời về đạo đức, nhân cách, giàu lòng yêu thương, có bản lĩnh, trách nhiệm với chính mình, với cuộc đời trong việc đấu tranh chống tiêu cực, diệt trừ cái ác, cái phi đạo đức,... như chị Lụa, chị Hoài, chị Phượng, chị Nguyên, anh Phương, bác Tuệ, ông Diệp (Mùa lá rụng trong vườn và Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng), Triển - Tổng biên tập báo, Lâm Du - Bí thư quận ủy (Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn), Hòa - Giám đốc Công an tỉnh (Chạy án của Nguyễn Như Phong), Yến Quên (Dưới chín mặt trời của Dương Hướng), Thanh (Gia phả của đất của Hoàng Minh Tường),... Cuối cùng, tác giả đã đi đến một nhận định rất chính xác, đầy thuyết phục khi cho rằng: Đề cập đến vấn đề này, các nhà văn đương đại muốn đặt lại vấn đề kế thừa, bảo lưu các chuẩn mực ứng xử về đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam vốn được lưu cửu từ lâu đời - một biểu hiện đầy tính nhân văn về phương diện đạo đức xã hội của các cây bút văn xuôi đương đại khi viết về vấn đề này. Cùng mạch nguồn đó, trong bài Tư duy truyện ngắn Việt Nam thời kỳ Đổi mới về đề tài đạo đức xã hội, TS Bùi Như Hải cũng đã có nhiều đánh giá, nhận định rất sắc sảo, có chính kiến riêng của mình trong việc luận bàn về vấn đề đạo đức thế sự trong truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tác giả cho rằng, trước hết “bắt nguồn từ sự thức nhận của các nhà văn trước hiện thực của cuộc sống xã hội và con người, mà sự hiện diện của nó là những hiện tượng tiêu cực, sự tồi tệ, sự tha hóa, nhếch nhác của xã hội, sự suy đồi đạo đức về con người”(tr.315). Sự tha hóa, suy đồi đạo đức diễn ra mọi lúc, mọi nơi và không chỉ có “những con người tha hóa trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, của tầng lớp trí thức, mà còn có cả sự tha hóa của người già, người trẻ, người lãnh đạo, nhà giáo, họa sĩ, bọn ma cô, bọn buôn lậu,...”(tr.319). Những khía cạnh ấy đã được truyện ngắn đương đại tiếp cận, thâm nhập, phản ánh một cách nhanh nhạy, sắc bén qua hàng loạt tác phẩm như Người vãi linh hồn (Vũ Bão), Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), Đêm dịu dàng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Người thợ xẻ (Nguyễn Huy Thiệp), Kịch câm (Phan Thị Vàng Anh), Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long),... Đặc biệt, tác giả đã dành sự quan tâm sâu sắc đến mặt trái của thời cơ chế thị trường đã làm rạn nứt đi mô hình văn hóa gia đình truyền thống của người Việt. Chính cuộc sống gia đình được “đặt vào bối cảnh cụ thể, và chịu sự tác động đa chiều của xã hội thì lối sống ích kỉ, buông thả theo những dục vọng thấp hèn, đồng tiền trở thành một lực vạn năng, bất chấp mọi nguyên tắc và những chuẩn mực đạo đức” đã biến những con người - nhân vật như Thủy (Tướng về hưu), các người con của lão Kiền (Không có vua),... trở thành bất nhân, bất nghĩa. Những cảnh tượng như thế đã “gióng lên một hồi chuông trước một hiện thực bất ổn, đồng thời bộc lộ sự lo ngại trước cơn suy thoái về nhân cách, đạo đức của con người một cách trầm trọng. Con người trở nên thái quá, vội quên cội nguồn và thờ ơ với mọi người sống chung quanh mình”(tr.322). Kết thúc tiểu luận, tác giả đã khẳng định rằng: Hướng về vấn đề đạo đức xã hội, truyện ngắn Việt Nam thời Đổi mới “thực sự là “chiến sĩ” tích cực nhất, xuất sắc nhất trên mặt trận tư tưởng của Đảng”(tr.324). Và trong tiểu luận Sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại, TS Bùi Như Hải cũng đã có một cái nhìn sắc nhạy, tinh tế trong việc chỉ ra những ưu và khuyết của thời cơ chế thị trường trong đời sống xã hội nông thôn nước ta, mà các nhà văn viết về đề tài nông thôn đương đại phản ánh một cách chân thực và sinh động. Hiện thực đời sống xã hội nông thôn và người nông dân Việt Nam trong quá trình đô thị hóa từ sau Đổi mới đến nay có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, cảnh quan làng quê khởi sắc, tươi đẹp,... Nhưng đồng thời cũng có những tác động trái chiều, làm nảy sinh những mặt trái, những tiêu cực, tình