Nhớ ngày đầu đến nhận công tác tại Văn phòng UBND tỉnh, khi gặp anh, tôi có một cảm giác rất khác lạ. Phải nói rằng ấn tượng đầu tiên là anh rất đẹp trai, phong thái như một tài tử điện ảnh. (Hồi ấy anh em Văn phòng UBND các tỉnh bạn bình chọn anh là Chủ tịch đẹp trai nhất 64 tỉnh thành của cả nước). Đặc biệt là thần thái của anh rất nghiêm nghị và như có ánh quang khiến người đối diện phải vị nể. Tôi thầm nghĩ: Đúng là “Hùm xám Đường 9” một thời.
Trong thời gian công tác ở Văn phòng UBND tỉnh, được ở gần anh càng hiểu và quý trọng anh hơn. Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, anh rất quyết liệt, tận tâm, tận lực với công việc và đầy khát vọng cống hiến… Trong đời thường anh hết sức gần gũi và quan tâm đến đời sống gia đình, công việc của từng cán bộ trong cơ quan. Thời gian đầu mới về công tác, tôi còn bỡ ngỡ với công việc, anh chỉ bảo rất tận tình. Những lần đi công tác, anh hay gọi tôi sang phòng trò chuyện. Ngoài công việc, anh em tâm tư tình cảm với nhau có hôm rất khuya, đặc biệt tôi được nghe anh kể về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị và Đường 9 Nam Lào mà anh cùng đồng đội đã chiến đấu, hy sinh. Anh kể say sưa như từng trang nhật ký sống hiển hiện lên trong anh vậy. Anh bảo: “Có thể nói rằng đối với quê hương Quảng Trị trong những năm tháng máu lửa ấy: Ra ngõ gặp anh hùng. Mỗi gia đình, mỗi con người Quảng Trị đều ẩn dấu một kỳ tích hào hùng, vì vậy những thành tích của mình chỉ là một câu chuyện nhỏ trong muôn vàn kỳ tích đó”. Có lần anh vừa kể, vừa ứa nước mắt khi nhắc đến những đồng đội, đồng chí hy sinh. Những câu chuyện về anh và đồng đội của anh, tôi nghe và nhớ như in mặc dù đã hơn hai mươi năm rồi. Người Cựu Chiến binh trên Mặt trận Đường 9 năm xưa: Một “huyền thoại” về lòng dũng cảm, sự gan dạ, mưu trí và cũng là nỗi khiếp đảm của quân thù, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Anh Nguyễn Minh Kỳ sinh ra, lớn lên tại thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền (Cam Mỹ cũ), huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Quê anh toạ lạc bên bờ sông Hiếu, có núi Ba Thung đứng trầm mặc nhìn về phía làng chứng kiến, che chở biết bao thăng trầm của mỗi người dân nơi đây. Khởi nguồn từ mạch ngầm Tá Linh và những suối khe muôn đời chưa ngưng nghỉ, hội tụ linh khí trời đất để tạo nên một cặp tình sông núi Linh Sơn - Hiếu Giang. Sông Hiếu lặng lờ trôi giữa đôi bờ lịch sử. Sông như dòng thiên sứ nuôi nấng vạn vật bên bờ. Khi mùa mưa về, dòng sông lại mang nặng phù sa chia cho bờ bãi, nuôi mùa màng tốt tươi, cho người dân dãi dầu nụ cười no ấm… Với tâm hồn của người dân Quảng Trị, sông Hiếu là một dòng sông thơ mộng. Từ cầu Cam Tuyền hướng về xuôi, thiên nhiên đã sinh ra những bãi đá mọc ngay giữa lòng sông, tạo thành những thác nước tung bọt trắng xoá nên thơ mà kỳ vĩ. Khi bình minh lên hay những buổi chiều tà, dòng sông Hiếu như dải lụa hồng nhuận sắc, tựa hồ như màu bình minh, màu ráng chiều rơi xuống, tan ra giữa dòng trôi. Mỗi lần qua làng đi trên chiếc cầu mà người dân thường gọi là cầu “Ông Kỳ”. Họ đặt tên cho chiếc cầu như một sự tri ân người đã khai sinh ra nó. Lại như hoan hỉ gọi tên mơ ước ngàn đời nay đã thành hiện thực. Ngày trước, ở dưới mạn chân cầu có một bến đò, tên gọi là bến đò Ba Thung. Con đò chở người đi kháng chiến, chở người về qua chợ sinh sống. Đến thời đánh Mỹ con đò lại chở cán bộ, bộ đội, du kích ra vào vùng chiếm cứ. Không biết bao nhiêu con đò, bao nhiêu kiếp người chèo lái. Họ đã về đâu đó trong miền hoài niệm của một thời vắng xa, chỉ còn dòng sông và bến đò ở lại. Bến đò như ông già thời gian lặng lẽ đếm từng bước chân bao người con quê hương ra trận mãi chưa thấy trở về…
Anh Nguyễn Minh Kỳ được sinh ra trên quê hương và gia đình giàu truyền thống cách mạng. Đó chính là tiền đề, là nguồn sinh lực quý giá nhất, là con đường ngắn nhất để anh đến với Đảng và trưởng thành. Ba và Bác ruột anh là những người sớm tham gia hoạt động cách mạng và đã chiến đấu hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Mẹ anh cũng tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt tra tấn dã man và giam cầm ở nhiều nhà tù của Mỹ Ngụy trong thời kỳ chúng thực hiện "Luật 10 - 59". Bà nội anh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Tiếp bước cha anh, được sự dìu dắt, giáo dục, rèn luyện của Đảng và với lòng căm thù giặc cao độ, quyết đền nợ nước, trả thù nhà, năm mười lăm tuổi anh chính thức tham gia du kích và hoạt động trong vùng địch tạm chiếm ở huyện Cam Lộ. Đến năm 1964 thoát ly vào hoạt động trong lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động ở một địa bàn hết sức ác liệt, bản thân anh một lòng một dạ đi theo cách mạng, không tiếc tuổi xuân của mình, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường bám địa bàn, theo sát các diễn biến của địch để đề ra kế hoạch chiến đấu và tổ chức chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống để dành thắng lợi.
Anh đã tham gia nhiều trận đánh Mỹ - Ngụy và diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng ở vùng này. Năm 1967 - 1968 địch đã dùng máy bay rải truyền đơn khắp vùng rừng núi và đồng bằng, ở nông thôn và thành thị, chúng vẽ ảnh và khẩu hiệu: “Ai bắt hoặc giết được tên Việt cộng nằm vùng Nguyễn Minh Kỳ được thưởng 100 lượng vàng”. Trong các cuộc hành quân của Mỹ ngụy, chúng kêu gọi Vi Xi (tức Việt cộng) Kỳ ra đầu hàng chính phủ Việt Nam Cộng hòa sẽ được trọng dụng và đối xử như một sĩ quan cấp cao của Mỹ- Ngụy.
Anh đã hoạt động dưới nhiều hình thức, cải trang lính ngụy đi vào vùng địch, đánh cả ban ngày, ban đêm, xuất hiện bất kỳ lúc nào nên bọn Mỹ ngụy hoảng sợ nơm nớp lo âu. Vùng nào chúng cho là mất an toàn (Vi Xi Kỳ xuất hiện) thì bọn tề ngụy đề phòng hết sức cẩn mật rồi co cụm lại không dám hành quân ra bên ngoài vùng ven.
Với những trận đánh bí mật bất ngờ, đánh xáp lá cà trên Đường 9, sau đó bọn Mỹ - Ngụy gọi Vi Xi Kỳ là “Hổ xám Đường 9”.
Một số trận chiến đấu nổi bật của anh và đồng đội:
- Trận đánh tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng:
Năm 1965 để hỗ trợ cho phong trào quần chúng, phá thế kìm kẹp của địch, anh đã chỉ huy diệt tên công an khét tiếng ở vùng Cam Lộ - Đây là một tên nguyên cán bộ của ta về đầu hàng địch sau Hiệp định Giơ - ne - vơ năm 1954. Mặc dù bao quanh đồn bốt, bên cạnh Chi khu Cam Lộ và chúng cho rằng vùng này là an toàn nhất, cộng sản đột nhập vào chỉ còn xác chết tại chỗ. Sau trận diệt tên ác ôn này, bọn địch hoang mang, lo sợ, chúng cho là cộng sản xuất quỷ nhập thần ở mọi nơi, mọi lúc.