trạng chênh lệch giữa tầng lớp giàu và nghèo, vấn đề môi trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn lưu cữu trong đời sống sinh hoạt ở nông thôn nước ta bị đánh mất: “Sự nghèo đói, miếng ăn không chỉ làm cho người nông dân khốn khổ, mà còn trở nên hèn hạ, bần tiện hơn, thậm chí còn đánh mất đi cả bản chất lương thiện, làm tha hóa nhân cách”(tr.246). Đặc biệt các nhà văn viết về nông thôn quan tâm sâu sắc về thực trạng băng hoại, suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận nông dân không nhỏ đang có nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng: “Đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Ma làng (Trịnh Thanh Phong),... chúng ta sẽ thấy một bộ phận của người nông dân có lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, xem quyền lực, đồng tiền là “chúa tể”, là thước đo tất cả, để rồi hãm hại, trù dập những người nông dân hiền lành, trung thực,...”(tr.250). Từ đó, tác giả đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của các cây bút tiểu thuyết viết về nông thôn đương đại trong việc “mạnh dạn cảnh báo, quan tâm hăng hái chống lại cái xấu, cái ác, những ung nhọt đang còn tồn tại trong đời sống xã hội nông thôn với ước mong nông thôn nước ta ngày càng giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh hơn” (tr.252-253).
Và cuối cùng điểm nhấn của Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam là nhóm tiểu luận về một số cây bút vùng miền như Truyện ngắn Cao Duy Sơn trong mạch nguồn truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại, Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và người lính, Người lính thời hậu chiến trong truyện ngắn Cao Hạnh,... Đọc các tiểu luận này, độc giả sẽ thấy được sự tinh nhạy, sắc nét của tác giả trong việc lẩy ra, bóc tách được từng “bản đồ mĩ học” về truyện ngắn của từng tác giả. Truyện ngắn Cao Duy Sơn trong mạch nguồn truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại là một bài viết rất công phu, khá sâu sắc, bao quát trọn vẹn quá trình sáng tác, những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Cao Duy Sơn. Theo tác giả, đặt trong mạch nguồn truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại, thì Cao Duy Sơn ngoài in đậm dấu ấn vùng miền, còn có những sắc thái riêng, không lẫn với ai được, vì thế đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Nhà văn Cao Duy Sơn là một cây bút truyện ngắn sung sức, thành quả để lại trong hơn ba mươi năm cầm bút “đủ để ghi nhận khả năng sáng tạo, sự đam mê yêu nghề, đầy tâm huyết, đầy trăn trở trước thế sự nhân sinh của nhà văn Cao Duy Sơn”(tr.327). Nhà văn Cao Duy Sơn được dưỡng nuôi bởi nguồn mạch trầm tích văn hóa lịch sử lâu đời của một vùng đất “dồi dào sức sống bền lâu” Cô Sầu, vì thế bức tranh hiện thực đời sống và con người miền núi nơi đây luôn hiện diện trong các tác phẩm. Đặc biệt, truyện ngắn Cao Duy Sơn cuốn hút được người đọc bởi “những nét văn hóa “tươi ròng” của người miền núi Tây Bắc với những phong tục, tập quán mang đậm dấu ấn rất riêng khác,... Gắn với không gian văn hóa ấy là những cảnh sắc thiên nhiên, những lễ hội thường niên, những phong tục, tập quán lâu đời, có nền ẩm thực phong phú và đa dạng”(tr.331). Nét đặc sắc trong truyện ngắn Cao Duy Sơn nữa, đó là ở mỗi truyện ngắn nhà văn họ Cao “lại có cách khai thác, làm mới nhân vật của mình ở những góc độ khác nhau, góp phần tạo nên dấu ấn riêng khác so với các nhà văn cùng viết về đề tài này”. Và để tạo dựng bức tranh đời sống và con người - nhân vật trong truyện ngắn theo cách riêng của mình, Cao Duy Sơn đã sử dụng những kỹ thuật, những lối viết như cốt truyện, kết cấu, tình huống, tình tiết, không - thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu, cách tổ chức sự kiện và khắc họa nhân vật,... của truyền thống. Sau khi phân tích, nhận định, đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Cao Duy Sơn, tác giả đã khẳng định rằng: “Truyện ngắn Cao Duy Sơn đã góp thêm một cách nhìn, một lối viết, một giọng điệu và