- Trận đánh tiêu diệt Trung đội lính Xì Chuồn ở Cam Lộ - tháng 2/1967:
Lực lượng này chúng cho là tinh nhuệ nhất, đạn bắn không thủng da. Chủ trương của Bộ Chỉ huy Tiểu khu Quảng Trị, là tuyển dụng thanh niên người dân tộc, những tên trung thành với chế độ cộng hòa, đã được đi huấn luyện quân sự khá chính quy, kể cả võ thuật, do tên Xì Chuồn làm trung đội trưởng và tên Avia trung đội phó. Lực lượng này, chủ yếu lùng sục các căn cứ đóng quân, các cơ quan huyện, xã, các tuyến hành lang, hành quân của ta rồi tập kích tiêu diệt. Đánh xong chúng chạy vào rừng nhanh như chớp (Vì người dân tộc rất thông thạo vùng rừng núi). Những vùng nào chiến sự ác liệt nhất đều có bọn chúng. Chúng hống hách, khống chế quần chúng, đi đâu là đàn áp, cướp bóc tài sản của dân. Đã có một số trận ta bị chúng phục kích hy sinh khá nặng.
Do đó, nhân dân ở vùng này rất lo lắng mỗi khi bọn chúng xuất hiện. Bộ đội ta (kể cả bộ đội chủ lực) cũng e ngại Trung đội lính Xì Chuồn.
Sau tết âm lịch vào tháng 2/1967, anh đã họp đơn vị, phân tích mặt mạnh, yếu của chúng, rồi trấn an tinh thần cho bộ đội: con người bằng xác thịt không có lý do gì mà đạn thẳng và B40 bắn không thủng da, không chết - Đây chỉ là đòn tâm lý chiến của địch làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta.
Sau khi nắm tình hình và quy luật hoạt động của chúng, anh đã chỉ huy và hạ quyết tâm trong đơn vị phải tiêu diệt bằng được Trung đội này của địch (Lúc này đơn vị chỉ có 2 tiểu đội). Từ địa điểm đóng quân lúc một giờ sáng, đơn vị anh băng rừng, lội suối hành quân đến địa điểm phục kích thì đã gần bốn giờ sáng. Hai ngày đầu phục kích không có địch, đơn vị anh phải rút quân về, đến đêm thứ ba thì đúng như phương án tác chiến, Trung đội Xì Chuồn đã lọt vào trận địa, ta đồng loạt nổ súng cả 3 mũi: chính diện, thọc sườn và bọc đích. Chỉ sau 10 phút chiến đấu ta đã diệt gọn cả 29 tên thu toàn bộ chiến lợi phẩm, làm chủ trận địa. Sau trận chiến đấu thắng lợi đó đã cũng cố lòng tin đối với bộ đội và ổn định tinh thần cho quần chúng nhân dân. Và Trung đội Xì Chuồn tinh nhuệ này đã hoàn toàn bị xoá sổ.
- Trận đánh tại thôn Ba Thung, xã Cam Mỹ, huyện Cam Lộ - tháng 3/1967: Sau những lần lính nghĩa quân và Mỹ mũ nồi xanh phục kích, một số cán bộ, bộ đội ta hy sinh (Trong đó có Đ/c Nguyễn Văn Thuần, Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Ban Tuyên huấn huyện Cam Lộ, là ba của anh Nguyễn Minh Kỳ). Hàng ngày một trung đội nghĩa quân và một tiểu đội Mỹ mũ nồi xanh, lùng sục, làm cho quần chúng lo sợ; một số dân, chúng cho là Vi Xi (Cộng sản) rồi bắt, bắn hàng loạt, trong đó có nhiều người già và trẻ em. Với ý chí sục sôi căm thù, nợ máu phải trả bằng máu cho đồng đội và đồng bào, anh đã chỉ huy mai phục trên các tuyến đường lùng sục của chúng, đúng như phương án tác chiến đã định. Một trung đội nghĩa quân và một tiểu đội Mỹ mũ nồi xanh bị ta tiêu diệt gọn (30 lính ngụy và 12 tên Mỹ đã đền mạng, không sống sót một tên nào). Chiến thắng này làm cho quần chúng hả lòng, hả dạ, bọn Mỹ, Ngụy hốt hoảng, đi đâu làm gì cũng sợ hạ sĩ Kỳ, rồi Vi Xi Kỳ.
- Dùng mìn định hướng đánh cháy một máy bay HU1A của lính Mỹ - tháng 9/1967:
Tháng 9/1967, lính Mỹ đã dùng máy bay để phát hiện nơi đóng quân và căn cứ của ta, rồi dùng Róc Két và súng 12 ly 7 để tấn công. Sau khi nghiên cứu địa hình, anh và đồng đội đã cài ba quả mìn định hướng vào các thân cây, có độ cao từ 7 - 10m, rồi đốt lửa ở dưới gốc cây, lửa và khói bùng lên, ba chiếc máy bay trực thăng HU1A lượn vòng quanh và bắn vào đống lửa, một chiếc vòng vào tán cây, các cành cây bung ra và ba quả mìn định hướng đều nổ một lúc, một chiếc máy bay trúng mìn bóc cháy và rơi ở cao điểm 137, Bắc Đường 9, có ba tên Mỹ trong chiếc máy bay chết và xác bị cháy thành tro. Sau vụ đánh mìn trên không, âm mưu của địch tấn công vào hậu cứ của ta bị chặn đứng không dám hoành hành như trước nữa.
- Trận đánh ở Đồi Dầu, thôn Tân Mỹ, xã Cam Mỹ, huyện Cam Lộ - tháng 4/1968: Sau các trận đánh bọn lính địa phương bị ta tiêu diệt, thiệt hại khá nặng nề, Tiểu khu Quảng Trị đã tăng cường một đại đội địa phương quân lên chốt giữ và bao vây các vùng mà chúng cho là có tiếp tế cho cộng sản nằm vùng. Anh đã nắm tình hình cơ sở của ta báo tin, rồi lên kế hoạch và phương án tác chiến bằng mọi cách phải tiêu diệt đại đội này. Vào lúc 01h sáng (Tháng 4/1968) anh đã chỉ huy đơn vị chia thành 3 mũi tiến vào Sở Chỉ huy địch, dùng bọc phá và tiểu liên đánh liên tục, sau 15 phút ta đã tiêu diệt gọn đại đội này gồm 120 tên, ta chỉ một đồng chí bị thương nhẹ. Trận đánh này đã hỗ trợ phong trào quần chúng đấu tranh, và đã khẳng định không chỉ vùng ven mà cả các vùng khác chúng cho là an toàn nhất, cộng sản cũng vào đánh.
- Dùng mình chống tăng tiêu diệt Ban Chỉ huy Liên đoàn Bình định của Ngụy Sài Gòn - tháng 4/1969.
Sau mùa xuân năm 68 địch bị ta tấn công khắp trên chiến trường Miền Nam, cuối 1968 và đầu năm 1969 địch phản kích, bên ngoài cày ủi lập vành đai trắng hòng chia cắt lực lượng cách mạng với nhân dân, bên trong chúng tập trung lực lượng bình định nông thôn, thanh lọc quần chúng, đánh đập tra tấn hết sức dã man. Chúng đưa về địa bàn Cam Lộ hàng ngàn tên lính bình định, công an, cảnh sát, lực lượng tình báo, mật vụ, ở Cam Lộ cứ một người dân có ba tên địch kềm kẹp.
Sau khi nắm tin anh đã bố trí cơ sở mật, trinh sát nắm tình hình và hoạt động của Liên đoàn Bình định. Hàng ngày sau các đợt thanh lọc, tra tấn quần chúng, buổi chiều Ban Chỉ huy Liên đoàn Bình định xuống sông Hiếu - Cam Lộ tắm có sự canh gác dày đặc của địch. Nắm được tình hình và quy luật của chúng, anh chỉ huy cùng ba đồng chí hạ quyết tâm dùng mìn chống tăng gài kíp điện để tiêu diệt bọn chúng. Để đề phòng chúng phát hiện anh chỉ huy đào hố chôn mìn, đất phải đem đi đổ xa hơn 500 m, rải dây dài gần 700 m, băng qua sông Hiếu, có đoạn sâu gần 3m, anh em lặn xuống lấp dưới đá. Theo phương án đã định, chiếc xe Jeep chở Ban Chỉ huy địch xuống bờ sông để tắm và sau 30 phút sẽ quay lại nơi đóng quân. Đúng 16h xe vừa lăn bánh đến chỗ đặt mìn, bọn chúng chưa kịp xuống xe, anh bấm kíp, mìn nổ, chiếc xe Jeep bay lên, có tên bị bay cao trên chục mét. Kết quả, tên đại úy Liên đoàn trưởng, tên trung úy Liên đoàn phó, một tên thiếu úy, một tên chuẩn úy đã đền mạng. Sau thắng lợi trận này, nội bộ chúng nghi ngờ lẫn nhau, nghi có cộng sản nằm trong hàng ngũ của địch, còn nhân dân rất phấn khởi, vì kẻ gây tội ác phải đền máu với nhân dân. Chiến dịch bình định của địch bị chặn đứng, thất bại phải rút quân về căn cứ.