một cách cảm nhận mới để làm đa dạng thêm gia tài truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại. Qua đó, khẳng định được bản lĩnh, ý thức cũng như nhân cách của nhà văn họ Cao trong việc trân trọng, lưu giữ những giá trị nguồn cội của bản sắc văn hóa dân tộc Tày và các dân tộc thiểu số Việt Bắc nói chung”(tr.349-350). Bùi Như Hải cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu hai cây bút truyện ngắn xuất sắc đã từng/hiện đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Quảng Trị, đó là nhà văn Cao Hạnh và Văn Xương - cả hai đều là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam qua tiểu luận Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và người lính và Người lính thời hậu chiến trong truyện ngắn Cao Hạnh,... Ở hai bài viết này, tác giả đi sâu nghiên cứu về đề tài chiến tranh và người lính trong truyện ngắn của hai nhà văn này. Những đánh giá, những trích dẫn, nhận định đúng và trúng về đặc điểm, sự riêng khác của hai cây bút cùng viết về đề tài chiến tranh và người lính. Ở bài Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và người lính, sau khi tác giả điểm qua một số nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Văn Xương, tác giả đã có những khảo sát văn bản tác phẩm, so sánh, liên hệ ngang dọc mới có được những nhận định sắc sảo về mạch nguồn truyện ngắn của Văn Xương khi cho rằng: Suốt hơn hai mươi năm cầm bút, Văn Xương đã tự xây dựng cho mình một phong cách nghệ thuật với những nét độc đáo riêng khác khi tiếp cận, phản ánh hiện thực chiến tranh và người lính, làm hiện lên bức tranh toàn diện, đa chiều về cuộc chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc cũng như chân dung người chiến sĩ được đầy đặn hơn, giúp cho người đọc hiểu rộng và sâu về những khúc tráng ca, những bi thương cũng như cái giá phải trả cho cuộc sống hòa bình hôm nay của dân tộc ta rất lớn lao như thế nào”(tr.356). Chính cách nhìn, phản ánh này nên qua truyện ngắn của Văn Xương, người đọc đã thấy được “một cuộc chiến tranh khác, không ngược nghĩa, không “phủ định”, không chống lại”(tr.370). Tác giả bài viết cũng đã nêu bật một số điểm đổi mới, cách tân trong việc sử dụng phương thức nghệ thuật trong truyện ngắn của Văn Xương: “Nhà văn Văn Xương đã linh hoạt trong việc sử dụng phương thức. Nhiều phương pháp nghệ thuật truyền thống được cách tân, vận dụng và nhiều phương tiện nghệ thuật mới được tiếp biến”(tr.264). Còn ở bài Người lính thời hậu chiến trong truyện ngắn Cao Hạnh, TS Bùi Như Hải lại có một số đánh giá, nhận xét rất chính xác về nhà văn Cao Hạnh, điển hình như tác giả bài viết cho rằng: “Những vấn đề Cao Hạnh đề cập đến trong truyện ngắn viết về chiến tranh, về người lính thật sự không mới, những câu chuyện tưởng như bình thường trong cuộc sống hằng ngày nhưng qua ngòi bút của Cao Hạnh, thì lại trở nên hấp dẫn,... Những nét riêng trong việc tiếp cận mới về chiến tranh, về người lính từ quan niệm nghệ thuật về con người có thể phần nào nhận diện rõ hơn về cách nghĩ, cách viết và con người - nhà văn Cao Hạnh”(380-381).
Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của TS Bùi Như Hải - một công trình đầu tay nhưng đã tạo ra được một hiệu ứng tích cực trong việc đặt ra những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, góp phần xây dựng nền văn xuôi Việt Nam đương đại có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công chúng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Dẫu rằng, mỗi bạn đọc đều có những cách cảm nhận, đánh giá khác nhau, vì mỗi người có sự đọc và sự viết khác nhau. Nhưng tôi tin, độc giả sẽ rất thích thú, tìm thấy nhiều bổ ích, mở rộng tri kiến, bồi thêm tình yêu văn chương khi đọc tập tiểu luận, phê bình này trên văn đàn hiện nay. Tôi thiết nghĩ, qua công trình này, TS Bùi Như Hải xứng đáng được nhập “quốc tịch” cho mình tại lãnh thổ văn chương Việt Nam đương đại.
VX
(*) Nhân đọc tập sách tiểu luận, phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của Bùi Như Hải, Nxb. Văn học, 2020.