Trong quá trình hoạt động ở chiến trường Nam Bắc đường 9, anh đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên 300 trận, diệt 105 tên địch, thu nhiều vũ khí, các trang thiết bị phục vụ chiến tranh và sử dụng lại vũ khí của địch để tiêu diệt địch. Với sự hăng say và nhiệt tình cách mạng, anh đã được đồng chí, đồng đội tin yêu, tổ chức tin tưởng giao đảm đương công tác lãnh đạo trên nhiều cương vị khác nhau: Công tác Đảng, chính quyền, công an, quân sự và dân vận; Với cương vị là người lãnh đạo anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm hai mươi lăm tuổi được bầu Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Bí thư Huyện uỷ huyện Cam Lộ. Do lập được nhiều chiến công xuất sắc, anh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Độc lập hạng II, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 15 Huân chương Giải phóng hạng 1, 2, 3 và 13 bằng Dũng sỹ diệt Mỹ.
Một lần tôi hỏi anh: Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đề nghị anh báo cáo thành tích và làm các thủ tục để xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, sao anh lại từ chối. Anh bảo: “Thành tích của cá nhân cũng là thành tích của tập thể. Nếu không có đồng chí, đồng đội thì làm sao mình lập được những chiến công ấy. Mình may mắn còn sống, chứ bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh, mà trong đó còn nhiều người chưa tìm thấy hài cốt. Họ mới là những người xứng đáng được vinh danh, truy tặng… Còn những chiến công của mình được sống trong lòng đồng đội, trong lòng nhân dân là niềm hạnh phúc lớn lao rồi”. Sau đó anh tự mình viết thành tích cho những đồng đội đã hy sinh đề nghị nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng.
Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, anh đã tiến hành xây dựng Nhà bia tưởng niệm 13 liệt sĩ, hy sinh tại núi Hồ Khê, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Anh xúc động kể:
Sau khi thất bại mùa xuân năm 1968, Mỹ đã tập trung lực lượng cơ giới san ủi, lập vành đai trắng phía Bắc Đường 9 hòng chia cắt lực lượng cách mạng với quần chúng.
Thàng 2 năm 1969, địch đã tập trung lực lượng không quân, pháo binh, bộ binh, xe tăng đánh ra vùng Bắc Đường 9.
Anh chỉ huy lực lượng địa phương Cam Lộ phối hợp với một đơn vị của Trung đoàn 27 chốt giữ vùng núi Hồ Khê và Đá Bạc (Lực lượng địa phương Cam Lộ chốt núi Đá Bạc, đơn vị Trung đoàn 27 chốt ở núi Hồ Khê) địch đã đổ bộ đúng địa điểm dự kiến, các chiến sĩ đã chiến đấu với một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, do cuộc chiến đấu không cân sức, phải chiến đấu hơn tám tiếng đồng hồ, 13 đồng chí đã chiến đấu diệt 70 lính Mỹ, bị thương trên 50 tên, bắn cháy một xe tăng M148. Địch đã dùng hỏa lực cả không quân, pháo binh, bộ binh tiến công nên 13 đồng chí đã hy sinh. Sau đó chúng kéo xác các anh bỏ vào một hố rồi dùng mìn đánh bay đi tứ tung. Sáng ngày hôm sau, anh đã chỉ huy lực lượng biệt động đi tìm xác anh em, nhặt những cánh tay, bắp chân, xương sườn, đầu… có xác bay xa trên 100 m. Sau đó anh và đồng đội mai táng 13 đồng chí vào một mộ tập thể.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, ngôi mộ tập thể của 13 đồng chí, do bom đạn cày đi, xới lại, địa hình biến dạng và sau đó trồng cây lâm nghiệp nên bị thất lạc. Trong suốt những năm đó anh luôn trăn trở, nhức nhối, một điều tâm niệm, thôi thúc khôn nguôi là làm sao tìm được hài cốt của đồng đội và anh đã nhiều lần băng rừng lội suối đi tìm nhưng đều thất vọng.
Một điều thật may mắn và như linh hồn các Anh đã phù hộ, năm 2004 từ nguồn tin của bà con ở vùng này phát hiện được một ngôi mộ tập thể. Sau khi xác minh đúng là ngôi mộ của 13 liệt sĩ đã bị thất lạc, gia đình anh thuê nhân công xây dựng Nhà bia mộ và đã hoàn thành vào ngày 22.12.2005.
Tìm thấy hài cốt và xây dựng hoàn thành Nhà bia mộ, anh thật sự yên lòng vì từ đây các đồng đội đã có nơi để nhân dân, người thân đến phúng viếng, dâng hương, dâng hoa, đồng thời để giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý tốt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn’’, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Anh tâm sự: Tìm được đồng đội, rồi ngày ngày được hương khói, chăm sóc, đó là tâm nguyện cháy bỏng, niềm vinh dự lớn lao và là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của anh để tri ân các đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc./.
VX